Hy vọng lẫn hoài nghi

Thứ Tư, 29/07/2015, 20:58
Mang hy vọng lẫn hoài nghi, những khởi đầu mới nối nhau xuất hiện như những điểm nhấn trong dòng chảy các sự kiện quốc tế tuần qua. Phải nhắc tới việc Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận “lịch sử” về chương trình hạt nhân; Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế bước đầu tìm được “tiếng nói chung”; hay Mỹ và Cuba mở lại Đại sứ quán… Đây là những tín hiệu tốt lành thắp lên niềm hy vọng mới về nền hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng cho thế giới trong tương lai.

Thông điệp mà những sự kiện này truyền tải chính là: Hãy theo đuổi phương châm đối ngoại mềm mỏng, đàm phán hòa bình tích cực thay vì đối đầu, tranh chấp để rồi rơi vào vòng xoáy chiến tranh.

1. Sau 11 năm đàm phán gian truân và 18 ngày thương lượng nước rút căng thẳng, ngày 14/7 vừa qua, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã đạt được thỏa thuận “lịch sử” về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này. Thỏa thuận gồm ba nội dung chính: Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân trong ít nhất một thập kỷ; quốc tế dỡ bỏ cấm vận chống Iran; tăng cường các biện pháp kiểm soát chương trình hạt nhân của Tehran.

Thỏa thuận không buộc Iran phải phá bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, vốn là yêu sách được đưa ra trong các cuộc thương lượng ban đầu do châu Âu khởi xướng từ năm 2003 đến 2005. Thay vào đó, thỏa thuận chỉ tập trung giám sát, hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hơn các cơ sở hạ tầng với mục đích ngăn chặn Tehran tái khởi động cuộc chạy đua bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, Iran sẽ cho phép thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt có thể bị khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận đã thống nhất với 6 cường quốc. Lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp tục duy trì trong 5 năm, trong khi các lệnh trừng phạt về tên lửa đạn đạo đối với Iran sẽ kéo dài thêm 8 năm.

Chương trình hạt nhân của Iran từ lâu đã được coi là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong lịch sử đương đại. Thỏa thuận vừa đạt được là một bước ngoặt trong quan hệ giữa Tehran với các quốc gia phương Tây, và được đánh giá sẽ làm thay đổi toàn bộ khu vực Trung Đông. Phương Tây luôn nghi ngờ Iran sử dụng chương trình hạt nhân dân sự của mình để làm vỏ bọc phát triển vũ khí hạt nhân, khiến Iran đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận cáo buộc này. 

Sau khi Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận, không chỉ giới chính trị mà cả giới kinh tế của nhiều cường quốc châu Âu cũng coi đây là tin đáng mừng cho việc nối lại và tăng cường hợp tác kinh tế. Nhiều quan chức cấp cao của Đức, Pháp và Nga đã lên kế hoạch thăm Iran trong những ngày sắp tới. Còn trên lĩnh vực ngoại giao, Anh đang xem xét từ nay đến cuối năm 2015 mở lại đại sứ quán nước này tại Tehran sau bốn năm gián đoạn.

2. Nút thắt về giải quyết khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp về cơ bản đã được tháo gỡ. Quốc hội Hy Lạp đã thông qua dự luật về những biện pháp cải cách thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các chủ nợ nhằm đổi lấy gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro từ các nước khác trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng như từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong 3 năm tới.

Trước đó, các nhà lãnh đạo 19 nước Eurozone đã đạt được thỏa thuận về chương trình cứu trợ mới cho Hy Lạp. Thỏa thuận này đã kết thúc 6 tháng tranh đấu giữa chính phủ chống thắt lưng buộc bụng ở Athens với phần còn lại trong Eurozone, và là một giải pháp cụ thể để “xứ sở thần thoại” vượt qua khủng hoảng.

Bên trong đảng Syriza, nhiều người cho rằng Thủ tướng Alexis Tsipras quá ba phải khi một mặt đồng ý gò ép Hy Lạp vào các chính sách thắt lưng buộc bụng, mặt khác lại có các phát ngôn đổ lỗi cho các chủ nợ. Làn sóng đối lập bên trong đảng Syriza khiến nhiều người tự hỏi liệu ông Tsipras có thể cầm quyền bao lâu nữa mà không phải kêu gọi bầu cử giữa chừng hoặc thành lập liên minh chính trị mới.

Trong khi đó, những nhà quan sát và các chính khách diều hâu lại cho rằng các yêu cầu thắt lưng buộc bụng là quá hào phóng cho Hy Lạp. Nếu không chấp nhận điều kiện này của các chủ nợ, con đường đón chờ Hy Lạp sẽ chỉ là tình trạng vỡ nợ và sụp đổ kinh tế. Điều này khiến họ tin ông Tsipras sẽ phải làm mọi cách để khiến Chính phủ Hy Lạp chấp nhận yêu cầu.

Nếu Hy Lạp rời Eurozone và Liên minh châu Âu (EU), điều đó cho thấy EU không phải là khối vững bền, và rằng khi khủng khoảng xảy ra các thành viên của nó có thể rời bỏ liên minh. Một liên minh có thể rạn vỡ bất cứ lúc nào là một liên minh không đáng tin tưởng, và mọi hiệp ước kí kết giữa các thành viên sẽ mất sự tin tưởng tuyệt đối làm nền tảng. Lúc ấy, việc cùng nằm trong một liên minh sẽ không hơn gì một danh nghĩa đơn thuần. Vì lý do này, các chủ nợ đã hết sức mong đợi kết quả chấp nhận yêu cầu thắt lưng buộc bụng từ phía Athens, để thắp lên hi vọng tiếp tục duy trì vị trí của Hy Lạp trong EU.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon “được khích lệ” bởi những tín hiệu tích cực giữa Chính phủ Colombia và lực lượng vũ trang cách mạng Colombia, hay tình hình chính trị đang dần hạ nhiệt ở Libya.

3. Sau hơn 50 năm gián đoạn quan hệ, Mỹ và Cuba đã chính thức mở lại Đại sứ quán từ ngày 20/7 vừa qua, đánh dấu cột mốc trong quan hệ song phương và quốc tế. Có thể nói, quá trình “tan băng” trong quan hệ Mỹ - Cuba diễn ra nhanh hơn dự đoán. Bởi chỉ chưa đầy 7 tháng sau tuyên bố lịch sử hồi tháng 12/2014 của các nhà lãnh đạo hai nước cùng bốn vòng thảo luận luân phiên sau đó, các nhà đàm phán hai bên đã vượt qua rất nhiều rào cản và bất đồng để hướng tới việc khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao.

Một trong những tín hiệu đáng mừng nhất là việc hai bên dỡ bỏ rào cản lớn nhất trong quá trình khôi phục quan hệ ngoại giao song phương, bằng quyết định của chính quyền Obama chính thức đưa Cuba ra khỏi “danh sách các nước bảo trợ khủng bố” kể từ ngày 29/5 vừa qua. Đây là điều kiện tiên quyết theo yêu cầu của “đảo quốc tự do” để hai nước mở lại các đại sứ quán, sự kiện lịch sử diễn ra đồng thời ở cả hai thủ đô La Habana và Washington DC. 

Theo đó, Chủ tịch Cuba Raul Catro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhất trí “gác lại quá khứ để hướng tới trang mới trong quan hệ song phương”, quyết tâm đối thoại để thúc đẩy quan hệ, trên cơ sở tôn trọng những quan điểm khác biệt của nhau.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong quan hệ giữa hai nước mà còn với đời sống chính trị quốc tế, một minh chứng về sự hóa giải thành công mối quan hệ thù địch và đối đầu kéo dài trở thành đối tác đối thoại vì hòa bình và phát triển, phù hợp xu thế thời đại. 

Dư luận quốc tế, nhất là khu vực Mỹ Latinh và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đều hoan nghênh và đánh giá cao việc Cuba và Mỹ khôi phục quan hệ ngoại giao. Việc hai cựu thù thời Chiến tranh lạnh khôi phục quan hệ sau hơn nửa thế kỷ băng giá đã mở ra chương mới cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

4. Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã đạt được thỏa thuận giảm xung đột vũ trang và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tiến trình hòa đàm. Đại diện FARC đã tuyên bố ngừng bắn đơn phương, còn Chính phủ Colombia thông báo sẽ giảm cường độ các cuộc tấn công quân sự chống lại FARC từ ngày 20/7.

Hai bên cam kết sẽ sớm đạt được thỏa thuận về điều kiện ngừng bắn song phương và chấm dứt sự thù địch, đồng thời sẽ nỗ lực hết sức để ký kết thỏa thuận hòa bình lâu dài. Hai bên nhất trí sẽ yêu cầu sự hỗ trợ của đại diện Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và Chủ tịch Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) để thúc đẩy việc ngừng bắn song phương, bao gồm các vòng đàm phán về cơ chế giám sát và kiểm tra.

Trong khi đó, các lực lượng chính trị ở Libya cũng đã đạt được bản thỏa thuận hòa bình do Liên Hiệp Quốc bảo trợ và hiện đang gây áp lực để chính quyền ở Tripoli ký vào thỏa thuận hướng tới đặt nền móng cho một nhà nước dân chủ hiện đại và đoàn kết dựa trên pháp quyền, từ đó chấm dứt nội chiến. Quốc hội Libya và chính quyền được quốc tế công nhận, cùng lãnh đạo các chính đảng, các địa phương và các tổ chức xã hội dân sự đã ủng hộ bản thỏa thuận chính trị này. 

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon “được khích lệ” bởi thỏa thuận trên, đồng thời mong muốn đẩy nhanh việc đạt một thỏa thuận toàn diện giữa tất cả các bên. Đây là một bằng chứng cho thấy thiện chí chính trị và lòng can đảm, đưa đất nước tiến gần hơn tới đích là giải quyết cuộc khủng hoảng thể chế và an ninh hiện nay tại Libya.

Trên bán đảo Triều Tiên, ngày 17/7 vừa qua, lần đầu tiên Hàn Quốc mời Triều Tiên tham dự Cuộc đối thoại quốc phòng Seoul (SDD), một diễn đàn an ninh khu vực cấp thứ trưởng được Seoul tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012 để thảo luận về cách thức xây dựng lòng tin quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Cung Ui-hwa đã đề nghị tổ chức đàm phán liên Triều, đồng thời tuyên bố sẵn sàng gặp người đồng cấp Triều Tiên. Còn tại Nam Á, người dân Afghanistan đang đứng trước cơ hội tiến tới hòa bình sau 13 năm xung đột khi chính quyền Kabul và phiến quân Taliban bày tỏ thiện chí sẵn sàng tiến hành đàm phán hòa bình.

Nhìn chung, những“thỏa thuận hòa bình” trên đây không chỉ là thắng lợi có ý nghĩa về mặt biểu tượng, mà còn là bước khởi đầu cho một quá trình phát triển mới hội nhập sâu rộng hơn trong khu vực và trên thế giới, dù rằng phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức cần nỗ lực vượt qua. Bài học thực tiễn cho thấy, đối đầu chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng, rối ren. Vì thế, các bên cần học cách bình tĩnh ngồi lại với nhau và biết chấp nhận những khác biệt của nhau để cùng đi đến mục tiêu chung cuối cùng là duy trì hòa bình, ổn định cũng như xây dựng một thế giới thịnh vượng hơn…

Anh Doãn
.
.