Hiện thực sinh động

Thứ Bảy, 12/11/2016, 10:33
Còn một năm nữa là chạm mốc 100 năm kiểm chứng chủ nghĩa xã hội hiện thực, kể từ ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công.

Trăm năm, hai khái niệm tư bản chủ nghĩa (TBCN) và xã hội chủ nghĩa (XHCN) không chỉ diễn tiến đầy biến cố thăng trầm trong hiện thực cuộc sống nhân loại mà còn là sự tranh luận nảy lửa về lý luận, về ý thức hệ tư tưởng. Rõ ràng, nền tảng lý luận là mấu chốt nhưng không phải bất biến, chính hiện thực cuộc sống vừa là sự kiểm chứng, vừa bổ sung, phát triển lý luận để ngày một hoàn thiện hơn.

Thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, đã có lúc chúng ta suy nghĩ giản đơn về hiện thực CNXH. Ngày đó, với những thành công bước đầu, thậm chí có ý kiến nói rằng, Liên Xô đã sắp sửa xây dựng xong CNXH còn Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác cũng áng chừng trong một giai đoạn thực hiện kế hoạch nữa là hoàn thành thời kỳ quá độ. 

Nhận thức về CNXH cũng gò bó trong tư duy “tốt mình, xấu người”, có những suy nghĩ thái quá khi cho rằng cái gì chúng ta đang làm, đang xây dựng cũng là nhất và ngược lại, những khiếm khuyết, tồn tại là... phía bên kia. Còn nhớ, năm 1969, nhà thơ Việt Phương viết bài thơ Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi chạm vào vấn đề khá nhạy cảm:

Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương
Đã chọn đường đi, chẳng ai dừng ở giữa
Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường

Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao...

Những câu thơ từng gây chấn động dư luận một thời in trong tập thơ Cửa mở được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1970. Tuy nhiên, nếu đem cách nghĩ, cách nhìn của ngày hôm nay để soi xét những gì đã diễn ra 40, 50 năm trước là khiên cưỡng. Đó là thời kỳ đất nước chia đôi, miền Bắc xây dựng CNXH sau khi thoát khỏi chiến tranh đổ nát, còn miền Nam vẫn kiên cường chống Mỹ. Đi lên CNXH là sự lựa chọn lịch sử nhưng cách thức, quy mô, tiến trình như thế nào lại là cả quá trình tích lũy hiện thực và lý luận, sự vận dụng phù hợp điều kiện mỗi nước. 

Trong khi ở giai đoạn đầu, sự thành công rực rỡ của Liên Xô và CNXH ở Đông Âu tạo cho các nước khác niềm tin mãnh liệt, từ đó những thách thức, khó khăn chúng ta chưa thể lường hết, khiến ta rơi vào chủ quan, duy ý chí.

Nghị quyết Đại hội VI của Đảng nghiêm túc nhìn nhận: “Chúng ta có khuyết điểm trong việc đánh giá tình hình cụ thể của đất nước, trong việc xác định mục tiêu và bước đi của công cuộc xây dựng CNXH”. 

Hội thảo khoa học “Nhận thức mới về CNXH Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. 

Sau khi chỉ ra những sai lầm, Nghị quyết nêu rõ: “Những sai lầm nói trên là sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và về tổ chức thực hiện. Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là những biểu hiện của tư tưởng tiểu tư sản vừa tả khuynh, vừa hữu khuynh. 

Những sai lầm và khuyết điểm trong lĩnh vực kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong công tác tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Trong lĩnh vực tư tưởng, đã bộc lộ sự lạc hậu về nhận thức lý luận và sự yếu kém về vận dụng các quy luật trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta...”.

Chủ nghĩa Mác – Lê nin vạch ra hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa mà loài người tất yếu tiến đến, giai đoạn đầu là xã hội chủ nghĩa, với những đặc trưng như có cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, của cải làm ra đủ đầy, xã hội không còn giai cấp, người bóc lột người... 

Tuy nhiên, đó là viễn cảnh khi đã xây dựng thành công, còn trong điều kiện quá độ đi lên CNXH bỏ qua giai đoạn TBCN như Việt Nam đòi hỏi vận dụng sáng tạo và không ngừng bổ sung, phát triển lý luận cho phù hợp bởi con đường mà chúng ta đang đi là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không có một hình mẫu nguyên xi nào có tính “lắp ráp”. 

Đây là đòi hỏi tất yếu nhưng cũng rất khó khăn đối với các Đảng cộng sản trong quá trình lãnh đạo xây dựng CNXH, nhất là khi mà CNXH trên thế giới đang lâm vào tình trạng thoái trào.

Qua 30 năm đổi mới, nhận thức của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH đã có những đổi mới căn bản so với quan niệm truyền thống theo mô hình Xôviết trước đây. Đại hội VI (tháng 12-1986) khi xác định mục tiêu của đổi mới, Đảng ta mới chỉ xác định được ba mục tiêu: đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh. 

Những mục tiêu nêu trên của Đại hội VI có giá trị định hướng rất quan trọng đối với phát triển đất nước mà sâu xa là phát triển tiềm lực sáng tạo của nhân dân, hướng mục đích của đổi mới vào phục vụ lợi quyền của nhân dân. 

Đến Đại hội VII (1991), qua thực tiễn những năm đầu chuyển sang cơ chế thị trường với cạnh tranh và phân hóa, nhất là phân hóa giàu - nghèo, Đảng ta đã bổ sung một mục tiêu quan trọng khác, đó là công bằng (Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh). Đến Đại hội IX (2001), sau 15 năm đổi mới, Đảng ta bổ sung một mục tiêu đặc biệt quan trọng là dân chủ: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. 

Vấn đề dân chủ đặt trong hệ mục tiêu của đổi mới là một bước phát triển quan trọng về nhận thức lý luận của Đảng về CNXH. Đại hội X (2006), khi tổng kết 20 năm đổi mới, Đảng ta đã xác định mục tiêu của đổi mới là đặc trưng tổng quát của CNXH Việt Nam: “Xã hội XHCN mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. 

Đại hội XI (2011), Đảng ta đặt dân chủ trước công bằng, văn minh: “Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội XII (2016) tiếp tục xác định rõ mục tiêu này.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam năm 1991 được Đại hội VII thông qua đã xác định 6 đặc trưng của xã hội XHCN Việt Nam. 

Trong sáu đặc trưng đó, Đảng đã xác định bản chất của chế độ, đó là nhân dân lao động làm chủ; nêu rõ những nội dung kinh tế, chính trị, văn hóa, quan hệ xã hội (giai cấp và dân tộc), nhấn mạnh mục tiêu phát triển con người, quan hệ giữa phát triển cá nhân với phát triển cộng đồng, vai trò lãnh đạo của Đảng, quan hệ giữa nước ta với cộng đồng thế giới… 

Đến Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, chỉ rõ 8 đặc trưng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Thực tiễn của công cuộc đổi mới trong 30 năm đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, song cũng đang đặt ra hàng loạt vấn đề mới đòi hỏi phải vận dụng sáng tạo những quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và xây dựng CNXH. 

Với tinh thần vận dụng sáng tạo đó, nhiều vấn đề lý luận mới, chưa từng có đã được tổng kết từ thực tiễn và đưa vào áp dụng trong thực tế, mang lại những hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn như: khoán trong nông nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đảng viên làm kinh tế, kinh tế hàng hóa đa thành phần đến kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN… 

Sự đúc kết nên 8 đặc trưng, 8 phương hướng và 8 mối quan hệ lớn để xây dựng CNXH ở Việt Nam cũng chính là kết quả của sự sáng tạo lý luận của Đảng ta trong công cuộc đổi mới, bắt đầu từ thực tiễn đổi mới tư duy. Tất cả các vấn đề đó đều là kết quả vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về CNXH, việc tổng kết những bài học kinh nghiệm của công cuộc xây dựng CNXH trên thế giới và thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam.

Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc, thực tế không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Trên con đường đổi mới và phát triển, còn không ít những vấn đề lớn, phức tạp, cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước tiếp tục phát triển. 

“Đổi mới mà xa rời nguyên tắc, chệch choạc về định hướng thì sẽ dẫn đến đổ vỡ, thất bại. Kiên định và sáng tạo; sáng tạo và kiên định trong vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, vững vàng trên con đường xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - đó chính là nguyên tắc, định hướng đổi mới ở Việt Nam” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương.

An Nhi
.
.