Hồ Chí Minh - nhà Hoa Kỳ học

Thứ Sáu, 13/02/2015, 13:26
Hồ Chí Minh là một con người hiếm có. Không chỉ là một nhà cách mạng, ông còn là người tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn ngành Hoa Kỳ học. Điều này thật đáng kinh ngạc, nhưng Hồ Chí Minh không chỉ đến, nghiên cứu, mà còn có những bài viết thuộc loại sớm nhất về Hoa Kỳ mà tác giả là người Việt.

Hồ Chí Minh, dĩ nhiên, không phải là người đến Mỹ sớm nhất. Trước ông, Bùi Viện (1839-1878) là quan chức đầu tiên được triều đình Huế cử đi Mỹ - nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao và tìm kiếm những cơ hội chấn hưng đất nước trước họa xâm lăng của thực dân Pháp.

Nhận sứ mạng do vua Tự Đức giao, tháng 8/1873, Bùi Viện xuống thuyền ở cửa Thuận An, đến Hương Cảng, sau đó qua Hoành Tân (Yokohama) rồi đáp tàu sang Mỹ. Khi đó, quan hệ Mỹ - Pháp đang căng thẳng, cơ hội giao thương khá lớn. Tiếc thay, do Bùi Viện không mang theo quốc thư nên hai bên đã không thể ký kết văn bản chính thức.

Năm 1875, với thư ủy nhiệm của vua Tự Đức, Bùi Viện đến Mỹ lần thứ hai. Tuy nhiên, vì khi đó quan hệ Pháp - Mỹ đã tốt lên, Tổng thống Mỹ Ulysses S. Grant khước từ việc giúp Việt Nam.

Trước Bùi Viện là ai? Học giả Nguyễn Hiến Lê, trong cuốn tiểu thuyết Con đường thiên lý, kể chuyện một người Việt tên là Lê Kim đã đến Mỹ tìm vàng ở California, rồi trở thành nhà báo. Theo sách, Lê Kim sinh năm 1821, tên thật là Trần Trọng Khiêm, người làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, Phú Thọ.

Năm 21 tuổi, sau khi giết tên chánh tổng để báo thù cho vợ, ông xuống Phố Hiến (Hưng Yên), xin làm việc trong một tàu buôn nước ngoài, bôn ba nhiều nước và đến New Orleans, Louisiana, năm 1849. Tuy nhiên, có lẽ cuộc phiêu lưu trên đất Mỹ của Lê Kim, cũng như các tài liệu được Nguyễn Hiến Lê dẫn ra trong cuốn sách, cũng chỉ là sản phẩm hư cấu của nhà văn.

Hồ Chí Minh đến Mỹ lần đầu tiên vào tháng 12/1912. Bằng chứng cho chuyến đi này là một bức thư mà Nguyễn Tất Thành gửi cho toàn quyền Pháp, với dấu bưu điện New York, và một bưu thiếp gửi từ Boston cho Phan Châu Trinh, trong đó Thành nói rằng anh đang làm phụ bếp cho khách sạn Parker House.

Lần thứ hai Nguyễn Ái Quốc đến Mỹ có lẽ vào khoảng năm 1917-1918. Trong một cuộc nói chuyện với David Dellinger năm 1969, Hồ Chủ tịch nói rằng trong thời gian ở New York, ông thường xuyên đến dự các cuộc diễn thuyết của Marcus Garvey. Marcus Mosiah Garvey, Jr. (1887 - 1940), là một lãnh tụ da đen gốc Jamaica nổi tiếng, người sáng lập Liên hiệp toàn cầu hỗ trợ người da đen (Universal Negro Improvement Association - UNIA) và “Return to Africa Movement” (Phong trào trở về châu Phi). Marcus Garvey đến Mỹ năm 1916.

Ông là một trong hai lãnh tụ da đen có ảnh hưởng nhất tại Mỹ lúc đó - người kia là William Edward Burghardt “W. E. B.” Du Bois (1868 - 1963), người da đen đầu tiên nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Harvard. Sau này Hồ Chí Minh nhớ lại, có lần vì quá xúc động, chàng thanh niên Việt Nam trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc đã dốc sạch số tiền lương ít ỏi của mình để hưởng ứng lời kêu gọi về tài chính của phong trào.

Một biểu ngữ của Việt Minh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Tại Mỹ, Nguyễn Tất Thành đi làm thuê kiếm sống, đồng thời cố gắng tìm hiểu nước Mỹ, đặc biệt là đời sống của những người lao động. Trong thời gian ở New York và Boston, có lẽ ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với chàng thanh niên Việt Nam là tình cảnh của người da đen, điều mà sau này Nguyễn Tất Thành mô tả trong nhiều tác phẩm báo chí, đặc biệt là Hành hình kiểu Lynch (tập san Inprekorr, số 59, năm 1924) và Đảng Ku Klux Klan (tập san Inprekorr, số 74, 1924). Chắc chắn, đây là những bài viết thuộc loại sớm nhất về Hoa Kỳ của một tác giả người Việt. Hơn thế nữa, những bài báo này cho thấy mối quan tâm sâu sắc về nước Mỹ của nhà cách mạng trẻ tuổi.

Bài báo Hành hình kiểu Lynch là lời tố cáo mạnh mẽ và đầy xúc động tệ nạn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ. Mở đầu bài báo, Người viết: “Ai cũng biết giống người da đen là giống người bị áp bức và bóc lột nặng nề nhất trong loài người. Ai cũng biết sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản và việc tìm ra Tân thế giới đã mang lại hậu quả trực tiếp là làm sống lại chế độ nô lệ, một chế độ, trải qua nhiều thế kỷ, đã là một tai họa thật sự đối với người da đen và là một bất hạnh đẫm máu đối với nhân loại”.

Đây là một đoạn mô tả đầy sinh động của Nguyễn Ái Quốc: “Các bạn hãy tưởng tượng một đám đông cuồng loạn. Quả đấm nắm chặt, mắt đỏ ngầu, miệng sùi bọt, la ó, chửi bới, nguyền rủa..., đám đông ấy đang bị lôi cuốn bởi cái thú cuồng loạn được phạm tội ác mà không phải lo sợ gì cả. Họ vũ trang bằng gậy gộc, đuốc, súng lục, thừng, dao, kéo, nước lưu toan, dùi. Tóm lại là bất cứ vật gì có thể dùng để giết hoặc làm bị thương được. Các bạn hãy tưởng tượng giữa đám đông ấy, là một đống thịt đen bị xô đẩy, đánh đập, giày xéo, rạch da, róc thịt, chửi rủa, bị đá đi đá lại, đẫm máu, bất động. Cái đám đông ấy, chính là những kẻ tham gia hành hình. Cái xác người rách nát kia, đó là người da đen, là nạn nhân”.

Ở đoạn cuối bài báo, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chẳng cứ gì người da đen mà cả những người da trắng nào dám bênh vực người da đen cũng bị đối xử tàn nhẫn, như bà Hariét Bichơ Stao, tác giả cuốn Cái lều của chú Tôm chẳng hạn. Eligiát Lôvagiôi bị giết. Giôn Brao bị treo cổ, Tômát Bítsơ và Xtêphen Phôxtơ bị ngược đãi, bị đánh đập và bị bỏ tù”.

Trong những cái tên được Nguyễn Ái Quốc đề cập, tôi muốn các bạn lưu ý đến cái tên Giôn Brao (John Brown). John Brown (1800-1859) là một chiến sĩ đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ.

Là con của ông Owen Brown - một người thợ thuộc da và bà Ruth Mills Brown, cậu bé John Brown nhanh chóng nhận thấy tội ác khủng khiếp của chế độ nô lệ. Tuy là người da trắng, nhưng thông cảm sâu sắc với nỗi thống khổ của người da đen, năm 1859 John Brown lãnh đạo cuộc nổi dậy của nô lệ và chiếm kho súng liên bang tại Harpers Ferry, Virginia.

Dự định của John Brown là phân phát vũ khí cho những người nô lệ da đen để họ tiến hành cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, kế hoạch của ông đã không thành công. Lực lượng nổi dậy nhỏ bé của ông nhanh chóng bị lực lượng của chính quyền bao vây, trong đó có cả lính thủy quân lục chiến do Robert E. Lee chỉ huy. John Brown bị bắt và sau đó bị chính quyền treo cổ tháng 12/1859. Khi John Brown bị hành hình, nhiều người đánh chuông nhà thờ, bắn súng.

Nhiều đám đông dân chúng ở khắp miền Bắc Hoa Kỳ đã tổ chức tưởng niệm ông. Ralph Waldo Emerson gọi John Brown là “vị Thánh mới sẽ khiến giá treo cổ trở nên thiêng liêng không kém gì cây thánh giá” (nguyên văn: that new saint… who will make the gallows glorious like the cross).

Dù vậy, John Brown vẫn là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử nước Mỹ. Suốt thế kỷ 19, sách báo chính thống của Mỹ mô tả John Brown không mấy thiện cảm, nhiều nguồn còn nói ông bị điên. Ngay cả Abraham Lincohn, người được coi là anh hùng của sự nghiệp giải phóng nô lệ, cũng từng nói John Brown là một kẻ “cuồng tín lầm lạc”.

Sự mô tả đầy thiên kiến về John Brown vẫn tồn tại dai dẳng cho đến gần đây. Điều này đã được James W. Loewen viết rất hay trong cuốn Lies my teacher told me (Những điều lừa dối thầy dạy tôi, 1996),  thông qua việc khảo sát các sách giáo khoa lịch sử trong các trường phổ thông Hoa Kỳ. Lưu ý rằng bài báo của Nguyễn Ái Quốc in năm 1924, chúng ta sẽ thấy kiến thức và tầm nhìn sâu sắc mang tính nhân loại đáng kinh ngạc của tác giả. 

Bên cạnh thái độ chống phân biệt chủng tộc và sự thông cảm sâu sắc đối với người Mỹ da đen, Nguyễn Tất Thành còn quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác về đất nước và con người Mỹ. Mặc dù có cái nhìn phê phán đối với một số khía cạnh của xã hội Mỹ, Nguyễn Ái Quốc vẫn hết sức ngưỡng mộ những thành tựu của Hoa Kỳ.

Điều này thể hiện ở hành động rất sớm của Nguyễn Ái Quốc, khi ông cùng các đồng chí trong “Nhóm những người yêu nước An Nam” ở Pháp viết thư gửi tổng thống Mỹ kèm theo Yêu sách của nhân dân An Nam gửi trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Versailles (1919). Sau này, trong những năm đầu thập niên 1940, Hồ Chí Minh chủ trương hợp tác với Hoa Kỳ chống Nhật, đặc biệt là cộng tác với OSS (Office of Strategic Services, tiền thân của CIA).

Một tấm áp phích nổi tiếng của Việt Minh mà ngày nay còn được nhiều người nhắc có cờ Mỹ và cờ Việt Minh, cùng dòng chữ: “Quân đội Mỹ là bạn ta/ Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”. Không phải vô cớ mà trong câu mở đầu Tuyên ngôn Độc lập (1945), Hồ Chí Minh trịnh trọng trích dẫn Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ.     

Sự am hiểu Hoa Kỳ của Hồ Chí Minh không chỉ dừng ở lĩnh vực chính trị, mà còn thể hiện ở cả những tác phẩm văn chương. Trong một bài viết, tôi đã so sánh truyện Giấc ngủ mười năm (1949) của Trần Lực (một bút danh của Hồ Chí Minh) với Rip Van Winkle của Washington Irving. Trong Giấc ngủ mười năm, nhân vật chính, Nông Văn Minh, là con nhà nghèo, người Nùng Cao Bằng.

Được giác ngộ cách mạng, sau năm 1945 anh vào Vệ Quốc quân đánh Tây. Trong trận đánh đèo Bông Lau (1947), Minh bị thương, ngất đi. Khi tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Một cô gái trẻ ôm chầm lấy anh hôn lấy hôn để làm Minh ngượng nghịu. Cô gái mỉm cười, bước qua buồng bên cạnh, đem vào một quyển lịch, có dòng chữ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà/ Độc lập, Tự do, Hạnh phúc/ 15 tháng 8 năm 1958”. Hóa ra anh đã ngủ 10 năm, kháng chiến chống Pháp đã toàn thắng, nước nhà đã độc lập, còn cô gái chính là con gái anh, nay đã là sinh viên đại học.

Trong Rip Van Winkle của văn hào Mỹ, một anh chàng chất phác, vô công rồi nghề, trốn tránh vợ con vào rừng cùng con chó và khẩu súng săn. Anh ta uống rượu với những người lùn rồi ngủ quên. Khi trở về, anh ta ngạc nhiên trước những đổi thay. Hóa ra 20 năm đã trôi qua, vợ anh đã chết, con gái anh đã lấy chồng, và cuộc cách mạng giải phóng đã biến xứ thuộc địa của Anh ngày nào thành một quốc gia độc lập.

Là một người hâm mộ cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa của nhân dân Mỹ, am tường văn hóa Mỹ, chắc chắn Hồ Chí Minh có đọc Washington Irving. Theo tôi, khi viết Giấc ngủ mười năm Hồ Chủ Tịch có ít nhiều lấy cảm hứng từ tác phẩm của văn hào Mỹ.  

Trở lại với John Brown. Người ta lại gặp cái tên ấy trong Những người da đen cầm súng của Robert F. Williams, một trong những cuốn sách cuối cùng trên bàn làm việc của Hồ Chủ tịch vào tháng 9/1969. Chi tiết nhỏ ấy nói lên thật nhiều điều.

Ngô Tự Lập
.
.