Học Bác từ những điều bình dị

Thứ Sáu, 10/05/2019, 10:39
Gốc rễ của đạo đức, phong cách đó chính là tấm lòng vì nước vì dân, vì lợi ích quốc gia, tập thể của Bác.


“Khi còn bé, trong tôi, Bác Hồ giống như một tiên ông vậy. Tôi ghen tị với những em bé được ngồi trong lòng Bác chờ đến lượt mình được phát kẹo và ao ước được đưa bàn tay non nớt vuốt chòm râu bạc phơ của Bác như một cô bé nào đó trong bộ phim tài liệu về Người...” - một giảng viên đại học đã viết lại những dòng cảm nhận như vậy khi nói về việc học tập và làm theo Bác.

Nhà gác đơn sơ, một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn...

(Theo chân Bác - Tố Hữu)

Lâu nay, khi nói về học tập, làm theo Bác, nhiều người băn khoăn: Bác là lãnh tụ, vĩ đại như thế, chúng ta là những công dân bình thường, biết học và làm theo thế nào? Nhưng nghiên cứu về Bác và từ thực tiễn cuộc sống muôn hình muôn vẻ, việc học và làm theo Bác thể hiện sinh động ngay từ những điều bình dị, gần gũi nhất.

Chị Trần Thị Thu Hà, giảng viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi không phải là người theo chủ nghĩa thần tượng. Tôi cũng chưa bao giờ được gặp Bác. Khi tôi cất tiếng khóc chào đời, Người đã đi xa. Nhưng thông qua những trang sách, những thước phim, những câu chuyện về Người, càng ngày tôi càng khâm phục Bác. 

Khi còn bé, trong tôi, Bác Hồ giống như một tiên ông vậy. Tôi ghen tị với những em bé được ngồi trong lòng Bác chờ đến lượt mình được phát kẹo và ao ước được đưa bàn tay non nớt vuốt chòm râu bạc phơ của Bác như một cô bé nào đó trong bộ phim tài liệu về Người. 

Lớn lên, đọc các tác phẩm Người viết, suy ngẫm về những quyết sách và hành động của Người trên cương vị người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, tôi vẫn không quên những hình dung thơ ấu về vị tiên ông Hồ Chí Minh. Đôi lúc, tôi tự hỏi, phải chăng Bác của chúng ta là một huyền thoại? Nhưng đã là huyền thoại thì phải li kì và huyền bí chứ? Mà Bác thì vô cùng gần gũi, vô cùng giản dị và có phải vì thế mà hóa vô cùng lớn lao?”.

Bữa cơm đạm bạc của Bác Hồ và các chiến sĩ ở Tân Trào trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu.

Chị tâm sự, đôi khi, không tin rằng mình sẽ học tập và làm theo nổi tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vì có những điều rất nhỏ, được Bác thực hiện một cách rất bình thường, rất tự nhiên mà sao với mình thật khó. 

Mỗi lần nghĩ về câu nói, rằng “Chủ tịch nước mặc áo vá là hồng phúc của dân tộc”, cứ thấy cay cay nơi khóe mắt nhưng vẫn thật khó cầm lòng khi đi qua những nhãn hàng thời trang nổi tiếng... Những lần dự tiệc với tràn trề món ngon vật lạ, chạnh nghĩ về bữa cơm tương cà đơn sơ của Chủ tịch nước ngày nào, day dứt có, áy náy có, vậy mà cũng không tránh khỏi “cuốn theo chiều gió”... 

Quả thật, học theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khó, làm theo Người còn khó hơn. “Nhưng tôi nghĩ rằng vì Bác không phải là một siêu nhân nên chúng ta hãy học và làm theo Bác những điều bình dị nhất. Không học được tất cả, chúng ta hãy học từng chút một. Không học được ngay một lúc, hãy cứ học từ từ. 

Dù vẫn biết những điều thường ngày rất Hồ Chí Minh ấy với bản thân mình có khi chẳng hề đơn giản” - chị nêu quan điểm và viện dẫn, có bao nhiêu điều cần học và có thể học từ Bác. Tình yêu thương của Người dành cho dân, cho nước. Tấm lòng tận trung, tận hiến với sự nghiệp cách mạng. Sự gương mẫu của một vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước. Nghệ thuật tập hợp và sử dụng người tài... 

Nhưng trong vô số điều vừa bình thường vừa phi thường ấy, “tôi nghĩ rằng điều đầu tiên mình nên học tập và làm theo Bác chính là tinh thần tiết kiệm”. 

Bác Hồ là người coi trọng sự tiết kiệm. Không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà theo Người, còn phải tiết kiệm cả thời gian và công sức. 

Với Bác, đến trễ 5 phút không phải là chuyện nhỏ, bởi 5 phút đó phải được nhân lên cho sự chờ đợi của nhiều người. Một vị tướng đến trễ 5 phút, cả đoàn quân của ông ta chậm mất hàng trăm, ngàn phút. Suy nghĩ của Bác cho thấy Người vô cùng quý thời gian, không chỉ là thời gian của bản thân mà còn cả thời gian của những người khác, thời gian của tập thể. Chúng ta không nên chỉ học Bác ở sự đúng giờ, điều quan trọng là học thái độ quý thời gian của Bác.

Sự thực, học tập đức tính của một vĩ nhân không phải là những điều “cao xa vời vợi”, ngoài tầm với của người dân. Nước Nga có câu chuyện Lênin trong hiệu cắt tóc, kể rằng Lênin vào hiệu cắt tóc có rất đông người và ông vẫn xếp hàng như mọi người để đến lượt được cắt tóc. Tư tưởng Lênin vĩ đại nhưng phong cách xếp hàng cắt tóc lại rất gần gũi và học phong cách ngay từ chi tiết như vậy. 

Tương tự, tư tưởng của Bác Hồ về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, về quốc tế vô sản... là vấn đề lớn của thời đại, chúng ta đang đi theo tư tưởng đó và tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa trong mỗi chặng đường cách mạng.

Còn đạo đức, phong cách Bác rất gần gũi bởi sinh thời, Người là lãnh tụ nhưng luôn sống cuộc sống đạm bạc, chan hòa, gần gũi với nhân dân. Có rất nhiều câu chuyện về Bác mà bất cứ ai cũng có thể học tập, làm theo. Ví như có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ, vị sư trụ trì ra đón và khẩn khoản xin Bác đừng cởi dép khi vào trong chùa. Bác không đồng ý và lặng lẽ làm đúng những quy định như khách thập phương đến lễ chùa. 

Trên đường từ chùa về, khi vào đến thành phố, xe Bác vừa đến ngã tư thì đèn đỏ bật. Sợ Bác phải đợi lâu, đồng chí bảo vệ chạy lại đề nghị đồng chí Công an giao thông bật đèn xanh để Bác đi. 

Bác hiểu ý, ngăn lại và nói: “Các chú không được làm như thế, phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông. Không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình”.

Gốc rễ của đạo đức, phong cách đó chính là tấm lòng vì nước vì dân, vì lợi ích quốc gia, tập thể của Bác. Trong đời sống, chỉ những ai có được đức tính đó, không mưu cầu, vụ lợi cá nhân mới có thể làm được, mới hành động một cách “tự nhiên hương” chứ không phải là sự khiên cưỡng, giả tạo. Bất cứ ai để chủ nghĩa cá nhân chi phối, để chủ nghĩa thực dụng lên ngôi, tất không thể làm được. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong Đảng vẫn còn một số cán bộ, đảng viên đạo đức, phẩm chất thấp kém. Những người này “mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. 

Chủ nghĩa cá nhân thực sự là kẻ địch nguy hiểm của đạo đức cách mạng, đồng thời cũng là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, không ít cán bộ chưa làm to đã lộ tính hách dịch, xa dân, sống trong dinh thự xa hoa kiểu “lợn dê mâm đầy ngút, quan lớn không chọc đũa, tùy tùng chỉ nếm chút”... Ngay cả con cán bộ cũng tự lúc nào sinh cái bệnh tinh tướng, muốn thể hiện mình “con nhà quan”, lối sống xa hoa, hưởng thụ sa đọa. 

Những cô cậu con quan vừa lớn đã ngông nghênh cưỡi siêu xe, suốt ngày nhà hàng, quán bar, rượu và gái, tiêu tiền kiểu “đốt giấy” mà không mảy may do dự. Tiền bạc ấy ở đâu ra? Đồng tiền có được từ lao động không cho phép con người xa hoa, lãng phí vô độ như thế. 

Dân gian gọi “tiền chùa”, bản chất là tiền bạc có được theo cách phi pháp, từ tham ô, tham nhũng, trục lợi do vị trí chức quyền của bố mẹ đem lại hoặc từ sự lừa đảo, chiếm đoạt từ mồ hôi, xương máu của người dân. Lối sống của con cái, tất nhiên chịu tác động trực tiếp từ bố mẹ. Một gia đình mực thước, bố mẹ nêu gương, răn dạy con cái thì dù chức có to, quan có lớn, những người con sinh trưởng trong gia đình đó vẫn “gần đèn thì rạng”. Ngược lại, đó là vết trượt không giới hạn.

Đọc lại những mẩu chuyện về phong cách, đạo đức, lối sống của Bác để ngẫm và hành động, thực thiết thân vô cùng. Dân gian có câu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, chỉ rõ sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng viên, cán bộ càng giữ trọng trách lớn, càng phải gương mẫu. Nếu chỉ nói hay trên bục, trên hội trường mà đời sống đi ngược lại thì tất gương phản chiếu, gây bức xúc, phẫn nộ trong dân chúng.

Vì vậy, Quy định số 08-QĐ/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương chỉ rõ, cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị; lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân; nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít. 

Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Không được để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

“Chúng ta học tập và làm theo Bác thực chất là để sống tốt hơn với mình, với gia đình, bạn bè, đồng chí; làm tốt hơn vai trò của người công dân, người cán bộ, công chức, viên chức, người đảng viên để làm việc hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn” - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh điều này khi đánh giá hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

An Nhi
.
.