Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu: Show diễn quá đà của chủ nhà G20

Chủ Nhật, 11/09/2016, 18:46
Ngoài việc Mỹ và Trung Quốc cùng đồng ý phê chuẩn Hiệp định về thay đổi khí hậu Paris, Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã kết thúc mà không mang lại ý nghĩa gì cụ thể. Hội nghị G-20 thậm chí bị phá vỡ bởi ba phát tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên (ngày 5-9-2016)…

Hội chợ phù hoa Hàng Châu

Trung Quốc đầu tư rất nhiều cho Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần đầu tiên tổ chức tại nước họ. Hàng Châu như được lột xác trước thềm G-20. Khoảng 225 nhà máy bị yêu cầu đóng cửa; ½ phương tiện giao thông bị cấm sử dụng từ ngày 28-8; lực lượng an ninh dày đặc với đội ngũ nữ an ninh đẹp như minh tinh màn bạc (cách 5-10m quanh khu vực tổ chức hội nghị đều có nhân viên an ninh); thành phố được trang trí lộng lẫy, nhiều ngôi nhà được “nhà nước” đến lắp bồn cầu miễn phí để cư dân không ra ngoài “đi bậy”. 

Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập niên mà một số ngôi nhà Hàng Châu mới cảm nhận được “ý nghĩa thực tiễn” của bồn cầu gia đình.

Các thành phố gần đó như Hoàng Sơn và An Khánh thuộc An Huy, Nghĩa Ô thuộc Chiết Giang và thậm chí Thượng Hải cũng bị yêu cầu đóng cửa nhà máy để môi trường trong sạch. 

Hàng ngàn cư dân tại các chung cư cao cấp gần trung tâm hội nghị buộc phải “đi du lịch” khỏi thành phố và căn hộ của họ bị niêm phong vì sợ “khủng bố” có thể đột nhập vào để bắn tỉa từ các ô cửa. Hai tuần trước ngày khai mạc, tất cả các loại dao tại khu vực dụng cụ nhà bếp trong siêu thị Metro Trung tâm bị yêu cầu dọn sạch!

10 thợ nấu ăn người Duy Ngô Nhĩ tại một nhà hàng nổi tiếng cũng được cho nghỉ việc sớm từ tháng 6. Mọi khách sạn ở Hàng Châu được yêu cầu phải báo cảnh sát khi có bất kỳ người Duy Ngô Nhĩ nào đăng ký thuê phòng.

Cũng từ tháng 6, cảnh sát đã yêu cầu khu Thất Bảo, cách trung tâm thành phố khoảng 30km, phải đóng cửa tất cả cửa hàng tạp hóa, quần áo và quán ăn lề đường. Tờ The Guardian thuật thêm: Tại một khu phố gần trung tâm hội nghị, một băng rôn to ghi: “Hãy đóng góp cho Hội nghị bằng cách diệt sạch “bốn thành phần” ruồi, muỗi, gián và chuột”.

Tất cả cơ quan truyền thông đều được lệnh kiểm soát chặt chẽ thông tin và phải có biện pháp xử lý tức thì khi có bất kỳ tin xấu nào liên quan công tác tổ chức G-20 lọt lên các trang mạng xã hội. 

Nói như Zhu Jiejin, Giáo sư trợ giảng khoa Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Phục Đán, thì: “Việc tổ chức G-20 mang lại một cơ hội quan trọng để Trung Quốc trở thành người tạo luật chơi hơn là người chấp nhận luật chơi… Nó giúp khẳng định rằng chúng ta ngang bằng với các nước đã phát triển”.

Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu.

Một Trung Quốc không nhìn từ Hàng Châu

Cách thức Bắc Kinh tổ chức G-20 đã làm lộ ra tất cả khiếm khuyết của mô hình phát triển Trung Quốc. Nó cho thấy một xã hội ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng, một nền chính trị chưa bao giờ mua được lòng người và một nền kinh tế chụp giật bất an.

Cần nhắc lại, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc từng công bố báo cáo cho biết, trong năm 2012, hơn ½ nguồn nước ngọt nước này (khảo sát tại 198 điểm ở 4.229 thành phố) đã bị ô nhiễm trầm trọng trong đó có 5 trong 10 lưu vực sông lớn nhất và 25 trong 60 con hồ… Và trong 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, Trung Quốc chiếm đến 16 thành phố! Ô nhiễm không khí đang nằm ở vị trí thứ tư trong các nguyên nhân gây chết người (với trung bình 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm).

Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ vỏn vẹn 1% trong 560 triệu cư dân đô thị Trung Quốc là được hít thở không khí trong lành theo chuẩn EU. Tổn thất kinh tế do môi trường lên đến khoảng 230 tỉ USD vào năm 2010 (1,54 ngàn tỉ tệ), chiếm 3,5% GDP, gấp bốn lần so với năm 2004. Hàng Châu tất nhiên không là ngoại lệ nếu xét về ô nhiễm môi trường.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình nói đến một sự đồng thuận sau “show diễn” Hàng Châu. Dù vậy, trước thềm G-20, một báo cáo từ Phòng Thương mại Liên minh châu Âu đã nói đến sự chuyển biến thái độ của giới chức lẫn doanh nghiệp EU trong việc yêu cầu xem xét kỹ hơn về sự bành trướng của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc ở nước ngoài.

Giới đầu tư châu Âu hoạt động tại Trung Quốc ngày càng than phiền những quy định ngặt nghèo nhằm vào họ. Trung Quốc “vẫn là cánh cửa đóng kín nhất cho đầu tư nước ngoài đối với các nước G-20” – phát biểu của David Dollar thuộc Viện nghiên cứu Brookings (Washington DC), người từng là cựu tùy viên Bộ Tài chính Mỹ ở Bắc Kinh.

“Chúng ta đang chứng kiến một cấp độ phản ứng chưa có tiền lệ chống lại các thương vụ đầu tư và sáp nhập của Trung Quốc” – nhận xét thêm của Thilo Hanemann, nhà kinh tế thuộc Rhodium Group (New York).

Cần biết, mỗi năm, Trung Quốc tung ra hơn 10.000 quy định mới để quản lý nhiều thị trường từ điện thoại di động đến xe hơi và mỗi lần như vậy lại có thêm vài chi tiết bổ sung nhằm tăng cường bảo hộ nội địa. Hãng Continental của Đức giờ đây phải tuân thủ luật định rằng tất cả vỏ xe bán tại Trung Quốc phải được ghi bằng tiếng Hoa.

Với nhà sản xuất bếp gas, họ phải tuân thủ các chi tiết trong 50 trang “tiêu chuẩn an toàn” trong đó có quy định bếp phải chịu được nhiệt độ trên 700oC (cao hơn bất kỳ chuẩn nào trên thế giới), có nghĩa bếp không được làm bằng nhôm (loại vật liệu dùng phổ biến của các nhà sản xuất châu Âu).

Trong thực tế, hình ảnh lộng lẫy Hàng Châu không che được những con số ảm đạm của kinh tế Trung Quốc. Vô số hãng xưởng đóng cửa và vô số công trình nhà ở không một bóng người. Dòng tiền mặt tiếp tục được chuyển ra nước ngoài. Tháng 2-2016, dự trữ ngoại hối Trung Quốc đã bốc hơi 29 tỉ USD, còn 3,2 ngàn tỉ USD so với 4 ngàn tỉ USD năm 2014.

Giáo sư Đại học Bắc Kinh Michael Pettis nhận định, việc thâm hụt trung bình 150 tỉ USD/tháng trong dự trữ ngoại hối sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin. Cái gọi là “khủng hoảng niềm tin” thật ra đang diễn ra.

Trong 6 tháng (quý 2 năm 2014 đến quý 3 năm 2015), tổng cộng có 657 tỉ USD “rời” khỏi Trung Quốc. Sự tụt giảm kinh tế đang đánh mạnh và trực tiếp vào tầng lớp nghèo. Đình công và biểu tình nổ ra khắp Trung Quốc, ngay thời điểm Bắc Kinh tổ chức “lưỡng hội” vào đầu tháng 3-2016, một sinh hoạt chính trị quan trọng của Trung Quốc (kỳ họp thường niên kéo dài hai tuần, với 3.000 đại biểu, gồm kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và kỳ họp Chính hiệp).

Báo cáo gần đây của tổ chức D&B Country RiskLine (chuyên đánh giá rủi ro của các quốc gia) đã ghi nhận bằng một cụm từ ngắn gọn khi đề cập đến Trung Quốc: “Trend: deteriorating” (Xu hướng: Tồi tệ hơn). Sự “tồi tệ hơn” đã thể hiện ở con số các cuộc bạo động quần chúng.

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình hạ bệ Tổng thống Barack Obama chỉ mang lại tác dụng ngược.

Bộ Công an Trung Quốc cho biết có hơn 128 nghìn vụ biểu tình lớn, bày tỏ chống đối tham nhũng, chiếm hữu đất đai, ô nhiễm môi trường, an toàn lao động… (năm 1993, số vụ công chúng bạo động được công bố chính thức là 8.709 và năm 2009, khoảng 90 nghìn vụ).

Tuy nhiên, theo Hạ Nghiệp Lương, Giáo sư kinh tế Đại học Bắc Kinh, con số thật có thể lên đến “hơn 200 nghìn vụ mỗi năm”, tức khoảng 550 vụ mỗi ngày. Không quốc gia nào có thể phát triển bền vững khi vừa tự chặt chân mình vừa muốn đứng cao.

Một ông chủ “giàu” nhưng không “sang”

Sự thay đổi chiến lược từ phong thái thận trọng sang cách thức phô trương đã thể hiện tư duy chính trị quốc tế mới của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và đa phương hóa: họ muốn tăng cường mức độ ảnh hưởng để có thể định hình luật chơi theo cách của họ, hơn là chấp nhận thụ động để Mỹ và phương Tây xỏ mũi.

Cách Bắc Kinh tổ chức G-20 cùng sự cố mà họ cố tình tạo ra đã thể hiện điều này. Đó là sự kiện ồn ào quanh việc Trung Quốc không đưa xe thang đến chuyên cơ Air Force One đón Tổng thống Barack Obama. Đây là hành động chủ ý nhằm hạ bệ Tổng thống Mỹ. Bộ ngoại giao Trung Quốc không hề lên tiếng về việc này. Điều đó một lần nữa cho thế giới có thêm một bằng chứng nữa về “bản chất khó dời” của Trung Quốc: Nhỏ nhen và ngạo mạn.

Hình ảnh tự bôi nhọ tương tự ngày càng được biết đến như một “đặc tính” của Trung Quốc. Một sự kiện nữa để “minh họa”. Sa Tổ Khang (Sha Zukang, Phó tổng thư ký đặc trách các vấn đề xã hội - kinh tế của Liên Hiệp Quốc từ 2007 đến 2012), trong phiên họp tại một khu nghỉ mát ở Áo vào tháng 9-2010, sau khi uống rượu say đã giật micro phát biểu với Tổng Thư ký Ban Ki-moon: “Tôi biết ông chẳng bao giờ ưa tôi, ông Tổng thư ký à. Mà tôi cũng có bao giờ ưa ông đâu”.

Họ Sa sau đó quay sang nhìn viên chức Liên Hiệp Quốc Robert Orr (người Mỹ) lè nhè nói tiếp: “Tôi thật sự không thích cái thằng cha đó. Hắn là người Mỹ và tôi thật sự không thích bọn Mỹ”.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn BBC năm 2006, nhân vật từng lăn lộn trong nghề ngoại giao suốt bốn thập niên này đã tỉnh táo nói: “Cái bọn Mỹ này nên câm họng lại thì hơn. Im miệng đi. Mấy người là số một chắc? Sao cứ chỉ trích Trung Quốc vậy? Quên đi. Đến lúc câm họng lại đi. Mấy người có quyền làm bất cứ điều gì tốt cho mấy người nhưng đừng bảo chúng tôi là cái gì thì tốt cho Trung Quốc”.

Bắc Kinh luôn muốn chứng tỏ là “người lớn” nhưng họ chưa bao giờ trưởng thành. Họ thèm khát văn minh nhưng nền văn hóa của họ chưa bao giờ chạm tay đến được mép rìa của thế giới hiện đại. Họ khao khát được công nhận như một “cường quốc” nhưng sự giới hạn văn hóa chỉ dẫn họ đến được một bên bờ của con sông văn minh mà có lẽ trong thâm tâm họ ao ước được tắm gội trong đó dù chỉ một lần.

Mạnh Kim
.
.