Hội nghị thượng đỉnh G20: Một cuộc gặp không thành!

Thứ Hai, 10/12/2018, 08:51
Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 diễn ra trong hai ngày 30-11 và 1-12 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina là một hội nghị quốc tế đa phương. 

Ngoại trừ Thủ tướng Đức không đến kịp buổi chụp ảnh chung do máy bay gặp sự cố kỹ thuật phải hạ cánh khẩn cấp ở Cologne, trên thực tế, đây là cuộc gặp thượng đỉnh có sự góp mặt của hầu hết các nhà lãnh đạo quốc gia hàng đầu thế giới. 

Nó là dịp để lãnh đạo các nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới bàn thảo về những vấn đề trọng đại mang tính toàn cầu, như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, trật tự thương mại quốc tế, cách mạng công nghệ, lao động việc làm..., nhưng các con mắt quan sát lại đổ dồn vào một hoạt động bên lề, cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chính xác hơn thì phải nói rằng đó là một cuộc gặp song phương bị hủy trước cả khi nó diễn ra.

"Lật kèo" ở phút chót

Ngày 29-11, trên đường đi Buenos Aires dự thượng đỉnh G20 bằng chuyên cơ Không lực 1, nơi người ta hy vọng sẽ diễn ra cuộc gặp song phương bên lề giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ, ông Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp đã được lên lịch từ trước với ông V.Putin. 

Mới chỉ vài giờ trước đó, ông Trump còn nói với các phóng viên rằng cuộc gặp “không bị hủy” và đây là “thời điểm tốt đẹp” cho sự kiện này. Lý do ông Trump "lật kèo", hủy cuộc gặp vào phút chót là do Nga chưa trao trả cho Ukraina tàu hải quân và các thủy thủ bị phía Nga bắt giữ trong vụ đụng độ diễn ra hôm 25-11.

Đáp lại thông báo hủy cuộc gặp của phía Mỹ, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, lạnh lùng tuyên bố: “Tổng thống Putin sẽ có thêm một vài giờ đồng hồ cho những cuộc gặp hữu ích khác tại thượng đỉnh G20”.

Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh chung tại Hội nghị ở Buenos Aires, Argentina, ngày 30-11. Ảnh: L.G.

Trước khi đến Buenos Aires, cuộc gặp gần nhất giữa ông chủ Nhà Trắng với người đứng đầu điện Kremlin diễn ra hồi tháng 7-2018 ở thủ đô Helsinki của Phần Lan. 

Kể từ sau cuộc gặp đó, nhiều biến động đã xảy ra theo chiều hướng ngày càng đáng ngại hơn, trong đó đặc biệt đáng chú ý có việc Tổng thống Trump đe dọa sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung INF, một trụ cột trong quan hệ Nga-Mỹ dựa trên việc kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Người ta đã từng hy vọng rằng ở Buenos Aires, ông Putin và ông Trump sẽ có cuộc gặp bàn thảo để giảm nhiệt trong quan hệ vốn không mấy bằng phẳng giữa đôi bên, trong đó có cả về INF. Tuy vậy, thông báo hủy vào phút chót của phía Mỹ đã như gáo nước lạnh dội vào niềm hy vọng mới được nhen nhóm.

Việc hủy cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin chỉ là thêm một chỉ dấu nữa cho thấy mối quan hệ Nga-Mỹ chưa bao giờ thôi sóng gió, kể cả khi ông Trump đã vào Nhà Trắng và đặt ra một trong những mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại là cải thiện quan hệ với Moscow. 

Phô trương sự cứng rắn

Cần phải nhớ rằng trong cương lĩnh tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump chỉ có 2 nội dung ít ỏi liên quan đến chính sách đối ngoại, đó là công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cải thiện quan hệ với nước Nga.

Khi đã trở thành tổng thống, sau gần hai năm trời, ông Trump chỉ thực hiện được một nửa: chuyển sứ quán Mỹ về Jerusalem (bị phần lớn thế giới chỉ trích kịch liệt). 

Còn mục tiêu thứ hai thì không những không thực hiện được việc cải thiện quan hệ với Moscow mà mối quan hệ giữa hai bên càng ngày càng lao dốc, có nhiều thời điểm trở nên căng thẳng tột độ, đến nỗi người ta đã bắt đầu nói đến một cuộc "Chiến tranh Lạnh 2.0", với hai đối thủ quen thuộc từ nhiều thập niên trước.

Quan hệ xấu đi trông thấy giữa Washington với Moscow còn kéo theo hệ lụy không thể tránh khỏi là quan hệ giữa Nga với NATO, tổ chức Mỹ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng cũng theo chiều hướng đi xuống. Các động thái hăm dọa ngày càng xuất hiện một cách thường xuyên hơn.

Như mùa hè vừa qua, Nga đã tiến hành cuộc tập trận Vostok 2018, cuộc tập trận quân sự lớn nhất mà nước này tiến hành kể từ Thế chiến 2. Tham gia cuộc tập trận có 300.000 binh sỹ, 36.000 xe bọc thép và hơn 1.000 máy bay các loại.

NATO đâu có chịu kém khi cũng hoàn thành cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi "Chiến tranh Lạnh" kết thúc mang tên Trident Venture với 40.000 binh sĩ, 70 tàu, 150 máy bay và 10.000 phương tiện chiến đấu trên bộ.

Những hình thức phô trương lực lượng như thế chỉ để nói lên một điều: cả Mỹ và phương Tây cũng như Nga đều muốn truyền đi thông điệp không hề e ngại chuẩn bị cho một cuộc xung đột trực tiếp.

Argentina tăng cường an ninh cho Hội nghị G20. Ảnh: L.G.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của ông Trump

Vì sao mà từ một định hướng trong cuộc tranh cử tổng thống là tìm cách hòa hoãn với Nga mà sau gần hai năm, ông Trump cùng ê-kíp của mình lại gần như quay ngoắt 180 độ để chuyển sang trực tiếp đối đầu với Nga?

Câu chuyện này đã nảy sinh ngay từ khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng sau một cuộc bầu cử mà kết quả bị coi là bất ngờ với thất bại của ứng cử viên đảng Dân chủ. Các cáo buộc ngay lập tức xuất hiện, cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với mục đích hạ bệ ứng cử viên đảng Dân chủ và bằng cách đó, mang lại lợi thế cho ứng cử viên đảng Cộng hòa. 

Điều đó chẳng khác nào một cách nói rằng ông Trump vào được Nhà Trắng một phần là nhờ sự giúp đỡ của người Nga! Hẳn nhiên là ông Trump mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc này.

Tuy nhiên, kể từ đó, những cáo buộc về sự can dự của Nga vào bầu cử vẫn liên tiếp được tung ra và cho dù không (chưa) tìm được bất cứ một bằng chứng xác thực nào, những cuộc điều tra nhằm chứng minh cáo buộc này vẫn tiếp tục không ngưng nghỉ. 

Song song với nó là một "cuộc chiến" khác của ông Trump với giới truyền thông và xung quanh hàng loạt những quyết định gây tranh cãi khác của ông Trump như cách chức Giám đốc FBI James Comey hay bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Kavanaugh...

Toàn bộ mớ bùng nhùng đó đẩy ông Trump vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan: nếu cải thiện quan hệ với Nga, ông sẽ bị kết tội là "thân Nga"; ngược lại, như điều đang xảy ra, mối quan hệ tuột dốc với Nga đã đẩy cả thế giới rơi vào tình thế bất an, khi mà ngay cả những công cụ nhằm kiềm chế (hay hạn chế) rủi ro cũng có thể bị xóa bỏ mà việc Mỹ dọa đơn phương rút khỏi INF là một ví dụ.

Tính thế càng trở nên khó khăn hơn với ông Trump khi sau cuộc bầu cử giữa kỳ, đảng Dân chủ quay lại kiểm soát Hạ viện và mặc dù chính sách đối ngoại phần lớn vẫn phụ thuộc vào Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, ông Trump sẽ ngày càng khó để có thể đi theo hướng cải thiện quan hệ với Moscow.

Sự kiện Nga bắt giữ các tàu chiến và thủy thủ của Ukraine chỉ cung cấp thêm một lý do khiến ông Trump tiếp tục phải bày tỏ thái độ cứng rắn với Nga, cho dù đem vụ việc này ra để hủy cuộc gặp với ông Putin rõ ràng là không thỏa đáng.

Không gặp mà vẫn gặp!

Ở thượng đỉnh G20, cả ông Trump và ông Putin đều tảng lờ như không nhìn thấy nhau mỗi khi có dịp phải đi ngang qua nhau. Trong khi ông Putin vui vẻ đập tay với Thái tử Saudi Arab Mohammed bin Salman thì ông Trump sôi nổi trò chuyện với lãnh đạo các nước khác. Thời gian lẽ ra dành cho cuộc gặp với Tổng thống Mỹ thì ông Putin dùng để gặp gỡ song phương với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan...

Nhưng rồi cuối cùng thì họ cũng vẫn gặp nhau, trong cuộc gặp riêng được mô tả là "chớp nhoáng" tại bữa tiệc tối diễn ra ở nhà hát nổi tiếng Colon ở thủ đô Buenos Aires. Đây là bữa tiệc tối không có sự tham dự của giới truyền thông nên các phóng viên đã không có cơ hội để tường thuật lại.

Tất cả chỉ được biết sơ qua về nội dung cuộc gặp song phương "không chính thức" này qua lời mô tả của ông... Putin! 

Theo lời của Tổng thống Nga thì ông đã tranh thủ dịp này để giải thích cho ông Trump biết những gì đã xảy ra trong cuộc đụng độ dẫn tới việc bắt giữ tàu và thủy thủ của Ukraine ở Biển Đen. Kết quả thế nào? "Tôi đã trả lời câu hỏi của ông ấy về vụ đụng độ ở Biển Đen. Ông ấy có quan điểm của ông ấy, tôi có quan điểm của tôi. Chúng tôi vẫn giữ nguyên lập trường của mình" - Tổng thống Putin thuật lại.

Với khẩu khí như vậy, khó có thể tin được rằng quan hệ Nga-Mỹ sẽ sớm được cải thiện. Tuy nhiên, một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo của hai cường quốc cần được thu xếp sớm chừng nào hay chừng ấy, bởi vì không chỉ có vụ đụng độ ở Biển Đen, còn vô vàn những khúc mắc khác giữa Nga và Mỹ cần được hai bên nhanh chóng tháo gỡ. 

Yên Ba
.
.