Không để “hữu danh vô thực”

Thứ Ba, 25/12/2018, 09:13
Phát biểu tại cuộc họp về việc ban hành chỉ thị của Ban Bí thư “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, muốn Đảng mạnh, trước hết mỗi đảng viên phải tốt; muốn vậy phải làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, sàng lọc, xử lý những đảng viên vi phạm, chống cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

“Thà ít mà tốt còn hơn đông nhưng không mạnh, hữu danh vô thực” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Những cán bộ lão thành thường nhắc lại ký ức thiêng liêng của mình và đồng đội trải qua trong kháng chiến đầy bi hùng để răn dạy con cháu hôm nay phải biết noi gương dũng khí cha ông, những người đảng viên, cán bộ kiên trung, một mực đi theo Đảng, theo tiếng gọi Tổ quốc. Đó là những tấm gương sống động trong mỗi gia đình, tổ chức Đảng. 

Năm 2005, khi nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc ra mắt, hai cuốn sách đã thổi vào giới trẻ hôm nay một cảm thức đặc biệt, làm sống lại ý chí, hình ảnh và lý tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ một thời. 

Ngày 27-9-1968, Đặng Thùy Trâm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Dòng đầu tiên của ngày hôm đó, chị viết: “Cái cảm giác rõ nét nhất của ngày hôm nay là: Phải phấn đấu để sống xứng đáng với cái tên “một người cộng sản”Vâng, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, người đảng viên, người cộng sản luôn luôn thực hiện đúng mục tiêu lý tưởng của Đảng, lấy ngọn cờ của Đảng làm mục tiêu, là ngọn đuốc dẫn đường, là hi sinh vì sự nghiệp cách mạng. Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng...”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, kết nạp và rèn luyện đảng viên.

Đương nhiên rằng, bây giờ để tìm một thanh niên với cuốn sổ tay, trang nhật ký ghi những dòng lưu niệm với câu nói nổi tiếng của văn hào N.A.Ostrotsky về lý tưởng sống, thật là điều không dễ. Nhưng, không thể hiện trên trang sổ không hẳn rằng tất cả mọi thứ đã thay đổi, đã nghĩ khác, làm khác. 

Trên diễn đàn mạng internet, blog, facebook, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình khi đứng trong hàng ngũ của Đảng. Học viên Lê Vũ Minh Quân, Học viện Kỹ thuật quân sự bày tỏ trên trang web của Học viện: “Trở thành đảng viên là vinh dự, tự hào nhưng trên hết tôi thấy mình cần phải sống, học tập có trách nhiệm hơn nữa để xứng đáng với sự tin tưởng của chi bộ, của lãnh đạo, chỉ huy đại đội, tiểu đoàn và đồng đội... 

Niềm vinh dự này càng thôi thúc tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập và rèn luyện, luôn trau dồi đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị để xứng đáng là người đảng viên gương mẫu”.

Một cô giáo viết trên facebook cá nhân, chia sẻ cảm xúc ngày kết nạp đảng: “Đã bao lần tôi đọc và cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc hân hoan từ những vần thơ trong bài Kết nạp đảng trên quê mẹ của nhà thơ Chế Lan Viên:

Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ
Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ
Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu
Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau.

...Những dòng cảm xúc chân thực ấy cứ vang vọng, thôi thúc tôi tìm hiểu về Đảng và nguyện vọng tha thiết được đứng vào hàng ngũ của Đảng đã sớm hình thành ngay từ khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường...”.

Một bạn ở Bắc Trà My, Quảng Nam đã bày tỏ cảm xúc trên trang cá nhân: “Tôi nhớ năm đó là năm học lớp 12, có bài lịch sử về Đảng, khi được nghe thầy giảng, tôi thấy rất tự hào về chặng đường phát triển của Đảng qua từng mốc thời gian vẻ vang mà cả thế giới phải thán phục về sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, bản thân tôi lúc đó có một mong muốn tìm hiểu sâu hơn về Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Sau tiết học đó, đến tối tôi đã hỏi ba tôi: “Ba ơi, tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam là gì hả ba?”. Ba tôi rất ngạc nhiên và giải thích nôm na như thế này: “Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị có vai trò lãnh đạo nhân dân trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã đem lại hòa bình cho dân tộc ta đó con. Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập con à”. 

Thế là trong tôi cứ thôi thúc tìm hiểu về Đảng, nhớ lúc đó thông tin mạng, hay còn gọi là internet chưa phát triển lắm đâu, mà có thì gia đình tôi cũng không có điều kiện. Vậy là tôi mong đến tiết học môn sử của tuần sau...”.

Đó là những cảm xúc, nghĩ suy chân thực, xuất phát từ những kỷ niệm đi theo năm tháng học đường và trưởng thành của nhiều người. Dẫu thời nay đổi thay, con người có suy nghĩ, hành động khác xưa nhiều nhưng không hẳn vì thế những cảm xúc khi đứng trong hàng ngũ của Đảng cũng “khô cạn”.

Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi đang đặt ra với chính những người phấn đấu kết nạp Đảng hôm nay và rèn luyện khi đã mang tấm thẻ đảng trong mình. Động cơ vào Đảng theo đúng nghĩa không thể là vụ lợi, không phải là nơi để làm bình phong mưu cầu cá nhân, ích kỷ hẹp hòi. 

Nhưng, trên thực tế, có phải động cơ vào Đảng đều “thẳng băng” như những dòng viết trong đơn? Động cơ, mưu cầu cá nhân có hay không, ở mức nào, đó là vấn đề không thể có câu trả lời chung mà phải xác định trong từng trường hợp cụ thể.

Vào Đảng là một cột mốc. Nhưng vào Đảng rồi thì rèn luyện ra sao để luôn đúng với tư cách người đảng viên như lời thề danh dự trước cờ Đảng? Ngày nay, chúng ta nói đến cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất hẳn không phải là do sàng lọc “kết nạp nhầm”. 

Bởi khi vào Đảng, anh có thể mới trên dưới hai mươi tuổi, còn quá trẻ với niềm tin, quan điểm, chính kiến tuổi đầu đời. Nhưng, trên con đường công danh, sự nghiệp, tại sao khi vật chất càng đủ đầy hơn, sung túc hơn thì nhiều người lại cho thấy sự suy thoái đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, vơ vét của dân, làm ngược lại với lời thề danh dự của người đảng viên cộng sản? 

Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương gần đây cho thấy, nhiều đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo cao trong bộ máy nhà nước đã vi phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng quy định, Điều lệ của Đảng. 

Nhiều trường hợp vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm trong thực thi công vụ đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận như các ông Tất Thành Cang, Nguyễn Xuân Luật, Trần Văn Minh, Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang, Lê Nam Trà, Phạm Đình Trọng... Có trường hợp vi phạm đạo đức lối sống như ông Hồ Xuân Vượng; có trường hợp suy thoái tư tưởng chính trị như ông Chu Hảo.

Nguyên tắc xây dựng Đảng thì có kết nạp, có khen thưởng tất cũng có kỷ luật, có khai trừ đối với đảng viên vi phạm. Việc một số người cổ súy quan điểm “từ bỏ Đảng” thực chất là nhằm phá rối, khi chính họ vi phạm kỷ luật đến mức bị khai trừ. 

Như việc ông Chu Hảo tuyên bố từ bỏ Đảng nhưng tổ chức đảng vẫn tiến hành kiểm điểm và xử lý kỷ luật đối với ông là thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng (Điều 39) và Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. 

Quy định 30 nêu rõ: “Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xóa tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng. Cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không để thôi giữ chức”.

Thực sự, phải xử lý, khai trừ một ai ra khỏi Đảng đều là điều không mong muốn. Nhưng, để Đảng tiến bộ, Đảng mạnh lên thì tất yếu phải làm, phải xử lý, vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa nhân văn, mang tính giáo dục chung.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, phải xây dựng ý thức tự giác phê phán, lên án, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. 

Tại Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra tình trạng một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân số cả nước khoảng 25 triệu người, trong đó có 5.000 đảng viên, một số lượng rất khiêm tốn nhưng Đảng đã lãnh đạo cách mạng thành công. Ngày nay, cả nước có hơn 96 triệu dân, trong đó có khoảng 5 triệu đảng viên. 

Như vậy, so với năm 1945, dân số đã tăng gần 4 lần, còn số lượng đảng viên tăng 1.000 lần. Số lượng đảng viên ngày nay lớn như vậy nhưng tại sao nhiều tổ chức Đảng không mạnh, lại tái diễn các vi phạm kéo dài khiến người dân bức xúc? 

Về điều này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tập trung nói sâu vào khâu kết nạp Đảng, giáo dục, rèn luyện, sàng lọc, xử lý cán bộ đảng viên, chống cho được tình trạng suy thoái hiện nay, khắc phục tình trạng “đông nhưng không mạnh”, “hữu danh vô thực”. 

Lênin đã từng nói: “Đảng viên hữu danh vô thực” thì cho không cũng không cần. Thà ít mà tốt. Trước hết phải chú ý giáo dục chính trị, phẩm chất đạo đức. Không chỉ giáo dục chay qua trường lớp, mà phải thử thách qua thực tiễn”.

An Nhi
.
.