Khủng hoảng di cư: Khi những đứa trẻ “bốc hơi”

Thứ Năm, 02/06/2016, 10:28
Cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đã diễn ra hơn một năm qua và Liên minh châu Âu (EU) đã dùng "trăm phương nghìn kế" để tìm lời giải cho bài toán khó này. Tuy nhiên, vấn đề chẳng những không được giải quyết, mà còn xuất hiện thêm những khó khăn, thách thức mới.

Trong một báo cáo vừa công bố, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo cuộc khủng hoảng di cư có nguy cơ trầm trọng hơn do những vấn đề liên quan đến trẻ em. Theo đó, hơn 60 triệu người, một nửa là trẻ em, đã phải trốn chạy khỏi các cuộc xung đột bạo lực và hiện phải sống trong cảnh tị nạn không nhà cửa. 

Tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) đã đưa ra cảnh báo về việc ít nhất 10.000 trẻ em tị nạn không có người thân đi kèm đang mất tích sau khi đặt chân đến châu Âu, và nhiều em trong số đó có thể đã rơi vào tay các tổ chức buôn người, thậm chí bị lôi kéo và đào tạo bởi bàn tay của những kẻ Hồi giáo cực đoan.

Mất tích bí ẩn

Số lượng trẻ em di cư đến châu Âu đang có dấu hiệu tăng dần, nguy hiểm hơn khi các em không hề có gia đình hay bất cứ người thân nào bảo vệ. Chỉ tính riêng tại Thụy Điển, số trẻ em di cư không có người thân hay chưa đủ tuổi tị nạn đến quốc gia Bắc Âu này năm 2015 đã lên tới gần 36.000 em. 

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron mới đây đã từ chối tiếp nhận 3.000 trẻ em tị nạn rải rác tại châu Âu và cho rằng việc làm này sẽ chỉ thúc đẩy, khuyến khích tình trạng di cư. 
Số lượng trẻ em di cư đến châu Âu "bốc hơi" bí ẩn đang có dấu hiệu tăng dần khi các em không hề có gia đình hay bất cứ người thân nào bảo vệ.

Tuy nhiên, sau đó, chính phủ Anh đã nhượng bộ và đồng ý tiếp nhận thêm trẻ em di cư không có người đi cùng từ các trại tị nạn ở xung quanh Syria. "Đảo quốc sương mù" có thể sẽ đón tối đa 20.000 trẻ em di cư từ nay đến năm 2020.

Theo thống kê của Tổ chức nhân đạo Save the Children (Cứu lấy trẻ em), có khoảng gần 50.000 trẻ em không có người thân đi kèm đã đến châu Âu trong năm ngoái. Europol, với lực lượng nhân sự hùng hậu gồm 900 chuyên gia phân tích tình báo và sĩ quan cảnh sát, cho rằng con số ước tính 10.000 trẻ em bị mất tích có lẽ còn quá thấp. 

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Đức công bố đầu tháng 4/2016, trong năm 2015, có tới gần 6.000 trường hợp trẻ em và vị thành niên mất tích tại Đức. Cơ quan này cho biết thêm, số trẻ này không có người đi cùng và các em chủ yếu đến từ Afghanistan, Syria, Eritrea, Morocco và Algeria. 

Sự biến mất đột ngột của những đứa trẻ di cư không phải vấn đề của riêng Đức. Chỉ riêng tại Italia, số trẻ em tị nạn mất tích lên tới 5.000 em, trong khi ở Thụy Điển, con số này là 1.000.

Trẻ em di cư mất tích không chỉ là nỗi đau của các gia đình, mà còn là gánh nặng đè lên vai các nhà chức trách châu Âu. Các cơ quan chức năng nhiều nước châu Âu không thể lý giải được nguyên nhân của số lượng người di cư bị mất tích đang tăng một cách đáng báo động. 

Trước sự bất lực của giới chức các nước sở tại, Europol buộc phải mở các cuộc điều tra; nhưng cho đến nay, những vụ mất tích vẫn là những câu hỏi lớn không lời giải đáp. Sự việc nghiêm trọng đến mức, một cuộc điều tra lớn đã được trình lên Quốc hội Đức. 

Một số chính trị gia thậm chí còn công kích chính phủ Đức vì đã không có bất kỳ hành động nào để giải quyết vấn nạn này. Họ cáo buộc chính quyền không để ý đến "sự nguy hiểm của nạn lạm dụng" đối với những người nhập cư.

Trẻ em nhập cư trở thành miếng mồi ngon của các băng đảng tội phạm buôn người, hay những kẻ Hồi giáo cực đoan và các tổ chức khủng bố.

Miếng mồi ngon của tội phạm

Europol cảnh báo, tội phạm xuyên châu Âu giờ đây đang nhằm vào người tị nạn, đặc biệt là trẻ em. Đây là những đối tượng dễ bị dụ dỗ và nhiều khả năng có thể rơi vào tay bọn buôn người hoặc các băng nhóm buôn bán ma túy. 

Europol hiện đang có trong tay bằng chứng cho thấy, một số trẻ di cư ở châu Âu đã bị lạm dụng tình dục, coi như chi phí trả cho những kẻ buôn người đưa những người tị nạn sang châu Âu. 

Cơ quan này khẳng định sẽ tìm thêm bằng chứng từ các tổ chức đang làm việc trên các tuyến đường di cư qua các quốc gia vùng Balkan, đồng thời kêu gọi các cộng đồng dân cư đề cao cảnh giác và quan tâm hơn đến các cộng đồng di cư sống xung quanh để phát hiện giúp các cơ quan chức năng những trường hợp có thể là trẻ em di cư bị lạm dụng.

Europol cũng từng đề cập tới khả năng tình trạng trẻ em nhập cư biến mất không dấu vết là do bàn tay của những kẻ Hồi giáo cực đoan và các tổ chức khủng bố. Chúng đặc biệt chú ý tới trẻ em và thanh thiếu niên không có gia đình bảo vệ, cố gắng chiêu mộ và đào tạo những cá nhân "ngây thơ và dễ tẩy não" để đưa vào hàng ngũ thánh chiến. 

Những kẻ cực đoan đặc biệt muốn săn lùng những đứa trẻ có sức khỏe tốt, có khả năng thực hiện những công việc "bẩn thỉu" mà chúng giao cho như buôn lậu thuốc phiện, cướp bóc và thực hiện các vụ tấn công khủng bố. 

"Khi người di cư đến đây, họ không hề có tiền. Bởi vậy, họ được những kẻ chiêu mộ chỉ cho cách kiếm tiền một cách nhanh chóng mà không cần phải đào tạo", báo cáo của Europol cho biết.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi hiện nay, giới chỉ huy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang gặp khó khăn trong việc chiêu mộ và giữ chân các cá nhân chủ chốt. Để lấp những lỗ hổng này, IS lại xoay sang chiến lược chiêu mộ, đào tạo và sử dụng binh lính trẻ em. 

Europol xác nhận, IS đã cho phép binh lính trẻ em tham gia các hoạt động cùng các chiến binh trưởng thành khác. Theo kế hoạch đào tạo của IS, lực lượng binh lính nhí này ban đầu được giao nhiệm vụ thu thập tin tình báo, do thám thông tin, sau đó sẽ được IS sử dụng nhằm tiến hành các cuộc tấn công liều chết. 

Thế nên, bắt đầu xuất hiện một quan ngại đặc biệt về số lượng trẻ em gia nhập các cuộc chiến vì tư tưởng cực đoan ngày càng tăng. Một số báo cáo cho thấy, trẻ em đang được tuyển mộ vào các phe phái trong cuộc xung đột, với mức lương lên tới 400 USD/tháng.

Các em cần được bảo vệ

Vấn đề trẻ di cư không có người giám hộ hiện nổi lên là một trong những câu hỏi gây quan ngại nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu. Đa số các em nhỏ đều bị căng thẳng, sợ hãi hoặc sang chấn tâm lý vì bị tách khỏi bố mẹ, bị ngược đãi trên đường sang châu Âu, hay trở thành nô lệ lao động hoặc "miếng mồi" của bọn buôn bán nội tạng. 

Những đứa trẻ "bốc hơi" khi vào đến châu Âu có số phận khá mong manh, song vẫn còn may mắn hơn nhiều em khác đã phải bỏ mạng trên biển khi chưa đến được "miền đất hứa" hoặc ốm đau, bệnh tật trong những trại tị nạn ở châu Âu. 

Kể từ tháng 9/2015 đến nay, trung bình mỗi ngày có 2 trẻ em bỏ mạng trên biển, khi gia đình của các em cố gắng vượt qua Địa Trung Hải đến châu Âu. Và tất nhiên, con số trẻ em thiệt mạng đang không ngừng gia tăng. Theo đó, con số trên thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều, bởi thi thể của các em đã không được tìm thấy trên biển.

Tổ chức Save the Children khẩn thiết kêu gọi chính phủ các nước châu Âu và cộng đồng quốc tế chung tay hành động vì trẻ em di cư, bởi các em là đối tượng cần và xứng đáng được giúp đỡ và bảo vệ. 

Trên thực tế, trước khi những biện pháp an ninh được thực thi, nhiều quốc gia châu Âu đã triển khai nhiều dự án chăm sóc cho trẻ em di cư bị thất lạc gia đình. Tuy nhiên, các nước đều thừa nhận gánh nặng trẻ nhập cư là rất lớn, đặc biệt phải tìm đủ nơi ở cho trẻ tị nạn và cũng không có đủ nhân lực để chăm sóc, quản lý hết các em. 

Chưa hết, vấn đề trẻ tị nạn đang tạo ra một áp lực lớn cho trung tâm phúc lợi thanh thiếu niên. Rõ ràng, để giải quyết vấn đề trẻ em nhập cư mất tích, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan an ninh châu Âu và các tổ chức xã hội. Nhưng đảm bảo cuộc sống an toàn cho các em nhỏ mới chỉ là điểm bắt đầu, châu Âu sẽ cần thêm nhiều giải pháp để giúp các em hòa nhập và trở thành công dân có ích tại đất nước quê hương thứ hai của mình…

Lê Nam
.
.