John Hanke – “cha đẻ” trò chơi Pokémon Go: Dụ cả thế giới… đi săn

Thứ Sáu, 02/09/2016, 23:18
Ngay sau khi xuất hiện, Pokémon Go - trò chơi tương tác ảo trên máy điện thoại thông minh, cho phép người chơi tìm bắt, huấn luyện và trao đổi các quái vật ảo dựa trên một địa bàn thực - đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt trên toàn cầu. Vừa phát hành đầu tháng 7/2016, trong một tuần Pokémon Go đã đã phá vỡ mọi kỷ lục khi có hơn 10 triệu lượt tải về.

Khởi lập và chỉ đạo thực hiện thành công dự án Pokémon Go là doanh nhân Mỹ John Hanke - ông chủ của hãng phát triển phần mềm Niantic Labs. Theo Hanke, đội phát triển Pokémon Go của Niantic đã đặt ra ba mục tiêu lớn khi xây dựng nên trò chơi này và tuyên bố đây được coi là công cụ để phát triển cuộc sống thực tế một cách lành mạnh. 

Và câu chuyện đầy bất ngờ thú vị về chân tướng của trò chơi trực tuyến này cùng những tranh cãi: Lợi hay hại, vẫn đang là đề tài cực hot.

Ý tưởng từ trò đùa Cá tháng Tư

Ban đầu, John Hanke không mấy hăng say với các trò chơi mà tập trung nghiên cứu về địa lý. Năm 2001, ông sáng lập hãng Keyhole tạo ra phần mềm Earth Viewer mô phỏng quả địa cầu, sau đó được Google mua lại với giá 35 triệu USD.

Làm việc tại Google từ năm 2004 đến 2010, ông có nhiều năm giữ chức phó chủ tịch phụ trách loạt sản phẩm liên quan đến các dữ liệu địa lý như Google Earth, Google Maps hay Street View.

Năm 2012, trên cơ sở những công nghệ liên quan đến địa lý, ông cho ra đời Ingress - trò chơi trực tuyến đầu tiên. John Hanke đã sáng lập và trực tiếp làm giám đốc điều hành Niantic Labs từ năm 2010, khởi đầu còn nhận đầu tư và trực thuộc Google, đến năm 2015 mới tách ra thành một hãng phần mềm độc lập.

Ý tưởng đầu tiên về Pokémon Go được hình thành từ năm 2013, do các nhà lập trình đến từ công ty Nintendo và hãng Pokémon (Nhật Bản) khởi xướng. Tuy nhiên, John Hanke đã nhìn thấu tiềm năng của trò chơi này thông qua một trò đùa tưởng như vô vị vào ngày cá tháng tư.

Ngày 1/4/2014, John cho tung lên mạng dịch vụ bản đồ trực tuyến Google Maps một thông báo kêu gọi người sử dụng hãy rời nhà ra đường để dùng điện thoại thông minh tìm bắt những chú Pokémon, phần thưởng cho người săn lùng xuất sắc nhất sẽ là một suất làm việc trong Google với chức danh "chuyên gia về Pokémon". Nói chung, thông điệp trong ngày đặc biệt ấy được tiếp nhận như một... cú lừa. Và câu chuyện thú vị bắt đầu từ đây.

John Hanke đã xin tài trợ được 25 triệu USD từ Google, Nintendo, và hãng Pokémon cùng những nhà đầu tư khác từ tháng 12/2015 đến  tháng 2/2016 để phát triển thành một nhóm với hơn 40 nhân lực. Vừa qua, John Hanke và nhóm cộng sự đã đưa Pokémon Go ra thị trường Mỹ, Australia và New Zealand.

Từ khi tung ra thị trường, cổ phiếu của Nintendo đã tăng 7,5 tỷ USD, và trò chơi này đã thực sự tạo ra được hơn 2 triệu USD giao dịch mỗi ngày, khiến cho Pokémon Go trở thành hiện tượng chỉ sau một đêm. Cách thức chơi quá khác biệt và thú vị của Pokémon Go khiến mọi người mê mẩn. Thành công nhanh chóng của Pokémon Go thực sự đáng giá cho 20 năm nghiên cứu sáng tạo của John Hanke.

John Hanke là fan hâm mộ trung thành của trò chơi huyền thoại Pokémon, và đó cũng là lý do tại sao Niantic Labs tìm đến hãng Pokémon để hợp tác và phát triển dự án trò chơi Pokémon Go. John Hanke cảm thấy rất vinh dự khi được kế thừa tinh thần của nguyên mẫu Pokémon. Ông đã lên kế hoạch cập nhật thêm nhiều tính năng quen thuộc và hấp dẫn khác, trong đó tiến hóa Pokémon và trao đổi Pokémon sẽ là hai tính năng được tập trung nhiều nhất.

Chính vì vậy, Pokémon Go sẽ không dừng lại ở các tính năng hiện tại, mà còn được phát triển để giống với những gì người hâm mộ từng tưởng tượng. Đó là thực sự dấn thân vào một cuộc truy tìm các Pokémon huyền thoại, sát cánh cùng người bạn thân đánh bại những kẻ mạnh nhất để trở thành một bậc thầy huấn luyện Pokémon thực thụ.

Lợi hay hại?

Với John Hanke, Pokémon Go không đơn thuần chỉ là một trò chơi, mà vượt ra khỏi ranh giới giải trí để đem tới cho con người nhiều lợi ích. Trước tiên, Pokémon Go thúc đẩy các hoạt động thể dục thể thao. Pokémon Go yêu cầu người chơi phải hoạt động rất nhiều, bắt họ phải bước ra ngoài và lao vào những cuộc săn tìm thực sự.

Những con Pokémon hiếm có chính là phần thưởng khuyến khích cho những nỗ lực này, chứ không phải áp lực. Chính vì vậy, người chơi sẽ được rèn luyện chứ không chỉ phí thời gian vô bổ.

Thứ hai, đội ngũ phát triển Pokémon Go muốn người chơi nhìn cuộc sống qua những lăng kính mới mẻ. Họ thiết kế cho chơi nhằm "dụ" người dùng đến những địa điểm thú vị trong thành phố bằng cách biến chúng thành Pokéstop và phòng Gym. Đây được hiểu là công nghệ thực tế tăng cường, dựa trên môi trường thực tế xung quanh. Do đó, người chơi sẽ cảm thấy rất quen thuộc, ngay cả các điểm PokéStop cũng có thể là những địa danh nổi tiếng ở rất gần.

Tuy nhiên, trong khung cảnh quen thuộc đó sẽ xuất hiện những con Pokémon, sẽ xảy ra những màn săn bắt gay cấn. Nhờ vậy, trò chơi biến những thứ rất ảo trở nên chân thật hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, John Hanke cho rằng mục đích quan trọng nhất của Pokémon Go đó là "phá bỏ mọi giới hạn". Khi điện thoại thông minh phát triển, mỗi người dường như có một tảng băng bao bọc xung quanh khiến cho sự giao tiếp xã hội dần biến mất. Trò chơi độc đáo này giống như một con thuyền phá băng, xóa tan ranh giới giữa con người và giúp họ có nhiều thời gian bên nhau, cùng hợp sức truy tìm và huấn luyện quái vật.

Ở mức độ cao hơn, người chơi phải tổ chức thành một đội để chinh phục các phòng Gym, khiến sự gắn kết giữa các người chơi được tăng cường. Cùng nhau phiêu lưu và chiến đấu trong thế giới thật, tạo nên những trải nghiệm chưa từng có.

Đi kèm với sự thành công của Pokémon Go, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về chân tướng của sản phẩm do Niantic Labs sản xuất. Hầu hết đều nhắm vào việc trò chơi đòi hỏi người chơi luôn bật định vị GPS, đồng thời cũng nhắm tới quá khứ của John Hanke bởi ông từng nhận được nhiều khoản đầu tư từ In-Q-Tel - một quỹ đầu tư do CIA thành lập.

Phần lớn số tiền đầu tư này được cung cấp từ Cục Tình báo Địa không gian Quốc gia Mỹ, cơ quan có nhiệm vụ thu thập, phân tích và phân phối dữ liệu tình báo từ vệ tinh. Chưa hết, có nguồn tin cho rằng Niantic Labs do CIA tài trợ đã từng tạo ra nhiều loại virus máy tính để ăn cắp dữ liệu thông tin lưu trữ trong máy tính, điện thoại di động hay điện thoại cố định.

Pokémon Go sử dụng camera và các cảm biến, la bàn và GPS trong điện thoại để định vị vị trí người chơi. Việc Pokémon Go thường xuyên bắt người dùng duy trì tính năng định vị và camera để chơi trên không gian thực khiến nhiều lời cảnh báo về bảo mật đã được đưa ra. Điều này là bởi rất có thể Pokémon Go sẽ bị biến thành một công cụ do thám thực sự mà người dùng không hề hay biết.

Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về chân tướng của sản phẩm do Niantic Labs sản xuất khi trò chơi đòi hỏi người chơi luôn bật định vị GPS.

Sau khi chơi Pokémon Go một thời gian thì rất có thể tất cả thông tin cá nhân của người dùng như địa chỉ, tình hình các thành viên trong gia đình, quang cảnh khu dân cư nơi sinh sống… đều sẽ bị lộ. Tuy vậy, hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy Pokémon Go là công cụ gián điệp do CIA phát triển, nhưng một số quốc gia đã đưa trò chơi này vào tầm kiểm soát.

Bên cạnh đó, Pokémon Go đã vô tình dính líu đến… pháp luật. Ngày 9/7, một "thợ săn" Pokémon 19 tuổi ở Wyoming (Mỹ) đã phát hiện một xác chết trôi sông trong một cuộc truy tìm vật phẩm trong game. 

Vài ngày sau, bốn thanh niên bị bắt giữ vì tình nghi sử dụng game để dẫn dụ mọi người tới những khu vực chúng lựa chọn và tiến hành nhiều vụ cướp có vũ trang khác nhau ở Missouri (Mỹ). Ngoài ra, các chuyên gia đang lo ngại về tính nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của trò chơi ảo này.

Việc nghiện Pokémon Go sẽ mang lại cảm giác sống ảo và lâu dần sẽ tưởng mình hóa thân vào nhân vật mà xa rời cuộc sống đời thực, từ đó dẫn đến trầm cảm - một biểu hiện của tâm thần. Những người nghiện game có những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh.

Chưa hết, Pokémon Go tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an ninh trật tự và an toàn toàn giao thông. Rất nhiều trường hợp vì mải mê xuống đường bắt Pokémon mà người chơi vi phạm luật giao thông như đi sai làn đường, dùng điện thoại khi điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm hay dừng đỗ sai quy định. Việc "ôm" khư khư chiếc điện thoại và "dán mắt" vào màn hình gây mất tập trung, dẫn tới nguy cơ tai nạn giao thông.

Chưa hết, trò vui này dễ thành "miếng mồi" cho cướp giật. Người chơi tụ tập thành từng nhóm, trên tay cầm điện thoại và luôn chăm chú vào màn hình để truy tìm Pokémon. Việc quá chú tâm vào điện thoại và không quan tâm đến những thứ đang diễn ra xung quanh tạo ra kẽ hở cho những đối tượng cướp giật một cách dễ dàng ở nơi công cộng. 

Dù Pokémon Go là một trò chơi tích cực giúp người chơi có thể thoải mái sau giờ làm việc hay rèn luyện sức khỏe nhưng cần chơi có chừng mực và đảm bảo sự an toàn để cuộc vui trọn vẹn hơn. 

Nam Hồng
.
.