Kết thúc vòng đàm phán TPP: Bế tắc vào phút 89
98% nội dung đàm phán đã được thông qua, song tranh cãi giữa Nhật Bản và Mỹ liên quan tới lĩnh vực ôtô, yêu cầu của New Zealand về việc mở cửa thị trường đối với các sản phẩm bơ sữa hay bất đồng về thời gian giữ độc quyền của các loại dược phẩm thế hệ tiếp theo đã khiến TPP rơi vào bế tắc đến phút chót.
2% bất đồng
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản. Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này như sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động.
Đàm phán TPP được khởi động từ tháng 3-2010 tại Melbourn (Australia). Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% GDP toàn cầu. Tuy nhiên cho tới nay, khi kết thúc vòng đàm phán mới nhất tại Hawaii, các đoàn đàm phán (với khoảng 650 quan chức và chuyên gia) từ Mỹ và 11 quốc gia khác ở khu vực Thái Bình Dương vẫn chưa thể thống nhất về một thỏa thuận thương mại tự do bao trùm 12 nền kinh tế.
Dù vậy, vòng đàm phán TPP tại Hawaii đã ghi nhận một số thành công nhất định với các thỏa thuận về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử trong trường hợp xảy ra xung đột lợi ích. Theo đó, các nước cam kết tuân thủ các hiệp ước chống buôn bán động vật hoang dã hiện hành, quản lý rừng bền vững, bảo vệ tài nguyên biển và chống khai thác hải sản quá mức. Thỏa thuận về môi trường được xem là sẽ có tác động sâu rộng khi 12 nước tham gia TPP chiếm khoảng 25% thương mại thủy sản và 25% sản lượng gỗ và bột giấy trên thế giới. Năm nước trong số này nằm trong danh sách các nước đa dạng sinh thái hàng đầu thế giới.
Mặc dù trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, các nhà đàm phán khẳng định họ đã đạt được “tiến triển đáng kể”, song các bên vẫn còn bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngành ôtô, dược phẩm và việc tiếp cận các thị trường nông sản ở hai bên bờ Thái Bình Dương. Giới phân tích nhận định việc các nước chưa thể tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề gai góc nhất cho thấy những khó khăn và thách thức trong tiến trình đi tới TPP. Việc các bên giữ quan điểm cứng rắn đối với những khúc mắc còn tồn tại, vốn đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, đã khiến các bên một lần nữa bỏ lỡ cơ hội kết thúc đàm phán TPP trong tháng 7/2015 như mục tiêu ban đầu.
Trước hết, thời gian bảo hộ độc quyền đối với mặt hàng dược phẩm là một “bài toán hóc búa” khi Mỹ không nhượng bộ trước yêu cầu của các đối tác, tạo nên một vướng mắc lớn đối với TPP. Các hãng dược của Mỹ muốn các công ty dược sẽ có 12 năm bảo hộ độc quyền các sản phẩm công nghệ sinh học, trong khi Australia muốn 5 năm, còn Chile không muốn được bảo hộ khi cho rằng thời gian độc quyền quá lâu sẽ đẩy giá thành dược phẩm lên cao, khiến người dân khó có thể tiếp cận các mặt hàng với giá hợp lý.
Theo một số nguồn tin thân cận, Mỹ đứng về một bên trong vấn đề này, trong khi hầu như tất cả mọi quốc gia đàm phán TPP khác đứng về phía bên kia. Cả hai bên đều coi đây là vấn đề “giới hạn đỏ”, cần được thảo luận thấu đáo hơn và cần có thêm thời gian đàm phán.
Về vấn đề thương mại ôtô, Mỹ và Nhật Bản vẫn đang nỗ lực để đi đến nhất trí về quy tắc xuất xứ của ôtô. Quy tắc này là căn cứ để xác định sản phẩm có đến từ trong khu vực TPP và có thuộc diện được miễn thuế hay không. Các hãng xe của Nhật nhập khẩu nhiều linh kiện từ Thái Lan, một nước không phải thành viên TPP, và các quy định ngặt nghèo sẽ làm đảo lộn chuỗi cung cấp này. Ngoài ra, Nhật Bản cũng muốn Mỹ nhanh chóng xóa thuế quan đánh vào linh kiện ôtô Nhật xuất sang Mỹ. Trong khi đó, ngành công nghiệp ôtô của Mỹ lại có quan hệ mật thiết với ngành này ở hai nước láng giềng Canada và Mexico.
Mỹ - nơi có các tiểu bang trồng thuốc lá và các hãng sản xuất thuốc lá hàng đầu thế giới - cũng kiên quyết chống lại việc đặt mặt hàng thuốc lá ra ngoài các quy định cho phép doanh nghiệp khởi kiện các chính phủ, coi đó là một “ngoại lệ” mà theo đó công ty thuốc lá vẫn được phép kiện tụng chính sách của các chính phủ. Tuy nhiên Chính phủ Australia - đang bị Tập đoàn thuốc lá Philip Morris, nhà sản xuất thuốc Marlboro, kiện vì Australia buộc xóa bỏ mọi nhãn hiệu trên vỏ bao thuốc lá - cho rằng, các doanh nghiệp không được phép kiện tụng chính phủ về những chính sách bảo vệ sức khỏe và môi trường sống của người dân nước mình.
Trong khi đó, mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa lại chứng kiến sự bất đồng giữa Australia, New Zealand và Mỹ với Canada – nơi sản phẩm sữa nhập khẩu đang phải chịu thuế suất tới 245% - đến mức Canada bị cáo buộc là cản trở đàm phán, một cáo buộc mà Canada cực lực bác bỏ. New Zealand và Australia muốn Mỹ và Nhật nhập khẩu thêm nhiều sản phẩm sữa của họ, song các bên nhượng bộ rất ít khiến đàm phán về sữa vẫn diễn tiến rất chậm. Thậm chí, New Zealand, quốc gia xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới, tuyên bố sẽ không bao giờ nhất trí với một thỏa thuận mà trong đó không bao gồm mở rộng cửa thị trường sữa của các nước tham gia, bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico.
12 bộ trưởng đã rời Hawaii với cam kết duy trì liên lạc chặt chẽ, thể hiện thiện chí hơn nữa để có thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề khúc mắc còn tồn tại. |
Cơ hội cuối cùng
Thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận sẽ gây trở ngại cho chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn xem TPP là “hòn đá tảng” trong chính sách chuyển trục sang châu Á nhằm đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Mỹ muốn TPP sẽ là “điểm chốt mới” tại châu Á sau nhiều năm đã lún quá sâu vào khu vực Trung Đông. Ngoài ra, Mỹ muốn sử dụng TPP để tạo ra một nền kinh tế hợp nhất trong khu vực có thể đối trọng lại với sự phát triển quá nhanh của Trung Quốc.
TPP tương đương với 10 chiếc tàu sân bay, có thể giúp Mỹ tăng mạnh năng lực ứng phó với những thách thức đến từ Trung Quốc. Phía Bắc Kinh đã có lúc thể hiện ý định muốn tham gia TPP, nhưng nhiều điều khoản hiện tại của TPP dường như được thiết kế để cố tình không cho Trung Quốc có cơ hội tham gia vào thỏa thuận này.
Trên thực tế, Tổng thống Obama đã đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán lần này, đặc biệt sau khi ông được trao quyền đàm phán nhanh (TPA) để thúc đẩy các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế, TPA vẫn chỉ là yếu tố “cần” chứ chưa “đủ” để khiến các nước tham gia đàm phán sẵn sàng gạt bỏ những bất đồng sâu sắc trong các vấn đề gai góc và nhạy cảm nhất.
Việc không hoàn tất được đàm phán TPP lần này đặt ra rủi ro cho Mỹ là hiệp định sẽ không được trình ra quốc hội để phê chuẩn trước khi nước Mỹ lao vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 – thời điểm chuyện tranh cử sẽ che phủ hết tất cả những quyết định đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Thất bại trong vòng đàm phán TPP ở Hawaii có thể sẽ trở thành tâm điểm “gây nhiễu” của các chiến dịch vận động tranh cử vào Nhà Trắng sắp tới, làm thay đổi chiều hướng các cuộc tranh luận ở Mỹ.
Những quyết định cuối cùng bao giờ cũng chứa đựng nhiều khó khăn nhất. Vấn đề lúc này chỉ còn nằm ở nhóm “bộ tứ” Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico, những nền kinh tế lớn nhất trong số 12 thành viên đàm phán TPP. Mặc dù không có thoả thuận cuối cùng nào được ký kết, song hầu hết các quan chức đều có chung nhận định rằng các cuộc đàm phán vừa qua “mang tính xây dựng” và TPP “vẫn nằm trong tầm tay”. Nhiều ý kiến tỏ ra lạc quan cho rằng các bên đã tiến rất gần tới một thỏa thuận toàn diện và chỉ cần một cuộc gặp nữa là các bộ trưởng có thể hoàn tất công việc. Trong thời gian sắp tới, 12 nước tham gia TPP sẽ tiếp tục đàm phán, kể cả song phương, về các vấn đề còn bế tắc. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thông báo thời gian cụ thể.
Các bộ trưởng và các nhà đàm phán đã rời Hawaii với cam kết phát huy đà tiến của cuộc họp lần này bằng cách duy trì liên lạc chặt chẽ, thể hiện thiện chí hơn nữa để có thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề khúc mắc còn tồn tại. Các nhà đàm phán cũng sẽ tiếp tục làm việc để đưa những thành tựu đạt được trong thời gian vừa qua trở thành văn bản chính thức. Điều này phản ánh cam kết lâu dài của khối nhằm mang lại một hiệp định TPP đầy tham vọng, toàn diện và tiêu chuẩn cao sẽ giúp cho việc làm và tăng trưởng kinh tế trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương…