Hệ lụy từ "Mùa xuân Arab": Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa

Thứ Sáu, 28/09/2012, 12:25
Chỉ là một đoạn video ngắn trích ra từ bộ phim trước đó hầu như không được ai để ý tới, nhưng vài ba hình ảnh nhạy cảm của “Sự trong trắng của người Hồi giáo” đã là thùng dầu đổ thêm vào lò lửa uất ức tới thù hận của thế giới Hồi giáo đối với nước Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung.

Làn sóng bạo lực dấy lên với lý do là đoạn video trên đã xúc phạm tới đấng tiên tri Mohammed vẫn đang tiếp tục lan rộng ra trên thế giới, ở ngay cả những quốc gia mà cách đây không lâu đã diễn ra những cuộc can qua được phương Tây cổ xúy lật đổ các nhà lãnh đạo hợp hiến, đưa những thế lực đối lập lên nắm chính quyền.

Thay nhưng khó đổi

Đúng là người dân ở không chỉ một quốc gia Arab như Tunisia, Lybia, Ai Cập, Yemen, v.v, hiện nay đã không còn phải chịu sự cai trị của những chính trị gia lưu niên mà họ đã chán ghét. Rất oái oăm  bởi những nhà lãnh đạo trước đây từng là anh hùng, từng là thần tượng của đông đảo dân chúng sau một thời gian dài “cố vị” đã bị coi như những đại diện của cái ác, nguyên nhân chính khiến đời sống xã hội trở nên không thể nào chịu đựng nổi.

Cái chết bi thảm của “người hùng Libya”, Đại tá Muammar Gaddafi hay tình thế dở sống dở chết của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak hiện nay có thể trở thành bài học cay đắng cho tất cả những ai không biết dừng đúng lúc trên con đường chính trị đầy bất trắc của mình. Tuy nhiên, ngay cả sau khi “con vua thất thế lại ra quét chùa” rồi thì những can qua đã diễn ra trong “mùa xuân Arab” vẫn chưa mang lại được gì đáng mong muốn cho các quốc gia Hồi giáo.

Tổng thống Nga Vladimir Putin rất có lý khi ông chỉ ra rằng, các chế độ mới được xác lập ở Tunisia, Libya, Ai Cập, hay nói rộng hơn nữa, ở Iraq, Afghanistan (những nơi là liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo tới với lý do chống khủng bố và lật đổ các chính quyền đương nhiệm để đưa các chính khách thân phương Tây lên làm kép chính) không thể được đánh giá dân chủ hơn những gì đã tồn tại ở đó.

Theo Reuters, tổ chức giám sát quốc tế Freedom House có trụ sở tại Mỹ, ngày 17/9 cũng phải công nhận rằng, những thành quả đạt được tại Trung Đông và Bắc Phi trong làn sóng “mùa xuân Arab” là rất mong manh. Và trong “mớ hỗn độn” sau các cuộc xung đột, nhiều nhà lãnh đạo mới có thể sẽ lại đi theo lối mòn quen thuộc của các nhà độc tài vốn rất phổ biến trong lịch sử truyền thống của họ.

Trong hoàn cảnh hiện nay, rất ít khả năng là những nhà cầm quyền mới có đủ trí và lực để giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội trầm kha đang hiện hữu và vì thế, dễ khiến người dân, vốn đã quen coi việc làm rối loạn đường phố là phương thức đấu tranh hiệu quả nhất, lại thêm lần nổi giận và lại xuống đường. Và điều đó sẽ khiến cho các lực lượng cầm quyền buộc phải sử dụng tới vũ lực như những người tiền nhiệm. Trong trường hợp này, một vòng xoay luẩn quẩn sẽ xuất hiện và càng ngày càng khó đoán định được kết cục. Ngay ở thời điểm hiện tại, các nhà cầm quyền mới trong một số trường hợp cũng phải dùng vũ lực để ngăn chặn biểu tình bạo loạn của một bộ phận dân chúng. Gần đây nhất, ngày 19/9 tại Yemen, lực lượng an ninh đã xả súng vào những người biểu tình làm 35 người chết và hàng trăm người khác bị thương…

Lộng giả thành chân

Trong lúc những mâu thuẫn lớn đang còn tồn tại giữa phương Tây với thế giới Arab thì lại xuất hiện thêm một nguyên cớ xấu làm bùng nổ bạo lực. Trên mạng đã xuất hiện một đoạn băng ngắn giới thiệu bộ phim chuẩn bị được công chiếu Sự trong trắng của người Hồi giáo mà trong đó có những chi tiết khiến cho các tín đồ của đạo Hồi cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Theo họ, thì phim này mô tả các tín đồ Hồi giáo như “căn bệnh ung thư”. Họ cũng không thể chịu nổi khi trong phim có cảnh nói về mối quan hệ của nhà tiên tri Mohammad với phụ nữ. Và thế là các tín đồ Hồi giáo ở nhiều quốc gia đã xuống đường bày tỏ sự cuồng nộ thiêng liêng của mình ở Ai Cập, Sudan, Libya, Yemen, Jordan, Tuniasia, Afghanistan, thậm chí cả ở Ấn Độ, Indonesia.

Ở thời điểm hiện nay vẫn chưa rõ điểm dừng của làn sóng bạo lực chống lại bộ phim Sự trong trắng của người Hồi giáo. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, làn sóng này đã được chuyển làn thành những cuộc biểu tình kèm theo đập phá chống lại Mỹ và Israel cũng như một số nước phương Tây khác. Đại sứ quán Mỹ ở nhiều quốc gia đã bị tấn công. Thậm chí đại sứ Mỹ ở Libya, ông Christopher Stevens đã bị giết chết ở Benghazi.

Trong lời kêu gọi do nhánh Al-Qaeda ở Bắc Phi công bố ngày 18/9 đã nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi thanh niên Hồi giáo noi gương những chú sư tử tại Benghazi bằng cách hạ cờ Mỹ tung bay trên tất cả các đại sứ quán của họ ở các thủ đô của chúng ta, đốt cháy chúng, giẫm đạp lên chúng, tiêu diệt các đại sứ, đại diện Mỹ hoặc trục xuất chúng, thanh lọc những vùng đất của chúng ta khỏi những thứ nhơ bẩn của chúng để trả thù cho thứ đẹp đẽ đáng kính nhất của nhân loại”. Một tinh thần quyết tử cho tôn giáo như thế chắc chắn sẽ không dẫn tới những kết quả hay ho.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trả lời phỏng vấn báo Đức Die Bild:

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

- Ông đánh giá thế nào về làn sóng bạo lực đang diễn ra hiện nay ở nhiều quốc gia Arab?

- Đang hình thành một tình huống rồ dại: lý do chỉ là một đoạn video ngắn ngủi vớ vẩn không rõ nguồn gốc mà Chính phủ Mỹ không hề hay biết gì cả và cũng không hề có một ảnh hưởng gì cả. Và giờ đây chính quyền Hoa Kỳ phải áp đặt luật kiểm duyệt đối với nó mặc dù việc này nằm ngoài thẩm quyền của mình. Làn sóng bạo lực cho thấy rõ sự chậm chạp của các quốc gia đó trên con đường tiến tới dân chủ, nếu thực sự một tiến trình như thế đã hình thành. Nếu như một chính đảng lại đặt các qui định của luật Hồi giáo Sharia lên trên tất cả và coi đấy là chân lý duy nhất thì không thể nào có nền dân chủ được và trong chuyện này thì chúng ta hoàn toàn không nên có ảo tưởng.

- Ông Barack Obama đã chìa bàn tay cho thế giới Arab. Chiến lược của ông ấy đã bị thất bại?

- Ngay chính ông George Bush, bất chấp hình ảnh mà ông ấy thường bị diễn tả, cũng đã rất cởi mở để thiết lập những mối quan hệ tốt với các quốc gia Arab và ông ấy hoàn toàn không coi đấy là một thế giới thù địch. Tôi nghĩ rằng từ phía ông Obama là rất phải lẽ để đưa ra những đề nghị tương tự như thế và cho thấy, nước Mỹ còn muốn tiến xa hơn. Thế nhưng trong thời điểm hiện tại hoàn toàn không rõ lời đáp tương ứng từ phía cộng đồng Hồi giáo. Chúng ta không được quên rằng: không một ai ở phương Tây mong muốn chống lại các tín đồ Hồi giáo và chúng ta cũng không nói rằng cần phải đưa đạo Hồi vào ngoặc kép.

- Liệu điều này có nghĩa là “mùa xuân Arab” đã kết thúc?

- Tôi chưa khi nào nhìn thấy trong “mùa xuân Arab” cái điều mà nhiều đại diện của các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây nhìn thấy. Lịch sử của các cuộc cách mạng cho thấy, những nhà cầm quyền mới rất ít khi giữ được mình như ở trong giai đoạn bắt đầu. Trong cuộc bầu cử ở Ai Cập, lực lượng “Những người anh em Hồi giáo” cũng như các phần tử Hồi giáo cực đoan khác đã thu được 75% số phiếu. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không thể có những mối quan hệ tốt với Ai Cập. Việc duy trì các mối quan hệ tốt là hữu ích cho quyền lợi của cả hai quốc gia. Khi tôi còn là Ngoại trưởng, tôi từng có những mối quan hệ tuyệt vời với ông Sadat, nhưng điều đó không thể so sánh với lúc ta đang ở trong chính cái xã hội mang nặng tính triết học nhất này.

- Dù Hoa Kỳ có làm gì đi chăng nữa thì tình hình vẫn không thay đổi: có cảm giác như nước Mỹ của ông luôn phải chịu định mệnh là một quốc gia bị căm thù?

- Chúng tôi là ẩn dụ đại diện cho thế giới Tây phương. Nhưng ngay cả các đại sứ quán của Đan Mạch và của Đức cũng bị tấn công. Theo tôi, mục tiêu của chính sách đối ngoại không thể chỉ là làm sao mình được người ta yêu quý. Nó phải được hướng tới việc tìm kiếm những cơ sở để cùng nhau hành động những khi nào có thể và những khi nào đáp ứng được lợi ích của cả hai bên. Quan trọng là cả hai bên phải hiểu nhau. Khi không có một sự thấu hiểu cả hai bên như thế thì cần phải hiểu rằng, ta phải bảo vệ quyền lợi của riêng ta thôi.

Phạm Huy Dũng
.
.