Hậu sinh luận bàn câu đối

Thứ Năm, 11/12/2014, 15:02
Trong khoảng chừng mực nào đó của đời sống này, thì việc ngẫm nghĩ về ngôn ngữ cũng là sự thú vị. Ví như khi xưa, còn học tiểu học, nghe cô giáo đưa ra vế: Con cá đối nằm trên cối đá, hay Chim sáo sọc chê anh sóc sạo, tự cảm thấy sự huyền ảo của tiếng nước mình mà càng thêm kính ngưỡng với tiền nhân, thương yêu thêm tổ quốc.

Tiếc rằng kiến văn hữu hạn quá chừng, lại thêm nỗi không vốn liếng nhiều về cổ từ, nên chỉ dám thưởng ngoạn và tán dương theo từng chương hồi của các bậc cao nhân trong làng viết.

Như Tiên sinh Lãng Nhân cách đây hơn nửa thế kỷ từng luận: “Trong lúc tiêu nhàn khiển muộn, ta thường dùng văn chương để di dưỡng tính tình. Hoặc làm câu đối dán cửa dán phòng khách, dán vườn hoa để tỏ chí hướng, hoặc họp bạn uống rượu ngâm thơ, hoặc làm câu hát cho ả đào phổ vào đàn phách, hoặc chỉ nói lên vài câu bông lơn bóng bảy về một đề tài thời sự khiến cho khiếu trào lộng bị kích thích, rồi trong những chuỗi cười ròn rã, có khi nảy ra một đôi phút xuất thần mà thành “nhả ngọc phun châu””.

Vì là kẻ hậu sinh, nên có gì thất thố kính mong các bậc trưởng thượng lượng thứ.

1. Thời Minh Mạng, có chiếu buộc phụ nữ miền Bắc phải mặc quần, không được mặc váy nhằm cố thoát Trung Hoa về trang phục, ý chừng muốn biệt lập hoàn toàn với văn hóa phương Bắc. Bán buôn ở chợ, lính gác xung quanh. Thấy phụ nữ mặc quần thì cho vào, thấy đàn bà mặc váy thì đuổi về.

Phụ nữ miền Bắc, vốn có thói quen mặc váy. Lâu dần, thành quen. Quen rồi thấy với váy luôn tiện cho mọi việc. Từ chuyện đồng áng cho đến sinh hoạt cá nhân. Vì vậy, vô hình trung mà chiếu vua Minh Mạng thành luật lệ đầy phiền toái đối với nữ giới miền Bắc thời ấy.

Chiếu vua đâu phải chuyện có thể tranh cãi, nhưng nhân dân từ xưa đến nay, luôn có cách phản ứng rất riêng. Vậy là có câu ca dao: Tháng Tám có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng/ Không đi thì chợ không đông/ Đi thì phải mượn quần chồng sao đang.

Hết thời Minh Mạng, đến thời vua Thiệu Trị, Thiệu Trị truyền ngôi sang thời Tự Đức. Tự Đức lên ngôi năm 19 tuổi, được đánh giá là người thông thái. Đáng tiếc, quần thần thì lại không giỏi như thời trước.

Dưới thời Tự Đức, có Phó bảng Phan Văn Ái, quê Hưng Yên, hiệu là Đồng Giang, Chuyết Phu… Phan Văn Ái tính tình phóng khoáng, thích ngâm thơ xướng vịnh, có tài ứng đối rất linh hoạt.

Bữa rượu vui, bạn bè đọc lại câu ca dao liên quan đến váy với quần, rồi thách Phan Văn Ái đối. Phan Tiên sinh, tay vẫn cầm rượu, mắt vẫn nhìn bạn, không nghĩ mà đọc: Vắng thiếp bỏ phen cho cháo ế/ Thương chàng chịu tiếng nấu canh suông.

Cái thần kỳ ở hai vế đối chính là cứ tưởng đây là hai câu bình thường, nhưng đều mượn lối văn học truyền khẩu của dân gian mà thành.

Vắng thiếp bỏ phen cho cháo ế, lấy từ hai câu ca dao Ngán thay buổi chợ ngày mưa/ Cho cháo tôi ế, cho dưa tôi nồng.

Thương chàng chịu tiếng nấu canh suông, lấy từ câu tục ngữ Nấu canh suông, ở truồng mà nấu.

Phan Tiên sinh làm hai câu ngẫu nhiên, mà lột tả được hết sự bức bối của phụ nữ miền Bắc sau đạo dụ của vua Minh Mạng. Mặc váy không được vào chợ thì hàng ế. Còn mượn quần chồng đi chợ thì không nhẽ để chồng ở nhà cứ tồng ngồng, rồi không may cô hàng xóm tối trời đi lạc vào nhà mượn que cời than, cầm nhầm thì biết lấy gì mà giữ(?).

Thật là tận tài.

2. Áng chừng hai mươi năm trước, khi còn ở quê. Đến trường làng có nghe cô giáo thường đọc câu đối: Con ngựa đá con ngựa đá. Tưởng đó chỉ là bài dạy cách nói vần sơ khai, có biết đâu tự xưa đã có.

Vua Duy Tân, ra câu đối cho quần thần: Đi chi đường đạo sợ cụ. Vế đối rất cắc cớ, vì chi cũng là đi, đạo cũng là đường, mà cụ cũng là sợ.

Thượng thư Bộ lại Nguyễn Hữu Bài, đã đối lại như sau: Không vô trong nội nhớ hoài. (Vô cũng là không, nội cũng là trong, hoài cũng là nhớ).

Tôi không biết Nguyễn Thượng thư có được vua khen hay không, nhưng có nhẽ đó là câu đối không thể chuẩn hơn. Với lại, khen Thượng thư Bộ lại hóa bằng thừa, bởi trước khi trở thành Thượng thư, Nguyễn Tiên sinh đã kinh qua các chức vụ quan trọng, như: Thái phó, Võ hiển điện Đại học sĩ, Cơ mật Viện trưởng đại thần… Tiếc rằng vua Bảo Đại từ Pháp về tiếp ngôi, trọng Tây học đã cắt chức một lúc năm Thượng thư các Bộ: Lại, Hình, Binh, Lễ, Công. Nguyễn Hữu Bài nằm trong số năm vị Thượng thư bị cắt chức.

Lại có câu cũng cực hay liên quan đến một miền ký ức mà tôi vừa nhắc, Con ngựa đá con ngựa đá/ con ngựa đá không đá con ngựa. Vế này, còn trúc trắc hơn gấp nhiều lần vế đối mà cô giáo đọc khi xưa.

Vế đối được tạm chấp nhận là: Thằng mù nhìn thằng mù nhìn, thằng mù nhìn không nhìn thằng mù.

Ngựa đá ngựa đá, ngựa đá không đá ngựa. Vật sống đá vật vô tri, vật vô tri không đá vật sống.

Thằng mù nhìn thằng mù nhìn (Một vài nơi gọi là thằng bù nhìn, người nộm bằng rơm để đuổi chim chóc khi nông trang đến mùa thu hoạch), thằng mù nhìn không nhìn thằng mù. Vật sống nhìn vật vô tri, vật vô tri không nhìn vật sống.

Sau nữa, có hai vế đối của một nữ sĩ (Thú thật là tôi cũng không biết nữ sĩ tên gì - N.T.M), tài tình không kém: Thầy lang băm thầy lang băm, thầy lang băm hăm băm thầy lang. Đối, Ông thầy hù ông thầy hù, ông thầy hù cứ hù ông thầy.

Trong Hơn nửa đời hư cụ, Vương Hồng Sển có viết: “Một tháng một kỳ, đúng ngày rằm tốt ngày, mẹ tôi sai đi tiệm hớt tóc cho thầy hù chực cạo đầu một lần, và mỗi lần cạo đầu là mỗi lần nước mắt tuôn rơi”. Trích vậy, có lẽ bạn đọc dễ hình dung về ông thầy hù.

Còn thầy lang băm, đã thành một danh từ thông dụng, thiển nghĩ tôi không phải lạm bàn nữa.

Bản thân ngôn ngữ, luôn chuyển động và nằm ngoài ý chí của con người, vốn dĩ tôi nghĩ vậy. Những từ mà ngày xưa tiền nhân dùng có khi là thông dụng, nhưng hiện tại thì người ta từ chối vì cho nó là tục tĩu, là dơ dáy, là hủ lậu hay là suy đồi. Thế nhưng, đã lạm bàn câu đối thì không thể bỏ qua được. Theo thiển ý của mình, tôi cho rằng, cố ý bỏ qua là lẽ quấy, nên đã dự tính cố trích hầu bạn đọc. Đáng tiếc, có hai câu đối rất hay của danh sĩ Hoàng Phan Thái nhưng tuyệt nhiên không thể trích để in báo được, đành khất với bạn đọc. Đành đền cho bạn đọc vế đối rất độc đáo dưới đây vậy.

Nguyễn Hàm Ninh và Trần Tiên Ích, hai danh sĩ đất Quảng Bình làm cố vấn cho hai nhóm trai gái đối đáp nhau. Xưa, làng Pháp Kệ đất Quảng Bình có lệ trai gái cưới nhau, sẽ phải thách nhau vài câu đối đáp thì mới cho rước dâu, nhập làng.

Trần Tiên Ích cố vấn cho nhà gái ở làng Pháp Kệ trước đám hỏi của trai làng Trung Ái, câu “Đầu cúi tay mò bơn hói Kệ”. (Hói, là con sông nhỏ chảy qua làng Pháp Kệ). Câu đối đưa ra, ẩn toàn bộ hình ảnh của chú rể đêm động phòng, đầu thì cúi, tay thì mò. Mò gì, thì chỉ có tân lang và tân nương biết vậy.

Nguyễn Hàm Ninh cố vấn cho trai làng Trung Ái, đáp: “Chân quỳ miệng ngậm bống Khe Giang” (Khe Giang là cái khe chảy qua làng Trung Ái).

Bống đối với bơn, hói đối với khe, quỳ đối với cúi… Lại cá bống có hình thù vừa tròn vừa dài, còn gì hình ảnh hơn  nữa. Chuyện hoan lạc trong hình ảnh từ sự tưởng tượng cứ tràn ra, trai gái hai làng cười nắc nẻ.

Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên Nguyễn Công Trứ. Ôi, quan tước thì nay có mai mất, hậu thế không đoái mà suy. Có ai từng nhớ Nguyễn Công Trứ 41 tuổi mới đỗ Giải Nguyên (người đậu cao nhất trong kỳ thi hương), được bổ ra làm quan, có lúc giữ đến chức Tổng đốc, thượng thư… Rồi lại bị giáng chức, bắt làm lính. Xong lại phục chức, cho làm Phủ doãn. Hậu thế chỉ nhớ hảo hán Nguyễn Công Trứ, với Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông. Cái khí phách trong con chữ của cụ phần nào đó át cả việc cụ là văn võ toàn tài, quan văn cũng hay mà quan võ cũng giỏi. Trường văn trận bút, sa trường da ngựa… cụ đều am tường. Thế mới hay, người Việt mình còn trọng con chữ lắm lắm.

Sinh thời, cụ Nguyễn theo học thầy đồ trong làng. Thầy đồ xưa nghèo túng, ở trọ nhà chủ nhà để dạy học, vừa dạy cho con chủ nhà vừa dạy cho trẻ trong làng để kiếm thêm chút ít.

Một hôm, chủ nhà ngồi cùng thầy đồ truy bài học trò. Xong, lại ra câu đối thử thách. Cụ Nguyễn khi ấy tám tuổi, chỉ được dự khán, cấm vọng động. Mặc cho cụ nức tiếng mẫn tiệp, thông minh.

Chủ nhà chỉ cây hoa sứ (cây đại) trước sân nhà, ra vế đối: Ngoài vườn cây đại nở hoa đại. (đại là hoa đại, cũng nghĩa đại là to, rồi còn cả từ ấp)… Học trò lúng túng nhìn nhau, chưa biết đối lại thế nào. Cụ Nguyễn đang tuổi  ham vui, nhấp nhổm xin được đối.

Thầy đồ và chủ nhà đều đồng ý, được cho phép, cụ đọc sang sảng: Trong nhà ông Trung ấp bà Trung.

Trung, là tên chủ nhà. Học trò nghe đối cười khúc khích, ngay cả thầy đồ cũng phải che miệng giữ ý. Chủ nhà thẹn lắm mà không biết làm sao, đành xuề xòa cho qua vì cụ Nguyễn đối chuẩn quá. (Trung đối với đại, ấp đối với nở, trong nhà đối ngoài vườn).

Câu đối, thật là vi diệu. Càng đọc càng mê mẩn.

Ngô Tuệ Minh
.
.