Bí quyết giữ yên thiên hạ của Vua Lê Hiến Tông:

Hễ là thủ lĩnh, phải theo phép công bằng

Thứ Tư, 07/04/2010, 13:20
Trong các đời vua của thời hậu Lê, vua Lê Hiến Tông (1461-1504) mặc dù chỉ ở trên ngôi báu vẻn vẹn có 7 năm (từ năm 1497 cho tới khi băng hà) nhưng đã kịp để lại tấm gương sáng của một vị minh quân. Nhà vua đã làm được nhiều việc để xây dựng một đất nước thanh bình có kỷ cương và nền nếp.

Nhận xét về ông, sách Đại Việt Sử ký toàn thư (ĐVSKTT) đã viết;  "Vua thiên tư anh minh thông tuệ, giữ vận thịnh trị, thái bình, mới trong khoảng 7 năm mà thiên hạ bình yên, xứng đáng là bậc vua giỏi giữ cơ đồ". Sứ giả Trung Hoa Lương Trừ năm 1499 sang ta, tiếp kiến nhà vua, đã phải trầm trồ: "Hôm nay được thấy quốc vương tuổi đã lớn, thực là tướng thánh nhân, thực là tướng trường thọ, quả là phúc lớn cho sinh linh phương Nam. Sao mà học rộng và ứng biến mọi việc nhanh chóng, mẫn tiệp đến thế".

Tên húy của vua Lê Hiến Tông là Lê Tranh. Trong gần bốn mươi năm, ở ngôi Đông cung, Hoàng thái tử Lê Tranh đã rất chịu khó trau dồi kinh sử để chuẩn bị cho mình đủ năng lực và tri thức gánh vác nghiệp lớn sau này. Tháng Giêng năm 1497, vua Lê Thánh Tông qua đời nên Hoàng thái tử Lê Tranh đã lên ngôi, tức vua Lê Hiến Tông, lấy niên hiệu là Cảnh Thống. Và ngay từ những tháng năm đầu tiên ngự trên ngôi báu, vua Lê Hiến Tông đã đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng kỷ cương phép nước.

Tháng 3 năm Mậu Ngọ 1498, nhà vua đã, như sách ĐVSKTT ghi lại, "sai sứ đi khắp bốn phương, truy xét những người nghèo túng, già yếu còn trong quân ngũ thì thải cho về, những người chịu thuế khóa và phục dịch công trình quá nặng thì giảm nhẹ cho; tha cho những kẻ lầm lỡ, xét rõ người oan khuất, bổ dụng kẻ mất chức, khen thưởng người có công; tha nợ thuế, nêu hình phạt, nêu gương người tiết nghĩa, giúp đỡ kẻ côi cút, người đói nghèo, cất nhắc người liêm khiết, tiến cử bậc hiền tài…", nhờ thế nên "trong ngoài ai cũng thỏa".

Để chọn đội ngũ quan lại có đức hạnh và năng lực, vua đã ra lệnh, song song với việc bổ vào các chức vụ người có "đảm lược học thức, uy vọng, tài cán, liêm khiết, siêng năng" theo lời đề cử của các quan lại đương chức, đã nhấn mạnh tới hình phạt nặng bất thường đối với những kẻ "dám riêng tư tiến cử bày loại ngu dốt, thô bỉ, nhút nhát, hèn kém…".

Ngày mồng 10 tháng 12 năm 1498, vua ra sắc chỉ quy định: "Kể từ nay, trưởng quan các nha môn trong ngoài, khi khảo khóa các chức ở vệ, phủ, sở, huyện, hạt mình phải xét tường tận thành tích các nhiệm vụ đã trải qua. Người nào hết lòng phủ dụ chăm sóc quân dân, được quân dân yêu mến khâm phục, nộp thuế không thiếu hụt thì mới được xét duyệt là xứng đáng với chức vụ và được thăng chức, ban thưởng theo lệ đã định. Nếu quấy nhiễu, hạch sách nhân dân, theo lợi riêng gây mối tệ, thì dẫu việc bị cáo giác không có chứng cớ cụ thể, nhưng thói gian tham mọi người đều biết cả, cùng là trong hạt có nhiều kẻ trốn đi, thì đều khảo vào loại không xứng chức…".

Cũng trong tháng cuối cùng của năm đầu tiên ngồi trên ngai vàng, nhà vua  đã xuống chiếu ra lệnh chọn chức thủ lĩnh. Trong chiếu có viết:

"Chức thủ lĩnh ngang hàng với trưởng quan, được bàn luận phải trái cùng trưởng quan, không chỉ có tra xét, viết lách sổ sách ở phủ vệ, mà còn phải xét hặc các tướng hiệu gian phi. Cần phải công bằng giữ phép, ngay thẳng cho người noi theo. Thỉnh thoảng có người liêm khiết, xứng chức như bọn Vũ Phục Long, Phạm Như Dụ, Vũ Thế Hảo thì đã nêu khen ban thưởng để khuyến khích người sau. Nay những người ở chức ấy, không biết thấy người hay thì lo theo kịp, lại đi bắt chước kẻ dở, dung túng che giấu cho nhau, lâu ngày quen nết. Thậm chí hùa nhau làm trò nhơ nhuốc, mặt dày nịnh bợ, quỳ gối chui luồn, nuôi chứa lòng gian, gây mối tệ hại, không sao kể xiết, khiến không sao phân biệt được kẻ hay, người dở để mà khuyến khích hoặc răn trừng. Từ nay, ở trung thì Lục khoa, ở ngoài thì Hiến ty, hễ là thủ lĩnh, phải theo phép công bằng, phân biệt cho rõ, ai là người liêm khiết giữ luật pháp, ai là kẻ tham nhũng vụ lợi riêng, đều kể tên tâu lên, giao cho Cai đạo giám sát ngự sử xét lại làm bản tâu lên để thi hành. Kẻ nào dám theo lòng ân oán riêng, tham mê của đút lót, mà nhận xét không đúng, cùng là dung túng không nói gì, thì cho quan Lục khoa được nhất luật hặc tâu…".

Tháng giêng năm 1499, nhà vua lại ra chỉ dụ:

"Nước nhà ta dùng sức của dân, định ra phép nước; binh lính các phủ vệ trong ngoài phải mở rộng quy chế; bọn thợ thuyền lớn nhỏ càng phải coi trọng việc xét công lao. Trừng trị kẻ tham ô, lời dậy rất rõ ràng; khen thưởng người liêm cần, điển chương đã đầy đủ. Chăm chắm roi vọt răn đe, ngăn ngừa tư thông đút lót. Mà sao bọn quan lại giữ chức quyền, không đoái chi tới phép tắc của triều đình. Người lo cho nước, quên việc nhà thì ít; kẻ thiếu trách nhiệm, bỏ chức phận thì nhiều. Tha giàu bắt nghèo, không chừa ác cũ; tham tiền khoét của, vẫn theo lối xưa. Kẻ thì chỉ lo hại người để béo mình, kẻ thì đam mê tửu sắc mà chẳng bỏ, kẻ thì dựa thế đang lên nghĩ cách bóc lột, kẻ thì nhân được gả xuống mà mặc sức vét bòn, kẻ thì cho nhờ vả che chở làm mưu hay mà vứt bỏ phép nước, kẻ thì lấy yêu sách, đánh đập làm kế giỏi mà không thương xót người nghèo. Việc quân, việc nước hỏng nát không lúc nào nghiêm trọng bằng lúc này. Trẫm mới lên ngôi báu, nghĩ cách trừ bỏ thói tệ, muốn đặt hình phạt nặng để chính sự buổi đầu được trong sạch. Nhưng lại nghĩ: lấy hình phạt trừng trị kẻ gian là công cụ giúp việc trị bình; lấy miệng lưỡi thay cho búa rìu là lòng nhân chế ngự kẻ dưới. Vậy đặc cách ban bố điều khoản mới, yêu cầu trừ bỏ thói quen xưa. Người nào biết thể theo ý trẫm, không bất lương, thì được thưởng hậu để nêu khen; kẻ nào quen giữ thói cũ, không nghe lời răn dạy, thì phạt nặng để trừng trị. Họa, phúc không có cửa nào, mọi người hãy lựa chọn cho kỹ".

Nhớ lại điều tâm niệm của vua cha  Lê Thánh Tông mà học giả Thân Nhân Trung đã thâu tóm lại thành câu rất hay "hiền tài là nguyên khí quốc gia", tháng 4 năm 1499, vua Lê Hiến Tông xuống chiếu về việc thi: "Nhân tài là nguyên khí quốc gia. Nhân khí mạnh thì đạo trị nước mới thịnh. Khoa mục là con đường chính của người làm quan, đường chính mở thì chân nho mới xuất hiện. Cho nên ngày xưa dùng khoa thi lấy người tài giỏi thì phải đặt quy chế chia vi cho nghiêm, phải định thể lệ dán tên cho chặt, có lệnh cấm bảo nghĩa cho nhau, đổi sách cho nhau, cốt để ngăn ngừa mầm gian, thu nhiều người giỏi để cung cấp cho nhu cầu dùng người vô cùng của thiên hạ. Phép chọn kẻ sĩ của tổ tông ta bắt chước đời xưa mà làm, đến nay quy mô rộng lớn, đã rất kỹ lại đầy đủ. Song phép lập đã từ lâu, tệ xấu theo đó mà nảy sinh, kẻ tầm thường thì lạm vào hạng thi đỗ, người thực học thì bị gạt ra ngoài vòng, lời bàn tán xôn xao, lòng học trò chưa thỏa. Trẫm giữ cơ nghiệp lớn, rạng tỏ đạo công, sùng chuộng lòng thành, muốn vãn hồi phong tục thuần phác, ngăn cấm lề thói phù hoa, mong trừ bỏ thói tệ kiêu bạc. Để cho bậc hiền triết nối gót bước lên, việc phòng giữ phải đặt ra minh bạch…".

Năm ấy, thi Hội các cử nhân trong nước có tới hơn 5 nghìn người dự thi. Vua nói: "Phép cấm không nghiêm thì không thể ngăn chặn được thói cầu may, rũ bỏ không kỹ thì không thể lấy được người thực giỏi…". Và nhà vua cho Bộ Lễ định ra phép thi, rồi truyền cho các cận thần ra bài thi in đưa xuống từng lều, từng khu của trường thi, vốn được canh gác nghiêm cả ngày. Các khảo quan ai có người thân đi thi năm đó thì đều phải rút ra khỏi việc trông nom thi…

Năm thi đó đã lấy đỗ được 55 người xuất sắc, về sau đã giúp triều đình làm được nhiều việc hữu ích…

Đi đôi với việc tuyển chọn người tài, vua Lê Hiến Tông cũng không quên tiến hành các đợt giảm biên chế đội ngũ thư lại để lực lượng này ngày một "y phục xứng kỳ đức". Tháng 6 năm 1499, nhà vua sắc cho Thượng thư Lại bộ Trần Cận: "Ỷ vào phép nước mà đục khoét là thói tệ của bọn lại, thường xuyên sa thải là quy chế của quốc gia. Trước đây chọn lựa không công bằng, bọn lại quá nhiều, rất nhũng tạp. Có kẻ ăn may, chỉ một nghề là được bổ dụng, có kẻ nhờ cậy nhiều ngón, mong được chỗ hơn, hối lộ công khai, thăng quan vượt cấp. Lại có kẻ không viết được bản thảo tờ tâu, phải nhờ người viết hộ. Cũng có kẻ không chép nổi sách, chỉ mánh khóe để kiếm miếng. Bệnh trong tim óc, năm tháng đã lâu. Muốn cho trị giáo trở lại thuần hậu, mà cứ để lũ tiểu nhân đầy đường tắc lối thì không thể làm được.  Ngươi phải gửi công văn cho các nha môn trong ngoài các xứ trong nước, hạn trong ba tháng, các quan phụ trách phải làm bản tâu rõ người nào thanh liêm, chính trực, kẻ nào gian tham, ngu  dốt, cùng những người già cả, hèn yếu, thì cho về hết thảy, theo như lệnh mà thải ra. Lại chọn con em nhà lương thiện, có xã trưởng bảo đảm, nếu khai gian thì trị tội chết, mới cho vào thi mà bổ dụng…".

Ngày 21 tháng 10 năm 1499, nhà vua ra sắc dụ Lại bộ Thượng thư Trần Cận, Lại khoa đô cấp sự trung Lê Tung: "Tước thưởng là thuật khuyến khích người đời, khảo khóa là phép xét thực quan lại. Giáng kẻ dở, thăng người hay, Ngu Thuấn do đó mà làm nên mọi việc; thâu tóm danh, khảo sát thực, Hán Tuyên vì vậy mà dấy nghiệp trung hưng.  Là bởi ở trên đã mơ máy thần cổ vũ thì bên dưới tất phải mài chí lớn vươn lên. Việc yêu ghét không công bằng thì lấy gì khuyến khích răn đe được? Nhà nước ta đặt quan theo đời xưa, dùng người giúp chính sự. Việc khảo sát, điều tra đã tường tận, lại đầy đủ. Thế mà tại sao các quan lại coi đó là mớ hư văn? Trưởng quan không phân biệt kẻ hiền người ngu, chỉ chiếu lệ cho rằng giỏi giang đáng chọn; cai ty chẳng rõ kẻ dở người hay, cứ nhất loạt coi là liêm khiết, tài năng. Thuyên tào chỉ cân nhắc lấy lệ, Lại khoa cũng ít khi bác đi. Người vất vả tận tụy, hằng bao năm mới được thăng quan; kẻ hèn kém gian tham thì mau chóng đội ơn tiến chức. Quan trường nhũng lạm, bởi đó mà ra. Nay ta buổi mới lên ngôi, càng bức thiết thay đổi chính sự…".

Không phải ngẫu nhiên mà những năm vua Lê Hiến Tông ngự trên ngôi báu, nước Việt đã được thanh bình phát triển. Tiếc thay, tháng 4 năm 1504, nhà vua ngự về Lam Sơn, lúc quay ra kinh thành thì bị ốm. Tới ngày 23 tháng 5, vua Lê Hiến Tông đã băng hà ở tuổi 44 đầy sung sức

Lương Sinh
.
.