Cố Thủ tướng Anh W. Churchill (30/11/1874 - 24/1/1965)

Không để mình bị động

Thứ Hai, 09/12/2013, 11:01

Sir Winston Leonard Spencer-Churchill được coi là một trong những chính trị gia lừng lẫy nhất trong mọi thời đại trên “hòn đảo sương mù”. Chính ông đã giữ cương vị đầy trọng trách là Thủ tướng Anh trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ông cũng là vị thủ tướng duy nhất trên thế giới từng được trao giải Nobel Văn học. Mặc dầu Churchill đã có những ý tưởng và hành động mà chúng ta có thể rất không chia sẻ. Nhưng muốn nói gì thì nói, cuộc đời ông để lại những đúc kết thú vị mà soi vào đó, mỗi người có thể tự rút ra những kết luận hữu ích cho riêng mình. 

Khi người mẹ mới mang thai vị thủ tướng tương lai của nước Anh ở tháng thứ 7, tại lâu đài Malboro đã tổ chức một cuộc đi săn của gia đình hầu tước Churchill. Vốn say mê những trò này nên hầu tước phu nhân dù bụng đã gần vượt mặt cũng vẫn lên ngựa tham dự cuộc vui với mọi người. Chiều vợ, hầu tước không ngăn nhưng đêm tới, ông đã cảm thấy ân hận khi vợ mình đã trở dạ ngay trong phòng thay y phục, giữa đám hầu nữ đang sợ xanh xám mặt mày. Đứa trẻ sơ sinh vừa rời khỏi bụng mẹ đã gào lên rất to, đến mức bà nội đã phải thốt lên đầy kinh ngạc: “Ta đã từng sinh ra rất nhiều con và tất cả bọn chúng đều tốt giọng hết. Nhưng quả thực là chưa có đứa nào lại kêu to như đứa trẻ sơ sinh này”.

Thể trạng của vị thủ tướng tương lai hồi nhỏ rất đáng lo ngại. “Nỗi khổ nhất của tôi hồi đó là tấm thân gầy còm. Tôi không thể nào làm theo được thời gian biểu ở trường”. Có lẽ vì sức yếu nên cậu bé Winston học hành không mấy khá khẩm. Thêm vào đó, do không được cho ăn tử tế nên có lần cậu phải lấy trộm từ kho thực phẩm chung một gói đường. Cậu đã bị phạt ra trò: Chính ông hiệu trưởng đã ra tay quất vào mông cậu học trò mà ông cho là hư đến cả chục roi! Winston không khóc nhưng tới kỳ thi tốt nghiệp môn tiếng Latinh, đã trả thù nhà trường bằng cách, ngoài tên họ của mình, cậu đã không ghi thêm chữ gì lên tờ giấy thi. “Không ai có thể buộc tôi viết thơ bằng tiếng Latinh hay học thuộc lòng trích đoạn sách Hy Lạp nào, ngoài bảng chữ cái” - cậu khoe với bạn bè rồi bỏ đi đọc tác phẩm văn học yêu thích nhất của mình Những hầm mỏ của vua Solomon. Cậu đã đọc cuốn sách này tới 20 lần vì luôn luôn tin rằng, đấy là chuyện thật, ở đâu đó đang có những hầm mỏ như thế, chỉ cần đọc và hiểu những bí ẩn trong sách là có thể tìm được đường tới đó.

Cậu con trai gầy gò của hầu tước Churchill cũng hay bị bạn bè cùng lớp bắt nạt. Nhưng cậu cũng biết cách thách thức họ. Hôm tốt nghiệp, bạn bè cậu ai cũng có cha mẹ giàu sang phú quý tới đón đầy long trọng. Nhưng Winston chỉ để người vú nuôi, ăn vận khiêm nhường tới đón. Và đứng giữa đám đông quyền quý, cậu đã hôn bà vú nuôi đầy yêu kính, như thể đấy còn hơn cả những mệnh phụ. Cậu đã quen biến nỗi thua thiệt trở thành niềm kiêu hãnh. Và khi đó, trong đầu cậu đã dần hình thành nguyên tắc sống trước hết nếu muốn lập nên nghiệp lớn.

Nguyên tắc sống thứ nhất của Churchill: Không hùa theo đám đông. Áp đặt luật chơi riêng của mình.

Năm lên 10 tuổi, chỉ vì bè bạn thách thức mà Winston đã nhảy từ trên cầu xuống một cành cây cao và rốt cuộc là cậu đã làm cành cây gãy và bị ngã từ độ cao tới 10m xuống đất. Tay cậu bị gãy, phải bó bột nên sau này dù đã khỏi nhưng suốt đời vẫn phải hạn chế cử động. Thế nhưng, tới tuổi trưởng thành, Churchill lại xin vào học ở nơi mà các bác sĩ khuyên ngăn không nên tới: đó là Học viện Kỵ binh, nơi mà để học môn múa kiếm thì cần phải có đôi tay hoàn toàn khoẻ mạnh. Thế nhưng, Churchill bằng khổ luyện đã trở thành một trong những tay kiếm xuất sắc nhất Học viện,  bắn súng giỏi, rất hay giành thắng lợi trong các cuộc đua ngựa và thường xuyên chơi polo. Là lính kỵ binh nhưng Churchill lại phát kiến ra nhiều kiểu chiến đấu khác truyền thống: Thay vì đấu kiếm lại sử dụng súng lục như những tay chăn bò ở miền Tây nước Mỹ!

Khi xảy ra cuộc chiến tranh giữa người Boers ở Nam Phi với đội quân thực dân của nước Anh ở cuối thế kỷ XIX, Churchill, lúc đó còn rất trẻ, đã bị bắt làm tù binh. Đối phương cho phép Churchill lấy lại tự do nếu nộp tiền chuộc nhưng vị Thủ tướng tương lai của nước Anh coi đó là việc thấp hơn tầm cỡ danh dự của mình nên đã từ chối. Lợi dụng lúc đối phương sơ hở, Churchill đã bỏ trốn vào vùng đất hoang khô cằn. Tưởng sẽ chết mất xác trên đồng không mông quạnh nhưng Churchill lại được một chủ trang trại người Anh tình cờ gặp và mang về cứu chữa rồi  giúp cho trở về nước Anh.

Sau này, viết hồi ký, Churchill tổng kết điều mà ông cho là phát kiến của ông từ thuở nhỏ: “Những người danh giá thường phải trải qua một tuổi thơ không hạnh phúc. Tai ách nặng nề của cảnh ngộ, chuỗi dài những điều không may mắn, những nhục mạ và châm chọc phải trải qua khi còn bé bỏng, rất cần thiết để đánh thức tính mục đích ngoan cường và sự nhanh trí sáng suốt mà thiếu chúng, không thể nào làm nên việc lớn”.

Nguyên tắc sống thứ hai của Churchill: Chìa khoá mở ra những công to việc lớn, đó là tính mục đích ngoan cường và sự nhanh trí sáng suốt.

Trở về từ Nam Phi, Churchil tại quê hương gần như được chào đón nồng nhiệt, tạo cơ hội tốt để bước chân vào chính trường. Bài phát biểu đầu tiên trước công chúng của Churchill diễn ra trên đường phố: Churchill trước đám đông đã lên tiếng bênh vực... các cô gái bán hoa (!) Một vụ tai tiếng đã bùng nổ, tờ báo nào cũng bình luận về hành vi của người thừa kế gia tộc Malboro. Dù nhiều người không đồng tình với quan niệm của Churchill nhưng dẫu sao ông cũng đã được dư luận quan tâm nhờ hành động dị thường đó, cộng thêm với thế lực gia đình, Churchill chẳng bao lâu sau đã lọt được vào nghị viện. Lúc đó, vị Thủ tướng tương lai mới 26 tuổi. Cuộc đời chính trường của Churchill không bình lặng mà lên xuống nối nhau: gần như cứ sau mỗi lần thăng tiến là một lần sa chân lỡ bước đầy đắng đót. Nhưng mỗi lần ngã ngựa là một lần Churchill lại tìm ra được nghị lực để tiếp tục chiến đấu và giành thắng lợi. Và phải nói rằng, dù từng trải hơn nhưng Churchill vẫn không thay đổi phong cách chơi đã hình thành từ ngày trẻ: lúc nào cũng hành sự theo kiểu “năm ăn, năm thua”. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra năm 1914, lúc đầu Churchill tham gia trên cương vị Bộ trưởng Bộ Vũ khí và cương quyết đưa ra ý tưởng chế tạo xe tăng. Thế nhưng, quan điểm này bị coi là đi trước thời đại quá xa nên Churchill bị mất chức. Thế là ông đã xin ra chiến trường cầm súng đánh nhau thực sự trên cương vị trung tá tiểu đoàn trưởng. Không nơi hòn tên mũi đạn nào mà Churchill không dám xông ra. Tiểu đoàn do ông chỉ huy được đánh giá cao vì lính tráng cũng cố bắt chước vị trung tá cuồng nộ của mình, không có việc gì không dám làm. Rồi Churchill lại trở về hậu phương, lại nhận cặp Bộ trưởng và yêu cầu cần phải “chơi nhẹ” với nước Đức vì sợ già néo dứt dây. Quan điểm này không được số đông ủng hộ và Churchill lại bị mất cặp Bộ trưởng. Uy tín của Churchill cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thái độ thù địch với nước Nga Xôviết...

Thất thế và bị đẩy xuống những vị trí phụ, ông đành về  trang trại của dòng họ và viết... văn. Rồi cả vẽ tranh nữa. Tuy nhiên, khi tình hình chính trị trở nên căng thẳng vì mối đe dọa của chủ nghĩa phát xít Đức, Churchill lại được chính giới Anh vời đến. Tính quyết liệt của ông trở nên rất hữu dụng trong thời chiến. Ông trở thành một trong những điển hình rõ nét của việc con người có thể tự mình đứng dạy chống lại những cú đánh, thậm chí rất đau đớn, của số phận?

Số phận trong cả khoảng thời gian dài không hề nuông chiều Churchill, hơn thế nữa, còn giáng cho ông những cú tàn bạo. Thế là Churchill bằng trải nghiệm của chính mình đã phát kiến ra chân lý: Định mệnh lắm khi sẽ buộc phải lùi bước nếu vấp phải lại sự kháng cự đến mức liều lĩnh của con người. Vì thế, muốn thành đạt thì phải chọn thế chủ động: Không chờ đợi số phận ra tay với mình mà phải tấn công số phận trước. Và đấy là quy tắc hành xử thứ ba của Churchill:

Muốn chiến thắng số phận, cần tự mình tấn công nó trước

Người viết bài này không có ý định đề cập tới những mặt phức tạp và mâu thuẫn trong hoạt động thực tế của một chính khách như Churchill. Dù sao cũng phải nhớ rằng, đây là một con người sống theo những nguyên tắc tư bản chủ nghĩa, khác với chúng ta. Những tư liệu đã nêu ra trong bài viết (dựa theo tạp chí Nga Ngọn lửa nhỏ số ra cuối tháng 11/2004) chỉ là để tham khảo và suy ngẫm.

Một số câu nói hay được trích dẫn của W. Churchill

- Không có gì trên đời này làm ta hứng khởi hơn là lúc ta bị nhằm bắn nhưng đạn lại trượt ra ngoài.

- Kẻ bi quan nhìn thấy những khó khăn trong từng cơ hội, còn người lạc quan lại nhìn thấy những cơ hội trong mỗi khó khăn.

- Tiết kiệm tiền là chuyện rất hay, nếu cha mẹ ta làm việc này cho ta.

- Chúng ta có quá nhiều ước muốn và lắm khi ước muốn này mâu thuẫn với những ước muốn khác.

- Tôi lúc nào cũng sẵn sàng học hỏi nhưng không phải lúc nào tôi cũng thích để người khác dạy mình.

- Chính trị không phải là trò chơi, đó là một công việc nghiêm túc.

- Thỉnh thoảng con người đụng đầu vào sự thật và ngã, nhưng sau đó thì đại đa số vẫn đứng dậy được và đi tiếp như thể không hề có chuyện gì xảy ra.

Thương Hà
.
.