Khi “kẻ cơ hội” Abu Sayyaf kết thân IS

Thứ Ba, 10/05/2016, 17:25
Phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ngày 3-5 đã đăng tải một đoạn video đe dọa sẽ sát hại ba con tin, chỉ một tuần sau khi nhóm này chặt đầu một công dân Canada. Sau cái chết của con tin này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã nhắc tới tiền sử các cuộc tấn công máu lạnh của Abu Sayyaf, và nhận định rằng “kẻ cơ hội Abu Sayyaf” đang làm tất cả để kết thân với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Từ năm 2003, Philippines đã liệt nhóm này vào danh sách khủng bố. Mức độ bành trướng và sự hung bạo của nhóm khủng bố Abu Sayyaf đã trở thành một vấn đề nóng tại Philippines khi vào trung tuần tháng 4 vừa qua, Abu Sayyaf tuyên bố trung thành và nguyện đi theo lý tưởng của IS.

Hành động man rợ

Abu Sayyaf là nhóm phiến quân Hồi giáo ly khai, nổi lên ở Philippines từ năm 1991, dưới sự chỉ huy của Janjalani - một nhà truyền đạo ở đảo Basilan. Các phiến quân đã chứng tỏ mình là một cánh cấp tiến trong cuộc chiến đòi ly khai kéo dài hàng chục năm nay của 5 triệu tín đồ Hồi giáo ở miền Nam Philippines. Ngoài quân đội Philippines, Abu Sayyaf đã mở rộng các mục tiêu sang các nước có phần đông dân chúng theo đạo Thiên chúa, trong đó có Mỹ.

Năm 1994, Abu Sayyaf nhận trách nhiệm về vụ đánh bom máy bay của Hãng Hàng không Philippines từ Manila đi Tokyo, làm một hành khách thiệt mạng, 6 người bị thương. Ban đầu, các nhân viên điều tra Philippines tưởng rằng Abu Sayyaf chỉ là một nhóm tội phạm địa phương. Tuy nhiên, họ nhận ra ngay tính chất nguy hiểm của tổ chức này sau khi tìm được các mối liên quan giữa Abu Sayyaf và các phần tử khủng bố Al-Qaeda.

Tháng 4-1995, Abu Sayyaf gây một vụ bạo động khủng bố lớn ở Ipil (Philippines), làm 50 người thiệt mạng. Năm 1996, Giám đốc CIA John Deutch tiết lộ tổ chức Abu Sayyaf có quan hệ với các nhóm khủng bố nước ngoài, từng nhận được hỗ trợ tài chính, vũ khí và nhân lực từ mạng lưới Al-Qaeda. Thậm chí, các chiến binh Abu Sayyaf còn được gửi sang huấn luyện tại các trại của Al-Qaeda.

Cho tới năm 2000, Abu Sayyaf đã mở rộng diện tấn công sang các mục tiêu ở Malaysia. Có một thực tế rằng, nhiều chỉ huy của nhóm Abu Sayyaf từng chiến đấu với các lãnh tụ của nhiều nhánh khủng bố thuộc mạng lưới Al-Qaeda. Abu Sayyaf đã đào tạo các kỹ năng chiến đấu và khủng bố cho quân cảm tử tại một “trường đại học” ở Pakistan.

Kể từ khi thành lập, Abu Sayyaf bị cáo buộc đã thực hiện nhiều vụ đánh bom, bắt cóc tống tiền và sát hại dã man những con tin, tập trung vào các nạn nhân là công dân phương Tây. Hiện nay, phiến quân Abu Sayyaf đã bắt giữ bốn con tin, bao gồm John Ridsdel và Robert Hall (người Canada), Kjartan Sekkingstad (người Na Uy) và một phụ nữ Philippines tên là Marites Flor.

Những con tin này bị bắt cóc tại một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở miền Nam Philippines hồi tháng 9-2015. Sau đó, các con tin được cho là đã bị đưa đến đảo Jolo ở tỉnh Sulu, khu vực có nhiều khu rừng rậm rạp ở miền Nam Philippines và là nơi giam giữ những con tin khác.

Bất chấp nỗ lực giải cứu con tin của Chính phủ Philippines, Abu Sayyaf đã sát hại John Ridsdel. Thông tin về việc Ridsdel bị hành quyết được đưa ra chỉ vài giờ sau khi hạn chót nộp tiền chuộc là 15h ngày 25-4 (theo giờ Philippines) trôi qua. 

Abu Sayyaf tiếp tục gây sức ép khi đăng tải một đoạn video trên Youtube, cho thấy ba con tin còn lại đang cầu xin Chính phủ Philippines và Canada cứu giúp. Trong đoạn video, ba con tin ngồi dưới đất tại một khu vực trông giống đồn điền trồng dừa, với 6 tay súng đứng phía sau. 

Một trong những tay súng cảnh báo, Chính phủ Phillipines và Canada nên ghi nhớ “bài học” từ cái chết của con tin Ridsdel, và không được chậm trễ trong thương lượng mà cần phải đáp ứng tuyệt đối các yêu cầu do chúng đưa ra.

Trước tình hình này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cam kết sẽ vô hiệu hóa nhóm phiến quân Abu Sayyaf, đồng thời khẳng định Manila sẽ không thỏa hiệp. Những tuần gần đây, lực lượng vũ trang Philippines đã đẩy mạnh các chiến dịch chống Abu Sayyaf tại khu vực Basilan và Sulu.

Ông Aquino đã chỉ thị các lực lượng an ninh tăng cường chiến dịch chống Abu Sayyaf nhằm giải cứu các con tin bị bắt giữ. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng khẳng định sẽ không thương lượng với những kẻ bắt cóc.

Ông Trudeau đã xác nhận thông tin Ridsdel bị hành quyết và gọi những kẻ ra tay tàn bạo là “sát thủ máu lạnh”. “Canada kịch liệt lên án hành vi tàn bạo của những kẻ bắt cóc con tin. Đây là hành động phi nhân tính. Chính phủ Canada cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Philippines nhằm đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra xét xử trước pháp luật”, ông Trudeau nói.

Muốn kết thân với IS

Nhiều tháng trước khi phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf hành quyết con tin người Canada John Ridsdel, một đoạn video trong đó có hình ảnh của nạn nhân và ba con tin khác cầu cứu chính phủ trả tiền chuộc đã được phát tán.

Việc bắt cóc du khách người nước ngoài không phải là chưa từng có tiền lệ ở Philippines, nhưng trong vụ việc này lại nảy sinh hai yếu tố mới. Thứ nhất, trong đoạn video xuất hiện vào tháng 11-2015 này có xuất hiện hai lá cờ màu đen với biểu tượng của IS phấp phới phía sau các tay súng phiến quân Abu Sayyaf.

Tiếp đó, khi thời hạn nộp tiền chuộc kết thúc vào ngày 25-4, phiến quân Abu Sayyaf lập tức hành quyết con tin 68 tuổi Ridsdel. Đây được coi là động thái bất thường mang tính manh động. Từ trước tới nay, Abu Sayyaf thường kiên nhẫn chờ đợi tiền chuộc con tin do vấn đề tiền bạc luôn được đặt lên hàng đầu đối với nhóm phiến quân không dư dả này.

Chính động thái kể trên đã khiến Chính phủ Philippines phải tự chất vấn rằng, liệu từ trước tới nay họ đã phạm sai lầm lớn khi coi Abu Sayyaf (cùng nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo khác) chỉ như những tên bắt cóc đơn thuần.

Bên cạnh đó, phải chăng Philippines đã trở thành một quốc gia bị vòi bạch tuộc của IS tại Iraq và Syria chạm tới? Chính phủ Philippines từng nhiều lần khẳng định, IS chưa hề đặt chân tới miền Nam nước này, nơi tập trung phần đông người theo đạo Hồi. 

Tuy nhiên, sau cái chết của công dân Ridsdel, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã buộc phải nhắc tới tiền sử các cuộc tấn công máu lạnh của phiến quân Abu Sayyaf, đồng thời gọi nhóm này là những kẻ ngoài vòng pháp luật. Ông Aquino cũng nhận định rằng, Abu Sayyaf là “kẻ cơ hội” muốn kết thân với IS để lợi dụng về mặt tiền bạc.

Cuộc chiến chống khủng bố cần rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự tỉnh táo để nhìn rõ những thách thức trước mắt.

Nhiều quan điểm nhận định, các nhóm phiến quân như Abu Sayyaf đang tìm cách vượt qua những rào cản về tôn giáo. Chúng luôn ủng hộ IS vì lẽ phải của đạo Hồi, “tôn thờ” sự man rợ và đàn áp từ chính trị tới tôn giáo ở những nơi IS kiểm soát.

Có vẻ như, Abu Sayyaf lên kế hoạch kết nối với IS là một phương thức nhằm kêu gọi sự hỗ trợ tài chính và ủng hộ từ nước ngoài. Làn sóng bắt cóc cùng những cuộc hành quyết con tin gần đây là dấu hiệu cho thấy phiến quân Hồi giáo ở Philippines đang muốn gây ấn tượng và thể hiện cho IS thấy chúng có thể là một “phụ tá” tốt.

Các chuyên gia cảnh báo, tuy các nước châu Âu và Trung Đông đối mặt nhiều hơn với đe dọa từ IS thì Đông Nam Á hiện nay cũng đang nằm trong thời điểm dễ bị tổn thương. Hàng trăm đối tượng cực đoan người Malaysia và Indonesia đã tới Iraq và Syria trong vài năm trở lại đây để được gia nhập vào hàng ngũ của IS.

Còn có thông tin chưa được kiểm chứng cho biết, nhiều công dân Philippines cũng đã gia nhập IS. Tuy nhiên, Abu Sayyaf vẫn là nhóm khủng bố nguy hiểm và trong thời gian tới có thể tiến hành nhiều cuộc tấn công khủng khiếp đối với người dân thường.

Các quan chức an ninh Philippines nghi ngờ về mối liên hệ thật sự giữa Abu Sayyaf và Nhà nước Hồi giáo vì cho rằng phiến quân ở Philippines đang trong giai đoạn thoái trào và muốn “đánh bóng” lại tên tuổi bằng cách liên hệ với tổ chức khủng bố sừng sỏ nhất thế giới hiện nay. 

Dù có liên hệ trực tiếp hay chỉ là “kẻ bắt chước” thì điều đáng lo ngại là, từ cách công bố đoạn băng ghi hình đe dọa đến thông điệp của Abu Sayyaf, có thể thấy tư tưởng cực đoan của nhóm phiến quân này đang được hồi sinh bằng hành động man rợ của IS.

Để ngăn chặn sự phát triển của mạng lưới Abu Sayyaf, cần phải có các biện pháp giải quyết triệt để tận gốc rễ, bao gồm cả việc giải quyết những vấn đề bất công trong xã hội, nhằm ngăn chặn sự chia rẽ trong xã hội, vốn có thể dẫn tới những nguy cơ khiến chủ nghĩa khủng bố phát triển. Tuy nhiên, đây không phải là một nỗ lực ngắn hạn và bất cứ cá nhân nào cũng phải tỉnh táo để nhìn rõ những thách thức trước mắt. Cuộc chiến này sẽ cần rất nhiều thời gian…


Doãn Lâm
.
.