Hòa bình cho Syria: Hy vọng le lói

Thứ Sáu, 25/12/2015, 10:17
Gần 5 năm kể từ khi nội chiến ở Syria bùng nổ, lần đầu tiên các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua một bản nghị quyết về lộ trình hòa bình cho Syria. 

Nghị quyết phác thảo lộ trình chuyển đổi chính trị tại Syria với điểm nhấn là việc tổ chức nhanh chóng các cuộc đối thoại giữa Chính phủ Bashar al-Assad và phe đối lập. Ngoài ra, nghị quyết còn quy định thực hiện một lệnh ngừng bắn và yêu cầu tất cả các bên liên quan ngay lập tức chấm dứt các vụ tấn công nhằm vào thường dân. Hội đồng Bảo an kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng, với lời khẳng định: người dân Syria nắm trong tay vận mệnh tương lai của quốc gia Trung Đông này.

Xung đột chưa hồi kết

Bắt đầu từ “làn gió” Mùa xuân Ả Rập mang đầy hy vọng năm 2011, rất nhiều người Syria quyết định đấu tranh chứ không muốn tiếp tục sống cam chịu dưới chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Làn sóng phản đối trên khắp Syria thậm chí còn đòi ông Bashar al-Assad từ chức. Việc chính quyền tiếp tục sử dụng vũ trang với những người bất mãn chỉ làm cho quyết tâm của người dân Syria mạnh hơn. Xung đột leo thang, xoáy sâu vào các mâu thuẫn sắc tộc, rồi phát triển thành một cuộc nội chiến khi các binh đoàn quân nổi dậy được thành lập để chống trả quân chính phủ.

Tính đến tháng 8/2015, hơn 250 nghìn người Syria đã mất mạng trong cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần 5 năm. Hơn 11 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 4 triệu người (phần lớn là phụ nữ và trẻ em) đã chạy trốn khỏi Syria để tìm đường sinh sống. 

Syria bây giờ không chỉ là chiến trường của hai phe chống và ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, mà đã khoác lên màu sắc sắc tộc, trong đó những người Hồi giáo dòng Sunni chống lại dòng Shia thiểu số (mà ông Assad là một thành viên). Ngoài ra, sự trỗi dậy của các nhóm thánh chiến Hồi giáo như Nhà nước Hồi giáo (IS) khiến cho tình hình vô cùng phức tạp. Các quốc gia láng giềng, cùng các siêu cường như Nga hay Mỹ, cũng bị cuốn vào cuộc xung đột này.

Tháng 9/2015, Nga nhảy vào Syria, vực dậy chế độ Bashar al-Assad đang trên bờ sụp đổ. Nga tuyên bố giúp đồng minh Syria chống khủng bố, bao gồm IS, những phe nổi dậy chống chính phủ, và lực lượng quân dân địa phương được Mỹ huấn luyện. Bên kia chiến tuyến, phe nổi dậy đa số là người Hồi giáo dòng Sunni nhận được sự hỗ trợ từ Ả Rập Saudi, Qatar, Mỹ, Anh và Pháp. Ngoài ra, Mỹ còn hỗ trợ dân quân người Kurd, những người không được đa số phe nổi dậy công nhận. 

Ở thời điểm bấy giờ, một phần vì hai “ông lớn” Mỹ - Nga không thống nhất được các nguyên tắc chung trong bàn đàm phán chính trị nên cuộc xung đột ở Syria chưa thể chấm dứt. Đến nay, Nga vẫn không buông lợi ích gắn với chế độ Bashar al-Assad, còn Mỹ và phương Tây giữ nguyên quan điểm rằng ông Bashar al-Assad phải ra đi.

Tiến trình hòa bình trắc trở

Vì không bên nào đủ sức mạnh để chấm dứt xung đột, cộng đồng quốc tế đã kết luận rằng chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể kết thúc nội chiến ở Syria. Tuy nhiên, những cố gắng của các quốc gia Ả Rập và Liên Hiệp Quốc làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn và đối thoại chưa thành công. Đáng kể nhất là Hội nghị quốc tế Geneva II (Thụy Sĩ) do Liên Hiệp Quốc triệu tập (có Mỹ - Nga tham dự) hồi tháng 2/2014, nhằm kêu gọi các cường quốc giúp thi hành Tuyên bố chung Geneva 2012 (về lộ trình chuyển tiếp chính trị ở Syria). 

Theo đó, cộng đồng quốc tế hỗ trợ Syria thành lập một chính phủ lâm thời làm cơ quan chuyển giao quyền lực trên cơ sở các bên đều đồng thuận. Tuy nhiên, khi lợi ích cá nhân chưa được đảm bảo, không bên nào chịu “nhường nhịn”. Thậm chí, nó còn cho thấy những mâu thuẫn khó có thể điều hòa giữa phe đối lập và chính quyền Bashar al-Assad.

Trong bối cảnh này, Hội nghị quốc tế mở rộng về Syria tại Vienna (Áo) đã được tổ chức vào giữa tháng 11/2015, với sự tham gia của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG), nhằm xây dựng kế hoạch về một lệnh ngừng bắn tại Syria và nối lại cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc làm trung gian giữa chính quyền Syria và phe đối lập. 

Các nhân tố chính là Nga và Iran - hai nước bảo trợ hàng đầu của ông Bashar al-Assad, bên cạnh Mỹ, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ - các nước ủng hộ chính cho phe đối lập. Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị khẳng định, những bất đồng lớn vẫn tồn tại, song nhất trí đẩy nhanh các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến ở Syria.

Việc Iran tham dự hội nghị đánh dấu sự thừa nhận của Mỹ về vai trò của Tehran trong mục tiêu giải quyết vấn đề Syria. Thông tin này đã làm dấy lên sự tức giận từ phía phe nổi dậy khi họ nói rằng sự tham gia của Iran sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột. Ngoài ra, chính quyền Bashar al-Assad và phe đối lập không có mặt trong hội nghị lần này. Điều đó phản ánh mục đích cuộc họp ở Vienna chỉ mang tính tập hợp các nước, chứ không phải cuộc đàm phán giữa các bên tham chiến. 

Giới phân tích nhận định, đây chỉ là nỗ lực của các cường quốc bên ngoài “nhúng tay” vào cuộc xung đột để đạt được đồng thuận chung về một giải pháp. Và nếu có đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào, sẽ không dễ dàng để hiện thực hóa chúng khi Syria đang trong tình cảnh “chia năm xẻ bảy”.

Một nghị quyết quan trọng

Có thể nói rằng, thông qua nhiều vòng đàm phán, thế giới đã đặt rất nhiều hy vọng vào một bước ngoặt cho tiến trình hòa bình ở Syria. Ngày 14/12 vừa qua, đại diện các nước ủng hộ lực lượng đối lập Syria đã có cuộc gặp tại Paris (Pháp) nhằm thảo luận những bước đi cụ thể để triển khai lệnh ngừng bắn tại Syria và mở cửa cứu trợ nhân đạo. 

Trong khi đó, đại diện các nhóm đối lập tại Syria cũng đã nhất trí thành lập một đoàn gồm 15 đại biểu để tiến hành đàm phán với Chính phủ Syria trên cơ sở Tuyên bố chung Geneva 2012. Đặc biệt, cuộc gặp quan trọng giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moscow (Nga) hôm 15/12 vừa qua được coi là mang tính quyết định. Theo đó, Mỹ - Nga cam kết hợp tác chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, và thống nhất một tiến trình chính trị cụ thể mà ở đó, người dân Syria sẽ được quyết định tương lai của chính quê hương họ.

Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết về tình hình Syria ngày 18/12 vừa qua tại New York.

Điểm sáng hiếm hoi cho tương lai vốn không mấy sáng sủa của Syria xuất hiện sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết về tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này vào ngày 18/12 trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về cuộc khủng hoảng Syria diễn ra tại New York (Mỹ). Về cơ bản, nghị quyết xác định một số vấn đề chính nhằm quốc tế hóa các nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria. 

Trước hết, xác nhận Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) gồm 17 thành viên là thể chế chính để giải quyết các vấn đề liên quan tới tiến trình hòa bình tại Syria. Tiếp đó, nhất trí với kế hoạch hòa bình ISSG đề xuất, bao gồm thực thi ngừng bắn khẩn cấp, và yêu cầu tất cả các bên liên quan tại Syria ngừng các vụ tấn công vào các mục tiêu dân sự và dân thường, kêu gọi các bên tạo hành lang tiếp cận nhân đạo.

Nghị quyết trao cho Liên Hiệp Quốc vai trò trung gian trong việc hợp tác với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập ở Syria, nhằm bắt đầu “thương lượng khẩn chính thức về tiến trình quá độ chính trị”. 

Theo đó, Chính phủ Syria hiện thời và lực lượng đối lập cần bắt đầu đàm phán ngay trong tháng 1/2016, với mục tiêu thiết lập một chính quyền mới đáng tin cậy và không chia bè phái, soạn thảo một Hiến pháp mới trong vòng 6 tháng, và tiến hành một cuộc bầu cử tự do và công bằng theo bản Hiến pháp mới trong vòng 18 tháng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. 

Ngoài ra, nghị quyết tiếp tục kêu gọi cuộc đấu tranh tiêu diệt IS, lực lượng đã kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq. Với những nội dung cơ bản nêu trên, Hội đồng Bảo an muốn phát đi thông điệp rõ ràng tới tất cả các bên liên quan rằng, đã đến lúc cần chấm dứt đổ máu tại Syria và đặt nền móng cho một chính phủ mới mà người dân Syria ủng hộ.

Nói về bản nghị quyết này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon coi đây là nhân tố quan trọng thể hiện nỗ lực của thế giới trong tiến trình hòa bình ở Syria.

Nhấn mạnh đến vấn đề tương lai của Syria cũng như của Tổng thống Bashar al-Assad phải do người Syria quyết định, ông Ban Ki-moon nói: “Tôi nghĩ hoàn toàn không công bằng và bất hợp lý khi số phận của một con người làm tê liệt tất cả nỗ lực trong các cuộc đàm phán. Những bất đồng về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad không nên cản trở tiến trình hướng tới triển vọng cho hòa bình. Tương lai của Syria, hay tương lai của tất cả các cuộc đàm phán hòa bình ở quốc gia Trung Đông này, không nên bị đình trệ”…


Trần Quân
.
.