Khi Internet trở thành “giáo đường toàn cầu”?

Thứ Hai, 07/03/2016, 16:40
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang ngày càng lớn mạnh và sở hữu bộ máy tuyên truyền tinh vi nhất trong các nhóm cực đoan. Phát tán hình ảnh qua mạng xã hội, đăng tải những đoạn phim (video) được thực hiện công phu, hay phát hành tạp chí trực tuyến, IS đang lợi dụng và biến Internet thành một vũ khí lợi hại nhằm mở rộng ảnh hưởng và phạm vi hoạt động. 

Những kẻ khủng bố cũng đang di chuyển hoạt động truyền bá từ các diễn đàn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng mật khẩu đến các nền tảng mạng mở, có thể dễ dàng truy cập. 

Ở vào thời điểm hiện tại, sử dụng công nghệ kỹ thuật số để vạch kế hoạch và truyền bá hệ tư tưởng tăng lên đang đặt ra yêu cầu phải tăng cường các nỗ lực đấu tranh chống khủng bố trên không gian mạng. Điều này tạo nên một cuộc chiến dai dẳng thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, và khiến những “ông lớn” truyền thông như Facebook, Google hay Twitter phải thay đổi chính sách để loại bỏ sự phát tán các nội dung xấu.

Ẩn mình và tung hoành

IS rất chuộng sử dụng mạng xã hội Twitter để phát tán những hình ảnh ghê rợn như những chiếc thủ cấp và thi thể đầy máu, nhằm tuyển mộ những tân binh tiềm năng. Tuy nhiên, nhiều thành viên IS hiện đã chuyển sang sử dụng các mạng xã hội ít nổi tiếng hơn như Friendica, Diaspora và VK (mạng xã hội của Nga) – nơi các bài viết có thể “sống” rất lâu. 

Chúng cũng tỏ ra tinh vi hơn khi khéo léo sử dụng dịch vụ và phần mềm để tránh bị theo dõi, như mạng ẩn danh Tor (để duyệt web), hay các dịch vụ nhắn tin như Telegram, Firechat và cả iMessage của Apple. IS cũng tận dụng những chiếc điện thoại siêu bảo mật, tránh xa các dịch vụ Internet yêu cầu thông tin về vị trí người dùng như Facebook hay Dropbox.

Không ngạc nhiên khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo sử dụng Telegram như là nền tảng chính để liên lạc và truyền tải thông điệp trên mạng trong các chiến dịch khủng bố. Đây là ứng dụng nhắn tin trực tuyến được xem là an toàn nhất thế giới với hai tầng mã hoá, lại có tính năng “trò chuyện bảo mật” cho phép tự huỷ nội dung. 

Cái tên Telegram được nhắc đến nhiều trong thời gian qua như một kênh phát ngôn chính thức của tổ chức IS. Các kênh thông tin trên Telegram là nơi IS đứng ra nhận trách nhiệm cho các vụ tấn công khủng bố, phát đi khoảng 10 - 20 thông báo và video mỗi ngày, thậm chí còn có thể quyên góp tiền cho các hoạt động vũ trang.

Chưa dừng lại ở đó, IS còn truyền bá quan điểm cực đoan qua tạp chí trực tuyến mang tên Dabiq - được đặt theo tên một thị trấn ở miền bắc Syria, tượng trưng cho cuộc đụng độ giữa Hồi giáo và phương Tây. Tạp chí miêu tả phương Tây là “những kẻ đàn áp Hồi giáo”, và cho rằng những đế chế lớn như Mỹ sắp sụp đổ hoàn toàn. IS đang tạo nên sự khác biệt khi thông qua Dabiq “khuyến khích” mọi cá nhân đến gia nhập và tham chiến ở Iraq và Syria. 

Việc phát hành Dabiq chứng minh rằng IS không chỉ tìm kiếm hỗ trợ từ các khu vực lân cận, mà đang tiến hành một chiến lược tiếp cận toàn cầu để tuyển mộ những người nhập cư, nhằm xây dựng nhà nước riêng.

Nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền và tạo dấu ấn riêng, IS tổ chức một bộ phận đặc biệt mang tên “Trung tâm truyền thông al-Hayat” có nhiệm vụ đăng tải và phát tán những đoạn phim về hoạt động khủng bố, cảnh hành quyết man rợ các con tin phương Tây. Thậm chí, IS còn tạo ra những bộ phim ngắn quay cảnh chiến binh đang chơi đùa với trẻ em, hoặc những người bán hàng nói về những điều tốt đẹp dưới sự cai trị của Nhà nước Hồi giáo. 

Các video của IS không chỉ cầu kỳ hơn so với sản phẩm của các nhóm Hồi giáo khác, mà còn được phát hành nhiều hơn, với tốc độ cực kỳ nhanh. Các đoạn phim nổi bật về độ công phu, được dịch sang tiếng Anh và một số ngôn ngữ châu Âu, đồng thời xác định mục tiêu tấn công rõ ràng là phương Tây. Nhiều chuyên gia nhận định, những cá nhân tạo nên những đoạn video công phu và nhanh chóng của IS có thể từng làm công việc dàn dựng phim ảnh ở những nơi có nền sản xuất phim phát triển.

Cuộc chiến lâu dài

Không gian mạng đang trở thành mảnh đất vô cùng thuận lợi cho IS mở rộng ảnh hưởng và phạm vi hoạt động. Thực tế cho thấy, tại nhiều quốc gia, trong khi các phần tử tuyên truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan, khủng bố luôn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan mật vụ, thì Internet lại có thể được coi là một “giáo đường toàn cầu” rất khó kiểm soát, nếu như không muốn nói là không thể. Nhờ mạng xã hội, IS có được môi trường lý tưởng để đẩy mạnh hoạt động và phô trương thanh thế.

Trên các mạng xã hội tràn ngập những tài khoản có cảm tình với chủ nghĩa cực đoan và đây là một yếu tố quan trọng trong chiến lược tuyển dụng của IS. Nhiều tài khoản được ngụy trang thành các nhóm dành riêng cho đạo Hồi hay giảng thuyết tôn giáo, bên cạnh những trang cộng đồng hoạt động một cách độc lập, công khai. 

Những trang kiểu này thường xuyên đăng tải những thông tin cập nhật về cuộc sống hàng ngày ở các nước Hồi giáo, thơ ca thánh chiến lãng mạn cũng như giới thiệu các chiến binh trẻ tuổi chưa lập gia đình. Việc xác định nội dung cực đoan trên mạng trực tuyến của nhà chức trách không thấm vào đâu so với những tài khoản cực đoan mới được lập ra.

Tạp chí Dabiq trở thành công cụ truyền bá quan điểm cực đoan với những dòng miêu tả phương Tây là “những kẻ đàn áp Hồi giáo”.

Trước tình trạng thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội, các “ông lớn” truyền thông nhanh chóng điều chỉnh chính sách bằng cách cung cấp một số dịch vụ tiện ích nhằm phản ứng nhanh hơn với sự lan truyền của các nội dung xấu. Telegram đang nỗ lực làm tê liệt IS khi khóa 80 kênh được cho là có liên quan đến các hoạt động của tổ chức này. Ứng dụng cũng sẽ sớm tung bản cập nhật, cho phép người dùng cảnh báo những nội dung “có mục đích thiếu minh bạch”. 

Trong khi đó, Facebook và Twitter loại bỏ hàng loạt tài khoản nghi ngờ liên quan đến các phần tử cực đoan, hoặc vi phạm nghiêm trọng điều khoản tiêu chuẩn cộng đồng về việc cấm ca ngợi, và kích động những hành vi bạo lực khủng bố. Google cũng triển khai chương trình “Trusted Flagger” trên trang YouTube áp dụng cho các tổ chức tín nhiệm đánh dấu số lượng lớn các video “có vấn đề” để có hành động thích hợp ngay lập tức.

Nhiều nguyên thủ quốc gia cùng đại diện các tổ chức lớn trên thế giới đã tiến hành các cuộc gặp riêng biệt nhằm tìm ra giải pháp phản ứng nhanh hơn với những nội dung mang tính thù hận, tuyên truyền, cổ vũ khủng bố và tuyển mộ cho các hoạt động “khả nghi”. 

Ở Pháp, theo luật chống khủng bố mới được thông qua, Bộ Nội vụ nước này đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn nhiều trang mạng có nội dung tuyên truyền khủng bố. Chính phủ Trung Quốc cũng tìm mọi cách để loại bỏ, ngăn chặn sự phát tán và phổ biến các tài liệu liên quan đến khủng bố qua Internet, cũng như xử phạt các trang mạng vi phạm.

Bên cạnh những nỗ lực từ các “ông lớn” truyền thông xã hội, một số tổ chức của các nhà hoạt động mạng đã thành công trong việc giúp loại bỏ những nội dung xấu. Một nhà hoạt động Twitter với tài khoản NageAnon đã giúp “gắn cờ đen” hàng nghìn video trên trang YouTube bằng cách liệt kê các đường dẫn của các trường hợp vi phạm những điều khoản sử dụng, và chiêu mộ thêm các nhà hoạt động tình nguyện khác. Thực tế cho thấy, khi càng có nhiều người cảnh báo và báo cáo vi phạm thì các nội dung này càng nhanh chóng được xem xét và loại bỏ.

Các công ty hoạt động trên nền tảng Internet đều có các chính sách minh bạch như cấm các nội dung vi phạm đến các điều khoản sử dụng dịch vụ, yêu cầu có lệnh từ tòa án để loại bỏ và chặn bất cứ các nội dung khác. Bất cứ ai cũng có thể cảnh báo, đánh dấu những nội dung không phù hợp để nhà cung cấp dịch vụ xem xét lại hoặc gỡ bỏ những nội dung này.

Không thể phủ nhận rằng, việc loại bỏ các nội dung tuyên truyền cực đoan trên mạng xã hội đang là vấn đề cấp bách. Đây không chỉ là mối quan tâm chung của các chính quyền, các công ty và cộng đồng mà còn cần sự phối hợp hành động của tất cả mọi cá nhân có liên quan.

Tuy nhiên, chống IS trên không gian mạng không hề dễ dàng bởi tính chất phân quyền và rối rắm trong cấu trúc của Internet. Việc đóng một trang mạng xã hội của tổ chức khủng bố, hay xóa một vài video tuyên truyền tư tưởng Hồi giáo sai lệch thật ra chẳng đem lại cho chúng thiệt hại đáng kể nào. Chính vì thế, cuộc chiến trên “giáo đường toàn cầu” sẽ còn rất lâu dài…

Tố Uyên
.
.