Hội nghị Riga 2019: Bài học sinh tồn cho các nước nhỏ

Thứ Ba, 05/11/2019, 13:06
Ngày 11 và 12 tháng 10 năm nay, tại Latvia đã diễn ra Hội nghị Riga 2019 - một hội nghị truyền thống hằng năm, quy tụ nhiều nhà lãnh đạo các nước trên thế giới để bàn về các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển, ngay từ lần tổ chức đầu tiên năm 2006, Tổng thống Mỹ lúc ấy George W. Bush là diễn giả của hội nghị.

Điều đặc biệt là ở hội nghị năm nay, lần đầu tiên một người Việt Nam được chính phủ nước chủ nhà mời đến làm diễn giả của hội nghị. Người Việt Nam ấy chính là ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamnet, hiện là Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston. ANTG CT - GT trò chuyện với ông xung quanh câu chuyện đặc biệt này.

- Thưa ông, cơn gió nào đã mang ông đến Hội nghị Riga 2019?

- Hội nghị năm nay có phiên họp toàn thể với chủ đề  “Quyền lực chính trị trong thời đại số”, ban tổ chức quan tâm tới những sáng kiến Xã hội trí tuệ nhân tạo (AIWS), Khế ước Xã hội trí tuệ nhân tạo 2020, Chính phủ trí tuệ nhân tạo của Diễn đàn Toàn cầu Boston nên đã mời tôi đến trình bày những sáng kiến này tại hội nghị.

- Là diễn giả ở một hội nghị lớn quy tụ các tổng thống, các thủ tướng, chủ tịch quốc hội, các bộ trưởng, các nhà tư tưởng, diễn giả Nguyễn Anh Tuấn có thấy hồi hộp không?

- Do đã làm diễn giả ở một số hội nghị lớn trên thế giới rồi nên tôi không thấy khớp, chỉ có chút hồi hộp khi chuẩn bị nhưng hiểu rằng đây là dịp rất tốt để trình bày những gì tôi và nhóm tác giả những sáng kiến của mình ấp ủ nên khi bước ra sân khấu trình bày, tôi có cảm giác rất hân hoan và tự tin. Tôi nói say sưa về mô hình 7 lớp của Xã hội trí tuệ nhân tạo, về 7 nhánh quyền lực trong thời đại trí tuệ nhân tạo...

- Năm 2018, ANTG GT - CT  đã phỏng vấn ông về Xã hội trí tuệ nhân tạo. Nay Xã hội trí tuệ nhân tạo có những nhánh của nó như Chính phủ trí tuệ nhân tạo, chắc Hội nghị Riga 2019 hứng thú với sáng kiến tiên phong này?

- Đó là chính phủ thông minh được trợ giúp bởi trí tuệ nhân tạo trong việc ra quyết định tối ưu và cung cấp dịch vụ công với hạt nhân là trung tâm dữ liệu và ra quyết định quốc gia, đồng thời phi tập trung trong quản trị và công khai, minh bạch để công dân giám sát. Mô hình Chính phủ trí tuệ nhân tạo sẽ mở rộng dân chủ, trao quyền cho công dân tham gia giám sát chính phủ qua công cụ Trợ lý trí tuệ nhân tạo, đồng thời từng bước để công dân có tiếng nói trực tiếp vào các quyết định chính trị xã hội với sự trợ giúp của Trợ lý trí tuệ nhân tạo.

- Người Việt đã có những cống hiến có ý nghĩa cho thế giới về khoa học, công nghệ, tạo dựng những doanh nghiệp công nghệ thành công ở Silicon Valley, bắt đầu có những người Việt có cương vị ở chính phủ các nước văn minh, tiên tiến nhưng dường như còn rất ít người Việt sáng tạo những ý tưởng có thể khai mở, định hình thế giới trong tương lai được các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà tư tưởng, các trường đại học có uy tín ghi nhận và trân trọng.

Từ câu chuyện của cá nhân mình với Diễn đàn Toàn cầu Boston và các sáng kiến về Xã hội trí tuệ nhân tạo, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm để người Việt Nam có thể có những sáng tạo trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội có ý nghĩa cho thế giới hay không?

- Tôi cũng chỉ là đồng tác giả của các sáng kiến về Xã hội trí tuệ nhân tạo, cũng như là đồng sáng lập Diễn đàn Toàn cầu Boston.  Những kết quả này là trí tuệ và công sức của cả một nhóm, trong đó có Thống đốc Michael Dukakis, giáo sư Thomas Patterson, giáo sư Alex Pentland, giáo sư Nazli Choucri...

Tôi thấy điều quan trọng là cố gắng làm những gì có ích cho mọi người, cố gắng có phương pháp tư duy, cách tiếp cận mới, tạo một tâm thế tự tin nhưng không kiêu ngạo, khiêm tốn nhưng không tự ti, không yếm thế, không bị phân tâm bởi những lời khen chê và làm đến cùng những dự định đã đặt ra với nỗ lực cao, cách làm thật sáng tạo, với mục tiêu rõ ràng.

Tôi có quan niệm rằng ý nghĩa và niềm vui thực sự  là từ bên trong khi thấy mình làm được những điều có ích cho xã hội. Có lẽ tôi đã chọn cách tiếp cận hợp lý: ứng dụng công nghệ tiên tiến để đổi mới chính trị xã hội. Tôi nghĩ, người Việt cần có tiếng nói ở những diễn đàn có uy tín, có ảnh hưởng trên thế giới và nên mạnh dạn đóng góp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

- Quan sát hội nghị năm nay, ông thấy vấn đề nóng bỏng, được đề cập nhiều nhất là gì?

- Hội nghị Riga 2019 tập trung vào những chủ đề lớn như: Đổi mới EU, NATO trong thời đại mới; các vấn đề quan hệ nước nhỏ bên cạnh nước lớn; quan hệ Nga và phương Tây; sự trỗi dậy của Trung Quốc; vấn đề chủ nghĩa dân túy hôm nay; đặc biệt là quyền lực chính trị trong thời đại số.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (bìa trái) tại Hội nghị Riga 2019.

- Hội nghị có sự tham gia của các nước nhỏ, có bàn về quá trình chung sống và phát triển của các nước nhỏ bên cạnh những nước lớn phải không ạ?

- Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các nước nhỏ vùng Baltic có biên giới với Nga như Latvia, Estonia, Lithuania. Họ bàn nhiều về mối quan hệ giữa Nga với các nước nhỏ vùng Baltic, các nước vùng Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển.

- Cụ thể, tiếng nói của những nước nhỏ trong hội nghị được thể hiện như thế nào?

- Các nước nhỏ lên tiếng, đề nghị các giải pháp liên kết để cùng sống hòa bình, an ninh và phát triển trên cơ sở tôn trọng chuẩn mực, giá trị chung. Đó là nguyên tắc để tồn tại cùng phát triển bên cạnh nước lớn.

- Có bài học gì được chia sẻ ở hội nghị, để chỉ ra một cách thức tồn tại và phát triển của các nước nhỏ, bên cạnh các nước lớn không, thưa ông?

- Từ hai phía: phía nước lớn cần tôn trọng giá trị, chuẩn mực chung, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước nhỏ. Muốn vậy, phải có những định chế, chế tài thế giới có hiệu lực và sức mạnh thực sự để bảo đảm chuẩn mực giá trị chung đó.

Các nước nhỏ thì cần trí tuệ, văn hóa và tạo dựng một tâm thế, tạo ra sự liên minh về mọi mặt. Ví dụ 3 nước Latvia, Estonia, Lithuania đều tách ra từ Liên bang Xôviết cũ nhưng họ đã gia nhập NATO và EU, bảo đảm chuẩn mực giá trị chung. Đặc biệt, mỗi nước tuy nhỏ, rất nhỏ nhưng đã tạo được tâm thế trên trường quốc tế.

Mỗi nước tạo ra một sự độc đáo với thế giới, nếu như Estonia như là một tấm gương cho thế giới về chính phủ điện tử thì Latvia tạo ra sự độc đáo như là diễn đàn về hòa bình, an ninh. Họ nhỏ nhưng trí tuệ và tầm nhìn, khát vọng lớn. Đến đó, ta không thấy họ nhỏ nhưng cũng không thấy sự kiêu ngạo, họ rất lịch sự, tử tế, văn hóa cao, thân thiện, tổ chức một xã hội văn minh.

Những nhà lãnh đạo ở các nước nhỏ vùng Baltic như bà Vaira Vike-Freiberga có tầm nhìn, hiểu về thế giới, có khát vọng, có bản lĩnh, không ngại ở bên cạnh Nga. Bà thăm Nga, bàn luận thân thiện và bình đẳng với Tổng thống Putin nhưng rất độc lập với Nga trong tư duy, trong xây dựng con đường phát triển cho Latvia, bà tập trung nâng cao dân trí, phát huy sự sáng tạo, lấy những chuẩn mực giá trị chung của các nước văn minh, tiên tiến như công khai, minh bạch, tôn trọng và phát huy vai trò của mọi công dân tham gia xây dựng và giám sát xã hội.

Bà chủ động vận động, đến Quốc hội Mỹ diễn thuyết, vận động ủng hộ Latvia gia nhập NATO, vận động Tổng thống Mỹ George W. Bush ủng hộ Latvia và đích thân bà trân trọng mời Tổng thống Bush thăm Latvia và làm diễn giả của Hội nghị Riga đầu tiên vào năm 2006.

Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ives cũng vậy, ông có tầm nhìn, có khát vọng, có những ý tưởng tạo sự phát triển thần kỳ cho Estonia. Điều đặc biệt là cả hai vị lãnh đạo này đều không hề yếm thế, không sợ sệt khi ở bên cạnh nước lớn. Họ xây dựng quan hệ thân thiện nhưng rất độc lập và tạo tâm thế đáng tự hào cho đất nước của họ.

- Ông là người Việt Nam, khi chứng kiến tiếng nói của những nước nhỏ ở hội nghị và cách mà mọi người bàn về sự phát triển của các nước nhỏ, vậy có những thông tin, những bài học gì mà Việt Nam cần chú ý hay không?

- Tôi thấy đó là những ý tưởng được cô đọng trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 và câu nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Độc lập không chỉ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà độc lập cả mô hình và con đường phát triển cho riêng mình theo chuẩn mực giá trị chung của thế giới văn minh. Đó là giáo dục mọi người dân hiểu biết về thế giới, đặc biệt hiểu về những giá trị chuẩn mực chung của các nước văn minh, xây dựng một tâm thế dân tộc tự tin, có khát vọng, vững tin vào tương lai tươi sáng và trân trọng, học hỏi những giá trị tinh hoa của nhân loại. Từ đó, mỗi người dân có quan niệm sống vươn tới những thang giá trị cao quý.

Đất nước cần lựa chọn được những nhà lãnh đạo hiểu biết thế giới, bản lĩnh, mạnh mẽ, có tâm và hy sinh lợi ích riêng để vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc. Tạo dựng tâm thế mới cho dân tộc, lãnh đạo có khát vọng, nhìn ra được cơ hội vượt lên cho đất nước, truyền cảm hứng và khát vọng đó cho toàn dân tộc, tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc.

- Có bao giờ ông nghĩ đến việc Việt Nam chúng ta cũng sẽ là chủ nhà những hội nghị kiểu như thế này ở khu vực châu Á hay không?

- Việt Nam có thể tổ chức một hội nghị tầm vóc toàn cầu. Nhưng, để làm được điều đó cần có những điều kiện cần và đủ. Tôi thấy Việt Nam đã có những điều kiện cần: là nước được thế giới quan tâm, có vị trí địa chính trị quan trọng, có lịch sử, có vị thế được thế giới tôn trọng.

Nhưng Việt Nam còn cần nỗ lực để có những điều kiện đủ: xây dựng một xã hội lấy chuẩn mực giá trị chung của những nước văn minh, tiên tiến làm nền tảng quản trị, vận hành xã hội và các nhà lãnh đạo chủ động tiếp cận, vận động các nhà lãnh đạo thế giới, đồng thời nỗ lực tập hợp mọi trí tuệ của người Việt để sáng tạo ra những ý tưởng, những sáng kiến, những giải pháp có ý nghĩa đóng góp xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Diệp Xưa (thực hiện)
.
.