Hình dạng mới nào cho INF?

Thứ Tư, 14/11/2018, 09:43
Cho đến hiện tại, chuyện nước Mỹ rời khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF-Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty) vẫn chỉ là những lời bóng gió và chưa được xác nhận chính thức bởi các kênh phát ngôn cấp quốc gia.

Thế nhưng, hiểu quá rõ “thói quen” của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, nước Nga không thể không chuẩn bị sẵn cho mình những nước cờ kế tiếp, nhằm bảo đảm cân bằng chiến lược. Đa phương hóa INF, trong thời điểm này, là một lựa chọn không hề tệ.

Một ván bài cũ

Theo Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc - Anatoly Antonov: “Một INF đa phương hóa đã từng là sáng kiến của Nga. Từ thời kỳ Liên Xô đến sau này, chúng tôi đã từng nhiều lần đề cập tới khả năng INF thành một thỏa thuận đa phương, với sự tham gia của cả NATO (Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) cũng như Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chúng tôi đã bàn với Anh và Pháp và đề nghị họ tham gia”.

Thế nhưng, Anh và Pháp từ chối. Lý do chính được đưa ra là bởi London và Paris cho rằng họ, cũng như các thành viên NATO ở châu Âu khác, không sở hữu những tên lửa tầm trung (tầm bắn 1.000 - 2.500 km) như vậy. 

“Dĩ nhiên, Trung Quốc cũng không tham gia và INF trở thành một thỏa thuận song phương giữa Moskva và Washington. Chúng tôi đã cố gắng nhưng không thành công!” - nhà ngoại giao Nga tỏ ra tiếc nuối.

Lễ ký kết INF giữa Tổng Bí thư Liên Xô Gorbachev và Tổng thống Mỹ Reagan ngày 8-12-1987.

Nhưng có lẽ, đầu tiên, chúng ta cũng nên nhìn lại bối cảnh của Hiệp định được ký ngày 8-12-1987 (và chính thức có hiệu lực ngày 1-6-1988) ấy, giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev. Đó thực sự là một tin vui đối với nền hòa bình thế giới, sau một thời gian rất dài hai siêu cường tiến hành những cuộc chạy đua vũ trang dữ dội và gay gắt.

Hệ quả của nó là việc trong kho của cả hai bên chất đầy những thứ vũ khí hủy diệt. Không ai dám khinh suất đem ra sử dụng chúng ở bất cứ cuộc chiến tranh cục bộ nào, bởi nguy cơ kích hoạt một cuộc chiến tranh thế giới mới. Chúng chỉ có tác dụng duy nhất là răn đe.

Đó là sự lãng phí các nguồn lực và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Liên bang Xôviết kiệt quệ, bên cạnh những vấn đề trầm trọng khác về kinh tế hay quản trị xã hội. Riêng ở câu chuyện này, Mikhail Gorbachev đã thực sự tỏ ra dũng cảm và sáng suốt, khi chấm dứt cuộc chạy đua không hồi kết ấy bằng nỗ lực và thiện chí.

Theo thống kê, tổng cộng có 2.692 tên lửa tầm ngắn, trung và trên trung bình đã được hai phía Mỹ và Liên Xô tiêu hủy. Anh, Pháp hay Trung Quốc không thực sự có nhu cầu tham gia vào câu chuyện ấy, căn bản bởi họ không phải chịu gánh nặng lớn đến thế, cũng như họ có thể tận dụng tình hình theo cách có lợi nhất cho mình.

Nhưng bây giờ, sau hơn 30 năm, khi thời thế thay đổi, khi Mikhail Gorbachev đăng đàn để khẳng định rằng việc Mỹ rút khỏi INF cũng sẽ là “sự châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang mới”, rất có thể mọi chuyện sẽ được tiếp cận theo những góc nhìn mới.

Nhu cầu của thế giới phẳng

Từ kết cấu lưỡng cực thời INF được ký kết, thế giới đã chuyển qua hình dạng đơn cực với sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng bây giờ, khuynh hướng chủ đạo là đa cực, khi rất nhiều thế lực đã và đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vẫn luôn cố gắng phá vỡ trật tự cũ mà Mỹ muốn duy trì, trong suốt những năm qua. Thế nhưng, không chỉ họ, đến cả châu Âu gần đây cũng không còn thoải mái với cách mà nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump gây sức ép lên họ.

Tên lửa hạt nhân Nga trên quảng trường Đỏ.

Thậm chí, ý tưởng về một “quân đội châu Âu” độc lập với NATO cũng đã từng được đề cập, khi các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu cảm thấy “mất mặt”, bởi ông chủ Nhà trắng nhắc đi nhắc lại rằng đã đến lúc họ cũng phải đóng góp nhiều hơn và thể hiện nhiều trách nhiệm hơn đối với các kế hoạch quân sự chung.

Ở một khía cạnh khác, việc Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Anatoly Antonov đột nhiên “hạ giọng”, sau những phản ứng gay gắt của Moskva kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hé lộ ý định đưa nước Mỹ rời INF, thực ra, cũng không có gì quá bất ngờ. 

2 năm qua, ông chủ Nhà trắng đã liên tục thể hiện sự cứng rắn (đôi lúc đến phi lý) của mình ở mọi kế hoạch: Từ đưa nước Mỹ rút khỏi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu Paris đến bỏ rơi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), từ gây sức ép đòi ký lại Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) đến dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, từ xây trường thành ngăn người nhập cư Mexico đến khai tử Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Mọi lời công kích đều chẳng có ý nghĩa gì mà có thể còn khiến mọi chuyện thêm tồi tệ.

Bởi vậy, khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố rằng Nga “sẵn sàng hợp tác với Mỹ để duy trì an ninh và ổn định toàn cầu” thì đó là cách đáp trả tinh tế cho lời cáo buộc rằng Mỹ muốn rời INF bởi Nga liên tục vi phạm hiệp định đó.

Và trước đó, khi Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hé lộ rằng NATO “sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Nga về INF” và khẳng định “NATO nhất trí rằng INF đóng vai trò quan trọng đối với châu Âu cũng như toàn thế giới” - nghĩa là tương đồng với quan điểm chính thức của Nga - có nghĩa là rất nhiều cánh cửa vẫn còn để ngỏ.

Và chiến thuật ngoại giao ưa thích nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, kể từ khi tiếp nhiệm cho đến lúc này, vẫn luôn là gây sức ép thật mạnh, để dễ dàng đặt vấn đề đàm phán lại các điều khoản hay các cam kết. Ông có thể chấp nhận những định dạng mới, chứ không nhất thiết phải lật ngược toàn bộ các vấn đề cũ, miễn là có lợi hơn cho nước Mỹ.


Những gợi mở đầu tiên

Nói như Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, đã tồn tại từ khá lâu những mâu thuẫn về ổn định chiến lược giữa Mỹ và Nga, hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới và điều quan trọng là phải nối lại các kênh liên lạc để bắt đầu đối thoại nhằm tháo gỡ những mâu thuẫn đó.

Đối thoại, theo ông, có thể không chỉ là về INF mà còn cả về START (Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, sẽ hết hiệu lực vào năm 2021). Nói cách khác, nước Nga đang chấp thuận nhu cầu tái đàm phán của nước Mỹ. Nhưng dĩ nhiên, họ cũng có những toan tính cho vị thế của riêng mình.

Mỹ, cũng như NATO, mười năm qua, liên tục có những cáo buộc về việc Nga vi phạm các điều khoản INF. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đang cấp tập trang bị vũ khí hạt nhân tầm trung, mà họ lại không bị ràng buộc bởi INF. Mỹ muốn rời INF, một phần là bởi nguy cơ mới đó. Washington không muốn bị “trói chân trói tay” khi các đối thủ “bắt tốc độ”. Ở một góc nhìn khác, hẳn Moskva cũng tự cảm thấy tù túng khi vẫn còn bị ngăn trở bởi những điều mà Bắc Kinh có thể làm một cách thoải mái.

Vậy thì, đa phương hóa INF và thậm chí biến nó thành một hiệp định mới sẽ là cách đáng lưu ý, nhằm tái thiết lập một trạng thái cân bằng về vũ khí chiến lược toàn cầu. Khi đưa ra lời gợi ý này, Moskva vừa có thể khiến Washington chú ý, vừa tranh thủ được thiện cảm với châu Âu và vừa đẩy bớt được trách nhiệm cho những “người chơi” khác.

Hoặc là một thỏa thuận mới sẽ ra đời, và làm vừa lòng (ở mức độ tương đối) tất cả mọi phía, đủ để kìm hãm những mối hiểm họa hủy diệt. Hoặc là không còn INF nữa và tất cả trở nên bình đẳng trong tiến trình phát triển vũ khí răn đe chiến lược.

Như vậy cũng có nghĩa là một cuộc chạy đua vũ trang mới chính thức bắt đầu. Căng thẳng, ngờ vực, thù địch... cũng có thể vì thế mà bùng phát. Riêng với nước Nga, những gánh nặng về kinh tế và những hậu quả của các cuộc chiến thương mại đang diễn ra sẽ càng trở nên trầm trọng nếu họ phải dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới ấy.

Vấn đề là, liệu còn thời gian cho đối thoại và đàm phán không?

Hy vọng là còn, khi một tuyên bố từ bỏ INF chính thức vẫn chưa được Nhà Trắng đưa ra.

Một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Đông Phong
.
.