Khủng bố trắng Khởi nghĩa Nam Kỳ và chuyện chưa kể về Hoàng hậu đỏ

Thứ Sáu, 20/11/2015, 15:51
Trước sự bất khuất của chị Nguyễn Thị Bảy, bọn lính bót Pô-lô đành bó tay khuất phục. Chúng đặt cho chị biệt danh “Hoàng hậu đỏ”, chuyển chị qua khám Phú Mỹ - nơi biệt giam những nữ tù nhân để chờ ngày đưa ra tòa án quân sự kết án...

Tên gọi Hoàng hậu đỏ

Tân An và Chợ Lớn là một vùng đất hứng chịu nhiều tổn thất trong khủng bố trắng Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, do nhà cầm quyền thực dân Pháp quyết giữ lấy an ninh ngay trên vùng đất sát thủ phủ Nam Kỳ. Có nhiều người con ưu tú của Long An hy sinh, biết bao cán bộ Đảng viên rơi vào tay quân Pháp. Những người mẹ, người chị trên đất Tân An - Chợ Lớn lại phải hứng chịu bao đau thương và mất mát không gì bù đắp nổi. Và cũng chưa bao giờ khí phách những người khởi nghĩa để lại trong nhân dân lòng kính phục, yêu mến đến như thế…

Ở Cần Giuộc, sau hơn 20 ngày nhân dân vùng lên sôi sục và quyết liệt, bọn thực dân Pháp bắt đầu khủng bố trắng. Ở các làng “cộng sản dậy”, hầu như nơi nào cũng diễn ra các vụ tàn sát, bắn giết của địch. Do bị khai báo, Tổng Phước Điền Trung là nơi có số nghĩa quân bị địch bắt nhiều nhất.

Đến giữa tháng 12, nhiều đồng chí và quần chúng cách mạng trung kiên lần lượt sa vào tay giặc. Đồng chí Nguyễn Văn Ớt, trong ban chỉ đạo khởi nghĩa của Cần Giuộc cũng hy sinh. Nhiều ngôi nhà ở Phước Lại, Phước Vĩnh Tây, Long Đức Đông bị đốt cháy, trong đó có cơ ngơi của ông Trần Chí Mười - một điền chủ lớn trong vùng, thân sinh của đồng chí Nguyễn Chí Nam - Tỉnh ủy viên, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh Chợ Lớn.

Vào khoảng 3h chiều ngày 14/12/1940, hai đồng chí Nguyễn Thị Bảy, Trần Chí Nam trên đường đi công tác định sang kinh Hàn tước khẩu súng hơi của tên Hương chánh Gần, qua bến đò làng Long Đức Đông, cách thị trấn Cần Giuộc chừng một cây số, bất ngờ gặp một toán lính Lê Dương đi càn quét. Biết bị lộ, hai đồng chí tạt xuồng vào mé bờ. 

Đồng chí Trần Chí Nam nhảy lên bờ cùng với một khẩu súng, liền bị bọn lính Lê Dương bắn rượt, hy sinh tại chỗ. Còn một mình, chị Bảy nhảy xuống sông, ráng sức nhấn chìm chiếc xuồng để thủ tiêu tài liệu. Địch nhảy xuống, bắt lấy chị. Chúng ném chị lên ghe ông Mười Nhứt, bắt ông chở thẳng chị về đồn rồi thủ tiêu luôn ông Mười…

Do có bọn tề nhận mặt, địch biết rõ danh phận của chị Nguyễn Thị Bảy - Tỉnh ủy viên tỉnh Chợ Lớn, Bí thư quận ủy, Trưởng ban khởi nghĩa Cần Giuộc. Ngay khi bị bắt, chị bị địch đánh đập vô cùng tàn nhẫn. Chúng lấy súng đánh vào đầu chị, máu tuôn ướt đẫm. Chị lấy máu mình bôi vào bọn chúng rồi nói: “Tôi muốn cho các người thấy tôi cũng như các người, cũng đầu đen máu đỏ, là người Việt Nam da vàng như nhau. Tôi chỉ là một người đàn bà yêu nước, các người đánh tôi như thế này không thấy nhục sao?!”. Dọc đường về khám, chị Bảy không ngừng tuyên truyền, thuyết phục bọn lính.

Anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Bảy - Hoàng hậu đỏ (1908 - 1941).

Từ Cần Giuộc, chúng giải chị Bảy về bót Pô-lô. Lúc bấy giờ, bót  Pô-lô nằm sau nhà thương Chợ Rẫy, là một “chi nhánh” của nhà tù Catina và Khám Lớn Sài Gòn. Chính nơi đây, địch đã cho thủ tiêu nhiều tù nhân Cộng sản. Chúng dùng đủ cực hình dã man tra tấn chị. Mỗi lần bị nhục hình, chị trừng mắt nhìn thẳng mặt quân thù, đanh thép nói: “Chúng bây là bọn người cướp nước và bán nước! Vì vậy chúng tao là những người Cộng sản có nhiệm vụ cùng nhân dân đánh đổ bọn bây, giành lại nền độc lập cho đất nước”.

Trước sự bất khuất của chị Bảy, bọn lính bót Pô-lô đành bó tay khuất phục. Chúng đặt cho chị biệt danh “Hoàng hậu đỏ”, chuyển chị qua khám Phú Mỹ - nơi biệt giam những nữ tù nhân để chờ ngày đưa ra tòa án quân sự kết án. Từ nhà lao này qua nhà tù khác, chị luôn giáo dục chị em hãy vững tin ở ngày mai… Vào khám Phú Mỹ, chị Bảy bị giam chung với chị Nguyễn Thị Minh Khai - Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã bị bắt giam trước đó.

Dưới sự lãnh đạo của chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Bảy cùng với toàn thể chị em tù tổ chức đấu tranh tuyệt thực, buộc địch phải thực hiện yêu sách, cho mở một số cửa sổ để tù nhân bớt ngột thở. 

Chị Nguyễn Thị Bảy luôn quan tâm, thương yêu, giúp đỡ bạn tù, từ việc sắp xếp, ăn ở vệ sinh, học tập văn hóa, chính trị cho đến kế hoạch đấu tranh, chống lại âm mưu thâm độc của bọn cai tù định chia rẽ lực lượng của ta. Chị được chị em trong khám tín nhiệm, thường gọi chị là “bà Cố Hỷ” bởi chị làm được những điều khó nhất, “linh như bà Cố Hỷ”. Chị Nguyễn Thị Bảy thường căn dặn các đồng chí: “Sớm muộn gì địch cũng xử tử tôi. Chị em cứ mạnh dạn đấu tranh, có chuyện gì  tôi nhận hết!”.

Sau 4 tháng bị giam giữ, chị Bảy bị kết án tử hình. (Chị Nguyễn Thị Bảy và Nguyễn Thị Minh Khai là hai trường hợp lãnh án tử hình trong danh sách 100 nữ tù chính trị bị kết án). Hôm ra tòa, chị Bảy vẫn lạc quan, bình tĩnh. Chị ôm chặt các bạn tù lần cuối cùng, không quên dặn dò: “Các đồng chí ở lại, ráng đoàn kết đấu tranh, để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên!”. Ngày 26/5/1941, chúng đem chị Nguyễn Thị Bảy cùng bốn đồng chí nữa xử bắn tại sân banh Cần Giuộc.

Cho đến hôm nay, tại sân banh Cần Giuộc, 5 cây cột trói năm chiến sĩ Khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn còn đó. Chị Bảy ở cây cột giữa; bên trái là anh Thiệp, anh Tiến; bên phải là anh Đang, anh Châu. Đặc biệt, thị thiền buổi xử bắn hôm ấy là Đốc phủ Chương (Nguyễn Văn Chương) - lúc ấy là chủ quận Cần Giuộc, sau này là Đô trưởng Sài Gòn. Trong quá trình tìm hiểu thêm về cái chết anh dũng của “Hoàng hậu đỏ”, chúng tôi may mắn gặp được bà Nguyễn Thị Thương, con gái  của ngài Đốc phủ Chương - người chủ quận có nhiệm vụ chứng kiến cái chết của chị Bảy.

Bà Thương nói: “Buổi thị thiền hôm ấy đã để lại trong lòng cha tôi ấn tượng rất sâu đậm. Cha đã kể về cái chết  của chị Bảy một cách khá tỉ mỉ  với chúng tôi: “Hôm ấy, đồng bào kéo đi xem rất đông. Lính mã tà vất vả lắm mới giữ được trật tự. Bốn xe đến, xe đầu chở Cò Tây, xe kế chở lính - một số là lính Lê Dương, xe thứ 3 chở 5 người bị xử tử và xe thứ 4 chở 5 cái hòm…

Chị Nguyễn Thị Bảy mặc bộ đồ lãnh đen, đội khăn lông trắng, bình tĩnh xuống xe. Hai tên lính sen đầm đưa chị đến cột bắn chính giữa… 25 tên lính, một hàng quỳ, một hàng đứng, sẵn sàng bóp cò. Linh mục đến xin rửa tội, chị Bảy lắc đầu không nhận. Chị nói lời cuối cùng: “Đồng bào hãy tiếp tục đấu tranh  đánh đế quốc Pháp, giành lại độc lập dân tộc, kỳ này khởi nghĩa thất bại, kỳ sau nhất định thành công”. Chị không cho bịt mắt, ngó thẳng vào họng súng của quân thù…”.

Cái chết của chị Bảy để lại niềm khâm phục, nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng đồng bào. Trên hàng ghế dành cho chủ quận, người dân nhận thấy  gương mặt  Đốc phủ Chương ròng ròng lệ. Bà Thương nói: “Sau năm 1945, khi giặc Pháp quay trở lại, cha tôi đang giữ chức Đô trưởng Sài Gòn, từ bỏ mọi vinh hoa phú quý để vào chiến khu. Ông nói một trong những điều thôi thúc ông chọn con đường kháng chiến là cái chết anh dũng của chị Nguyễn Thị Bảy…”.

Hoàng hậu đỏ và chuyện bây giờ mới kể

Cuối năm 2014, tôi tìm về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của Hoàng hậu đỏ. Những gì biết thêm về người nữ anh hùng can trường này làm tim tôi se thắt. Tên thật của Hoàng hậu đỏ là Nguyễn Thị Lục, thường được gọi là Bảy Lục. Mồ côi mẹ khi mới 12 tuổi, cha là Nguyễn Khắc Kỷ (Đình Lễ) làm nghề coi mạch, bốc thuốc thường xa nhà, sau có vợ kế, gia cảnh đã nghèo càng thêm khốn khó. 

Đang học chữ Nho và Quốc ngữ với thầy Sư Thiện Chiếu, “cô Bảy Lục” phải nghỉ, cùng với ba người em nhỏ được hai người anh đã có gia đình mang về nuôi. Chị Bảy sống với người anh cả làm nghề thợ mộc là Nguyễn Văn Thành, ở ấp Vĩnh Quý. Gia đình người anh cũng nghèo nên chị Bảy phải làm thuê kiếm sống từ rất sớm. Người con gái có tâm hồn đa cảm, được soi sáng bởi chữ nghĩa dễ đồng cảm với những thân phận thống khổ của người phụ nữ dưới chế độ thực dân phong kiến. Cô không thể nào quên hình ảnh người mẹ chuyển dạ sinh con dưới gốc chuối, máu me đầm đìa. Bà con khiêng bà đến thầy thuốc thì không còn kịp nữa. Bà mất cùng đứa con mới chào đời. 

Năm 2015, về xã Vĩnh Hựu, Gò Công, tỉnh Tiền Giang tìm lại tư liệu về Hoàng hậu đỏ.

Từ đó, gia đình tan tác. Đến lượt đời chị Bảy cũng không thoát khỏi cảnh chồng chúa vợ tôi, trai năm thê bảy thiếp và người phụ nữ luôn phải cam chịu với số phận bất công đã an bài. Phong trào yêu nước của Đặng Công Khả, phong trào Duy Tân lan đến tận những xóm làng xa xôi ở Gò Công, thu hút đông đảo thanh niên tham gia, trong đó có chị Bảy và ông Đặng Văn Thường. Trong quá trình hoạt động, tình cảm hai người phát sinh. Oái oăm thay, ông Thường đã có gia đình. Chị Bảy cắn răng chịu mọi lời chửi mắng, miệt thị từ hai phía gia đình. Để tránh búa rìu dư luận, hai vợ chồng phải trốn về Rạch Giá kiếm sống. Vốn là một cậu ấm xuất thân trong một gia đình khá giả, ông Thường không đỡ đần gì được cho vợ. Gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai mảnh mai của chị Bảy. Sau khi sinh con trai, mâu thuẫn giữa hai người thêm gay gắt. Khi cậu bé Đặng Văn Hiểu được ba tuổi, chị Bảy cương quyết chia tay chồng. Vì muốn níu kéo, dày vò chị Bảy, ông Thường cương quyết bắt đứa bé. Hôn nhân đổ vỡ, xứ lạ quê người, chị Bảy đành nuốt nước mắt nhìn chồng ôm con đi. Giành nuôi con nhưng đứa bé liên tục bị trao tay hết người này đến người khác. Ông Thường ngay sau khi có vợ khác, giao đứa bé cho  người chị chú bác ruột là Đặng Thị Tốt nuôi dưỡng. Khi bà Tốt lấy chồng, đứa bé được chuyển sang Nguyễn Thị Nở - người chị cô cậu ruột nuôi dưỡng…

Ở lại Rạch Giá, nơi đất rộng người thưa, chị Bảy vừa làm thuê kiếm sống, vừa có điều kiện tham gia phong trào yêu nước. Sau một thời gian ngắn ở Minh Lương, Rạch Giá; chị Bảy về xã Phước Vĩnh Đông cấy gặt, đốn củi kiếm sống. Ở đây, chị gặp anh Ớt và hai người nên duyên chồng vợ. Rồi anh Ớt đưa chị vào tổ chức cách mạng. Chị được kết nạp Đảng năm 1932, trở thành một Đảng viên năng nổ, dũng cảm, mưu trí, được phân công phụ trách ba xã Phước Lại, Phước Vĩnh Đông, Long Hậu Tây của huyện Cần Giuộc. 

Năm 1934, chị là một trong những cán bộ lãnh đạo huyện Cần Giuộc, rồi vào Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn, Trưởng ban chỉ đạo khởi nghĩa huyện Cần Giuộc. Khởi nghĩa thất bại, chị bị bắt và hy sinh anh dũng, được tôn vinh là Hoàng hậu đỏ như chúng ta đã biết…

Còn người con của chị Bảy?! Cuộc đời anh cũng có những bước ngoặt sinh tử, những đau đớn nuốt vào trong, bị giằng xé bởi chiến công và tình phụ tử. Lớn lên trong cảnh mồ côi, anh khao khát được gặp lại mẹ biết bao. Nghe người ta đồn mẹ anh là một nữ chiến sĩ cách mạng dũng cảm, anh nguyện đi theo con đường của mẹ. Năm 17 tuổi, anh tòng quân nhập ngũ, trở thành Trung đội phó Trung đội Bộ đội Gò Công. Trong một trận chiến đấu, anh giương súng, sẵn sàng nhả đạn vào đội lính Cao Đài theo Pháp đang càn vào căn cứ. Anh bỗng hạ súng, bàn tay kia chụp lấy khẩu trung liên của người chiến sĩ đi cùng, đột ngột ra lệnh rút. 

Địch rút đi rồi, anh Hiểu bị phê bình: “Thấy địch mà không dám đánh”. Anh Hiểu nghèn nghẹn nói: “Người đi trước là ba tôi!”. Mọi người lặng đi, hiểu ra sự việc. Sau khi chia tay chị Bảy, ông Thường nhiều lần lấy vợ. Người thanh niên tham gia phong trào yêu nước năm xưa giờ đây dẫn lính Pháp tìm đánh Việt Minh. Trên bước đường tìm kiếm lợi danh, ông đã gặp con mình trong hàng ngũ những người chiến sĩ cách mạng. Anh Hiểu rất đau lòng. Là con, anh không thể chĩa mũi súng bắn vào người cha ruột của mình nhưng cuộc gặp gỡ hôm ấy để lại trong anh vết thương lòng không thể nguôi ngoai cho đến  tận lúc hy sinh năm 1949.

Đầu tháng 7/2015, Anh hùng liệt sĩ  Nguyễn Thị Bảy - Hoàng hậu đỏ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Và tôi thầm nghĩ, nếu Sài Gòn có một con đường mang tên Hoàng hậu đỏ sẽ ấn tượng và nồng ấm biết bao!

Trầm Hương
.
.