Khi nào xã hội cần những người 20 tuổi?

Chủ Nhật, 29/03/2020, 10:02
Nếu bạn là một người Pháp và vào năm 1789, bạn tổ chức sinh nhật lần thứ 20, tương lai là của bạn. Bạn còn chờ gì nữa mà không tham gia cách mạng. Một trong số những người 20 tuổi đó sẽ dẫn dắt tương lai của nước Pháp và lịch sử châu Âu...

Hãy nhìn những người Nhật trong tấm hình này:

Binh lính Satsuma, tuổi tầm 30, đi giày, mặc trang phục phương Tây và cắt tóc. (J. Fairbank, 1965).

Bức ảnh chụp khi họ vừa đánh bại Mạc phủ Tokugawa và nước Nhật đang chuẩn bị chuyển mình sang một trang mới: thời đại Minh Trị. Vị quân vương mà họ phò tá cũng là một người mới 16 tuổi. Những người 20-30 tuổi này sẽ tham gia vào kiến thiết lại nước Nhật để tới khi vị Thiên hoàng qua đời năm 1912, di sản họ để  lại là một đế chế.

Tại Thái Lan, nhà vua Chulalongkorn (Rama V) lên ngôi lúc 15 tuổi (1868). Triều đại và cuộc cải cách cứu thoát nước Siam khỏi thực dân phương Tây của ông cũng sẽ dựa chặt chẽ vào các anh em (con của vua Rama IV) và con trai (các con của Rama V). Phần lớn trong số những người trẻ tuổi này được gửi sang châu Âu du học và sứ mệnh của họ là cứu thoát số phận thuộc địa của vương quốc.

“Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách” nhưng chúng ta vẫn tự hỏi ai là người gánh vác sứ mệnh lịch sử? Nhiệm vụ của thời đại được trao vào tay ai? Và khi nào thì sẽ xuất hiện thế hệ gánh vác sứ mệnh lịch sử?

Bài viết này gợi ý câu trả lời cho câu hỏi hóc búa trên thông qua việc lật lại một vài chương quan trọng trong quá khứ, tại đó bánh xe thời đại đang chuẩn bị chuyển sang một vòng quay mới và tìm kiếm vai trò của những người trẻ (20-30 tuổi) trong sự chuyển dịch đó. Khi đọc xong, hy vọng quý vị sẽ biết lúc nào là thời điểm hoàn hảo để làm một người 20 tuổi.

Nếu bạn là một người Pháp và vào năm 1789, bạn tổ chức sinh nhật lần thứ 20, tương lai là của bạn. Bạn còn chờ gì nữa mà không tham gia cách mạng. Một trong số những người 20 tuổi đó sẽ dẫn dắt tương lai của nước Pháp và lịch sử châu Âu: Napoleon Bonaparte. Thiên tài của vị tướng này không chỉ nằm ở việc chỉ huy pháo binh hay kỹ thuật điều quân mà còn ở cách thức ông sử dụng các công cụ của thời đại mới để huy động tối đa sức mạnh của những người 20 tuổi tham gia vào dự án đế chế.

Thực tế, chìa khóa thành công của Napoleon chính là việc tập hợp những người trẻ tuổi, xuất thân từ đủ các tầng lớp và đưa họ vào một đạo quân hiện đại. Đó là quân đội của nước Pháp chứ không phải của dòng họ Bourbon. Họ chiến đấu cho nền cộng hòa chứ không phải nền quân chủ: “chiến tranh với lâu đài, hòa bình với lều tranh”. 

Điều quan trọng khác là cách thức vận hành của quân đội và chiến tranh đã thay đổi. Chế độ tòng quân và việc tuyển mộ, thăng cấp theo tài năng và công trạng thay vì dòng máu đã làm gia tăng hiệu quả tổ chức quân sự và tác chiến hơn bất cứ đạo quân châu Âu nào lúc đó. 

Sự chuyển dịch này đã cởi trói cho các quan hệ xã hội và quyền lực cũ. Và đó là lúc những người 20 tuổi tìm thấy cơ hội cho cuộc đời mình. Cơ hội đã giúp chàng trai tới từ hòn đảo Corsica xa xôi, nhỏ bé được phong tướng lúc 24 tuổi, dẫn đầu một cuộc viễn chinh lúc 26 tuổi.

Nhưng nếu bạn tới sớm hơn điểm hẹn của lịch sử thì sao?

Nếu sống ở Anh, Pháp, Đức, Mỹ và bạn tổ chức sinh nhật lần thứ 20 vào năm 1913, cuộc đời bạn sắp gặp hạn lớn. Ô chữ tiếp theo mà lịch sử mở ra trước mắt bạn: Chiến tranh Thế giới thứ nhất - cối xay thịt của thời đại. Ước tính có khoảng 40 triệu người chết, trong đó khoảng 9-11 triệu binh lính. Số lính bị thương cũng vào khoảng 20-22 triệu.

Nếu may mắn sống sót như văn hào Mỹ Ernest Hemingway, bạn sẽ gọi những người cùng trang lứa là “thế hệ mất mát” (the lost generation). Đó là những người sinh ra từ 1883 đến 1900, đi ra khỏi cuộc chiến thảm khốc và đầy ám ảnh mà không tìm được các hệ giá trị sống và ý nghĩa của cuộc đời. Cũng tương tự như thế với những người sinh ra trước và trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, họ đã tham dự vào một nốt trầm của lịch sử. Khung cảnh hậu chiến và việc khôi phục hậu quả chiến tranh đã biến họ thành thế hệ lặng im.

Vua Chulalongkorn và một số người con của mình đang học tại Trường Eton (Vương quốc Anh, 1907).

Tuy nhiên, nếu bạn 20 tuổi vào năm 1968, bạn chính là thế hệ ồn ào nhất trong lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà phong trào phản kháng quân dịch, cải cách tình dục, chống phân biệt chủng tộc, văn hóa tiêu dùng, âm nhạc, trang phục, phong trào phản chiến, ma túy, biểu tình tại các trường đại học, những người Hippie... 

Tất cả sự hỗn loạn này được tạo ra bởi thế hệ những người sinh ra sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Thế hệ "Những đứa con của hoa" hay sản phẩm của thời kỳ "bùng nổ trẻ em". Hòa bình, tình yêu, toàn cầu hóa, văn hóa tiêu dùng, tự do cá nhân... sẽ chi phối cách thức họ phản ứng với trật tự xã hội. Họ tuyên bố, “Make love, not war”.

Chính vì thế, để hiểu về thời đại và các vấn đề đặt ra, chúng ta cần hiểu thế hệ đang dẫn dắt xã hội và các nỗi ám ảnh của họ. Không chỉ ở Mỹ và châu Âu, thế hệ hậu chiến tại Nhật Bản cũng tạo ra những cuộc nổi loạn tương tự vào thập niên 60-70. Chính họ đã thách thức các trật tự xã hội và hệ giá trị truyền thống, từ các cuộc tranh luận ý thức hệ tới hệ thống giáo dục, trường học, âm nhạc, tình dục cho tới việc đi tìm ý nghĩa cuộc sống. 

Câu chuyện Rừng Nauy của Murakami Haruki chính là trải nghiệm đầy ám ảnh về số phận của một thế hệ, một thời đại và để thấy khi bạn 20 tuổi thì khung cảnh thời đại có ý nghĩa như thế nào đối với cách bạn và những người cùng trang lứa đặt dấu ấn lên lịch sử.

Murakami Haruki sinh năm 1949, đã cho thấy thời bão táp tuổi trẻ ảnh hưởng sâu sắc như thế nào tới thế hệ mình. Bản thân tiêu đề câu chuyện đến từ một bài hát của The Beatles (những người tới lưu diễn tại Nhật năm 1966), phản ánh ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Âu, Mỹ tới những thanh niên 20 tuổi Nhật Bản. Và không chỉ có Rừng Nauy hay Murakami Haruki, bóng dáng của thời đại ấy sẽ còn trùm phủ lên tâm lí, tính cách và trải nghiệm của hàng triệu người Nhật cùng thế hệ.

Khi ai đó ở tuổi 20 vào năm 1930, số phận của một nền chính trị và tương lai một dân tộc đang nằm trong tay họ:

Thật thú vị khi thấy những người sáng lập các tổ chức cộng sản, các lãnh tụ tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương, Việt Nam Quốc dân đảng... phần lớn đều trong độ tuổi 20-30.

Để những Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Học, Võ Nguyên Giáp, Đặng Xuân Khu... đặt dấu ấn lên một thời đại mới, có hai thế hệ khác đã phải trả giá. Thế hệ Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân... (những người sinh ra trong những năm 40-50 của thế kỷ XIX) và thế hệ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... (sinh những năm 60-70 của thế kỷ XIX). Các nỗ lực không mệt mỏi và sự hy sinh của họ không phải là vô nghĩa. Họ là một phần của cuộc chạy tiếp sức lịch sử và thành công của thế hệ sau được đỡ trên xương máu của thế hệ trước.

Bài học này có lẽ còn có ý nghĩa thời đại đối với công tác cán bộ và nhân sự của nhiều thế hệ.

Lịch sử sẽ còn sôi động hơn nữa nếu bạn tổ chức sinh nhật 20 tuổi vào năm 1945. Bạn không chỉ may mắn thoát khỏi nạn đói khủng khiếp bậc nhất trong lịch sử Việt Nam mà còn chuẩn bị tham dự vào một trong những biến cố lớn nhất của lịch sử dải đất hình chữ S: với các dự án chính trị, các cuộc chiến tranh, vận động giải phóng dân tộc, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cộng sản, Chiến tranh Lạnh... 

Thực tế là thế hệ những người 20 tuổi vào năm 1945 sẽ dẫn dắt các khuynh hướng chủ đạo của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là  thế hệ: “Con lớn lên, con tìm Cách mạng/ Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi” (Tố Hữu).

Dĩ nhiên, đây là góc nhìn có tính phổ quát, dựa trên cở sở rằng khung cảnh xã hội và những biến đổi quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội ở vào bước chuyển dịch sẽ giúp cởi trói cho một thế hệ mới phát triển. Sự khai mở này là chìa khóa cho những người trẻ 20-30 tuổi nhanh chóng xác lập vị trí và tầm ảnh hưởng xã hội. Các sơ sở kỹ thuật, xã hội và tư tưởng của nó là hoàn hảo nhất đối với những người trẻ này. 

Và ngay lúc đó, những người không đến muộn, không đến sớm này sẽ nối tiếp vòng quay của bánh xe lịch sử. Với những người như Nguyễn Công Trứ, sinh nhật lần thứ 20 có vẻ không quá quan trọng vì 41 tuổi ông mới thi đỗ. Và với Tú Xương thì tuổi tác còn ít quan trọng hơn nữa. 

Với Donald Trump, một người sinh năm 1946 chẳng hạn. Ông đã đi qua thời hippie mà không rượu, thuốc lá, từ chối các lệnh gọi nhập ngũ với lí do sức khỏe và cuối cùng lên làm tổng thống khi người cùng thế hệ Bill Clinton đã về hưu được 16 năm.

Còn bây giờ, nếu năm 2006 bạn 20 tuổi, bạn chính là một sản phẩm của Đổi mới Việt Nam và trách nhiệm của thế hệ bạn là tiếp tục cuộc chạy tiếp sức trong thời đại mới. Ngọn đuốc lịch sử đang ở trong tay bạn rồi đấy.

Vũ Đức Liêm
.
.