Khi ta còn trẻ

Chủ Nhật, 20/01/2008, 09:30
Khoảng gần hai chục năm trở lại đây, chúng tôi, nhóm cựu học viên của Học viện Kỹ thuật quân sự, nhập trường năm 1979 và về sau được tập hợp trong C146 rồi đi du học ở các trường quân sự tại Liên Xô cũ, rất hay tụ tập với nhau vào những đêm giao thừa dương lịch.

Thường là tối 31/12 hằng năm, chúng tôi hẹn tới căn hộ của Mạnh Hùng, gã trai lúc ấy là duy nhất chưa vợ trong cả bọn, ở tập thể quân đội trên đường Pháo Đài Láng.

Và bên những chai rượu vodka, chúng tôi vừa xem chương trình "Goluboi Ogoniok" (Đốm lửa thanh thiên) vừa cùng nhớ lại những kỷ niệm thuở thiếu thời. Rạng sáng ra về, ai cũng cảm thấy lòng mình trong trẻo và tự tin hơn nhờ nguồn năng lượng được nạp thêm từ những quá vãng.

Năm nay, thông lệ ấy đã bị bãi bỏ vì Mạnh Hùng rốt cuộc cũng đã cưới vợ như mọi người bình thường khác, thậm chí còn sắp sửa có em bé.

Đêm cuối năm, chẳng có chỗ để cùng tụ họp với bạn bè cũ, tôi ngồi một mình, lục trong tủ sách ngổn ngang tìm lại những cuốn vở đã viết thời du học. Và tôi đã thấy một tập giấy đánh máy khá dày, có đóng bìa cứng hẳn hoi với nhan đề "Lời thổ lộ". Hóa ra đó là tập thơ đầu tay và chưa từng bao giờ được công bố của tôi.

Năm 1985, tôi đã công phu đánh máy 129 bài thơ của mình thành một tuyển tập và rồi quên lãng đi vì nghe ai đó nói, thơ này là thơ học trò, không in được. Lâu lắm rồi, tôi cũng đã không để ý tới những bài thơ ấy.

Vậy mà bây giờ, ngồi giở lại những trang giấy đã úa vàng, trong lòng tôi bỗng trào lên những nỗi xót xa và bỡ ngỡ lạ thường, như thể tôi đang gặp một cái gì thân quý lắm nhưng đã trở thành sai khác từ lâu.

Chao ôi, những vần thơ thiếu niên đầy tự tin và ngạo nghễ. Hai câu thơ đầu tiên tôi đã ghi vào cuốn vở ở Ulianovsk, khi quyết định mình sau này về nước, sẽ không theo nghiệp kỹ sư vô tuyến điện mà sẽ làm nhà thơ như sau:

Tôi không muốn làm Xuân Diệu thứ hai,
Tôi muốn làm Hồng Thanh Quang thứ nhất.

Chỉ rất trẻ con và ngốc nghếch thì mới viết như thế. Tôi quả thực đã trẻ con và ngốc nghếch. Tôi là con bộ đội, ở nhà với mẹ và bà ngoại nên hay được nuông chiều. Lớn lên, mặc lên mình áo lính, tôi rất ham muốn được thả mình vào trong những giông bão của đời thực. Nhưng càng ham muốn thế, thơ tôi càng có vẻ ngây ngô. Đây là bài có nhan đề "Nói cùng mẹ lúc tập đi":

Đừng đón đỡ con nửa chừng như thế,
Mặc con tự đi, mẹ ơi, mặc con.
Ngã trên sàn nhà chưa hẳn là đáng sợ,
Mai ngã ngoài đời chắc sẽ đau hơn!

Giờ thì tôi đôi lúc rất muốn được nâng đỡ, nhưng bây giờ chuyện này đâu có dễ. Bây giờ là tôi phải tự đứng để nâng đỡ người khác chứ không được quyền ỷ lại vào ai…

Khi ta còn trẻ, ta rất muốn khẳng định, ngỡ như ta sinh ra là để thực thi một chức trách gì đó trọng đại lắm, chưa từng ai làm.

Nhưng do chưa từng trải nên ta vừa muốn bảo vệ cái tôi vừa kinh hãi trước những sự cố có thể tới nếu ta không giống như mọi người.

Tôi đã nghĩ rằng dù rơi vào tình thế nào thì mình vẫn phải giữ nguyên cái bản tính của mình, không bao giờ được như tất cả. Đây là một bài thơ tôi viết năm 22 tuổi (ngày 19/2/1984):

Sự suy đồi của người khác
Là lời biện hộ cho ta?
Ai đó làm việc xấu xa,
Ta cũng có quyền làm thế?
Thế giới giờ còn đầy khỉ…
Chúng ta hóa khỉ được chăng?

Và đây là một bài thơ khác, cũng viết trong giai đoạn đó:

Nếu lớn lên tôi khác hẳn mọi người,
Trời, như vậy chắc sẽ kinh khủng lắm.
Tôi chắc sẽ như con quạ trắng,
Sống giữa bầy lạc lõng đơn côi.
Nếu lớn lên tôi giống hệt mọi người,
Nếu lớn lên tôi thành như tất cả?
Trời, nếu tôi chẳng có gì mới lạ,
Tôi ra đời, xin hỏi, để làm chi?

Tôi đã từng kêu lên: "Đáng sợ nhất, a dua cùng kẻ khác!" Tôi đã từng chỉ muốn làm những việc gì mà tưởng như chỉ mình tôi làm được. Tôi đã không muốn tuân theo những bài học kinh nghiệm của người khác mà chỉ muốn tự rút kinh nghiệm bằng chính sự bươu đầu sứt trán của chính mình (Những người thông minh thường học bằng sai lầm của người khác, còn tôi, kẻ kém thông minh, toàn tự mình dấn thân và rút kinh nghiệm riêng).

Cũng vì cái thói thích mang sự mới lạ cho cõi nhân sinh này mà khi còn trẻ, tôi đã gây ra không ít chuyện làm mẹ cha, bè bạn phải rầu lòng vì cách hành xử không giống ai của tôi.

Những cậu bé con nhà lành đôi khi muốn thể hiện mình bằng cách làm ngược lại những lời khuyên tỉnh táo để cố gắng tìm ra một chân lý mới nào đó.

Giờ đã sắp ở tuổi "tri thiên mệnh", đã hiểu rằng, cần nhất cho xã hội là sự ổn định, tôi có thể cười cho những trò phải quấy trẻ con của mình.

Thế nhưng, nếu người trẻ không "quậy" tưng bừng thì khi ta đứng tuổi, ta có đánh giá được đúng những gì đang có mà ta đã mất nhiều công mới gây dựng được không?

Ngay từ ngày còn trẻ, tôi đã viết về một giấc mơ của mình như sau:

… thấy tôi nghèo thần làm phép lạ
giấy trên bàn tôi thần hóa hết ra tiền
tôi sướng tưởng phát điên
tôi nghĩ ra bao nhiêu thứ
cần mua
cần ăn
cần  may
cần sắm

rồi khi tôi cầm bút
xung quanh tôi chỉ toàn tiền là tiền
giấy tôi đặt lên bàn cũng hóa thành tiền hết
tôi chẳng biết viết vào đâu
tôi chẳng biết viết vào đâu cả

tôi bàng hoàng choàng mở mắt ra…

Đề dưới bài thơ này là dòng chữ: Ngày 22/9/1984.

Và trong một đêm mất ngủ giữa mùa đông băng giá của nước Nga tháng 11/1983, tôi đã trở dậy chong đèn viết:

Đêm mùa đông, vầng trăng lặng giữa trời,
Như tự lâu rồi đã hoá thành băng…
Trăng rất tròn, rất sáng,
Nhưng khí trời không vì thế ấm hơn…

Ơi những vần thơ tôi đã viết và sẽ viết
Đừng bao giờ giống ánh trăng đông!

Tôi cũng đã nhiều lần hoài nghi sứ mệnh làm thơ của mình. Và cũng đã nhiều lần đau đớn khi vấp phải những nghi hoặc của người đời. Tuy thế, khi ngồi lại một mình trước trang giấy trắng, tôi vẫn cố gắng tự trấn tĩnh được trái tim mình:

thiếu gì những kẻ không công nhận ta,
thiếu gì những kẻ ghét ta vì ta không giống họ,
thiếu gì những kẻ nhún vai cười méo mó
khi nghe ta đọc thơ

nhưng đừng bỏ con đường đã chọn
đừng bao giờ bỏ con đường đã chọn
bạn tôi ơi!
Thậm chí có lúc tôi còn viết:
năm mươi phần trăm độc giả thích thơ tôi -
thế là rất đủ!
sáu mươi phần trăm
còn gì hơn thế.
bảy mươi, tám mươi, chín mươi phần trăm
tôi coi mình là người thành đạt.
một trăm phần trăm
báo động!
cần phải xem lại thơ mình!

Thế đấy, tính khí sao mà lạ, không bao giờ muốn làm vừa lòng tất cả… Năm 1982, tôi được về Hà Nội nghỉ hè. Và đấy là mùa hè đã cho tôi được lần đầu tiên gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật, lúc ấy đang giữ chân Trưởng ban Thơ ở tờ Văn nghệ.

Khi đó, tôi "mê" anh Duật lắm, rất hay tìm đến anh để nghe anh đọc thơ và tán chuyện. Thế nhưng, với bản tính bướng bỉnh, tôi cũng rất thích phản biện những quan điểm của anh. Nghe anh Duật nói về chuyện nhà thơ phải như nam châm, hút hết các sự vụ của đời sống vào thơ mình như mạt sắt, tôi đã viết tặng anh bốn câu thơ:

Dù từ trường có mạnh đến đâu,
Đám mạt sắt tụ vào nhau vẫn chỉ là mạt sắt.
Dù người thợ có tài hoa trác tuyệt,
Nguyên liệu tồi, công sức bỏ bằng không…

Sau này, từ Ulianovsk, tôi có gửi bài thơ trên cho anh Duật. Không biết khi đọc, anh có cau mày nói: Rõ đồ trẻ con!

Mà có lẽ trong tôi tính trẻ con tồn tại rất lâu. Có những người anh quý tôi thì dặn, em cứ hồn nhiên mãi thế. Còn một số người bạn lính lại nhắc tôi, hồn nhiên thì tốt nhưng phải có thêm những cái khác nữa, sắp 50 tuổi rồi…

Thực ra, tôi bây giờ đã khác xưa lắm rồi. Giờ tôi đã biết rằng, sống đôi khi là một chuỗi những sự thỏa hiệp. Giờ đôi lúc tôi cũng sợ phải khác mọi người. Thế nhưng, không hiểu vì sao tôi cứ cảm thấy cay cay mí mắt khi đọc lại những dòng thơ của mình viết từ gần ba mươi năm trước về tuổi 20:

tuổi hai mươi
bao ước mơ suy nghĩ
tôi bắt đầu nói những lời ai đó chẳng dám nói ra

tôi không thể thản nhiên đi qua
nỗi đau khổ trong tâm hồn người khác
tôi vội lắm tôi còn bao nhiêu việc
nhưng tôi không thể thản nhiên đi qua
tiếng khóc

thật may mắn những điều tôi đã học
vẫn chưa khô trong ngực
vẫn chưa cô thành nhãn dán lên người

ai đó chê tôi nóng nảy
ai đó chê tôi nông nổi
ai đó chê tôi không biết đợi thời cơ

tôi vẫn sống nồng nàn như gió
tôi xây dựng ngày mai cho tôi
cho đứa con trai rồi tôi sẽ có

tuổi hai mươi
tôi thấy mình tài giỏi
tôi đủ sức làm xong mọi việc trên đời…

Cái tuổi hai mươi ấy đã qua lâu rồi trong tôi. Nhưng trong đêm chuyển giao giữa năm 2007 sang năm 2008, tôi bỗng muốn hét lên một câu: Giá ta có thể dù chỉ một giây thấy lại trong mình dòng máu của tuổi hai mươi ấy!

Phố Pháo Đài Láng,
đêm 31/12/2007 rạng ngày 1/1/2008

Hồng Thanh Quang
.
.