Kế hoạch lớn đằng sau chiến lược "ngoại giao đôla"

Thứ Tư, 16/03/2016, 17:52
Thời gian qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã để lại dấu ấn đậm nét nhờ chiến lược “ngoại giao tiền tệ”, với rất nhiều chuyến công du nước ngoài và các hợp đồng thương mại – đầu tư được ký kết có giá trị lên tới hàng tỉ USD. Đây được coi là nỗ lực để củng cố quyền lực, đồng thời là cách ông Tập tiếp cận và kết giao bạn bè quốc tế.


Trên thực tế, Chủ tịch Tập đã từng bước đưa Trung Quốc thành một cường quốc ngoại giao, với sự hiện diện của Bắc Kinh ở mọi ngóc ngách của thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, kế hoạch lớn đằng sau chiến lược “ngoại giao USD” của Trung Quốc tập trung vào tìm kiếm đồng minh tương trợ trong bối cảnh kinh tế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng, cũng như tạo lợi thế để cạnh tranh vị trí siêu cường với Mỹ.

Ngoại giao đôla

Giới truyền thông chưa bao giờ bỏ sót bất cứ hình ảnh nào của Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong từng chuyến công du nước ngoài. Ông xuất hiện ở khắp nơi, từ Mỹ, Anh, Pháp cho tới châu Phi và khu vực Trung Đông. Và hẳn nhiên, ống kính luôn bắt được những khuôn hình rất đời thường: một vị lãnh đạo thường xuyên mỉm cười, vẫy tay chào trong khi bước xuống từ cầu thang máy bay. 

Từ khi lên nắm quyền cho đến nay, ông Tập Cận Bình luôn ý thức tạo dựng một phong cách cá nhân vô cùng đặc trưng, khó nhầm lẫn với các nguyên thủ quốc gia khác. Đi cùng với đó là một ý tưởng “mở rộng lãnh thổ” Trung Quốc trên mọi phương diện, hướng đến vị trí siêu cường toàn cầu, thông qua những khoản tiền rất lớn và các cuộc hội đàm quan trọng mà nội dung có thể không được tiết lộ hết.

Năm 2015, ông Tập Cận Bình đã có một quãng thời gian dài bận rộn, với lịch trình đi thăm 14 quốc gia, gặp gỡ lãnh đạo từ 74 nước và đưa ra cam kết hàng trăm tỉ USD đầu tư trực tiếp, vốn vay và viện trợ. Trung Quốc tuyên bố sẽ thành lập một quỹ đầu tư chung 20 tỉ USD với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Qatar, đồng thời viện trợ nhân đạo 230 triệu USD cho khu vực Trung Đông. 

Ngoài ra, ông Tập cũng cam kết hơn 200 tỉ USD trong các giao dịch thương mại, đầu tư nhà nước, các khoản cho vay và viện trợ khi đi thăm Pakistan, Belarus và Nam Phi. Riêng với châu Phi, ông hứa sẽ cung cấp 60 tỉ USD tài trợ phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Chủ tịch Tập Cận Bình muốn “mở rộng lãnh thổ” Trung Quốc trên mọi phương diện, hướng đến vị trí siêu cường toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới Anh, bày tỏ mong muốn quốc gia phương Tây này sẽ cởi mở hơn đối với Trung Quốc. Đây là lựa chọn có tầm nhìn xa và mang tính chiến lược, trong bối cảnh Bắc Kinh luôn hoan nghênh các dự án đầu tư của London, và sẵn sàng tạo mọi điều kiện để cải thiện quan hệ song phương.

Trước mắt, ông Tập Cận Bình cam kết sẽ đầu tư 62 tỉ USD vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm một nhà máy điện hạt nhân và hợp tác năng lượng tại Anh. Trung Quốc hiện cũng đang đấu thầu xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối liền London tới Manchester và Birmingham, với gói thầu dự án lên tới 58 tỉ USD. Truyền thông nói rằng, mối quan hệ Trung – Anh đang ở thời kỳ “trăng mật”, hứa hẹn những bất ngờ từ sức hút và thái độ thiện chí của cả đôi bên.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục thể hiện phong cách “ngoại giao USD” khi hứa dành 2 tỉ USD cho quỹ đầu tư giúp các nước kém phát triển nhất thế giới. Ông cũng muốn sử dụng một khoản tiền lớn để hỗ trợ Liên Hiệp Quốc gìn giữ hòa bình, phát triển kinh tế và chống biến đổi khí hậu. 

Theo đó, ông Tập Cận Bình sẽ tặng 1 tỉ USD trong 10 năm tới dành cho quỹ hòa bình và phát triển của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc dự định thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình dự phòng 8 nghìn quân, cam kết viện trợ quân sự 100 triệu USD cho Liên minh châu Phi để gìn giữ hòa bình trong 5 năm tiếp theo.

Tạo thế cạnh tranh

Với hơn 3 ngàn tỉ USD dự trữ ngoại hối, Trung Quốc có tiền để tiêu, và cũng có động lực để tiêu tiền. Nhiều sáng kiến kinh tế quốc tế của ông Tập Cận Bình là sự kết hợp giữa tầm nhìn chiến lược thúc đẩy lợi ích kinh tế, ngoại giao của Trung Quốc với nỗ lực thay đổi cấu trúc nền kinh tế trong nước. 

Nhà lãnh đạo đang tập trung vào việc đảm bảo nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng cường quyền lực mềm của Trung Quốc. Ông theo đuổi chiến lược “ngoại giao USD” nhằm duy trì và nâng tầm quan hệ với các nước đang phát triển, thậm chí “thưởng nóng” cho những quốc gia mà Bắc Kinh coi là bạn bè thân thiết.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã tạo ra những thay đổi lớn trong các chính sách của Trung Quốc. Hiện nay, thay vì trực tiếp thách thức những thể chế quốc tế đang tồn tại, Trung Quốc tìm cách tạo ra những diễn đàn mới mà Bắc Kinh có thể kiểm soát hay gây ảnh hưởng đáng kể. 

Từ đó, Bắc Kinh có thể xây dựng một môi trường quốc tế mới có lợi hơn cho Trung Quốc. Tất nhiên, Chủ tịch Tập muốn tiến từng bước chắc chắn, không quá khiêu khích. Bề ngoài, những bước đi này chỉ nhằm mục đích thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển kinh tế thông qua những sáng kiến kinh tế và thương mại thuần túy. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ lưỡng, Bắc Kinh đang tìm cách làm việc vì an ninh lớn hơn và những mục tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc.

Với hơn 3 ngàn tỉ USD dự trữ ngoại hối, Trung Quốc có tiền để tiêu, và cũng có động lực để tiêu tiền.

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã thay đổi từ nhận thức với tư cách là một cường quốc và bắt đầu nói với thế giới về “giấc mơ Trung Hoa” - một quốc gia đủ tự tin để khẳng định với bất kỳ đối tác nào về những lợi ích cốt lõi, lãnh thổ, chủ quyền và sự phát triển, cũng như về các vấn đề toàn cầu trên cơ sở bình đẳng. 

Chủ tịch Tập muốn đánh bóng hình ảnh Trung Quốc thành cường quốc “có trách nhiệm” đối với hòa bình và ổn định quốc tế, đồng thời pha loãng những chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế đối với các hành vi bành trướng của Bắc Kinh, hay phản bác lại các lập luận lên án Trung Quốc tìm cách phá bỏ trật tự thế giới hiện nay.

Trong một diễn biến mới nhất, Trung Quốc có thể công bố khoản ngân sách quốc phòng với mức độ gia tăng lớn hơn nhiều so với năm ngoái vào tháng này. Chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc năm ngoái tăng 10,1% so với 2014, đạt mức 144 tỉ USD, bằng 1/4 ngân sách quốc phòng Mỹ cùng thời điểm. 

Dự toán ngân sách quốc phòng năm nay của Trung Quốc sẽ tăng 30% so với năm 2015. Lúc này, ông Tập muốn tìm cách làm dịu bớt những lo ngại của quân nhân đang trong đợt cải cách sâu rộng dẫn đến nhiều người mất việc làm, cũng như để tập trung tăng cường khả năng đối phó với cục diện biển Đông và eo biển Đài Loan. 

Chủ tịch Trung Quốc đang cố gắng giữ ổn định quân đội khi tiến hành cải cách vì thấy có quá nhiều nhân tố bất ổn tiềm ẩn. Ông đang tìm cách hiện đại hóa quân đội, tái cấu trúc bộ máy chỉ huy cồng kềnh và kém hiệu quả từ thời Chiến tranh Lạnh.

Sau tất cả, mục đích thực sự của ông Tập là cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trên mọi phương diện. Bắc Kinh chưa bao giờ ngừng tham vọng thiết lập được một trạng thái mới ngang bằng với Washington, thậm chí vượt xa hơn nữa trong tương lai. Sự gia tăng vị thế của Mỹ nhờ cách mạng đá phiến và sự tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật đã tạo thêm sức ép với Trung Quốc.

Trên cơ sở các nhân tố này, chiến lược Trung Quốc theo đuổi hiển nhiên là tạo dựng nền tảng dài hạn cho việc tăng cường sức mạnh trên vũ đài chính trị thế giới, trong khi tránh đối đầu trực tiếp với liên minh Mỹ - Nhật hay với Mỹ. Nhiều ý kiến nhận định, ông Tập sử dụng sức mạnh của đồng tiền để làm tăng giá trị hình ảnh của Trung Quốc so với Nhật Bản và Mỹ, hai nước từ lâu đã duy trì các chương trình viện trợ nước ngoài lớn nhất.

Một số chuyên gia dự đoán sức ép từ Mỹ đang gia tăng, và quan hệ Mỹ - Trung sẽ vẫn có những sóng gió nhất định. Trong bối cảnh này, Chủ tịch Tập sẽ phải ngoại giao vô cùng khéo léo, thúc đẩy tích cực “quan hệ nước lớn kiểu mới”, đưa Bắc Kinh trở thành đối tác bình đẳng của Washington. 

Trung Quốc sẽ tìm cách mở rộng hợp tác với Mỹ và phát triển cùng thịnh vượng. Trung Quốc có thể sẽ vẫn muốn phô diễn sức mạnh quân sự do nhiều yếu tố, bao gồm chính trị nội bộ. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ cố gắng tránh sự đối đầu ở mức độ nghiêm trọng, và tiếp tục đi theo hướng xây dựng quan hệ song phương là tổng hòa của hai yếu tố: hợp tác và cạnh tranh…

Tố Uyên
.
.