Kẻ Chèm – lược sử một danh hương

Thứ Tư, 23/10/2019, 09:06
Chèm là một trong những địa danh cổ kính nhất của vùng đất ven đô. Làng Chèm là một danh hương được nhắc đến không biết bao nhiêu lần trong sử sách, trong thư tịch cổ và trong những áng thơ văn của tao nhân mặc khách.

Đã qua bao nhiêu lớp thời gian bụi phủ, đền Chèm vẫn sừng sững bên sông, bốn mùa hương khói, lễ hội đền Chèm vẫn bảo lưu những nghi lễ thiêng liêng mang bao giá trị văn hóa và lịch sử.

Từ gần 2000 năm trước, khi dòng sông Hồng đang trong giai đoạn bồi đắp kiến tạo đồng bằng, đất Chèm đã là một bến cảng quan trọng cho tuyến đường thủy chính yếu từ thượng nguồn xuôi qua ngã ba Bạch Hạc, ra tới tận các hệ thống cửa biển châu thổ. Dọc theo tuyến đường giao thông huyết mạch ấy, các trung tâm chính trị, quân sự, thương mại đã dần được dựng lên theo dòng lịch sử, từ Bạch Hạc (Phong Châu) xuôi đến Hát Giang, Mê Linh, Từ Liêm, Cổ Loa, Long Biên, Luy Lâu, Tống Bình, Đại La (Thăng Long, Hà Nội), ra đến Cửa Bố, Hoa Lư, Kiếp Bạc, Nghiêu Phong, Vân Đồn...

Những khu chợ bám sông, những làng cổ men sông, những thành trì ven sông, những đô thành nương sông, theo dòng nước mà lan tỏa đất và người đi chiếm lĩnh khắp cùng châu thổ. Đất Chèm vẫn ở đó, như một cửa ô đón bao thế hệ người qua lại tô điểm cho giang sơn. Có thể nghĩ rằng, đất Chèm xưa là một “Cửa nước” để đi vào Đại La - Thăng Long - Hà Nội. Chèm từng là một chốn “trên bến dưới thuyền”, cũng tấp nập như một “tiểu Kẻ Chợ” ở vùng cửa ngõ phía Tây Bắc của Thăng Long.

Cứ tưởng tượng, năm 545, khi Lý Nam Đế lần đầu đóng quân dựng thành ở vùng cửa sông Tô Lịch, toàn bộ vùng đất Hà Nội khi ấy còn đang phủ kín bởi hồ đầm và các bãi sình lầy thì đoạn sông Hồng chảy qua vùng đất này đã mang tên sông Từ Liêm.

Huyện Từ Liêm, trong “Đồng Khánh dư địa chí” (Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

Trong giai đoạn này, Luy Lâu - Long Biên là trị sở trung tâm từ đời Hán đến đời Tùy (nằm ở phía Bắc sông Cà Lồ, sông Đuống). Đến năm 557, Lý Phật Tử xuôi dòng về Đông đánh nhau với Triệu Việt Vương, 5 lần đối trận, bất phân thắng bại, bèn lấy bãi Quân Thần (ở Thượng Cát - Hạ Cát, sông Từ Liêm) làm địa giới.

Đến đầu thế kỷ VII thời nhà Tùy, Giao châu Tổng quản Khâu Hòa dựng thành Tống Bình ở bờ Nam của sông Từ Liêm. Tiếp đến, An Nam Kinh lược sứ Trương Bá Nghi cho xây An Nam La Thành, rồi thành lại được các ông Bùi Thái, Triệu Xương, Trương Chu cho tu sửa. Năm 785, Triệu Xương “thường qua chơi làng Vương” đã cho xây đền thờ Lý Ông Trọng. Với các dấu tích sử liệu, An Nam La Thành thời Triệu Xương có khả năng đóng ở khu vực từ phía Tây đường Lạc Long Quân ngày nay hất về phía Chèm. Nên ta mới hiểu vì sao sử ghi Triệu Xương khi trấn nhậm ở An Nam, “thường qua chơi làng Vương” (Thụy Phương nay), là vậy.

Năm 865, Cao Vương (Cao Biền) cho xây sửa lại đền, tạc gỗ làm tượng, gọi là đền Lý Hiệu Úy. Thế thì trong giai đoạn Tùy, Đường (thế kỷ VII-IX), đất Chèm có lẽ là một cửa cảng quan trọng của An Nam La Thành - trung tâm chính trị đầu não của Giao châu khi đó. Đọc lại bài thơ Quá An Hải độ Long Biên của nhà thơ nổi tiếng đời Đường Thẩm Thuyên Kỳ, ta sẽ thấy rõ điều này:

Ta từng nghe có quận Giao Chỉ,

Nơi biển xa mãi mé cực Nam.

Bốn mùa rất ít đông hàn,

Bao nhiêu tinh tú chứa chan nắng trời.

Đất là nơi Úy Đà trị nước,

Ông Trọng xưa mãi bước sơn khê.

Dân cư trù phú sát kề,

Truyền đời cá muối là nghề cha ông.

Thế kỷ X, sông Hồng đổi dòng, để lại một vùng nước đọng mênh mông là hồ Tây. Năm 948, nhân dân thôn Hạ Từ Liêm, huyện Giao Chỉ chung nhau vẽ tranh Thái Thượng tam tôn, 6 phướn báu và đúc 1 chuông đồng (tức chuông Nhật Tảo hiện còn). Quả chuông này được đúc vào năm thứ 4 thời Bình Vương Dương Tam Kha. Thôn Hạ Từ Liêm khi ấy có thể bao gồm dải đất rộng trong đó có Thượng Cát, Nhật Tảo, Đông Ngạc, Thụy Phương, Hoàng Xá, Mạc Xá ngày nay; còn thôn Thượng Từ Liêm là tính từ Liên Mạc ngược lên đến cửa sông Đáy, giáp Sơn Tây.

Năm 950, Ngô Xương Văn đem quân đến Từ Liêm, định ngược dòng qua Bạch Hạc tiến đánh đất Thái Bình ở Thao Giang, bèn quay binh về đảo chính Dương Tam Kha ở Cổ Loa. Cứ tưởng tượng rằng trên đường về, Xương Văn có vào đền Hiệu Úy cầu đảo.

Năm 965, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tiếp tục nỗ lực mở thông tuyến đường từ sông Hồng đi lên Lâm Tây Nguyên (Lào Cai, Thao Giang) thông đến Vân Nam - Đại Lý - Nam Chiếu. Từ Cổ Loa, thuyền đi qua Từ Liêm ngược lên Bạch Hạc, Hồi Hồ. Nhưng một mũi tên độc của đất Thái Bình đã khiến triều Ngô sụp đổ.

Đất Từ Liêm, sông Từ Liêm đã trở thành một địa chỉ hành chính, địa chỉ văn hóa quan trọng trong thiên niên kỷ thứ nhất, nơi in dấu nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Làng Chèm, bến Chèm nhiều thế kỷ sau vẫn giữ một vai trò quan trọng trong mạng lưới trao đổi thượng hạ nguồn từ ngoài biển sâu đến vùng núi cao. Bến đò Chèm vừa là nơi cảng đậu để thuyền xuôi ngược cập vào ngơi nghỉ, vừa là nơi có đền Chèm - nơi linh thiêng để du khách đến chiêm bái, ngưỡng vọng. Sự hiển ứng của thần đã tạo nên nhiều lớp khói hương và các trầm tích văn hóa lịch sử trên đất này.

Năm 1285 và 1288, sau 2 lần đại thắng quân Nguyên, vua Trần Nhân Tông ban cho thần là Uy Mãnh - Anh Liệt Vương. Năm 1313, vua Trần Anh Tông ban cho là Phụ Tín Đại Vương. Thế kỷ XIV, truyện Lý Ông Trọng được đưa vào chính sử và trong sách Lĩnh Nam chích quái. Năm 1359, danh nho Phạm Sư Mạnh nhân dịp sứ nhà Minh sang nước ta thông hiếu, trong đó có câu: “Văn Lang thành cũ non trùng điệp/ Ông Trọng đền xưa mây đượm nồng”. (Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp/ Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng).

Năm 1401, Trần Nguyên Hãn nghỉ chân ở đền Lý Thiên Vương, được thần báo mộng về khởi nghĩa Lam Sơn. (Lý Thiên vương sự tích). Năm 1428, Sau khi bình Ngô khai quốc, nhà Lê truy niệm công đức hiển linh của Hiệu Úy, ban tứ sắc chỉ, mở rộng đền miếu, chuẩn cho dân xã làm tạo lệ hương hỏa, cho 100 mẫu ruộng tế ở xã La Tinh. (Lý Thiên vương sự tích).

Đình Chèm ngày nay. Ảnh: L.G

Thế kỷ XV, tiến sĩ Đặng Minh Khiêm viết bài thơ vịnh Lý Ông Trọng, trong đó có câu: “Vĩnh Khang nhất nhập đàm kinh mộng/ Huyết thực Nam thiên tráng đế đồ” (Vĩnh Khang trong mộng bàn kinh sách/ Hương lửa trời Nam, vững cơ đồ).

Trong suốt thế kỷ XVII-XVIII, nhà Lê nhiều lần ban tiền và sai quan đến tế lễ ở đền. Năm 1634, thần được thăng trật là Thượng đẳng thần. Từ năm 1680, dân 3 xã Thụy Hương, Hoàng Xá, Mạc Xá được triều đình ban cho làm dân tạo lệ (miễn các thuế đò, thuế đất, sưu sai tạp dịch). Chúa Trịnh Tạc cho soạn Phụng sai quan tế văn đọc tế trước linh vị đức Lý Hy Khang Thiên Vương.

Năm 1715, tiến sĩ Cao Huy Diệu viết lời tiếm bình cho sách Việt điện u linh, có đoạn: “Bấy giờ miếu ở làng Thụy Hương, huyện Từ Liêm, cách phía Đông thành bốn mươi dặm đền đài đồ sộ, miếu điện trang nghiêm, cao ngất ở trên bờ sông. Dầu cho sóng cả vỗ bờ, muôn dặm chảy xiết, vẫn nghiễm nhiên đứng vững không lay.

Ngay trước miếu có bến đò ngang là con đường thượng lưu đến kinh phải ngang qua đấy, một chỗ đô hội lớn, thương mại hành nhân, cao tài đặc khách, chắp nối ngựa xe qua lại như dệt, mà trọn xưa vẫn an ổn, không xảy ra nạn gió sóng, nhân dân đều xưng tụng công đức của thần”.

Năm 1747, chúa Trịnh Doanh ngự giá thân chinh đánh giặc Canh Ngọ - Nguyễn Danh Phương trên Tam Đảo. Trước khi xuất quân có lập đàn tế lễ tại đền. Năm 1751, chúa Trịnh Doanh dẫn các tướng Hoàng Ngũ Phúc, Đàm Xuân Vực dẹp xong loạn Canh Dần, trên đường khải hoàn về nghỉ ở nhà công thần Đỗ Thế Giai tại Đông Ngạc, phụng tôn thần làm Lý Hy Khang Thiên Vương, đích thân đến tế tại đền Thụy Hương. Lại ban thêm 100 quan cổ tiền, xây thêm nền đá để làm chắc địa mạch.

Sang đến triều Nguyễn, đền Lý Ông Trọng và đất Thụy Phương tiếp tục là địa chỉ văn hóa, là điểm gút giao thương cận kề mảnh đất ngàn năm văn vật. Năm 1820, hai ông Trạch Huy - Chiếu Huy dâng tiến bức đại tự Càn Đoan Khôn Nghê (đầu mối đất trời). Phong cách thư pháp và nội dung lạc khoản đều cho thấy đây là bức hoành do người Hoa tiến cúng.

Đối chiếu với các tư liệu bi ký tại hội quán Quảng Đông tại Hàng Ngang thì thấy rằng, việc buôn bán giao thương ở Hà Nội vào giai đoạn này có sự góp mặt của người Hoa. Điều này cho thấy, bến Chèm khi đó vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong mạng lưới trao đổi ven sông. Dương Bá Cung (1852) trong Hà Nội địa dư có ghi: “Thụy Hương (Hà Nội), Lạc Tràng (Nam Định) là nơi thông thương buôn bán lại qua”.

So điều Dương Bá Cung chép với những lời của tiến sĩ Cao Huy Diệu thì thấy, trong cả ngàn năm “bến đò ngang ngay trước miếu là con đường thượng lưu đến kinh phải ngang qua đấy, một chỗ đô hội lớn, thương mại hành nhân, cao tài đặc khách, chắp nối ngựa xe qua lại như dệt”.

Cho đến nay, làng Chèm xưa đã đổi thành phường Thụy Phương. Khách không còn phải vượt sông qua bến đò Chèm nữa, bởi cầu Thăng Long đã bắc nhịp nối đôi bờ. Thủy điện Hòa Bình dựng lên, dòng nước sông Hồng cũng không còn cuồn cuộn như xưa. Đường bộ - đường sắt - đường hàng không đã làm thay đổi toàn bộ truyền thống thủy lộ của cư dân bao miền quê. Nhưng đền Chèm vẫn sừng sững bên bờ đê lộng gió, người dân Kẻ Chèm xưa vẫn giữ gìn nền nếp cha ông.

Bến Chèm xưa, nơi Huy Cận viết câu “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” vẫn còn đó lễ hội dập dìu, là nơi bảo tồn những nét đẹp văn hóa, những truyền thống cha ông từ ngàn đời để lại. Cứ mỗi dịp lễ tiết, người dân lại “Khỏa chèo mình ngược bến Chèm/ Viếng Lý Ông Trọng hoa chen mái đình”, thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ và tri ân bao thế hệ cha ông đã xây dựng nên nước non này.

Trần Trọng Dương
.
.