Khi doanh nhân trở thành tổng thống

Thứ Hai, 03/08/2009, 15:23
Kể từ đầu tháng 7/2009, tại một trong những quốc gia mang tính đặc thù nhất của Trung Mỹ đã có một vị Tổng thống mới với 60% số phiếu bầu, trong khi đối thủ chính của ông chỉ nhận được 37% số phiếu. Trong lịch sử Panama, không có vị Tổng thống nào đắc cử với tỉ lệ phiếu cao như thế. Đó là ông Ricardo Martinelli, một trong những người giàu nhất Panama, từng rất thành công trên thương trường.

Doanh nhân từng học ở Mỹ

Tổng thống Panama, Ricardo Martenelli, sinh ngày 11/3/1952. Ông có một vợ và ba con. Ông Martinelli là người sáng lập và sở hữu mạng lưới 35 siêu thị lớn nhất Panama, Super 99. Ông cũng kiểm soát hàng loạt các xí nghiệp chế biến thực phẩm và rất thành công trong xuất nhập khẩu vốn là  siêu lợi nhuận trong điều kiện đất nước Panama.

Trong giai đoạn cầm quyền của nữ Tổng thống Mireya Mascoso tai tiếng vì những vụ buôn lậu ma tuý và nạn tham nhũng hoành hành, ông Martinelli đã là Bộ trưởng về kênh đào Panama. Quyết định mở rộng con đường thuỷ nối liền hai đại dương có ý nghĩa sống còn đối với đất nước đã được thông qua vào năm 2006 với sự tham gia trực tiếp của ông Martinelli.

Tổng thống Panama từng tu nghiệp ở Mỹ không chỉ một lần. Lần thứ nhất, ông theo học nghề nhà binh ở Virginia, tại Staunton Military Academy. Lần thứ hai, ông tu nghiệp ở Trường Đại học Tổng hợp Arkansas và đã có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, không thể gọi ông là "con rối" trong tay phương Tây nhưng rõ ràng là ông gần gụi với những chuẩn mực Tây phương hơn nhiều nhà lãnh đạo quốc gia khác ở châu Mỹ La tinh...

Giàu có lời hứa

Trong cuộc vận động bầu cử Tổng thống vừa qua, ông Martenelli đứng đầu liên minh vì sự thay đổi (Alianza por el Cambio). Cũng như Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Martenelli đã nhấn mạnh tới nhu cầu thay đổi đang trở nên bức thiết trong lòng xã hội Panama và đã tung ra khẩu hiệu "Phải thay đổi!" đang là thời thượng hiện nay trên chính trường quốc tế. Ông hứa hẹn sẽ áp dụng những kinh nghiệm quản trị kinh doanh rất có hiệu quả của mình vào việc điều hành quốc gia đại sự.

Ông khẳng định rằng, dưới sự quản lý của ông, Panama sẽ bớt bị chìm sâu vào tệ nạn tham nhũng hơn. Theo ông, cần thay đổi luật thuế của đất nước. Ông hứa sẽ kêu gọi thêm đầu tư từ nước ngoài, xây dựng nhà ở giá rẻ, dẹp sạch tham nhũng và tội ác, giải quyết dứt điểm tệ nạn kẹt xe ở thủ đô, bằng một hệ thống tàu điện ngầm (hiện nay không dưới 600 nghìn xe hơi mỗi ngày chen chúc nhau dưới ánh nắng nhiệt đới chói chang tại thành phố Panama)...

Thực ra, những lời hứa này thì các vị tiền nhiệm của ông Martinelle cũng đều đã hứa cả rồi. Nhưng thất nghiệp vẫn gia tăng, tham nhũng đã ăn sâu vào mọi thang bậc chính quyền, thế giới ngầm không chịu thu hẹp lại... Và chắc sẽ không có nhiều thay đổi trong đời sống người dân bình thường ở Panama trong thời gian tới dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Martinelli, người mà các đối thủ của ông đánh giá là theo tiêu chuẩn đạo đức kép.

Ông Martin Torrijos cũng đã tung ra nhiều khẩu hiệu được tuyên truyền rộng rãi năm 2004: tiến hành những cải cách quy mô và xây dựng công bằng xã hội vì hạnh phúc nhân dân. Ông đã thề trung thành với ký ức tốt đẹp về mình để thực hiện bằng được các lời hứa mà nhiều nhà quan sát cho rằng chủ yếu là mang tính dân tuý. Tuy nhiên, nói đã khó, làm còn khó hơn, ông đã không thành công trong những nỗ lực biến thành hiện thực những khẩu hiệu rất hay ho của mình. Tổng thống Martin Torrijos đã cố gắng làm mọi việc để ở cách xa Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez (người luôn coi tướng Omar Torrijos như thần tượng) và cả trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại cố gắng tuân thủ các nguyên tắc giáo điều của chủ nghĩa tự do mới.

Một thí dụ, tháng 6/2005, theo lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Bảo vệ các cam kết xã hội ở Panama đã diễn ra cuộc đình công của hàng nghìn người dân. Gần 50 tổ chức công đoàn và các nhóm xã hội tuyên bố đình công. Nhiều trường học, cơ sở y tế,  các công ty xây dựng và các xí nghiệp nông phẩm đã ngừng hoạt động.

Người dân Panama đã cùng nhau đoàn kết để bày tỏ sự không đồng tình tự do mới với những cải cách trong lĩnh vực xã hội mà chính phủ của Tổng thống Martin Torrijos dự định sẽ tiến hành. Một trong những cải cách mất lòng dân nhất là cải cách chế độ hưu trí: chính phủ dự định nâng độ tuổi về hưu từ 62 lên 65 đối với nam giới và từ 57 lên 62 đối với nữ giới. Người dân Panama cũng cương quyết không đồng tình với việc tư nhân hóa ngành cấp nước.

Để tránh tình hình hỗn loạn trong nước, Tổng thống Martin Torrijos đã buộc phải nhân nhượng một số điểm. Nhưng người  dân Panama đã không tha thứ cho sự làm chẳng như lời của ông nên chỉ số tín nhiệm đối với ông, có lúc đạt tới 80%, đã bị tụt xuống còn 20% ở cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông.--PageBreak--

Cũng theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, "ông Martenelli có được thắng lợi của mình, là nhờ những lá phiếu phản đối chính phủ tiền nhiệm mà dân chúng Panama rất bất mãn... Tổng thống Martin Torrijos (con trai tướng Omar  Torrijos, người từng buộc Washington phải trao trả quyền kiểm soát kênh đào Panama cho chính phủ nước này) đã không nhất quán, trong chính sách xã hội, lụy theo những lợi ích của tư bản lớn, và một số vị Bộ trưởng trong chính phủ của ông đã dính líu tới nhiều vụ tham nhũng".

Một số nguồn tin cho rằng, ông Martinelli đã không thể giành được chiến thắng nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp của nữ đại sứ Mỹ ở Panama, bà Barbara  Stefenson. Chính bà đại sứ này đã mời ông Martinelli và đối thủ tiềm năng của ông là ông Juan Carlos Varelu, ứng cử viên đảng Tự do (Partido Panamenista) tới tư dinh để thuyết phục ông Varelu, người sở hữu nhiều xí nghiệp sản xuất đồ uống có cồn, đồng ý nhận làm ứng cử viên Phó Tổng thống: "Chơi riêng thì hai ông có thể thất bại, nhưng chung một cuộc thì hai ông sẽ chiến thắng".

Đi giày bình dân lên ghế Tổng thống

Là một người theo chủ nghĩa tự do mới trong kinh tế, ông đã tận dụng tối đa lý thuyết: Giàu có tức là miễn dịch đối với tham nhũng (?!). Ông Martenelli đã được các chuyên gia tuyên truyền siêu hạng tô vẽ thêm hình ảnh như một siêu triệu phú có sức cuốn hút với tấm lòng rộng mở: "Đúng tôi là người giàu có nhưng tôi cũng làm việc không ít hơn một người bình thường trên phố". Ông cũng đã cố gắng tỏ ra mình là một người thực tế, giàu tiềm năng mọi mặt...

Y phục giản dị, đôi giày giá rẻ, những câu nói ngắn có thể trình bày rành rẽ cả những vấn đề phức tạp cho cử tri dễ hiểu sự quan tâm của mình đối với quyền lợi của người dân thường... Ông Martenelli đã biết cách để cho các cử tri nhìn thấy rằng, ông không xa lạ với những công việc chân tay. Dưới ánh đèn rực sáng, ông từng trình diễn cảnh ông trong vai người thợ quét đường, ngư phủ tung lưới vào biển, người thợ hàn say mê nghề nghiệp... Và khẩu hiệu của chiến dịch vận động bầu cử của ông cũng rất hấp dẫn "Đi giày bình dân" (Caminando en los zapatos del pueblo)... Tất cả những điều trên sớm hay muộn sẽ tạo nên được cảm giác hào hứng ở cử tri: "Một người giàu nhưng đang tìm mọi cách để được giống như chúng ta!".

Đi đôi giày bình dân, nhưng ông Martenelli đã ném vào chiến dịch vận động tranh cử thứ nhất và thứ hai tới hơn 90 triệu USD, không chỉ tiền túi mà cả tiền tài trợ từ các quỹ đặc biệt của những người bạn Mỹ.

Tìm lợi ở phương Bắc

Panama từ lâu đã bị coi là "kênh ma tuý" mà qua đó "cái chết trắng" được tuồn vào Mỹ cũng như các nước châu Âu. Hệ thống ngân hàng ở đây giúp rửa nhiều triệu USD "tiền bẩn" đã kiếm được ở đây cũng như nhiều nước Mỹ Latinh khác. Những món tiền này được hào phóng đổ vào nền kinh tế Panama, đặc biệt trong ngành xây dựng. Mọi thứ ở đây đã bị khống chế bởi bàn tay thuồng luồng của mafia quốc tế và những công ty liên quốc gia, đã tư nhân hóa tất cả, chỉ trừ nước và không khí. Nếu không có những thu nhập đều đặn từ việc khai thác kênh đào Panama, hẳn ngân quỹ quốc gia đã bị thâm thủng nhiều lần, thậm chí đất nước đã bị phá sản.

Sau khi nhậm chức ngày 1/7/2009, Tổng thống Martinelli bày tỏ muốn ký hiệp định về tự do thương mại với Mỹ để bằng cách đó cải thiện tình hình kinh tế Panama. Mặc dù được coi là người có những ý tưởng gần gụi với phương Tây và đặc biệt là Washington, ông Martinelli vẫn sẽ không dễ tìm ra được những thỏa hiệp trong một số vấn đề quan trọng với "người láng giềng lớn" ở Bắc Mỹ.

Với lý do bảo vệ kênh đào khỏi những cuộc tấn công có thể có của lực lượng khủng bố, Lầu Năm Góc trên thực tế đã không rời khỏi khu vực kênh đào bằng cách liên tục tổ chức tại đó những cuộc tập trận quốc tế. Việc sắp phải đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ ở Manta (Ecuador) vào tháng 11/2009 càng khiến Washington nhìn nhận Panama như khu vực đóng quân mới đầy triển vọng.

Trong giới tự do mới ở Panama, một viễn cảnh như thế không khiến ai bất mãn cả. Thứ nhất, Lầu Năm Góc biết cách thanh toán tiền hậu hĩnh. Thứ hai, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thu được thêm đồng nào là hay đồng nấy. Thứ ba, những đồng tiền đó sẽ được sử dụng để thực hiện các chương trình xã hội. Thứ tư, các căn cứ quân sự được lập ra không phải vĩnh viễn, hôm nay mở, mai có thể đóng, trong quá khứ đã từng có kinh nghiệm như thế.

Đối với Washington, quốc gia sử dụng chính yếu kênh đào Panama, việc củng cố vị thế của mình ở trên con đường thủy chiến lược nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương luôn là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu

Lê Phương
.
.