Hy Lạp sau cuộc trưng cầu dân ý: Chấp nhận… vòng kim cô

Thứ Tư, 15/07/2015, 17:30
Hy Lạp đã trở thành quốc gia phát triển đầu tiên vỡ nợ khi không trả được khoản vay 1,5 tỉ euro đúng hạn cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Động thái này đồng nghĩa với việc, Hy Lạp đã gần như “bước một chân” ra khỏi Eurozone với tương lai u ám.

Trước tình hình này, ngày 10/7 vừa qua, Chính phủ Hy Lạp đã trình kế hoạch cải cách kinh tế theo hướng gần như đáp ứng toàn bộ yêu cầu của các chủ nợ về việc thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu để đổi lấy gói cứu trợ. Đề xuất mới nhất của Hy Lạp bao gồm các yêu cầu trợ giúp tài chính cho nước này trong 3 năm, cơ cấu lại nợ cho nước này và một gói đầu tư trị giá 35 tỉ euro. Chính phủ Hy Lạp cũng công bố chi tiết kế hoạch cải cách mới dài 13 trang có tiêu đề: “Hành động ưu tiên và các cam kết”, bao gồm một loạt cải cách và cắt giảm chi tiêu công trị giá 13 tỉ euro để đổi lấy gói cứu trợ thứ ba từ các chủ nợ và cho phép nước này vẫn ở lại trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Bất ngờ thỏa hiệp

Chính phủ Hy Lạp đã thông qua gói cải cách và cắt giảm chi tiêu công nói trên sau khi các bộ trưởng đều thừa nhận tình trạng nguy cấp của nền kinh tế. Ngoài ra, nguy cơ các ngân hàng phá sản khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận hầu hết các điều kiện của các chủ nợ quốc tế. 

Các điểm chính bao gồm: (1) Thuế giá trị gia tăng từ 13% hiện nay sẽ tăng lên 23%, trừ thuế điện năng và dịch vụ khách sạn vẫn là 13%. Đây đã là bế tắc chính trong suốt 5 tháng qua; (2) Tăng thuế đánh vào vận tải biển và bãi bỏ ưu đãi thuế cho các hòn đảo; (3) Tuổi nghỉ hưu, từ 60 tuổi hiện nay sẽ tăng dần lên 67 tuổi vào năm 2022; (4) Tổ chức lại hệ thống thu thuế và cụ thể hoá các biện pháp chống trốn thuế; và (5) Cắt giảm ngân sách quốc phòng 100 tỷ euro trong năm nay và năm sau cắt tiếp 200 tỷ euro.

Việc Hy Lạp thỏa hiệp được coi là động thái vô cùng bất ngờ. Trước đó vào ngày 5/7, cả châu Âu như lên cơn sốt sau khi 61% cử tri “xứ sở thần thoại” tham gia cuộc trưng cầu ý dân đã nói “không” với kế hoạch cải cách và chi tiêu khắc khổ do các chủ nợ quốc tế đặt ra để đổi lấy việc tung tiền cứu trợ Hy Lạp. 

Báo chí mô tả Thủ tướng Alexis Tsipras đã quyết định không khuất phục những điều kiện của các chủ nợ mà ông gọi là “nỗi nhục nhã” và “không thể chịu đựng nổi”. Ấy vậy nhưng sau cuộc họp khẩn cấp, Chính phủ Hy Lạp đã thông qua kế hoạch cải cách dài 13 trang, cùng lời tuyên bố của người đứng đầu Athens: “Chúng tôi sẵn sàng thỏa hiệp”.

Nhiều ý kiến cho rằng thực tế thì Hy Lạp cũng chẳng còn con đường nào khác. Nước này đã quyết định đóng cửa thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng, đồng thời hạn chế lượng tiền mặt rút ra mỗi ngày (duy trì ở mức 60 euro/ngày) và các giao dịch thanh toán với nước ngoài. Athens buộc phải đưa ra quyết định trên sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đã đóng băng mức trần hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng của Hy Lạp, cho đến khi cuộc khủng hoảng nợ được giải quyết.

Tháng 10/2009, Chính phủ Hy Lạp lần đầu thừa nhận, đã nhiều năm báo cáo con số nợ công thấp hơn thực tế. Kênh truyền hình Australia nhận định rằng, Hy Lạp sẽ không thể hoàn trả các khoản nợ khi tỉ lệ nợ công hiện đã bằng 178% GDP - một mức không bền vững. Các chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã khiến nền kinh tế nước này ngày càng thu nhỏ và khiến cho khoản nợ ngày càng “phình ra”.

Trong bối cảnh này, Hy Lạp cần một thỏa thuận với các chủ nợ khiến họ nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm” về việc giải quyết cuộc khủng hoảng, chứ không phải những áp đặt và điều kiện mà người dân nước này “không thể chấp nhận được”.

Theo đó, Hy Lạp cần tiếp tục duy trì vị trí thành viên trong Eurozone, mặc dù nước này đã lỡ hẹn thanh toán nợ 1,5 tỷ euro vào ngày 30/6 và từ chối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” bằng đa số phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7. Bằng việc thỏa hiệp với các chủ nợ, dù đi ngược lại mong muốn người dân, nhưng Thủ tướng Alexis Tsipras tin rằng Athens không nhằm đối đầu với châu Âu, mà chỉ để cứu đất nước mình và cả Eurozone. Những hành động hiện nay của Hy Lạp đang hướng tới một giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng nợ, tránh không để châu Âu bị chia rẽ.

Tương lai còn bỏ ngỏ

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp ngày 5/7 vừa qua gây ít nhiều bất ngờ với 61% cử tri không chấp nhận yêu cầu cải cách mà các chủ nợ đưa ra. Đa số người dân Hy Lạp bỏ phiếu “không” vì những đòi hỏi từ phía chủ nợ không chấp nhận được và nếu phải làm theo, cuộc sống của họ sẽ bị vắt kiệt. Bằng cách nói “không”, họ sẽ chuyển thông điệp mạnh mẽ đến châu Âu và buộc các chủ nợ phải nhượng bộ. Tuy nhiên, điều này chẳng những không khai thông được thế bế tắc hiện nay mà còn có nguy cơ làm trầm trọng hơn nữa tình hình hiện tại.

Mặt khác, dù bỏ phiếu “không”, về lý thuyết sẽ mở đường cho Hy Lạp rời khỏi Eurozone, nhưng trên thực tế 74% người dân Hy Lạp vẫn muốn ở lại. Việc này sẽ vô cùng phức tạp bởi trước đó, nhiều quan chức châu Âu đã tuyên bố, người dân bỏ phiếu “không” tức là Hy Lạp có thể phải rời Eurozone và sau đó là EU.

Nhiều nước thành viên EU, nhất là Đức, không chấp nhận thêm bất cứ thỏa hiệp hay nhượng bộ nào với phía Hy Lạp với lý do Athens đã vượt qua mọi giới hạn. Đức cho rằng Hy Lạp ra khỏi Eurozone không phải thảm họa cho châu Âu, nhấn mạnh Athens sẽ không nhận được thêm bất cứ khoản vay mới nào nếu không trả nợ cho IMF. Tuy nhiên, việc giữ Hy Lạp ở lại Eurozone bằng mọi giá lại đang là ưu tiên của một số nước khác (nhất là Pháp). Bởi vì Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone sẽ gây ra những tác động và hệ quả vô cùng khó lường đến nước này, cũng như toàn bộ khu vực.

Xét riêng về mặt tài chính, việc Hy Lạp rời EU sẽ khiến khối này bị mất toàn bộ các khoản tín dụng cấp cho Hy Lạp - thông qua ECB và Quỹ hỗ trợ khẩn cấp - hiện ở mức khoảng 331 tỉ euro. Trong đó, Pháp và Đức sẽ là những nước chịu thiệt hại lớn nhất khi đang cho Hy Lạp vay khoảng 176 tỉ euro, kế tiếp sẽ là các khoản cho vay của các ngân hàng. Hy Lạp hiện nợ các ngân hàng ở Đức, Pháp và Anh tổng cộng khoảng 30 tỉ euro, nợ IMF hơn 20 tỉ euro. Do vậy, nếu Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone, những chủ nợ sẽ phải xóa nợ hoàn toàn cho Hy Lạp. Thế nên, đây được coi là động lực mạnh mẽ cho những nỗ lực để giữ quốc gia này ở lại EU.

Kết quả trưng cầu dân ý ở Hy Lạp đã dấy lên những lo ngại về nguy cơ nước này sẽ rời Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, Hy Lạp là quốc gia đặt nền móng cho nền dân chủ hiện đại. Khủng hoảng tài chính của đất nước này sẽ lan rộng, nhưng chịu tác động nặng nề nhất chính là người dân Hy Lạp. Không có gì đảm bảo rằng nền kinh tế Hy Lạp sau khi thoát khỏi các hạn chế, ràng buộc của Eurozone sẽ trở nên thịnh vượng. Nền kinh tế vốn đã tan vỡ của Athens sẽ tiếp tục… vỡ tan. Ngân hàng Hy Lạp đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm có thể diễn ra sau đó: suy thoái trầm trọng với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập giảm mạnh. Các khoản tiền tiết kiệm của người dân Hy Lạp sẽ bị mất giá. Hy Lạp bị gạt ra khỏi các thị trường tín dụng quốc tế, khiến cho khả năng phục hồi nhanh chóng ngày càng trở nên xa vời.

Đối với EU, các nền chính trị ở khu vực này đan xen gắn bó mật thiết với nhau, cho nên khó có chuyện Hy Lạp ra khỏi Eurozone lại không gây ảnh hưởng tới các nước trong khối. Hy Lạp ra đi sẽ là sự khởi đầu của “hiệu ứng domino” rất dễ xảy ra và sẽ làm thay đổi cách nhìn về việc sử dụng đồng euro. Hy Lạp chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế thế giới, nhưng vai trò quan trọng của nước này tại Eurozone khiến cho viễn cảnh Athens buộc phải rời bỏ Khu vực đồng tiền chung châu Âu không phải chỉ là chuyện rũ bỏ xong mọi thứ. Các thị trường chứng khoán đã trồi sụt mỗi khi có những tin đồn đoán về việc có thỏa thuận nào đó đạt được hay không, và nhiều khả năng sẽ hỗn loạn hơn nữa nếu Hy Lạp rời Eurozone.

Cho đến thời điểm này, chưa lãnh đạo một nước nào trong EU tuyên bố muốn đẩy Hy Lạp khỏi Eurozone. Các chủ nợ như IMF cũng đồng ý sẵn sàng giúp đỡ Hy Lạp, thậm chí tái cơ cấu đáng kể nợ cho nước này, song cảnh báo không thay đổi nguyên tắc cho vay của mình. Nguyên tắc đó là: Nước được vay phải thực hiện các yêu cầu của IMF nhằm khôi phục lại sự ổn định, trở lại tăng trưởng và đảm bảo bền vững. Dù không muốn bị “vòng kim cô” trói chặt nhưng Hy Lạp cũng chẳng còn đường nào khác. Hơn ai hết, Athens hiểu rõ “già néo đứt dây”, nên buộc Hy Lạp phải có thỏa hiệp.

Truyền thông nhận định, kế hoạch mà Chính phủ Tsipras đưa ra sẽ được các thiết chế giám sát chương trình giải cứu nước này xem xét, rồi được bàn thảo kỹ lưỡng tại nhiều cuộc họp để quyết định liệu nó có đáp ứng các điều kiện để tiến hành thương lượng về một gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp hay không. Thế nên, tương lai của “xứ sở thần thoại” hiện vẫn còn là một dấu hỏi lớn…


Nguyễn Lê Mi
.
.