Hòa hiếu bang giao

Thứ Tư, 15/07/2015, 02:32
Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện lịch sử, dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Nhìn lại lịch sử, việc bình thường hóa quan hệ trước đây và thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện ngày nay là kết quả tất yếu của những nỗ lực từ hai bên dựa trên nền tảng truyền thống hòa hiếu dân tộc gắn với xu thế thời đại.

Khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, không ít ý kiến quan ngại: Tại sao ta lại đi bắt tay với kẻ thù của chính mình, tại sao lại hòa hiếu với những người đã mang bom đạn gieo rắc cái chết với hàng triệu người và gây tổn thương không gì bù đắp nổi suốt 20 năm trời? Năm năm sau dấu mốc lịch sử, ông Bill Clinton - vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Chính Bill Clinton là người góp phần quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ hai nước.

Đến Việt Nam đúng ngưỡng cửa thế kỷ XXI, Tổng thống Bill Clinton phát biểu: “Nhân dân Hoa Kỳ vui mừng vì đã đến lúc chúng ta có thể trở thành đối tác. Như trong Truyện Kiều đã nói: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Nay ký ức băng giá về quá khứ đã bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành. Cùng nhau chúng ta hãy tận hưởng ngày xuân ấm áp này”.

Thiết tưởng, những điều đó đã lý giải phần nào việc hai nước cựu thù nay trở thành đối tác, là bạn, là hữu nghị quan hệ ngoại giao. Và bây giờ, 40 năm sau chiến tranh, 20 năm bình thường hóa quan hệ, chúng ta đã có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để khẳng định việc quay mũi súng để bắt tay nhau hợp tác là việc làm hết sức bình thường trong thế giới này, đó là quy luật hiển nhiên của thời đại, không có gì bất thường hay khó hiểu như một số ý kiến từng viện dẫn.

Thật ra, cũng không nhiều người biết quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thực chất đã được xây dựng từ rất lâu, hàng trăm năm trước. Một đất nước nhỏ bé ở bờ Đông Thái Bình Dương đã biết đến một cường quốc rộng lớn, giàu mạnh ở bên kia bờ Tây Thái Bình Dương, cách tới nửa vòng trái đất, dù sự liên lạc, giao thông đi lại thời kỳ đó chỉ bằng tàu biển với nhiều tháng, hàng năm trời lênh đênh giữa đại dương. Nhưng tiếc rằng những quan hệ ấy đã bị bóng đen chiến tranh phủ mờ khiến sau này người ta hình dung về Hoa Kỳ ở khía cạnh “đế quốc sừng sỏ” với những khái niệm xâm lược và tàn bạo trong thế kỷ XX, trong đó Việt Nam là nạn nhân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp gỡ với các tầng lớp xã hội hai nước.

Đến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên và cũng ngay trong ngày đầu tiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu nước ta đã tới thăm Nhà tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson. Ông là Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 1801-1809. Đây là sự kiện rất đáng chú ý bởi vừa qua, tại Hoa Kỳ diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 239 năm Ngày Quốc khánh mùng 4 tháng 7.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, Tổng thống Thomas Jefferson là tác giả chính của Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước này, trở thành bản Tuyên ngôn bất hủ trên toàn thế giới. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, ngay trong phần mở đầu, Người đã trích dẫn câu nói trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ cũng cho thấy rằng, dân tộc Việt Nam từ lâu đã tôn trọng Hoa Kỳ và luôn có khát vọng, nỗ lực thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập như chính bản Tuyên ngôn Hoa Kỳ đã khẳng định.

Thomas Jefferson khi còn là Đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp đã chủ động đề nghị Hoàng tử Cảnh lúc này cũng đang ở Pari cung cấp một số giống lúa tốt để đem về Mỹ trồng thử.  Câu chuyện này diễn ra vào năm 1787 và được ghi lại như là mối liên hệ sớm nhất giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt hoa tại Nhà tưởng niệm; thăm nơi đặt tượng Tổng thống Thomas Jefferson và xem các tư liệu liên quan tới cuộc đời của Thomas Jefferson - một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhà tưởng niệm Tổng thống Jefferson được xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển với hệ thống các cột trụ đỡ mái vòm hình bán cầu, khánh thành vào năm 1943 nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thomas Jefferson. 

Cách đây hơn 100 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khi tìm con đường để giải phóng cho dân tộc Việt Nam cũng đã đến Boston - nơi khởi đầu của cuộc cách mạng giành độc lập ở Hoa Kỳ. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng là đồng minh trên mặt trận chống phát xít; Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã cứu giúp những phi công Hoa Kỳ bị Nhật bắn rơi ở Việt Nam và những người nước ngoài duy nhất có mặt bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Cách mạng Tháng Tám là những người bạn Hoa Kỳ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama hội đàm.

Sau Cách mạng Tháng Tám, một trong những quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị chính là Hoa Kỳ. Người đã gửi 14 lá thư cho lãnh đạo Hoa Kỳ, trong đó có Tổng thống Truman, đề nghị thiết lập quan hệ “hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là có những cơ hội lịch sử đã bị bỏ lỡ và chúng ta đã phải trải qua một giai đoạn đầy thăng trầm và đau thương cho đến khi bình thường hoá quan hệ năm 1995.

Như vậy, theo tư liệu lịch sử thì quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có khởi nguồn từ thế kỷ XVIII. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhắc lại truyền thống quan hệ, hòa hiếu này tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở thủ đô Washington. Đây là trung tâm thực hiện các nghiên cứu chính sách và phân tích chiến lược hàng đầu của Hoa Kỳ về các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh quốc tế trên thế giới.

40 năm sau chiến tranh, cho đến bây giờ vẫn còn không ít người hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai về bản chất cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đã gây ra tại Việt Nam trong thế kỷ XX. Lịch sử đã chứng minh, đối với nhân dân Việt Nam, đó là cuộc kháng chiến để giành độc lập, tự do cho dân tộc mình, giải phóng, thống nhất đất nước mình; không phải là cuộc chiến tranh nhằm chống lại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, càng không phải để chống nhân dân Hoa Kỳ. Ngay trong thời kỳ chiến tranh đang diễn ra, nhân dân Việt Nam vẫn giữ tình hữu nghị với nhân dân Hoa Kỳ, rất biết ơn nhiều người dân Hoa Kỳ đã đứng lên phản đối chiến tranh, bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

Điều này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định trong bài nói chuyện tại Trung tâm CSIS: “Ngày nay, mọi công dân Hoa Kỳ, kể cả các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, khi đến Việt Nam đều được chào đón một cách thân thiện, đều có thể cảm nhận được thái độ hữu nghị, chân thành của người dân Việt Nam. Điều đó có thể không dễ hiểu đối với một số người, nhưng lại là sự thật mà tất cả những ai đã từng đến Việt Nam đều có thể tận mắt chứng kiến. Tôi nhắc lại những câu chuyện lịch sử này để khẳng định truyền thống hòa hiếu và mong muốn nhất quán của nhân dân Việt Nam về quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước chúng ta” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Việc bình thường hóa quan hệ từ 1995 hay trong quan hệ Đối tác toàn diện ngày nay, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn nhiều điều khác biệt, trong đó nhân quyền là vấn đề mà chính giới và dư luận Hoa Kỳ rất quan tâm, cũng là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Còn những nhận thức khác biệt do cách tiếp cận, đồng thời có những vấn đề do phía bạn tiếp nhận chưa đầy đủ thông tin hoặc thông tin bị sai lệch.

“Tôi khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người. Đất nước chúng tôi tuy còn không ít vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết, trong đó có vấn đề quyền con người, nhưng chúng tôi đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Tôi hiểu trong vấn đề này, hai bên còn có những khác biệt về nhận thức và cần tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống, từ đó có đánh giá khách quan hơn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, không để vấn đề này cản trở đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới việc xây dựng lòng tin giữa hai nước” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng nêu rõ, hai nước hứa hẹn tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và ủng hộ việc duy trì đối thoại tích cực, thẳng thắn và xây dựng về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác biệt.

An Nhi
.
.