Hai người vợ của thi sĩ Nga Esenin

Thứ Bảy, 19/01/2008, 15:00
Những người phụ nữ từng làm vợ một thi sĩ như Esenin đều phải chịu vô vàn khổ hạnh. Họ đã phải nuốt đi những trái đắng riêng tư để thi nhân viết nên những dòng thơ mật ngọt nhất cho đời.

"Tôi từng có ba nghìn phụ nữ" - một lần khi đã ngà say, "đệ nhất thi nhân" xứ sở bạch dương Sergey Esenin buột miệng khoe với đám bạn rượu như vậy. Trước cái nhìn đầy hoài nghi của đám đông xung quanh, anh lại mỉm cười: "Thì chí ít cũng phải ba trăm! Mà thôi, chỉ có ba chục thôi!...".

Với một thi nhân hồn nhiên và tràn trề thiên bẩm thi ca như thế, thử hỏi liệu có người phụ nữ nào cầm lòng được nếu như anh đã phải lòng họ một cách đắm đuối và thực lòng. Tất nhiên, khó có thể trách nếu người thơ xúc cảm hay biến thiên như gió...

Những cuộc chia tay không hẹn trước không bao giờ có thể xóa bỏ được cảm giác hân hoan về những niềm hạnh phúc đã thực có. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, tất cả những người phụ nữ từng làm vợ một thi sĩ như Esenin đều phải chịu vô vàn khổ hạnh. Họ đã phải nuốt đi những trái đắng riêng tư để thi nhân viết nên những dòng thơ mật ngọt nhất cho đời.

Đầu tiên và bi thảm

Năm 1912, chàng trai Sergey 17 tuổi  mới từ thôn quê Riazan (anh sinh ngày 3/10/1895), mắt xanh tóc vàng óng như lúa mạch, trông chẳng khác gì một thiên thần giáng thế, ngơ ngác ra Moskva phù hoa.

Với những âm điệu thi ca trong vắt của hồn quê Nga vạn thuở, Esenin muốn chinh phục cả thế giới ngay lập tức nhưng bước đầu chưa thành công nên đành phải xin vào làm một chân sửa morasse ở nhà in Sytin. Đi đâu anh cũng diện bộ vest màu nâu cùng cái cà vạt xanh rực rỡ với hy vọng sẽ nhanh chóng làm cho các tòa báo biết tài mình và các cô gái phải mê mình đắm đuối.

Thế nhưng, những bài thơ của anh lại bị các biên tập viên từ chối, còn các mỹ nhân thành phố thì cứ nhìn thấy anh là mỉm cười giễu cợt vì giọng nói nhà quê, cái cà vạt sặc sỡ và phong thái trai làng. Chỉ riêng cô sinh viên Anna Izriadnova, cũng làm thêm bằng nghề sửa morasse như Esenin, mới có con mắt xanh để nhìn thấy trong chàng trai kém mình tới bốn tuổi một thi nhân đích thực.

Và Sergey khi đó đã cảm thấy không có ai hiểu anh hơn Anna, không có ai trên cõi thế này yêu anh hơn Anna! Có cô, Esenin như trưởng thành hẳn lên; anh không còn là một chàng trai mới lớn nữa mà là một trang nam nhi đích thực, một người chồng!

Cuộc sống gia đình của Esenin đã được bắt đầu thật viên mãn cùng Anna trong căn phòng nhỏ thuê ở cửa ô Serpukhov. Việc nhà và việc sáng tác hòa quyện vào nhau, thoạt đầu thực thú vị.

Chẳng bao lâu sau, Anna có mang. Với thi sĩ, nếu phải chúi mũi vào việc nhà bên người vợ bụng mang dạ chửa thì chẳng thể nào làm thơ được nữa. Thế là Esenin phải một mình đi Krym tìm thi hứng. Trở về, anh tràn trề ý tưởng và ngồi sáng tác liên miên cả ngày. Anna không hề thở than hay đòi hỏi gì hơn ở chồng. Cô yêu anh vô điều kiện. Và anh cũng cảm thấy được như thế là thuận lợi lắm rồi.

Tháng 12/1914, Esenin đưa vợ vào nhà hộ sinh. Anh rất tự hào với đứa con trai mới đẻ ngày 21. Trước khi Anna từ nhà hộ sinh về, Esenin đã dọn phòng sạch sẽ tinh tươm như chưa từng bao giờ được thế. Anh tự tay nấu ăn cho vợ. Chàng thi sĩ 19 tuổi nhìn vào gương mặt đứa con sơ sinh cố tìm những nét giống mình và cảm thấy tràn trề hạnh phúc. Đứa trẻ được đặt tên là Yuri.

Tuy nhiên, hồn một thi sĩ như Esenin vốn mỏng manh và không chịu đựng được những phiền toái đời thường. Hạnh phúc gia đình với nhiều nghĩa vụ chẳng bao lâu sau khiến Esenin cảm thấy mệt mỏi. Tiếng khóc con trẻ, những cái tã bẩn, những đêm thức trắng vì con ốm...

Ba tháng sau khi con trai ra đời, Esenin rời Moskva đi Petrograd với lý do là để thử vận may trên thi trường. Mà cũng có thể anh đã chạy trốn khỏi các nghĩa vụ làm cha, làm chồng của mình.

Gần một năm trời anh cứ nay đây mai đó với tâm trí rối lẫn trong những ràng buộc của thơ và đời. Anh cố gắng giúp đỡ vợ con trong những điều kiện vật chất có thể nhưng thơ thì giúp người ta kiếm được bao nhiêu tiền? Cả tình yêu của Anna lẫn đứa con nhỏ đều đã không đủ sức khiến Esenin bình ổn lại.

Thêm vào đó, những thành công thi ca hoành tráng đầu tiên lại bắt đầu khiến Esenin trở nên say sưa với những lời ngợi khen về một tài năng thi ca thiên bẩm kiệt xuất. Anh trở thành một nhà thơ hợp mốt và liên tục được các salon văn học thượng lưu chèo kéo. Ở đâu cũng có khối người muốn cụng ly với một thiên tài thi ca. Có lẽ chính từ lúc ấy, từ một ca sĩ của đồng quê Nga, Esenin đã dần dà trở thành một du đãng ca trong đời sống thị thành từ lúc nào chẳng rõ.

Và cuộc hôn nhân đầu tiên của anh cũng đã tan vỡ. Trong hồi ký của mình, Anna Izriadnova viết: "Tôi có được gặp anh ấy không lâu trước khi anh ấy chết. Anh ấy tới và nói lời xin lỗi. Khi tôi hỏi vì sao lại phải xin lỗi, anh ấy nói: "Anh chuồn đây, anh rời khỏi đây thôi, anh cảm thấy mình không khỏe, có lẽ anh sẽ chết". Anh ấy bảo tôi đừng chiều con, hãy bảo vệ con...".

Sau khi Esenin chết, tòa án quận đã xử vụ công nhận Yuri là con trai của Esenin. Ngày 13/8/1937, ông Yuri Esenin đã bị xử tử với lời buộc tội có liên quan tới một vụ mưu sát chính trị.--PageBreak--

Ám ảnh trọn đời

Mùa hè năm 1917, Esenin cùng một người bạn ghé vào tòa soạn Báo "Sự nghiệp nhân dân". Anh đã choáng váng khi nhìn thấy cô thư ký ở đó, Zinaida Raikh. Đó là một mỹ nhân hiếm có. Trước đây anh chưa từng được gặp ai xinh đẹp thế. Thêm vào đó, nàng lại còn cực kỳ thông minh, có học. Nàng đang mơ ước trở thành nghệ sĩ biểu diễn...

Esenin đã không tiếc lời để thuyết phục Zinaida đi cùng anh lên phương Bắc, để yêu thêm nước Nga và yêu thêm nhau. Trên đường đi, họ đã làm lễ thành hôn tại một nhà thờ nhỏ gần TP Vologda, chân thành tin tưởng rằng họ có thể sống cùng nhau tới đầu bạc răng long, cùng chết trong một ngày.

Trở về Petrograd, hai người ở cùng nhau trong căn hộ của nàng. Zinaida kiếm đủ tiền chi tiêu cho cả hai người và nàng đã cố gắng tạo cho Esenin mọi điều kiện thuận lợi để sáng tác.

Zinaida có mang. Yêu vợ, Esenin bỗng trở thành một kẻ có tính ghen tuông khủng khiếp. Anh không ngớt dựng lên những cơn hờn giận có cớ và vô cớ. Chàng thi sĩ mắt xanh tóc vàng trông rất đỗi hào hoa khi nổi cơn ghen lại hành xử rất điển hình phong cách Nga: đầu tiên là đánh vợ, rồi sau đó lăn lộn dưới chân xin được tha thứ! Đàn bà cả nể, ai chẳng dễ mủi lòng.

Năm 1918, Esenin cùng vợ rời Petrograd. Zinaida về lại thành phố quê hương Oriol để chờ ngày lâm bồn, còn Esenin cùng một người bạn trai tá túc trong một phòng trọ ở trung tâm Moskva. Và anh lại trở về nếp sống phóng đãng của giới văn nghệ sĩ trai tân: rượu chè, trai gái... Và làm thơ không mệt mỏi.

Ngày 29/5/1918, con gái của thi nhân cất tiếng khóc chào đời. Zinaida đặt cho con gái tên của bà nội, Tatiana (theo phong tục Nga, đó là cách để bày tỏ lòng kính trọng và tình yêu). Đó là một cô bé tóc vàng mắt xanh cực kỳ dễ thương.

Thế nhưng, khi Zinaida bế con lên Moskva thì anh chàng thi sĩ phóng đãng đã đón tiếp vợ con mình tệ đến mức ngay ngày hôm sau, chị đã phải bế con trở lại Oriol. Ân hận, Esenin hết lời xin thứ lỗi và Zinaida cũng tha thứ cho chồng.

Tuy nhiên, ngựa quen đường cũ, sống cùng vợ, Esenin lại lên những cơn ghen thường nhật, thậm chí khi vợ có mang đứa con thứ hai, anh cũng vẫn thường xuyên thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chị.

Rốt cuộc là Zinaida dù nhân hậu và nhẫn nại đến mấy cũng đành phải bỏ thi nhân về với cha mẹ mình. Dù thế chị vẫn còn rất yêu Esenin. Khi đứa con trai thứ hai ra đời (ngày 3/2/1920), Zinaida đã đặt tên con là Kostia, để tưởng nhớ tới làng quê Konstantinovo, nơi chôn rau cắt rốn của Esenin.

Sinh con rồi, Zinaida quyết chí lao mình vào con đường sân khấu và dần dà trở thành một nữ nghệ sĩ lừng danh. Ngày 2/10/1921, tòa án ở TP Oriol chính thức cho phép chấm dứt cuộc hôn nhân giữa Esenin với vợ.

Sau đó, Zinaida đã đi bước nữa cùng với đạo diễn sân khấu vĩ đại Maierkhold. Vị đạo diễn nhân hậu này đã nuôi dưỡng con gái và con trai riêng của vợ như con đẻ.

Còn Esenin, để chứng minh tình yêu của mình đối với hai đứa con, luôn mang trong túi ngực ảnh của chúng. Anh cũng thường xuyên gửi tiền bạc cho người vợ cũ để phụ giúp con mình. Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, thỉnh thoảng anh cũng gặp gỡ với Zinaida, khiến đạo diễn Maierkhold không khỏi ghen tuông.

Có thông tin cho rằng, trong số những người vợ của mình, Esenin yêu nhất là Zinaida và yêu cho tới khi chết, mặc dù sau chị, anh còn lập gia đình với không chỉ một người phụ nữ nữa.

Cuối mùa thu năm 1925, không lâu trước khi chết, Esenin đã tới thăm Zinaida cùng hai đứa con. Khi đó, thi nhân đã chuyện trò với cô con gái Tatiana như với một người lớn. Anh nổi giận khi thấy hai đứa con của mình phải đọc những cuốn sách thiếu nhi kém chất lượng đến thế. Anh dặn: "Các con phải đọc thơ của cha!".

Lần ấy, thuận hòa được với hai con nhưng Esenin lại có những câu nói làm cho Zinaida đau đớn, khiến cuộc chia tay cuối cùng của họ lại kết thúc trong khắc khẩu và nước mắt.

Esenin chết ngày 28/12/1925 trong những tình huống phức tạp và chưa rõ ràng cho tới tận ngày hôm nay.

Gần 12 năm sau, mùa hè năm 1937, Zinaida cũng bị giết chết trong căn hộ ở Moskva của mình. Có nhiều dư luận về những nguyên do dẫn tới vụ sát hại này

Huyền Anh
.
.