Kho vàng trong mỏ muối

Thứ Sáu, 19/04/2019, 17:23
Nếu Winston Churchill từng chuẩn bị kỹ lưỡng cho viễn cảnh nước Anh không thể chống chọi nổi sức tấn công của không quân Đức Quốc Xã, thì Adolf Hitler có tính đến kịch bản phải chiến đấu sau khi Berlin thất thủ hay không? Có! Câu trả lời chắc chắn là: Có!


"Nghìn lẻ một đêm" trong hiện thực

Đó là buổi sáng ngày 8-4-1945, tại mỏ muối Merkers, Thuringia (tiếng Đức: Thuringen) - bang nhỏ bé cách khá xa Berlin về phía Tây Nam, trung tâm lãnh thổ Đức Quốc xã ngày ấy và gần biên giới với Czech hiện tại.

Trung tá Russell, một sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ, dẫn đầu một nhóm binh sĩ, phóng viên và thợ chụp ảnh tiến vào mỏ, đi đến một cửa hầm bằng sắt. Cánh cửa rất kiên cố, nhưng những vách tường xung quanh lại dễ dàng bị đục phá bởi các công binh Mỹ. Lối mở, và họ tiến vào, để rồi sững sờ với những gì hiện ra trước mắt.

Toàn cảnh căn hầm kho báu tại Merkers.

Trong căn hầm chứa (dài 45m, rộng 23m, theo số liệu đo đạc sau đó), có khoảng hơn 7.000 chiếc bao tải được đánh số và xếp thành 20 hàng ngay ngắn. Cuối căn phòng là nhiều hòm xiểng được xếp cẩn thận, niêm phong ngay ngắn. Dựa trên dấu niêm phong, có thể lập tức nhận ra tài khoản của lực lượng SS đăng ký tại Ngân hàng Quốc gia Đức (Reichsbank) thời đó.

Russell và thuộc cấp bắt đầu mở các bao tải để kiểm kê. Ngay lập tức, đập vào mắt họ là vàng miếng, vàng thỏi, đồ tạo tác bằng vàng, tiền vàng của Đức, Pháp, Anh, Mỹ và rất nhiều quốc gia khác. 

Sau vàng, họ tìm thấy bạc, ngoại tệ, kim cương, bạch kim, đồ châu báu các loại. Ở một đường hầm khác trong mỏ, quân Mỹ còn phát hiện thấy một số lượng lớn những tác phẩm nghệ thuật vô cùng giá trị.

Khối tài sản khổng lồ ấy đã được gom nhặt từ khắp châu Âu, theo bước quân hành của những đoàn viễn chinh Quốc xã. Và nó được tìm thấy ở đó, Thuringen, trong quãng thời gian hấp hối của Đệ Tam Đế chế.

Adolf Hitler cảm thấy như thế nào khi biết tin quân Mỹ vượt sông Rhine, đánh chiếm Thuringen? Và liệu điều đó có gì liên quan đến quyết định tự kết liễu số mệnh của nhà độc tài tại Berlin vào ngày 30-4-1945, khi Hồng quân Liên Xô rầm rập tiến vào cổng Brandenburg?

Tướng Patton (trái) và tướng Eisenhower bên những tác phẩm nghệ thuật cất giấu tại Merkers.

Manh mối bất ngờ

Không phải là ngẫu nhiên, việc tiến chiếm Thuringen và kiểm soát làng Merkers là những hành động có chủ đích của phe Đồng Minh, theo những thông tin phản gián quan trọng có được. Có điều, việc lần ra manh mối về kho báu của Hitler lại dễ dàng hơn quá nhiều so với dự kiến.

Khi Tập đoàn quân số 3 của tướng George Patton xuất hiện ở Merkers, một nhóm quan chức cấp cao Ngân hàng Quốc gia Đức (bao gồm cả Giám đốc Reichsbank Frommknicht lẫn Cục trưởng Cục ngoại hối Werner Veick)  vẫn còn chưa chuyển xong toàn bộ số tài sản cần phải cất giấu vào các hầm mỏ.

Theo trang National Archives (www.archives.gov), ngày 1-4, nhóm này đã "từ bỏ mọi hy vọng rằng họ có thể cất giấu nốt chỗ vàng, mà chỉ còn tập trung vào số lượng tiền Đức (Reichsmark)". 

Ngày 2-4, Frommknicht ra lệnh chuyển số Reichsmark ấy đến nơi khác. Khoảng 200 triệu đồng Reichsmark được chất lên xe tải, chở đến Madeburg, Halle và vài địa điểm ngoại vi Berlin.

Với sự hỗ trợ của một đội công nhân Ba Lan, những nhân viên Reichsback còn ở lại Merkers vẫn cố gắng chuyển đi tiếp càng nhiều Reichsmark càng tốt. Thế nhưng, theo đà tấn công của quân Mỹ, đường sá đã bị phong tỏa. Reichsmark buộc phải được đưa ngược trở lại vào mỏ muối.

Vấn đề là, rạng sáng 4-4, Frommnicht - người giữ chìa khóa căn hầm - đã bỏ trốn cùng Albert Thoms. Những người còn lại, không hề hay biết (và cũng chẳng biết làm thế nào), buộc phải để "của cải" ngay ở cửa hầm, và chờ đợi đến lúc tiếp tục công việc.

Vài lính Mỹ đi qua. Song, đối với họ, những đống bao tải kia chẳng gợi lên chút gì ấn tượng, mà chỉ là những bao quặng bình thường. Có điều, ở cách đó không xa, trên đường chạy trốn, Frommknicht và Thoms bị chặn lại bởi xe kiểm soát quân sự Mỹ. 

Bởi khi đó, lệnh giới nghiêm đã được ban bố trên toàn khu vực. Frommnicht chạy được vào rừng và tẩu thoát, nhưng người đồng hành không may mắn như vậy. Thoms lập tức bị thẩm vấn, và lập tức trở thành tấm bản đồ sống dẫn quân Mỹ tới căn hầm kho báu.

Một vành đai hùng hậu (với lưới điện, một trung đoàn bộ binh, một tiểu đoàn thiết giáp, một tiểu đoàn chống tăng) được nhanh chóng thiết lập, biến Merkers thành một cứ điểm quân sự đích thực. Và ngày 8-4, Trung tá Russell chính thức nhận vinh dự là người đọc câu thần chú: "Vừng ơi, hãy mở ra!".

Một thỏi vàng Đức Quốc xã.

Giấc mơ dang dở

Có lẽ sẽ không có gì là quá lời, nếu xem việc quân Đồng Minh thu hồi được số tài sản khổng lồ này chính là cú đánh nghìn cân giã nát những toan tính của Adolf Hitler.

Quốc trưởng của nước Đức Quốc xã, theo sự mô tả tương đối thống nhất của nhiều nguồn nghiên cứu, là một lãnh tụ kiên định đến nghiệt ngã, thậm chí là điên khùng. Bất kể tình thế trên chiến trường khó khăn đến mức nào, mệnh lệnh quen thuộc của ông ta vẫn là "Không được lùi chỉ một bước!".

Cho đến khi Hồng quân đã làm chủ cả Đông Âu, còn không quân Anh - Mỹ đã liên tục dội bom địa phận lân cận Berlin, ông ta vẫn thao thao bất tuyệt với quân dân Đức về "một chiến thắng sau cùng", và củng cố niềm tin ấy nhờ vào những phác thảo về một thứ vũ khí hủy diệt tối thượng nào đó.

Ông ta tin rằng Đệ Tam Đế chế dưới tay mình vẫn còn có thể quật khởi một lần nữa. Hoặc ít nhất, ông ta cũng đã chuẩn bị cho điều đó, khi "tiềm phục" những "kho báu" sẵn sàng cho ngày ấy. Sau Merkers, quân Đồng Minh còn tìm thấy nhiều nơi cất giấu của cải dự trữ tương tự, ở quy mô nhỏ hơn, quanh các vùng biên giới nước Đức.

Song, sẽ không còn bất cứ ước vọng nào tồn tại được nữa, khi nền tảng tài chính của nó bị tiêu hủy. "Núi vàng" cất giấu trong các hầm mỏ muối Merkers, được chất đầy trên hai đoàn tàu sau khi vét rỗng các hầm ngầm của Reichsbank, chính là phần lớn nguồn lực dự trữ mà Hitler có được, sau những năm dài các đoàn quân Quốc xã tung hoành khắp Âu lục, cướp bóc và vơ vét từ mọi quốc gia đầu hàng. 

Bỏ qua vàng bạc châu báu, khối lượng cổ phiếu, trái phiếu, ngân phiếu… được tập trung tại Merkers cũng đã gây choáng váng cho bất cứ chuyên gia tài chính nào.

Ngay trong tháng 4-1945, quân Mỹ tiến hành kiểm kê toàn bộ số tài sản ấy, rồi chuyển đến trụ sở Reichsbank tại Franfurk. Đầu năm 1946, tất cả được bàn giao cho Ủy ban bồi thường chiến tranh của phe Đồng Minh, để dần dần giao trả cho Ngân hàng Trung ương các nước.

Nhưng, kể từ đó, những tranh cãi và những huyền thoại đồn đoán vẫn mãi âm ỉ không dứt. Không ai dám chắc rằng toàn bộ số tài sản khổng lồ ấy, sau khi thu hồi, đã được "xử lý" hoàn toàn công chính. Và rất nhiều người, cho đến hiện tại, vẫn sẵn sàng tin rằng Merkers chưa phải kho báu lớn nhất của Đức Quốc xã.

Theo một số phân tích hậu chiến được Quốc hội Mỹ đề cập, trữ lượng vàng của khá nhiều quốc gia đã tăng đột biến trong những năm cuối cùng của Đại chiến Thế giới lần thứ hai, như Thụy Sĩ, Thụy Điển Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brazil… 

Đó là những quốc gia trung lập, và có mối quan hệ làm ăn khá mật thiết với nước Đức. Dĩ nhiên, họ chẳng mất gì mà không sẵn lòng đóng vai trò "thủ kho" cho bạn hàng của mình… 

* Theo số liệu thống kê của quân đội Mỹ, số tài sản được thu hồi trong căn hầm đầu tiên được tìm thấy tại mỏ muối Merkers bao gồm: 3.682 bao tải và thùng tiền Đức; 80 bao ngoại tệ; 4.173 bao chứa 8.307 thỏi vàng; 55 hộp vàng nén; 3.326 bao tiền vàng; 63 bao bạc; 1 bao thỏi bạch kim; 8 bao nhẫn vàng; 207 bao đồ tạo tác mỹ nghệ.   

* Trung tuần tháng 8/1945, tổng số vàng thu hồi được các chuyên gia Ngân hàng Anh quốc và Ủy ban Tài chính Quốc gia Mỹ xác định giá trị là 262.213.000 USD.

* Werner Veick, Giám đốc Cục Ngoại hối Reichsbank - một trong những quan chức được giao nhiệm vụ vận chuyển tài sản, khai rằng hoạt động cất giấu đã bắt đầu từ tháng 8/1942, qua 76 chuyến tàu. Nếu hoàn tất, đường vào căn hầm ở Merkers sẽ được cho nổ tung để bảo mật.

* Điều kinh khủng là trong kho báu ấy, có cả hàng bao tải răng vàng lẫn gọng kính vàng của các nạn nhân bị hành quyết trong các trại tập trung.

Phi Hổ
.
.