Hollywood sản xuất bởi… Trung Quốc!

Thứ Năm, 16/03/2017, 13:57
"The Great Wall" (Trường Thành") với dàn diễn viên Mỹ-Trung được dựng bởi đạo diễn Trương Nghệ Mưu (đang được công chiếu) là ví dụ điển hình nhất cho xu hướng liên kết Mỹ và Trung Quốc.

Vài năm gần đây, điện ảnh Mỹ còn có sự góp mặt đáng kể của diễn viên Hoa lục, trong khi giới chủ Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào Hollywood. Xu hướng này có thể định dạng lại công nghiệp điện ảnh thế giới?

Hollywood bị "Trung Quốc hóa"?

Phạm Băng Băng (35 tuổi) ngày càng quen thuộc với khán giả Mỹ. Năm 2016, Phạm có mặt trong bộ phim ăn khách "L.O.R.D.: Legend of Ravaging Dynasties". Phạm còn xuất hiện trong các sản phẩm quảng cáo thời trang lừng danh L'Oréal, Louis Vuitton và Cartier…

Theo chuyên san Forbes, Phạm Băng Băng hiện xếp hạng 5 trong số diễn viên thế giới được trả cao nhất. Trong số phim Hollywood mà Phạm tham gia, còn có "X-Men: Days of Future Past", "Iron Man 3"… Sự có mặt Phạm trong những siêu phẩm điện ảnh Mỹ là ví dụ cho thấy Trung Quốc bắt đầu là yếu tố không thể không tính đối với giới chủ Hollywood.

Trung Quốc đang trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới, nếu không kể Mỹ. Chỉ trong năm 2015, trung bình mỗi ngày có 22 rạp mới khai trương. Cũng trong năm này, doanh thu phòng vé Trung Quốc tăng gần 50% so với năm 2014.

Dự báo chỉ vài năm nữa, Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về doanh thu vé phim. Trong một số trường hợp, doanh thu Trung Quốc còn "khủng khiếp" hơn cả thị trường Mỹ. Năm 2016, "World of Warcraft" (kinh phí 160 triệu USD) bán được không đến 25 triệu USD vào tuần ra mắt tại Mỹ, trong khi tại Trung Quốc, phim này thu 156 triệu USD sau 5 ngày chiếu!

Năm 2016, tập đoàn bất động sản Đại Liên Vạn Đạt (Dalian Wanda) tuyên bố mua hãng Legendary Entertainment (nơi sản xuất "Jurassic World") với giá 3,5 tỷ USD; chưa kể thương vụ mua chuỗi rạp AMC Entertainment (nơi kiểm soát gần như toàn bộ thị trường rạp chiếu bóng tại Mỹ) và Odeon & UCI (chuỗi rạp lớn nhất châu Âu). 

Vương Kiện Lâm, ông chủ Đại Liên, cũng ký hợp đồng với Sony Pictures để hùn vốn sản xuất; đồng thời mua Dick Clark Productions (nơi sản xuất chương trình Quả Cầu Vàng và Giải âm nhạc Hoa Kỳ) với giá 1 tỷ USD.

"Trường Thành" là bộ phim kinh phí cao đầu tiên mà Hollywood dựng hoàn toàn tại Trung Quốc.

Công ty thương mại điện tử Alibaba và công ty game Tencent đầu tư vào các hãng nhỏ và họ từng hùn vốn sản xuất "Mission: Impossible 6", "Star Trek Beyond and Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of the Shadows"…

Tháng 10-2016, Alibaba loan bố hợp tác với Steven Spielberg để sản xuất và phát hành phim. Thậm chí một đài phát thanh nhà nước ở Hồ Nam cũng rót tiền vào hãng Lionsgate (nơi sản xuất phim truyền hình nhiều tập "Hunger Games")…

Ảnh hưởng xu hướng này như thế nào?

Thỏa mãn tâm lý để tiếp cận sâu thị trường Trung Quốc trở thành một trong những yếu tố quan trọng đối với giới sản xuất Hollywood. Trong "The Martian" (2015), cơ quan không gian Trung Quốc đã ra tay "cứu thế giới".

Trong "Transformers 4" (2014), bộ phim làm "cháy" phòng vé Trung Quốc với 320 triệu USD (nhiều hơn thị trường Bắc Mỹ), không chỉ được dựng ở Hong Kong mà còn có cảnh cho thấy "đảng và nhân dân" Trung Quốc đã can đảm đối đầu bọn người máy trong khi giới chức Mỹ tỏ ra hoang mang.

Không chỉ thỏa mãn tâm lý người xem, Hollywood còn phải "thỏa mãn" bộ máy kiểm duyệt. Họ tránh những đề tài "nhạy cảm" chẳng hạn vấn đề chủ quyền biển Đông, tin tặc Trung Quốc hoành hành, việc đòi độc lập của Tây Tạng, chủ đề "Một Trung Quốc" đối với Đài Loan… Đó là lý do tại sao "Doctor Strange", được dựng từ truyện tranh trong đó có nhân vật nhà sư Tây Tạng, đã phải sửa thành một… phụ nữ Celtic!

Hollywood có "truyền thống" dựng nhân vật phản diện là người Nga dù Chiến tranh Lạnh kết thúc từ lâu. Tuy nhiên, ít nhất ở thời điểm này, "kẻ xấu" với "mưu đồ đen tối phá hoại thế giới" trong các phim Hollywood khó có thể là người Trung Quốc!

Sự thâm nhập Trung Quốc vào Hollywood không phải không gây lo lắng. Năm 2016, 18 dân biểu Mỹ thuộc cả hai đảng, trong đó có chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, đã yêu cầu giám sát chặt hơn các vụ đầu tư vào công nghiệp điện ảnh Mỹ, trong đó có vụ Đại Liên mua hãng Legendary.

"Liệu định nghĩa về an ninh quốc gia có nên mở rộng để đề cập những mối lo về tuyên truyền và kiểm soát truyền thông và các định chế quyền lực mềm"? - nhóm dân biểu hỏi, trong lá thư gửi lên Văn phòng kiểm toán chính phủ Hoa Kỳ (GAO).

Hạn ngạch nhập phim ngoại vào Trung Quốc chỉ cho phép 34 phim/năm. Trong quá khứ, các hãng lớn nước ngoài nói chung chỉ được chia vỏn vẹn ¼ doanh thu vé. Để lách những hạn chế này, Hollywood chuyển sang đồng sản xuất (phim hợp tác không bị khống chế bởi hạn ngạch nhập khẩu).

Đồng sản xuất có nghĩa dự án phải có sự hùn vốn Trung Quốc, cảnh quay ở Trung Quốc và diễn viên Trung Quốc, trong khuôn khổ "không được làm phương hại danh dự quốc gia, lợi ích quốc gia hay ảnh hưởng ổn định xã hội hoặc làm thương tổn cảm xúc quốc gia". Tuy nhiên, "không làm phương hại quốc gia" cũng có thể đồng nghĩa với thất bại doanh thu.

"The flowers of war" ("Kim lăng thập tam sai", 2012) là một ví dụ. Phim do Trương Nghệ Mưu đạo diễn, với nội dung (diễn viên) Christian Bale cứu người Trung Quốc trong vụ thảm sát Nam Kinh, chỉ thu vỏn vẹn 311.000 USD tại Mỹ!

Christian Bale và Nghê Ni trong "Kim lăng thập tam sai", một thất bại nghiêm trọng về doanh thu.

Với một số đạo diễn nước ngoài, Trung Quốc mang đến cơ hội dựng lại sự nghiệp khi tên tuổi họ bị lãng quên. Renny Harlin là một ví dụ. Sau thành công của "Die Hard 2" và "Cliffhanger", Harlin gần như không còn được nhắc. Năm 2015, sau hai thập niên không có sản phẩm gây chú ý, Harlin đến Bắc Kinh.

Nỗ lực của Harlin cuối cùng có kết quả. "Skiptrace" (Tuyệt địa đào vong, 2016) do Harlin đạo diễn, với sự có mặt của Thành Long, Phạm Băng Băng và Johnny Knoxville, đã thu được hơn 130 triệu USD tại Trung Quốc (so với vốn sản xuất 30 triệu USD). Dự án sắp tới của Harlin là "Legend of the Ancient Sword" (Cổ kiếm kỳ đàm chi lưu nguyệt chiêu minh), do Alibaba Pictures bỏ vốn.

Làm phim ở Trung Quốc không chỉ tốn ít hơn mà còn không bị ràng buộc bởi các luật liên đoàn như tại Mỹ (chỉ được bấm máy 5 ngày trong tuần và mỗi ngày không được quá 6 tiếng mà không có giờ nghỉ ăn hoặc trả lương thêm). Tại Trung Quốc, có thể dễ dàng bắt đoàn phim làm việc 16-20 tiếng/ngày và không có ngày nghỉ cuối tuần. 

Giấc mơ Hoành Điếm

Như trong nhiều lĩnh vực, việc hợp tác Mỹ là cách để Trung Quốc học nghề. Trong thực tế, dù Trung Quốc bắt đầu gây chú ý với việc lần đầu tiên một số sản phẩm nội địa đạt doanh thu cao ("Mỹ Nhân Ngư" của đạo diễn Châu Tinh Trì đạt 554 triệu USD năm 2016 và "Tróc yêu ký" với 385 triệu USD năm 2015) nhưng công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, không như cách nói tâng bốc "tự sướng" thái quá của Thành Long, còn xa mới bắt kịp sự chuyên nghiệp toàn diện của điện ảnh Mỹ.

Thậm chí Trung Quốc, thời điểm hiện tại, còn không thể so với Hàn Quốc, nơi sự chuyên nghiệp không chỉ đi trước từ rất lâu mà họ còn có một yếu tố quan trọng mà điện ảnh Trung Quốc không thể có: sự tự do sáng tạo, từ kịch bản đến diễn xuất.

Vương Kiện Lâm, ông chủ của Đại Liên, cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, nói rằng ông sẽ dùng cụm rạp sở hữu tại Mỹ để chiếu phim Trung Quốc. Điều đó không dễ, xét về kinh doanh. Khán giả Mỹ khó có thể trả tiền để xem sản phẩm điện ảnh tuyên truyền. Nếu không kể phim Hong Kong, phim Hoa lục vẫn chưa có ảnh hưởng nào đến phòng vé toàn cầu. 

Việc Hollywood hợp tác với Trung Quốc, do vậy, khó có thể tạo ra sự thay đổi về mỹ cảm điện ảnh thế giới nói chung. Ngay tại thị trường Trung Quốc, khán giả nội địa vẫn lảng xa các sản phẩm tuyên truyền.

Dù thế nào, Trung Quốc không ngừng xây dựng giấc mơ và tham vọng. Tại sườn đồi ở phía Đông tỉnh Chiết Giang, một phim trường khổng lồ đã được dựng lên: "Hoành Điếm ảnh thị thành" (Hengdian World Studios).

Đây là phim trường ngoài trời lớn nhất thế giới, cho đến khi Vương Kiện Lâm, hồi tháng 10-2016, loan bố sẽ xây một phim trường lớn hơn tại Thanh Đảo với kinh phí 8 tỷ USD. 

Tại Hoành Điếm, mỗi ngày người ta bấm máy đến 30 cảnh, nhiều hơn hai phim trường Paramount và Universal cộng lại. Hoành Điếm có cả mô hình Tử Cấm Thành kích cỡ bằng thật.

Tại Hoành Điếm, có thể thấy một góc thu nhỏ sự chụp giật của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc: giữa những cảnh quay, diễn viên chính lẫn phụ ngồi bẹp xuống đất dùng... cơm hộp. Mùa đông lạnh cắt và mùa hè đầy muỗi vẫn không được nghỉ. 

Dù vậy, mỗi năm vẫn có hàng chục ngàn người kéo đến Hoành Điếm để quay phim hoặc để tìm cơ hội tỏa sáng, như Phạm Băng Băng, người từng "xuất thân" từ Hoành Điếm trong những phim cổ trang lộng lẫy, khác với bố mẹ cô mà sự nghiệp nghệ thuật của họ bị cắt ngang bởi cuộc Cách mạng Văn hóa…

Điều mang lại ảnh hưởng thế giới của điện ảnh Mỹ là sự sáng tạo. Lê Thụy Cương, thuộc China Media Capital (công ty chuyên cấp vốn đầu tư vào lĩnh vực văn hóa), buộc phải thừa nhận: "Tiền Trung Quốc có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua được sáng tạo. Bạn không thể mua ý tưởng và giấc mơ của người khác".

Giấc mơ Hoành Điếm không thể giống với giấc mơ Hollywood. Giới làm phim Trung Quốc có thể học Hollywood cách sản xuất và phát hành, có thể ăn cắp kỹ thuật hoặc thậm chí kịch bản, nhưng họ không bao giờ có thể đánh cắp và sở hữu được "giấc mơ sáng tạo".

Trần Tiến Minh
.
.