Khát vọng nước phát triển

Thứ Ba, 16/03/2021, 18:15
Xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường là khát vọng bao đời của dân tộc. Khát vọng này được thể hiện bằng mục tiêu cụ thể, đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.


Suốt thời gian rất dài, người Việt Nam thế hệ này qua thế hệ khác đều đeo đẳng khái niệm “nước nghèo, lạc hậu”. Trong sách giáo khoa tiểu học có những câu thơ rất hay như “Việt Nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”, hay “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi/ Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt”, tuy nhiên đó thường là những câu thơ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người. Còn về kinh tế, “rừng vàng, biển bạc” ý chỉ giàu mạnh về tài nguyên, còn hiện trạng, bao thế hệ người Việt Nam sinh ra, lớn lên trong chiến tranh, rồi hòa bình nhưng ý thức về một đất nước với nền kinh tế thua bạn, kém bè vẫn đeo đuổi mãi.

Đất nước đổi mới, và rồi những thành tựu liên tiếp đã khỏa lấp dần cụm từ đói nghèo, lạc hậu. Thay vào đó, chúng ta quen thuộc hơn với những khái niệm như công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập quốc tế... Từ “nước kém phát triển” được thay thế bằng “đang phát triển” và “thu nhập thấp, trình độ lạc hậu” được đổi sang “thu nhập trung bình thấp”.

Nước phát triển, ngoài GDP bình quân đầu người còn là các tiêu chí hiện đại, văn minh.

Tuy nhiên, khi nói các mục tiêu phát triển, chúng ta chỉ lựa sức mình để đặt mục tiêu “nước công nghiệp, có trình độ hiện đại” và nhìn những nước phát triển, thu nhập cao như một biểu tượng, sự kỳ vọng mà chưa thể dám nghĩ tới. Giống như cuộc sống vốn xoay quanh những mái nhà, từ tranh, tre sang gỗ, xây, cải tạo hay làm mới, dù chắc chắn, khang trang hơn xưa rất nhiều thì người dân vẫn cảm nhận sự hiện diện một ngôi nhà gần gũi, thân thuộc. Nó khác với việc nghĩ đến một dinh thự, biệt phủ, cao ốc tráng lệ, vốn chỉ ở nơi nào đó không phải của mình, không nằm trong vùng mơ ước để nghĩ đến, vươn đến.

Tuy nhiên, giờ đây suy nghĩ ấy đã thay đổi, nói đúng ý là đột phá về tư duy, khát vọng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chính thức đặt cụm từ “nước phát triển, có thu nhập cao” và xác định lộ trình đi tới rất rõ ràng: năm 2045.

Lần đầu tiên, khái niệm này và mục tiêu này được đưa vào văn kiện của Đảng, thay thế những khái niệm đã kéo dài mấy chục năm qua như “cơ bản trở thành nước công nghiệp”, “thu nhập trung bình cao”, dù rằng đến thời điểm này, những mục tiêu đó vẫn chưa thể đạt tới. Vậy, diện mạo một đất nước phát triển, thu nhập cao là thế nào và liệu một nước Việt Nam từ kém phát triển, chậm phát triển, đang phát triển, có bứt phá để đi đến mục tiêu, khát vọng đó trong chỉ hơn 2 thập niên nữa?

Nhìn lại chặng đường hơn 75 năm qua, có thể phác họa tổng quan bức tranh công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước ta qua các mốc lịch sử. 1945-1954 là thời kỳ đầu tiên xây dựng chế độ kinh tế mới ở Việt Nam và là giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất khi vừa phải kháng chiến chống giặc, vừa phát triển kinh tế trong điều kiện vô cùng nghèo nàn, thiếu thốn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 1945 chỉ đạt 60 đồng, tương đương 35 USD/người/năm. Tuy nhiên, điểm sáng là trong các vùng giải phóng, sản xuất nông nghiệp phát triển, sản lượng lương thực năm 1954 đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946. Nông nghiệp đã hoàn thành sứ mệnh là nền tảng của kinh tế kháng chiến với những đóng góp to lớn giải quyết nạn đói các năm 1945, 1946. Thời kỳ 1955-1975, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm phấn đấu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của CNXH. Đến năm 1975, GDP bình quân đầu người đạt 232 đồng, tương đương 80 USD/người/năm. Thu nhập bình quân đầu người một tháng của gia đình công nhân viên chức ở miền Bắc là 27,6 đồng, của gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc là 18,6 đồng. Tính theo giá USD, sau 30 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng thêm 2,3 lần. Quy theo gạo, mỗi người thu nhập mỗi tháng chỉ đủ mua 1-2 yến gạo.

Biểu đồ thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam 10 năm qua.

Thời kỳ 1976-1985, nền kinh tế tập trung bao cấp sau chiến tranh đã bộc lộ những tồn tại lớn, kinh tế tăng trưởng chậm làm mất cân đối cung - cầu (thiếu hụt nguồn cung), đồng thời do bị tác động bởi việc cải cách tiền lương vào năm 1985 dẫn đến lạm phát rất cao.

Ở miền Bắc, mặc dù thu nhập bình quân đầu người một tháng của gia đình công nhân viên chức tăng từ 27,9 đồng năm 1976 lên đến 270 đồng năm 1984; thu nhập bình quân đầu người một tháng của gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp tăng từ 18,7 đồng lên đến 505,7 đồng nhưng do lạm phát phi mã nên mức thu nhập thực tế lại đi xuống. Nạn đói tưởng như đã xóa bỏ năm 1945, 1946 lại tái diễn sau 40 năm, đặc biệt với người lao động làm công ăn lương rơi vào thiếu đói, nhiều lĩnh vực ở mức nghiêm trọng.

Sau 1986, chúng ta có kế hoạch chiến lược 10 năm với mục tiêu thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, điều mà mấy thập niên trước đó những tưởng đã vượt qua. Điều này cho thấy trong sự phát triển không phải bao giờ chỉ là đường thẳng mà những khúc ngoặt do khách quan và chủ quan đã làm kinh tế thụt lùi, từ no thành đói, từ đủ thành thiếu thốn.

Và Đại hội VIII năm 1996 đã đánh dấu bước ngoặt, khẳng định “nước ta cơ bản thoát khỏi khủng hoảng kinh tế”, từ đó đặt ra mục tiêu nước công nghiệp vào năm 2020. Một trong những thành tựu kinh tế to lớn của thời kỳ đổi mới là phát triển sản xuất nông nghiệp, mấu chốt là khoán gọn đến hộ nông dân, đánh dấu sự phát triển của thời kỳ đổi mới trong nông nghiệp và nông thôn nước ta. Thu nhập bình quân đầu người một tháng của người dân tăng từ khoảng 1.600 đồng năm 1986 lên đến 295.000 đồng năm 1999. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, GDP năm 2019 gấp 12,5 lần năm 2001. Tốc độ tăng GDP tương đối cao.

Năm 2008, nước ta đã ra khỏi nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập trung bình thấp, đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.750 USD, gấp hơn 15 lần năm 1990. Đặc biệt, tỷ lệ nghèo chung của Việt Nam tính theo phương pháp của Ngân hàng Thế giới giảm mạnh, năm 2002 ở mức là 28,9%, đến năm 2020 đã giảm xuống dưới 3%.

Tựu trung, sau hơn 75 năm kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, nước ta đã đạt được những dấu ấn to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử trên mọi mặt. Đó là nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục hoàn thiện đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới mà mục tiêu hướng đến là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, để trở thành một nước phát triển, thu nhập cao thực sự còn là chặng đường đầy thử thách.

Thuật ngữ nước phát triển được sử dụng để chỉ những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao, mức sống cao, tuổi thọ cao và các phép đo khác liên quan đến chất lượng cuộc sống của cá nhân. Theo trangInvestopedia, mặc dù không có quy chuẩn cứng để đánh giá một quốc gia phát triển hay đang phát triển, song tiêu chí phổ biến nhất được sử dụng để xác định nước phát triển là GDP bình quân đầu người.

Một số chuyên gia cho rằng, GDP bình quân đầu người từ 12.000-15.000 USD/năm là đủ để đưa một quốc gia vào nhóm phát triển. Tuy nhiên, một số khác cho rằng mức GDP bình quân đầu người tối thiểu phải từ 25.000-30.000 USD. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP bình quân đầu người của một số quốc gia phát triển tiêu biểu thế giới năm 2019 như Mỹ 65.111 USD/năm, Australia 54.907 USD/năm, Đức 46.259 USD/năm, Nhật Bản 40.847 USD/năm.

Theo số liệu này, hiện GDP bình quân đầu người của Mỹ cao gấp 24 lần Việt Nam, còn so với Đức là 17 lần, Singapore 24 lần và Nhật Bản là 14 lần. Trong số các quốc gia đang phát triển với nền kinh tế chuyển đổi trong khu vực, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là 10.262 USD/năm, Malaysia 11.415 USD/năm và Thái Lan 7.808 USD/năm, tức cao gấp Việt Nam từ 4-5 lần.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kể từ năm 2016, WB chia thành 4 nhóm nước theo thu nhập. Theo đó, nhóm nền kinh tế có thu nhập thấp (GNI trên đầu người ít hơn 995 USD), hiện gồm 34 nước. Nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp (GNI trên đầu người từ 996 USD đến 3.895 USD), gồm 47 nước, trong đó có Việt Nam. Nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình cao (GNI trên đầu người từ 3.896 USD đến 12.055 USD), hiện gồm 56 nước. Nhóm nền kinh tế có thu nhập cao (GNI trên đầu người cao hơn 12.056 USD), gồm 81 nước.

Như vậy, nếu lấy tiêu chí quan trọng nhất - thu nhập GDP bình quân đầu người thì đến năm 2045, mốc 12.000 USD không phải bất khả thi. Tuy nhiên, những dữ liệu này còn thay đổi nhiều và đến khi đó, hẳn tiêu chí nước phát triển, thu nhập cao sẽ không dừng lại ở 12.000 USD mà sẽ cao hơn nhiều. Đồng thời, khi chúng ta cải thiện mức thu nhập thì các nước phát triển, đang phát triển cũng bứt tốc.

Vì vậy, một trong bốn nguy cơ mà Đại hội VIII (năm 1996) xác định là tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn hiện hữu. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ, liên tục cùng việc phát huy lợi thế nguồn lực tự nhiên và xã hội để từng bước chúng ta tiệm cận mục tiêu, khát vọng nước phát triển.
Đăng Trường
.
.