Khủng bố ở châu Âu: Hồi giáo cực đoan có phải là nguyên nhân?

Thứ Tư, 20/04/2016, 16:05
Với những cuộc tấn công gần đây ở Pháp, Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ thì mối nguy khủng bố giờ đã hiện hữu trong tâm trí của người dân châu Âu. Một biểu đồ được lập từ cơ sở dữ liệu toàn cầu về chống khủng bố ở Tây Âu từ năm 1970 đến năm 2015.


Theo đó, số người tử vong từ các cuộc tấn công khủng bố từ giữa năm 1970 đến năm 1990 nhiều hơn giai đoạn từ 1990 đến 2015. Có thể kể ra những vụ khủng bố điển hình như vụ đánh bom chuyến bay Pan Am 103 dẫn đến cái chết của 270 người khi máy bay rơi xuống thị trấn Lockerbie, Scotland.

Kể từ khi bước sang thiên niên kỷ mới, Tây  Âu đã chứng kiến một loạt các cuộc tấn công khủng bố: vụ đánh bom tàu điện ngầm ở Madrid năm 2004, vụ đánh bom ở London năm 2005 và năm 2015 là vụ tấn công ở Paris với 130 người chết.

Cuộc chiến ở Syria – chất xúc tác cho bạo lực cực đoan

Trong khi làn sóng khủng bố Hồi giáo lan đến châu  Âu, khiến cho tình hình an ninh của EU trở nên đặc biệt nghiêm trọng với hai yếu tố: Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và làn sóng nhập cư. IS đã tuyển dụng hàng ngàn người Hồi giáo từ các nước châu Âu đến chiến trường Iraq và Syria. 

Những kẻ này khi trở về châu  Âu mang theo các kỹ năng khủng bố và kết nối những người Hồi giáo bất mãn, phóng đại sự cực đoan của họ và dụ dỗ họ hoạt động cho các tổ chức khủng bố. Yếu tố nữa là cuộc khủng hoảng di cư. Cuộc nội chiến kéo dài ở Syria, sự tàn bạo của IS và sự bất ổn trong khu vực đã tạo nên cảm giác tuyệt vọng ở hầu khắp các khu vực Trung Đông và tạo ra một làn sóng những người di cư đến châu Âu. 

Mối nguy hiểm khủng bố giờ đã hiện hữu trong tâm trí của người dân châu Âu.

Có tới hơn 1 triệu người di cư tới EU trong năm 2015 đã khiến châu  Âu phải đối diện với sự quá tải của các dịch vụ kiểm soát an ninh và những thách thức về chính sách đối ngoại. Điều này đã tạo một cơ hội rất lớn để những kẻ khủng bố có thể dễ dàng xâm nhập vào châu  Âu.

Chính cuộc chiến ở Syria đã làm một chất xúc tác cho các vấn đề đang tồn tại ở Bỉ. Ước tính, Bỉ đã cung cấp cho Syria số chiến binh tính theo dân số cao nhất so với những nước châu Âu khác. Câu hỏi được đặt ra là tại sao những kẻ khủng bố lại nhằm mục tiêu vào Bỉ? 

Có lẽ chính sự hòa nhập yếu kém, chính trị bất ổn và những vấn đề về chủ nghĩa cực đoan đã là nguyên nhân chính của những vụ khủng bố. Brussels cũng gặp nhiều khó khăn với các nhóm Hồi giáo cực đoan trong một thời gian dài và có tới hàng trăm công dân nước này bị dụ dỗ đi theo Nhà nước Hồi giáo IS. Những nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động mạnh nhất đều tập trung ở Brussels và đặc biệt là khu Molenbeek, nơi tập trung đông dân cư là người gốc Maroc.

Có tới 30% dân số của Marseilles là người nhập cư, họ không có nhà thờ Hồi giáo và sống trong các khu ổ chuột, thất nghiệp và không được hưởng một nền giáo dục tốt. Akbar Ahmed, Giáo sư nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Hoa Kỳ, Washington cho rằng thiểu số Hồi giáo nhập cư ở Bỉ cũng có cùng điều kiện như vậy, chính sự thiếu giáo dục, triển vọng tương lai tồi tệ và bị từ chối ở xã hội đã khiến họ tham gia vào các tổ chức Hồi giáo cực đoan. 

Ở Mỹ, cộng đồng Hồi giáo có xu hướng phát triển thịnh vượng, được giáo dục tốt và họ đầu tư vững chắc vào nền kinh tế nước này. Nhưng ở châu  Âu, cuộc sống bên lề kinh tế xã hội đã là mảnh đất màu mỡ tạo cho sự cực đoan phát triển. 

Tỷ lệ thất nghiệp của những người nhập cư Hồi giáo ở châu  Âu ước tính tới 40%. Trong một nghiên cứu do David Laitin, nhà khoa học chính trị Đại học Stanford thì nhận định, có tồn tại sự phân biệt trong việc nhận người Hồi giáo nhập cư vào làm việc, họ cũng chịu mức thu nhập thấp hơn những người khác.

Cảnh sát bắt giữ tên khủng bố Salah Abdelsalem tại Molenbeek, Brussels, Bỉ.

Một nhà hoạt động xã hội tại Molenbeek cho rằng các nhà thờ Hồi giáo không phải là vấn đề bởi có những kẻ bị dụ dỗ tham gia khủng bố chưa từng đặt chân đến nhà thờ nhưng thường xuyên giao du với những kẻ cực đoan trên đường phố. 

Tờ The Nation dẫn lời ông Jean-Charles Brisard, tác giả cuốn The New Face of Al-Qaeda cho rằng Tây Âu phải đối mặt với hơn 6.500 phần tử cực đoan trên dân số ước tính 19 triệu người. Ở nhiều nước châu Âu thì nhà tù đã cơ bản trở thành nhà máy “sản xuất” các phần tử cực đoan. Có một đường dây bắt đầu từ các băng đảng tội phạm ở các khu ổ chuột di dân, qua hệ thống tư pháp và dẫn đến các nhóm khủng bố Hồi giáo. 

Việc xác định một cá nhân trong cộng đồng người có nguy cơ cực đoan là không hề dễ dàng. Hàng triệu đô la đã được chi cho các nghiên cứu được chính phủ tài trợ nhưng dường như chỉ để đi tìm sự đồng thuận cho câu trả lời, vì sao ai đó trở thành khủng bố…

An ninh chạy đua với khủng bố

Từ sau cuộc tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo, Pháp thì giới chức EU đã thiết lập các chỉ số được gọi là nguy cơ chung, nhằm mục tiêu xác định danh tính những chiến binh nước ngoài, trên thực tế là những thanh niên châu Âu tham gia thánh chiến. Phạm vi chống khủng bố đã có sự thay đổi, khi không chỉ công dân EU mà cả các du khách đều bị kiểm soát chặt chẽ. 

Dự án đường biên giới điện tử ngày càng được các nước trong khối EU quan tâm. Việc kiểm soát chặt chẽ danh tính du khách với cơ sở dữ liệu của cảnh sát các nước như là một cam kết của EU về tăng cường các đường biên giới điện tử. Một cơ chế phát hiện những hành khách có nguy cơ gây khủng bố cao trong các chuyến bay cũng được xây dựng trong Hệ thống Dữ liệu hành khách đi máy bay của châu  Âu.

Đạo luật biên giới Schengen cấm khôi phục các hoạt động kiểm soát biên giới thường trực trong khu vực các nước tham gia hiệp ước này. Có những điều khoản quy định việc kiểm tra du khách ở các đồn cảnh sát ở biên giới, nhưng hoạt động này chỉ cho phép kiểm tra giấy tờ tùy thân… từ nay việc kiểm soát chặt chẽ này sẽ được áp dụng cho mọi hành khách ra vào khu vực Schengen, kể cả công dân châu  Âu. 

EU tăng cường kiểm soát biên giới phòng chống khủng bố.

Thế nên EU sẽ không đặt vấn đề xem xét lại Hiệp ước Schengen, là bởi đây sẽ là một bước đi tốn kém, vô ích và nguy hiểm. Bởi các phần tử khủng bố sẽ luôn tìm ra cách để vượt qua biên giới trong phạm vi châu  Âu. Việc tăng cường năng lực, trao đổi thông tin của Cơ quan quản lý biên giới châu Âu (Frontex) với Europol, đặc biệt là kiểm soát các đối tượng có nguy cơ cao cũng được đặt ra. 

EU sẽ tiến hành xây dựng những trung tâm phân loại người xin tị nạn và người di cư nằm ở bên ngoài biên giới châu  Âu. Các trung tâm này sẽ được trang bị những công nghệ thích hợp như thiết bị lấy dâu vân tay và các thiết bị cho phép truy cập vào cơ sở dữ liệu của các quốc gia và của châu  Âu.

Bên cạnh đó, EU cũng cần nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, như sự hợp tác yếu kém, lộn xộn giữa các cơ quan tình báo châu  Âu. Các cơ quan tình báo này hoạt động theo một phương thức đã có từ cách đây nhiều thập kỷ và lộ rõ sự bất cập, không phù hợp với xu thế hiện đại.

Họ vẫn muốn được tự do hành động và chỉ chấp nhận hợp tác với nhau ở bên ngoài các thể chế của EU. Không giống như cuộc chiến với tội phạm có tổ chức, không có chỉ thị hành động cụ thể nào ở cấp châu Âu trong vấn đề chống khủng bố. 

Trong tương lai, một trung tâm châu  Âu chống khủng bố hoạt động trong khuôn khổ Europol sẽ được thành lập. Hy vọng đây sẽ là nền tảng cho phép các cơ quan cảnh sát và tình báo các nước cải thiện việc trao đổi thông tin và hợp tác hành động. 

Theo ông Clint Watts, chuyên gia chống khủng bố trong “thuyết tảng băng trong các âm mưu khủng bố” thì mỗi kẻ tấn công thường có nhiều kẻ hỗ trợ đứng phía sau, và những gì chúng ta thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điều chưa rõ là liệu có còn kế hoạch nào khác nữa do những kẻ khủng bố vạch ra hay không.

Nhận thức được quy mô và phạm vi của các mối đe dọa là bước đầu tiên cần thiết, nhưng chắc chắn không phải là một chiến lược để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai. Có thể nói đối với nhiều người châu Âu, những thách thức khó khăn trong việc thực thi pháp luật hiện tại chính là cuộc đấu tranh cho sự tồn tại một xã hội tự do của họ trong tương lai không xa.

Đình Nguyễn
.
.