Hướng tới người đọc như một đòi hỏi văn hóa

Thứ Sáu, 28/08/2009, 09:45
Người viết và người phê bình đều cần hướng tới người đọc như một tiêu điểm và hứng thú văn hóa chứ không phải hướng về nhau như những kẻ bị đặt vào quan hệ vừa xoa vừa đập. Đừng đòi hỏi bạn đọc phải có "cách đọc khác" hay lo ngại về "văn hóa đọc" hiện nay khi cả người phê bình và người sáng tác đều không cho thấy được sự mạnh mẽ trong quan điểm của họ.

Gần đây, nhiều người đã nói đến nguy cơ "vỡ chợ", "cung không đủ cầu" trong phê bình văn học, đặc biệt là phê bình tác phẩm của những người viết trẻ, và của người trẻ về người trẻ. Tôi suy nghĩ thêm một câu hỏi vẫn còn để ngỏ với chính mình: "Cung không đủ cầu" nghĩa là tình trạng người viết nhiều, nhiều tác phẩm mới… mà phê bình không lên tiếng? Nhưng bản thân người viết nói riêng và những người quan tâm đến đời sống văn học nói chung có lẽ cần phải đặt câu hỏi ngược lại: thực sự thì đời sống văn học "cầu" (cần) điều gì ở phê bình?

Hiển nhiên dễ đồng ý rằng ý nghĩa của phê bình nằm ở đặc tính đương đại của nó, nhưng "đương đại" là một từ hỗn độn và bất ổn về nghĩa, thậm chí dễ gây ảo tưởng với tất cả chúng ta, nhất là ảo tưởng về cái mới.

Một cuốn sách mới ra là một sự góp thêm vào đời sống, nhưng không phải những cuốn sách mới xuất hiện đều là "cái đang diễn ra" theo nghĩa thực sự cần quan tâm, thậm chí, nhiều trường hợp, nó lại là "cái có thể/cần bỏ qua" với những người thực sự quan tâm đến văn chương.

Người phê bình hoặc người xác định mục tiêu/công việc của mình là phê bình lại càng cần phải tỉnh táo và cảnh giác trước tính nước đôi và sự lập lờ hai mặt của từ "đương đại" này. Nếu chạy theo các cuốn sách để viết về nó thì nhiều khi sự khen chê chỉ chuốc lấy tai vạ cho cả người phê bình lẫn người viết. Nhất là cho cuốn sách, và tất nhiên, cho người đọc vì sự thừa thãi vô ích.

Viết về những cuốn sách mới chỉ là một phần việc của người làm phê bình (trong tình trạng không có những người chuyên điểm sách, thì ở Việt Nam, ranh giới khó phân biệt giữa nhà báo bình luận sách - người làm phê bình là điều dễ thấy). Khi viết về những cuốn sách, người đọc đợi nhà phê bình làm gì? Bày ra một cách đọc - không phải để người viết sửa chữa, không phải để mớm lời và nghĩ hộ người đọc khác. Có lẽ, đơn giản và khó khăn hơn, phê bình là một cách/cuộc đọc cá nhân với tác phẩm.

Phê bình có những quy chiếu, những điểm tựa lý thuyết và có những hệ số chung về giá trị tác phẩm nhưng cũng như sáng tác, phê bình, phải là một hành xử cá nhân. Nếu o ép, nó trở nên đạo mạo, do đó, giả dối, và do đó, người viết phê bình không - (được) - viết - đúng với mình. Chẳng có nghĩa gì nhiều với người đọc nếu bài viết về tác phẩm không cho thấy một cách đọc về tác phẩm đó. Người đọc đủ thông minh để không còn ngây thơ tin rằng khi một nhà phê bình (nhất là lại là một nhà phê bình nổi danh) phán quyết, một tác phẩm đã xong đời của nó. Khả năng định hướng cho người viết lẫn người đọc của phê bình là một khả năng mềm.

Chức danh "nhà phê bình" vẫn thường bị/được nhìn như một sự gồng gánh trách nhiệm, một phần bởi người đọc chờ đợi và kì vọng nhiều vào họ. Điều này khiến cho, hoặc nhà phê bình thấy công việc của mình là quá sức (khi chưa có điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần đủ cho sự chuyên sâu của họ), hoặc khiến nhiều người quá tự tin vào chức năng phê bình, hoặc, ở một cực khác, khiến nhiều người "mất tự tin". Nên chăng, cũng như với sáng tác, phê bình nên được người đọc nói chung và người phê bình nhìn như một hành xử cá nhân chuyên nghiệp hơn là ảo tưởng nó có quá nhiều chức năng?

Phê bình cần "chuyên nghiệp", nhưng không cần một "đội ngũ" sản xuất hàng loạt những bài viết dở. Khi lấy sự đọc làm đam mê của mình, thì cái thú của sự đọc không phải chỉ là những cuốn sách, mà chính là những vấn đề đáng quan tâm từ những cuốn sách.

Tôi không phải người chuyên tâm cho phê bình - đó là một công việc quá sức tôi khi tôi hiểu, người làm công việc này buộc phải tiêu thụ một lượng kiến thức văn hóa khổng lồ của nhân loại, nếu anh không muốn ăn bám vào mấy thứ trực cảm con con và nhiều thiên kiến của cá nhân - dù trực cảm, có thể là phẩm chất đầu tiên của người phê bình.

Tuy nhiên, tôi cảm nhận rằng, xin nhắc lại: việc chạy theo nhận xét khen chê về những cuốn sách mới, chỉ là một phần nhỏ, thậm chí là phần nhiều khi người phê bình hoàn toàn có thể bỏ qua nếu muốn phê bình thực sự là tiếng nói song hành với những vấn đề tương ứng của sáng tác. Việc hội thảo về những cuốn sách mới, cả với một người viết đã có nhiều đầu sách là một sinh hoạt cần thiết trong văn chương, nhưng không phải lúc nào cũng cần chăm chăm để "phát hiện" ra một điều gì về tác giả đó hay không phải đơn giản chỉ để "cổ vũ" tác giả một cách hời hợt.

Nếu vậy, công việc của người phê bình văn học Việt Nam, trong đó có văn học trẻ - một cách gọi tương đối - là gì? Từ góc độ một người viết và một người đọc, tôi cho rằng cảm nhận này của tôi là thực tế và sẽ được chia sẻ: phê bình cần tìm ra những điểm mấu chốt của các vấn đề văn học và văn hóa đương đại, và bớt chạy theo, ăn theo những cuốn sách mới, những sự kiện bề mặt. Đó cũng là một cách kiếm tìm một lời giải, một hướng đi xóa bỏ dần sự nghèo nàn và nhàm chán, sự hời hợt lẫn giả tạo của nó.

Thực tế, không phải thiếu "đội ngũ phê bình" hay thiếu người ham mê làm phê bình, hay thiếu người có tài phát hiện, v.v. mà có lẽ là thiếu sự rốt ráo và sòng phẳng trong nhận thức về đời sống văn học. Tính đương đại của các vấn đề văn học không phải dễ dàng được nhận dạng bằng vài ba cuốn sách mà không tính đến một không gian văn học- văn hóa nghệ thuật nói chung với nhiều biến đổi như thời gian qua, và nhiều điều chưa được tìm hiểu, được nói đến. Đó chính là mảnh đất màu mỡ và cũng là sự thách thức với phê bình văn học…

Người viết và người phê bình đều cần hướng tới người đọc như một tiêu điểm và hứng thú văn hóa chứ không phải hướng về nhau như những kẻ bị đặt vào quan hệ vừa xoa vừa đập. Đừng đòi hỏi bạn đọc phải có "cách đọc khác" hay lo ngại về "văn hóa đọc" hiện nay khi cả người phê bình và người sáng tác đều không cho thấy được sự mạnh mẽ trong quan điểm của họ. Tôi luôn thấy, người đọc là một khái niệm luôn cụ thể chứ không chung chung, nhưng không phải cái cụ thể của lượng đọc hay của những tán dương, nó cụ thể ở chỗ: người đọc luôn là một đòi hỏi về văn hóa.

Câu hỏi "cầu" gì còn liên quan đến thái độ của người viết trong quan hệ với người phê bình. Chung sống trong không gian vừa văn chương vừa đời sống, không ai có thể cao giọng nói về một thứ "nghệ thuật thuần túy", rằng văn là văn, đời là đời, thì mối quan hệ này luôn có vẻ tế nhị và phức tạp mà một người đọc bình thường không quan tâm. Mặc dầu vậy, tôi cho rằng, người viết nào trong thâm tâm cũng cầu thị sự chân thành. Nhưng họ có tự hỏi mình họ thực sự chờ đợi điều gì đến khi một cuốn sách ra đời? Có thể trong lúc hào hứng ai cũng nghĩ, cũng muốn mình phải là một quả bom.

Tâm lý này cũng dễ hiểu: có người "không chịu được" khi người đọc/người phê bình "chê" mình hay cảm thấy người phê bình không đủ tài năng đọc hiểu mình v.v.; có người viết chỉ muốn người phê bình là "bạn" theo nghĩa có khen có chê, nhưng làm sao chung quy vẫn "tích cực". Vậy những người viết không chịu được phê phán, dù có những phê phán sai lầm và đầy thành kiến đi nữa có thật sự "cầu" một sự chia sẻ từ người phê bình không? Một người viết thực tâm với công việc viết sẽ luôn chờ đợi những chia sẻ thực sự nằm ở đằng sau tất cả những lời nói đãi bôi, những quan hệ giao tiếp, những cái vỗ vai hay những câu ve vuốt, thậm chí cả những luận bàn nghiêm trọng…

 Tôi nghĩ, khi cả người viết và người phê bình (hiểu theo nghĩa hẹp là một dạng người đọc chuyên biệt) đều xác định hướng tới người đọc ngầm ẩn như một đòi hỏi văn hóa thì họ sẽ không còn thấy nặng nề và tự ràng buộc vào các mối quan hệ xã giao văn chương, hoặc những mong muốn bề ngoài…

Lâu nay, ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, từ PR vẫn bị/dễ được đồng nhất với "quảng cáo" mà không phải được hiểu theo đúng nghĩa là quan hệ với công chúng, nghĩa là với người đọc. Tất cả các hoạt động quảng bá văn học đều có khả năng thúc đẩy sự phát triển, và có lẽ, không cần quá lo ngại về việc cái có vẻ ít giá trị văn chương lại ầm ĩ hơn cái hình như là văn chương. Văn chương là một khái niệm đang chịu sự biến đổi mạnh mẽ. Có thể có cảm giác rằng mọi thứ đang bị cuốn vào vòng xoáy của truyền thông và các giá trị đảo tung lên: điều tất yếu ở những điểm giao của các thời kì.

Có thể nhiều người muốn hét lên rằng những thứ nhảm nhí đầy rẫy trên mặt báo, trên truyền hình, v.v. Nhưng tôi nghĩ nhiều người cũng đồng ý là: cho dù như thể không có gì dễ lừa mị bằng ngôn ngữ, không có gì dễ lấp liếm, phóng đại và làm biến đổi giả - thật, làm hỗn độn mọi thứ bằng ngôn ngữ, nhưng cũng không có gì sòng phẳng hơn khi đối diện với ngôn ngữ. Ngôn ngữ bộc lộ và lật tẩy tất thảy chúng ta.

Điều lo ngại nằm ở chỗ: những người tự xác định mình làm công việc sáng tạo, những người quan sát và thực hành văn hóa có đủ bản lĩnh và sự độc lập cần thiết trong thế giới hỗn độn đó không? Với một người viết, điều gì đáng hoang mang, nóng vội và bối rối hơn? Không - được - người - khác (truyền thông, bạn đọc đông đảo, nhà phê bình nổi danh…) phát hiện ra/nói đến hay là không - tự - phát - hiện - được - mình thì đáng hoang mang hơn?

Tất nhiên, có người sở hữu ưu thế về truyền thông, có người không, thậm chí có người cả đời âm thầm và mù mịt. Có người thành công và mọi sự viết lách chừng như hanh thông hơn người khác. Điều đó là công bằng hay không công bằng? Bản thân họ chấp nhận được, thậm chí khoái thú được với cuộc chơi không nhiều lời hay là không chấp nhận được? Mỗi người có một lựa chọn, một cách thức, nhưng có lẽ, quan trọng nhất là đã lựa chọn. Và với người đọc, họ chỉ quan tâm tới điều còn lại: cái đem lại niềm hứng khởi của sự đọc.

Còn sự nổi danh và đắt hàng lại là một chuyện khác. Có nhiều cách thú vị và thông minh mà nhiều người trẻ bây giờ đã làm được trong văn chương: họ thích và bộc lộ được mình, bất cần biết đến các tiêu chí văn chương, và có những người thích họ. Nhất là với không gian mạng với những tiện ích như blog, facebook, trên phạm vi toàn thế giới, bất cứ ai cũng sẵn những tiềm năng và công cụ để trở thành một người viết có độc giả. Văn chương không thể là một thánh đường bất khả xâm phạm, và không phải là tiếng nói của quyền lực, càng không phải là sở hữu cá biệt của một vài người.

Lấy một ví dụ, người phê bình hay người đọc bình thường có thể coi một số tác phẩm văn chương của người trẻ, đặc biệt là những sản phẩm từ mạng rồi qua tay các nhà làm sách gần đây là văn chương "rẻ tiền". Khái niệm này dễ tạo thành kiến lẫn xung đột. Tôi nghĩ rằng, thay bằng cách nhìn nó với nửa con mắt và thấy không có gì đáng nói, những người trẻ quan tâm đến phê bình văn học có thể lấy đó làm một mảnh đất (đang còn ở tình trạng "vỡ hoang" ) để đào xới và lí giải: có một xu hướng tâm lý khác với việc viết và đọc đang lên, đang biến đổi; bởi những thế hệ là kế tiếp nhau.

Hướng đi đó có thể không phải là điểm đích của người muốn ăn đời ở kiếp với văn chương, nhưng lại là một cứ liệu thú vị để khảo sát và nhận dạng tâm lý thế hệ, tâm lý đám đông và văn hóa pop. Sự sòng phẳng và thẳng thắn của nhiều người trẻ trong quan niệm về văn chương - cái thái độ "bất cần biết" văn chương hay không văn chương ấy - chưa nói đến hay hay dở, nhưng rõ ràng là một điểm khác biệt với những gì người ta quen nghĩ về văn chương như một thứ thành phẩm cao cấp…

Nhà Thuyên
.
.