Hiếu nghĩa bác ái

Thứ Hai, 27/07/2015, 09:54
“Chúng ta là cán bộ, đảng viên nên tôi xin khẳng định với các đồng chí, thực hiện cho được Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng là hành động tri ân thiết thực nhất đối với các anh hùng, liệt sĩ; không có hành động tri ân nào xúc động bằng việc đem lại hạnh phúc cho nhân dân” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tại buổi gặp mặt thân mật với đoàn cán bộ, chiến sĩ đã tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Buổi gặp mặt thân mật của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với 62 đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và cựu chiến binh Quảng Trị diễn ra nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2015) trong bầu không khí thiêng liêng tình đồng đội. Thành cổ Quảng Trị, địa danh gắn liền với cuộc chiến đấu anh hùng suốt 81 ngày đêm của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nơi bẻ gãy chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-ngụy, đã mãi mãi đi vào lịch sử như một biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam. 

Về phần mình, Chủ tịch nước sẻ chia: “Tôi từng là đại đội trưởng đại đội biệt động thành, từng bị địch bắt, tra tấn và tù đày nên có thể hiểu và chia sẻ ngọn lửa nhiệt huyết cháy trong tim các đồng chí. Dân tộc Việt Nam ta không bao giờ quên “một thời Quảng Trị”, nơi thử thách đến tận cùng ý chí độc lập, tự do của thế hệ chúng ta. Bác Hồ đã nói, nước có độc lập, tự do mà dân không được hạnh phúc thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì. Trách nhiệm của chúng tôi, những người đang được phân công là người lãnh đạo đất nước, phải thực hiện cho được mong muốn của Bác Hồ. Chúng ta là cán bộ, đảng viên nên tôi xin khẳng định với các đồng chí, thực hiện cho được Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, là hành động tri ân thiết thực nhất đối với các anh hùng, liệt sĩ; không có hành động tri ân nào xúc động bằng việc đem lại hạnh phúc cho nhân dân”.

Trở lại lịch sử, cách đây 68 năm, ngày 16/2/1947, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Người cũng đồng ý chọn ngày 27/7 làm Ngày Thương binh toàn quốc, là dịp để đồng bào “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh” (sau này đổi thành Ngày Thương binh, liệt sĩ). Người còn thường xuyên viết thư thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ, nhắc nhở trách nhiệm và động viên, biểu dương các địa phương, các đơn vị và cá nhân đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. 

Trải qua mấy chục năm ròng chiến đấu cho lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Đảng và Bác Hồ đã chỉ ra, hàng triệu đồng bào, đồng chí đã hy sinh trên mọi miền Tổ quốc, hàng triệu người đã cống hiến một phần thân thể của mình, những mất mát ấy không thể bù đắp được. Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Người viết: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị.

Cho nên đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”, và Người giải thích: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.

Đã 68 năm trôi qua kể từ Ngày Thương binh liệt sĩ đầu tiên ấy, mỗi năm, cứ đến ngày 27/7, đồng bào ta lại bày tỏ lòng thành tri ân các bậc tiền bối đã cống hiến máu xương, công sức; lại nhớ đến Bác - Người cha già của dân tộc và thêm tự hào về bước phát triển của công tác thương binh, liệt sĩ theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Người.

Kế thừa đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ; “Giúp binh sĩ bị thương”, từ những việc làm “Hiếu nghĩa bác ái” theo lời kêu gọi của Bác Hồ trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đến những “hũ gạo tình nghĩa, con gà tình nghĩa, thửa ruộng tình nghĩa” trong thời kỳ cả nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đến nay phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ đã lan rộng mọi khu phố, thôn bản.

Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39 nghìn ngôi nhà với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Hiện, cả nước có 59 nghìn mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước - Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Gần 4 nghìn mẹ hiện còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời.

Nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 23/CT-TTg về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015.

Đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND), trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, có 14.457 cán bộ, chiến sĩ CAND đã anh dũng hy sinh và hơn 5 nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an đã cống hiến một phần máu thịt vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Chỉ tính từ thời kỳ đổi mới (năm 1986) đến nay, đã có 245 cán bộ, chiến sĩ CAND anh dũng hy sinh được công nhận liệt sĩ và có 1.099 cán bộ, chiến sĩ CAND bị thương được công nhận thương binh.

Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm hỏi, động viên Anh hùng LLVTND Trần Tôn Thất đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM.

Theo Cục Chính sách, tính đến tháng 6/2015, ghi nhận sự đóng góp to lớn của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đã có 665 tập thể và 383 cán bộ, chiến sĩ CAND được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; 11 tập thể và 3 cán bộ Công an được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; 89 tập thể và 10 cán bộ Công an được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; 24 tập thể và 191 cán bộ Công an được tặng thưởng Huân chương Độc lập và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước dành cho lực lượng CAND…

Tháng bảy, tháng những người con đất Việt bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa bày tỏ sự thành kính, tri ân các thế hệ cha anh đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh xương máu bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cùng với cả nước, công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn lan tỏa sâu rộng trong lực lượng Công an nhân dân… 

Trong chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh ngày 22/7/2015, Bộ trưởng Trần Đại Quang cùng đoàn công tác của Bộ Công an đã về ấp Bình Thạnh, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ để thắp nén hương tri ân trước vong linh Anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Văn Ải - nguyên chiến sỹ Công an huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) đã anh dũng hy sinh khi truy bắt đối tượng trong một tổ chức phản động vào tháng 12/1977.

Thăm hỏi và tặng quà gia đình ông Nguyễn Văn Hiền, em ruột Liệt sỹ Nguyễn Văn Ải, người hiện đang thờ cúng Liệt sỹ Ải, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng chí, đồng bào luôn biết ơn sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sỹ. Đồng thời luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình chính sách, người có công. Nhưng do điều kiện một số địa phương còn khó khăn, mức hỗ trợ về vật chất cũng phần nào còn hạn chế. 

Trước hoàn cảnh còn nhiều vất vả của gia đình ông Hiền, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng bày tỏ sự sẻ chia và động viên gia đình ông tích cực lao động sản xuất để tạo dựng cuộc sống tốt hơn, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ Nguyễn Văn Ải. Đến thăm và tặng quà Thiếu tướng Trần Tôn Thất, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng chí Bộ trưởng đã xúc động nhắc lại tình đồng chí đồng đội những ngày còn cùng chiến đấu học tập và công tác. 

Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng động viên Thiếu tướng Trần Tôn Thất phát huy bản lĩnh anh hùng để vượt qua bệnh tật để tiếp tục đóng góp kinh nghiệm của thế hệ đi trước với lực lượng Công an. Trong dịp này, đồng chí Bộ trưởng cũng đã trân trọng gửi tặng 54 tủ thờ cho những thân nhân đang thờ cúng các anh hùng liệt sỹ tại địa bàn.

“Đất nước ta có được cơ đồ như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh to lớn của bao thế hệ người Việt Nam, trong đó có các anh hùng, liệt sĩ, các đồng chí thương, bệnh binh. Họ là những người con ưu tú đã hy sinh tính mạng hoặc mất đi một phần cơ thể để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ hòa bình, thống nhất đất nước và cuộc sống yên vui của nhân dân. Chúng ta mãi mãi trân trọng và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương, bệnh binh, những người đã ngã xuống, đã cống hiến trọn đời cho Tổ quốc đứng lên”- Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định khi nói chuyện với các thương, bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Nho Quan, Ninh Bình.

An Nhi
.
.