Khi đối ngoại thế giới dưới tay các quý bà

Thứ Tư, 05/10/2016, 09:19
Sự có mặt của các quý bà trên sân khấu chính trị thế giới không còn là chuyện lạ, nếu không nói đó là một trong những xu hướng chính trị nổi bật của thế kỷ 21. 

Theresa May, Angela Merkel, Park Geun-hye, Michele Bachelet… đã bước vào sàn đấu vốn được mặc định “không dành cho phái nữ” mà trước kia những Golda Meir, Margaret Thatcher, Indira Gandhi hoặc Benazir Bhutto rất khó khăn mới có thể bước vào.

Hoa giữa rừng gươm

Khoảng sau 10h sáng địa phương, chiếc Airbus của Thủ tướng Đức Angela Merkel hạ cánh xuống sân bay Hàng Châu. Tấm thảm đỏ được trải ra ngay khi máy bay dừng. Bà Merkel đến Trung Quốc dự Hội nghị thượng đỉnh G-20.

Trước đó, bà đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận tình hình Syria và cuộc chiến chống lực lượng khủng bố IS. Sau đó bà vội vã đến Trung tâm Expo để gặp các nguyên thủ khác bàn các giải pháp kích cầu kinh tế thế giới. Tại Hàng Châu, buổi tiệc dành cho nguyên thủ thế giới được tổ chức lúc 7 giờ tối, trước khi họ du ngoạn trên Tây Hồ, nơi bà Merkel có cuộc gặp mặt đối mặt với Tổng thống Nga Vladimir Putin...

4 giờ sáng, chiếc máy bay của (cựu) Ngoại trưởng Hillary Clinton hạ cánh xuống căn cứ không quân Andrews. Đến khoảng giữa buổi sáng hôm đó, bà Hillary đã có mặt trong Phòng Bầu dục để họp với ông Barack Obama.

Đêm hôm trước, khi chuyên cơ của bà trên đường trở về từ Tunis (thủ đô Tunisia), bà và ông Obama đã đồng ý với nhau rằng, lá phiếu Hội đồng Bảo an về việc áp đặt vùng cấm bay tại Libya có nghĩa rằng đó là thời điểm mà nước Mỹ thực hiện một cuộc chiến thứ ba tại Trung Đông. Trong Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã đi đến quyết định rằng phải “xử” Muammar Gaddafi bằng vũ lực. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự nên được giao cho Anh và Pháp.

Để thuyết phục hai nước trên, ông Obama yêu cầu bà Hillary phải đích thân nói chuyện với Thủ tướng Anh David Cameron lẫn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. “Xin lỗi, Hillary, chuyến này bà lại phải bay qua Đại Tây Dương lần nữa” – ông Obama nói với bà Hillary, trước khi ông lên đường sang Brazil theo kế hoạch.

Thế là chỉ vài giờ sau khi trở về từ Tunis, bà Hillary lại bay sang Paris. Trong sáu ngày mang yếu tố quyết định trong cuộc chiến Libya vào tháng 3-2011, bà gần như sống trên máy bay, với chặng đường tổng cộng gần 32.186km, “thoắt ẩn” ở Washington lại “thoắt hiện” tại Cairo…

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc họp G-7.

“Chính sách đối ngoại nữ tính”

Câu chuyện về khả năng làm việc của Angela Merkel và Hillary Clinton đã cho thấy cường độ làm việc kinh khủng của các nữ chính khách thế giới. Tuy nhiên, câu hỏi được giới phân tích đặt ra không phải là chuyện nữ chính khách vất vả với “nghề chính trị” như thế nào mà là họ đóng góp gì và thay đổi được gì đối với chính trị thế giới.

Thử nhìn lại Hillary Clinton thời gian bà làm ngoại trưởng. Khi tiếp nhận ghế ngoại trưởng năm 2009, Hillary từng bị nhiều ý kiến dè bỉu. Người ta không tin một người không hề có kinh nghiệm về ngoại giao, không biết bất kỳ thứ tiếng nước ngoài nào, chưa từng nếm mùi trận mạc trong những cuộc đấm đá đối ngoại bốp chát tay đôi như Hillary Clinton lại có thể thành công ở vị trí ngoại trưởng. Tuy nhiên, vị ngoại trưởng thứ 67 của nước Mỹ này đã làm được nhiều hơn cả những gì mà lĩnh vực đối ngoại Mỹ mong đợi.

Bà đã thành công khi giúp Tổng thống Barack Obama đưa nước Mỹ trở lại “cắm cọc” ở châu Á (một chính sách mà hai cựu ngoại trưởng thuộc phe Cộng hòa, George Shultz và Henry Kissinger, từng khuyên nên thực hiện). Bà sử dụng khôn khéo cái thế của Mỹ trong Hội đồng Bảo an để thuyết phục Trung Quốc và Nga cô lập Iran và Bắc Triều Tiên. Đặc biệt, Hillary đã thành công trong việc tạo ra cái gọi là “xã hội dân sự” trong ngoại giao quốc tế. Đó không là những kết nối trong phạm vi đối ngoại thường thấy của Mỹ với các chính phủ mà là với những tổ chức phi chính phủ (NGO), để giúp thực hiện những mục tiêu ổn định và phát triển thế giới nói chung.

Tháng 9-2010, bà Hillary tuyên bố thành lập một tổ chức dưới sự đứng đầu Liên Hiệp Quốc nhằm cung cấp 100 triệu bếp sạch khắp thế giới vào trước năm 2020; và bà - bất cứ khi nào có cơ hội - đều kêu gọi giới lãnh đạo thế giới cùng chung sức ủng hộ.

Nếu nói bà Hillary Clinton có một học thuyết cho chính sách đối ngoại thì đó là chính sách ngoại giao ba chiều (“3-D” foreign policy) trong đó một tổng thể “ba chiều” luôn được xét đến, từ ngắn hạn đến dài hạn, từ bên trên xuống bên dưới, từ chính phủ đến người dân.

Hillary gọi đó là sự thể hiện của “quyền lực thông minh” (smart power), một “biến thể nâng cấp” của quyền lực mềm. “Quyền lực thông minh” là sự hợp tác gần hơn giữa các chuyên gia phát triển, nhà ngoại giao và giới lãnh đạo quân sự” – Hillary nói. Một thể hiện nữa của “quyền lực thông minh” là sự cổ súy ứng dụng công nghệ thông tin cho các mục tiêu xây dựng và phát triển.

Theo nhận xét của Jonathan Alter trong bài viết trên Vanity Fair, Hillary là đại diện “tổng hợp” của các tố chất ưu việt từ một số người tiền nhiệm - từ thói quen luôn chuẩn bị chu đáo trước khi bắt tay vào việc của James Baker; mô thức mở rộng và tiếp cận nhiều loại đối tượng và nhiều nguồn thông tin như Colin Powell; đến chính sách tiếp cận châu Phi thông qua những chương trình cứu trợ như Condoleezza Rice.

Với mô hình “quyền lực thông minh”, Hillary còn xâu chuỗi và kết nối các sự kiện riêng rẽ để người dân Mỹ có thể thấy tầm quan trọng của chính sách ngoại giao liên quan đến chính sách an ninh quốc gia...

Nhãn quan chính trị của các quý bà

Nghiên cứu từ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và Sáng kiến cho an ninh toàn diện (IIS - tổ chức phi lợi nhuận do Harvard sáng lập) cho thấy phụ nữ làm tốt hơn việc tái lập cũng như duy trì hòa bình tại các xã hội hậu chiến.

Vai trò này ngày càng được nhìn nhận. Swanee Hunt, Chủ tịch IIS, nói: “Trong cuộc chiến Bosnia, tôi hỏi Thủ tướng Bosnia Haris Silajdzic rằng: “Nếu phân nửa gương mặt tại bàn nghị sự này là phụ nữ ngay từ đầu, liệu chiến tranh có bùng nổ không?”. Và ông ấy trả lời: “Không. Phụ nữ suy nghĩ lâu và cẩn trọng trước khi họ đưa con em ra chiến trường để giết con em của những phụ nữ khác!”.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong cuộc họp song phương với Mỹ bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane (Lào) ngày 6-9-2016. 

Tại Cameroon, Bolivia và Malaysia, nghiên cứu WEF cho thấy phụ nữ thường có khuynh hướng ưu tiên các vấn đề xã hội hơn so với đánh đấm võ biền. “Khi phụ nữ chiếm 30-40% ghế trong chính phủ, bạn sẽ nhận được nhiều ngân sách hơn cho chăm sóc y tế và giáo dục” – Swanee Hunt nói.

Dựa vào 500 giờ phỏng vấn, IIS cho biết: Phụ nữ đặc biệt có tài trong việc hàn gắn khoảng cách chính trị, tôn giáo và sắc tộc. Vô số ví dụ cụ thể có thể chứng minh. Trong tiến trình đàm phán hòa bình dẫn đến Hiệp ước Ngày thứ sáu tốt lành tại Bắc Ireland năm 1998, các nhà đàm phán nam có lúc đã bước ra phòng họp với tâm trạng tuyệt vọng trong khi cánh quần thoa tiếp tục duy trì đàm thoại.

“Các ông rất ngoan cố” – phát biểu của Monica McWilliams, một trong những người ký tên trong Hiệp ước Ngày thứ sáu tốt lành – “Phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn khi tìm kiếm thỏa hiệp. Họ xem điều đó như một thế mạnh chứ không phải thế yếu”.

Nữ diễn viên hài Jenny Sinclair từng nói vui một cách hình tượng: “Phụ nữ luôn muốn kiểm soát bộ điều khiển từ xa mọi lúc mọi nơi; bởi cứ hễ buông lỏng ra là các ông chuyển sang tin tức chiến tranh!”.

Ngân hàng Thế giới từng kết luận vào năm 2001 rằng “phụ nữ có thể hiệu quả hơn và trong sạch hơn trong vai trò lãnh đạo”. Hơn nữa, sau chiến tranh, xã hội hậu chiến thường dựa vào bàn tay mềm mại của phụ nữ bởi nhân lực nam đã hao tổn nhiều.

Ví dụ trường hợp Aloisea Inyumba, cố thượng nghị sĩ Rwanda và nguyên Chủ tịch Ủy ban hòa hợp và thống nhất quốc gia. Sau cuộc nội chiến kinh hoàng, Inyumba đã giúp tìm nơi ăn chốn ở cho nửa triệu trẻ em mồ côi bằng cách thuyết phục những người sống sót nhận lãnh con cái của kẻ thù (nội chiến Rwanda là cuộc chém giết man rợ giữa sắc tộc Tutsi và Hutu).

Chẳng phải vô cớ mà Nicholas D. Kristof (tác giả quyển Một nửa bầu trời: Biến sự áp chế thành cơ hội cho phụ nữ toàn cầu lại viết rằng giới nữ ngày nay không hề là vấn nạn mà là giải pháp! Suy thoái kinh tế đã trở thành thời điểm vụt sáng của phái nữ. Đây chẳng phải là kết luận chủ quan. Thực tế cho thấy giới nữ đã phải ra tay để “dọn quét” (từ của tờ Forbes) đống đổ nát kinh tế do các ông gây ra.

Năm 2007, tập đoàn tư vấn - kiểm toán McKinsey & Co từng đưa ra báo cáo mang tựa Women Matter trong đó kết luận giới quản trị nữ có khuynh hướng đưa ra quyết định dựa theo ý kiến tập thể và luôn nghĩ đến hậu quả; hoàn toàn trái với tính áp đặt và chuyên quyền của các ông.

Kinh tế gia Catherine Eckel thuộc Đại học Texas, với bề dày kinh nghiệm nghiên cứu giới tính, cũng khẳng định phái nam có xu hướng đánh cược khi đầu tư trong khi phụ nữ chọn giải pháp ít rủi ro.

Không chỉ Mỹ, tại Iceland, Halla Tómasdóttir và Kristin Petursdóttir (với tổ chức tài chính Audur Capital do họ sáng lập) đã cùng nữ ca sĩ Bjrk thành lập một quỹ đầu tư để vực dậy nền kinh tế tiêu điều. Với giới kinh tế châu Âu, hai gương mặt trên chẳng xa lạ. Petursdóttir là cựu viên chức điều hành ngân hàng trong khi Tómasdóttir là cựu giám đốc quản trị Phòng thương mại Iceland. 

Dĩ nhiên không phải tất cả nữ chính khách đều thành công. Trong bài viết Sự ngộ nhận của chính sách đối ngoại “nữ giới”(The Atlantic, 25-8-2016), tác giả Kathy Gilsinan nhắc lại rằng, khi nhậm chức ngoại trưởng Thụy Điển năm 2014, bà Margot Wallstrm tuyên bố sẽ theo đuổi “chính sách ngoại giao nữ tính”.

Sau hai năm, theo Kathy Gilsinan, Wallstrm vẫn chưa cho thấy “chính sách ngoại giao nữ tính” của bà là… cái gì. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, những người khó tính nhất cũng phải thừa nhận rằng các cuộc đàm phán hòa bình có nữ giới tham gia thường mang lại kết quả tích cực hơn và hòa bình kéo dài hơn. Phụ nữ cũng có khuynh hướng chấp nhận hy sinh quyền lợi chính trị vì những mục đích có tính nhân bản.

Việc bà Angela Merkel phải nhận trách nhiệm về “thất bại cay đắng” của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo ở Berlin trong cuộc bầu cử tiểu bang ngày 18-9-2016, chỉ bởi chính sách mở cửa cho người nhập cư của bà, là một ví dụ rất thời sự.

Ngọc Trì
.
.