Hãy khiếm tốn giản dị

Thứ Hai, 09/11/2009, 08:24
Nhìn thấy đầy đủ con cháu. Ông mới cất tiếng nói: "Cả đời ta lo gây dựng cho con cháu, chỉ mong các con, các cháu giữ được đức tính "khiêm tốn, giản dị". Thế mà khi nằm xuống, ta nghe con cháu kể lể, tán tụng công lao của ta suốt một tuần nay. Ta thật không yên lòng mà ra đi, phải gắng gượng ngồi dậy để nhắc nhở con cháu lần cuối hãy: "Khiêm tốn, giản dị"..."

Năm 1963-1964, tôi được Bộ cử đi học một năm tại Đại học An ninh Liên Xô. Thời kỳ này ở Liên Xô đã có chuyện tế nhị trong quan hệ Xô - Mỹ nên chúng tôi ở nội trú trong trường, ít ra ngoài phố để tránh được những sự phức tạp.

Trong đoàn có hơn mười người, toàn là cán bộ lãnh đạo các Vụ, Cục và Công an các địa phương. Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đồng chí Ngô Ngọc Du, Thứ trưởng phụ trách công tác Đảng, gặp đoàn trước khi đi. Các đồng chí chỉ định ban lãnh đạo đoàn (đồng thời là Ban Chi ủy) gồm ba người: Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Trưởng ty Công an Hồng Quảng, làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Chi bộ. Tôi, Dương Khắc Thụ, được cử làm Phó đoàn, kiêm Phó Bí thư Chi bộ và đồng chí Nguyễn Văn Rỉnh, Trưởng ty Công an Lạng Sơn, là Chi ủy viên.

Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nhắc lại lời Bác Hồ căn dặn khi đồng chí báo cáo việc cho cán bộ đi học. Bác nói: "Học về phải tự mình làm theo cách của Việt Nam chứ chẳng ai dạy bí mật cho mình đâu".

Một năm sống giữa Moskva chúng tôi hiểu thêm về nhân dân và phong tục tập quán tốt đẹp của Liên Xô. Có thể nói tình cảm của chúng tôi khi đó đã hòa nhịp cùng nhân dân Liên Xô anh em.

Chúng tôi vui mừng khi thấy Liên Xô hơn Mỹ. Chúng tôi lo lắng, băn khoăn khi nghe những việc mà Liên Xô phải nhượng bộ Mỹ. Những đợt sau tôi được sang các nước Đông Âu và qua lại Moskva nhiều lần nên càng hiểu thêm nhiều điều mới mẻ.

Chính vì tôi có điều kiện đi nhiều hơn các đồng chí khác trong các đoàn nên sau này các đồng chí trưởng, phó đoàn thường lấy tôi làm người thay mặt. Cũng vì vậy, tôi đã gặp những tình huống bị "bỏ bom" tưởng chừng thót tim.

Chẳng hạn có lần đoàn Việt Nam đến thăm một trại nuôi gà ở Bulgaria. Khi cô giáo mời mọi người cùng khiêu vũ thì đồng chí Tô Thiện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng, lúc đó là Trưởng đoàn, chỉ định "đồng chí Dương Khắc Thụ đứng dậy nhảy thay mặt cả đoàn". Tôi nghĩ thầm trong bụng: "Lần này thì gay go đây". Nhưng rồi tôi cũng đứng dậy khi cô giáo giơ tay mời, tôi một tay nắm tay cô giáo, tay kia nắm tay đồng chí Trưởng đoàn, mời cả đoàn ta cùng hát bài "Kết đoàn". Tiếng hát vang lên, lôi cuốn cả các bạn cùng vỗ tay theo nhịp hát, khi bài hát kết thúc, tất cả mọi người, cả bạn và ta cùng đứng lên vỗ tay hồi lâu mới dứt. Tôi thở phào và tự nhủ: "Thế là xong!".

Đợt sau này là vào năm 1980, đoàn chúng tôi sang học tại Học viện Cảnh sát Liên Xô, cũng ở giữa thủ đô Moskva nhưng không ở nội trú mà học trong Học viện, hết giờ về nghỉ tại khách sạn Varshava cách nơi học 9 - 10km, có xe của Học viện đưa đón. Đoàn chúng tôi gồm hơn 10 người, trong đó có anh Thưởng, Trưởng ty Công an Đường sắt; anh Tiến, Phó Giám đốc Công an Hà Nội; anh Diễn, Phó Giám đốc Công an Hải Dương… Giảng viên là người Nga được giới thiệu là Tiến sĩ Luật - khoa học xã hội đã lên lớp cho chúng tôi mấy ngày, có thói quen sau mỗi đoạn lại hỏi: "Các đồng chí đã hiểu chưa?" (tất nhiên là chúng tôi nghe giảng qua phiên dịch).

Anh Tiến ngồi cạnh tôi, nói nhỏ: Mình đầu hai thứ tóc, đánh đổ ba kẻ thù Nhật, Pháp, Mỹ thế mà "nhãi ranh" chỉ bằng tuổi con mình cứ hỏi "Hiểu chưa, hiểu chưa"… Tuy Tiến nói khẽ nhưng do phòng học hẹp, lại im ắng nên có thể là thầy đã nghe thấy vì thấy thầy nhìn xuống chỗ Tiến xong lại hỏi phiên dịch điều gì đó. Tôi chột dạ, vội lấy tay che mồm khẽ gọi phiên dịch bảo cậu ta phải dịch khác đi.

Hết giờ học tôi hỏi lại phiên dịch, đồng chí ấy bảo: "Cháu dịch là hai bác nói chuyện quê nhà".

Cứ tưởng thế là xong. Nào ngờ…

Sáng hôm sau thầy đến lớp sớm, vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Thầy nói: "Hôm nay tôi đến sớm một chút và muốn kể cho các bác nghe một câu chuyện cổ ở quê hương tôi…". Thầy bắt đầu kể bằng một giọng trầm ấm. Tuy không rành tiếng Nga, nhưng chúng tôi cũng thấy rất tình cảm.

"Ngày xưa, có hai ông bà, phải nói là nghèo xơ, nghèo xác lại đẻ nhiều con trai, con gái tất cả đến tám, chín người. Ông bà nai lưng ra làm lụng, và hết sức tằn tiện mới nuôi nổi đàn con khôn lớn.

Rồi bà mất, để lại cả gia đình ông cáng đáng.

Cứ thế bằng tài trí và công sức của mình, dần dần ông gây dựng cho mỗi con một cơ nghiệp. Tất cả trai gái, dâu rể, các cháu nội ngoại đều thấy công lao của ông là rất lớn, cứ nghĩ là ông còn sống lâu. Nào ngờ, ông bỗng sinh bệnh.

Một buổi đẹp trời, ông gọi con cháu đến đông đủ và nói rằng thấy bà về để đón ông đi. Biết ông nói mê nói sảng, nhưng con cháu vẫn tập trung tìm thầy chạy thuốc mong ông qua khỏi, còn nước còn tát. Kéo dài được năm nào hay năm ấy. Nhưng rồi bệnh mỗi ngày một nặng. Cuối cùng ông qua đời.

Sau khi ông mất, con cháu họp nhau lại bàn việc làm đám tang sao cho xứng với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Hồi ấy, theo tục lệ ở Nga, người ta quàn quan tài ông ở giữa sân, bắc rạp và cúng lễ linh đình suốt bảy ngày.

Mọi người ngồi quanh quan tài vừa khóc lóc vừa không ngớt kể lể ca ngợi công lao của ông với con cháu.

Đến ngày thứ bảy, bỗng nắp quan tài bật lên, và ông ngồi nhỏm dậy. Con cháu vội gọi nhau xúm lại, người thì mừng rỡ vì tưởng ông sống lại, người thì mê tín cho là quỷ nhập tràng sợ hãi không dám lại gần.

Nhìn thấy đầy đủ con cháu. Ông mới cất tiếng nói: "Cả đời ta lo gây dựng cho con cháu, chỉ mong các con, các cháu giữ được đức tính "khiêm tốn, giản dị". Thế mà khi nằm xuống, ta nghe con cháu kể lể, tán tụng công lao của ta suốt một tuần nay. Ta thật không yên lòng mà ra đi, phải gắng gượng ngồi dậy để nhắc nhở con cháu lần cuối hãy: "Khiêm tốn, giản dị". Có công lao đóng góp cho đời là tốt nhưng đừng nên lúc nào cũng kể công, từ đó mà sinh ra kiêu ngạo, cho mình là trên hết, không chịu học hỏi người khác, nhất là những người kém mình về tuổi đời. Hãy khiêm tốn, giản dị! Các con, các cháu hãy nhớ lấy điều này".

Nói xong, ông lại nằm xuống và lần này thì chết thật.

Ngừng một lát, thầy lại nói tiếp:

- Tôi kể câu chuyện này để các bác suy ngẫm. Ở Liên Xô cũng có những người cứ luôn luôn "khoe" chuyện Liên Xô đã hy sinh hơn hai chục triệu người để cứu cả loài người, chẳng hiểu những người ấy đã nghe chuyện này chưa? Ngay khách sạn Varshava mà các bác đang nghỉ cũng gợi cho ta suy nghĩ về đất nước Ba Lan. Về địa lý cũng như dân số, Ba Lan rất gần với Việt Nam. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đức quốc xã đã biến Ba Lan thành một trại tập trung khổng lồ. Bảy triệu người Ba Lan đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống phát - xít. Giờ đây nhắc lại người ta đau xót, căm thù, nhưng cũng có quyền tự hào chính đáng. Nhưng nào có ai kể công lao gì đâu! Thật khiêm tốn, giản dị thay!

Thầy ngừng nói, tất cả mọi người đều im lặng suy nghĩ.

Tôi bấm vào đùi Tiến và khẽ nói: "Thế nào? Cậu đã thấy thầy Nga chưa?".

Tiến chỉ bặm môi, không nói gì…

Đại tá Dương Khắc Thụ (Nguyên giám đốc Công an Hải Phòng)
.
.