Hai lần vào tuyến lửa

Thứ Năm, 05/02/2015, 17:25
Ông không phải người Điện Biên nhưng lại gắn bó hơn nửa thế kỷ trên vùng biên viễn heo hút này. Thời điểm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông xung phong “Nam tiến” trong đội quân chi viện cho An ninh miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, trở lại Công an tỉnh Lai Châu được 6 tháng thì một lần nữa tình hình Tây Nguyên nóng bỏng, lần thứ hai ông vào Nam chống Fulro.

Có rất nhiều kỷ niệm mà mấy chục năm qua vẫn rừng rực cháy trong ông; những năm tháng chiến đấu trong lòng địch, bao lần đối mặt và cận kề cái chết nhưng lý tưởng và tình cảm của đồng bào miền Nam đã giúp ông và đồng đội trụ vững và chiến thắng trong những thời điểm khốc liệt nhất…

Hai lần “Nam tiến”…

Phải hẹn đến lần thứ ba tôi mới gặp được ông Nguyễn Mạnh Tuấn ở căn nhà riêng rợp bóng cây ở tổ 23, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ. Ông về hưu từ năm 2010 trên cương vị Bí thư Đảng ủy dân chính Đảng tỉnh Điện Biên nhưng dường như khí chất và “máu an ninh” thì chưa một ngày nguội trong huyết quản.

Từ miền quê lúa Thái Bình, năm 1962 sau khi học lớp trung cấp Công an, ông xung phong lên Lai Châu ngay từ hồi tỉnh này tái lập. Hơn 45 năm cống hiến cho cách mạng thì gần 30 năm ông làm công an. Ông từng giữ cương vị Trưởng phòng bảo vệ chính trị IV, Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư Đảng uỷ dân chính Đảng… Nghỉ hưu nhưng ông vẫn luôn đau đáu về công tác an ninh ở miền cực Tây Bắc. Hai con trai cũng theo nghiệp bố giờ đang là những sĩ quan trong các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Điện Biên.

Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất, đang giữ cương vị Phó ban chỉ huy phản gián Công an tỉnh Lai Châu, Nguyễn Mạnh Tuấn vinh dự được chọn cử đi học lớp đào tạo giáo viên trinh sát vũ trang thành phố để chi viện tăng cường cho An ninh miền Nam. 5 giờ sáng ngày 25/8/1972, với mật danh V277.L (Ca cọp xanh), đoàn của ông gồm 60 cán bộ chiến sĩ xuất kích từ Chương Mỹ, Hà Đông.

Gần 6 tháng trời, ông và đồng đội đi bộ theo đường Tây Trường Sơn, dọc sông Xê Băng Hiêng qua các tỉnh: Xa La Van, Xa Văn Na Khẹt, Khăm Muộn và A Tô Pơ (Lào); Ka La Chê, Cần Ché, Công Pông Chàm (Campuchia) rồi về tập kết tại “R” thuộc tỉnh Tây Ninh. Do hành quân dài ngày bị bom đạn, biệt kích của địch, ăn uống kham khổ thiếu thốn, muỗi, vắt, bồ cạp cắn nên hầu như 100% bị sốt rét. Nhiều người bị bom đạn, bị sốt rét ác tính quật ngã phải nằm lại vĩnh viễn trên Trường Sơn...

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn sau ngày thành phố Mỹ Tho được giải phóng (21/4/1975).

Theo quyết định của Bộ Công an, Nguyễn Mạnh Tuấn được phân công về Sở An ninh khu Trung Nam Bộ (tức khu 8) bao gồm các tỉnh: Mỹ Tho, Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang), Long An, An Giang, Bến Tre, Kiến Phong, Kiến Tường (nay là tỉnh Đồng Tháp). Các tỉnh khu 8 thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, là cửa ngõ của Sài Gòn Gia Định, nối liền giữa Sài Gòn với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Sau một thời gian làm công tác huấn luyện nghiệp vụ cho các trinh sát, ông được phân công về đội trinh sát vũ trang thành phố Mỹ Tho trực tiếp hoạt động trong nội thành với tên giả Nguyễn Văn Bình (tức Ba Bình), sinh năm 1952, mật danh liên lạc “B1”.

Vào thành phố, ông được cơ sở bố trí “nhập khẩu” vào một gia đình buôn bán khá giả ở khu phố 3, phường 5, thành phố Mỹ Tho. Nhiệm vụ của ông vào thời điểm này là bắt tay vào công tác nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện sớm âm mưu ý đồ của địch.

Để tạo vỏ bọc hợp pháp, ông mua một xe xích lô để hành nghề với mục đích chủ yếu là làm quen thông thạo địa bàn nội và ngoại thành. Đạp xích lô được một thời gian, ông xin vào công ty điện nước làm nhiệm vụ kiểm tra sửa chữa đường nước, sau đó là phụ xe cho một hãng xe đò Vĩnh Lợi.

Đến thời điểm này, ông đã cơ bản hoàn thành giai đoạn đầu của một trinh sát điệp báo, hoà nhập được vào cuộc sống đô thị, tuyển chọn xây dựng, bố trí được một mạng lưới cơ sở nghiệp vụ cài cắm vào các mục tiêu, đối tượng, địa bàn như: Dinh tỉnh trưởng, Ty Cảnh sát Mỹ Tho, Trung tâm thẩm vấn chiêu hồi, Trung tâm hành quân cảnh lực của địch…

Giữa năm 1973, chiến dịch “Thiên nga phượng hoàng” của địch gây nhiều thiệt hại cho ta. Không ít cán bộ, bộ đội ta mất cảnh giác đã mắc mưu địch, nhận làm tay sai cho địch. Điển hình là tên Nguyễn Văn Tân (tức Mười Tân) là Tỉnh đội trưởng tỉnh Mỹ Tho, Phạm Văn Hà (tức út Hà) là khu uỷ viên khu 8, phụ trách công tác binh địch vận do mất cảnh giác đã bị “Thiên nga phượng hoàng” mua chuộc lôi kéo, nhận làm tay sai cho địch. Đội trinh sát của ông được giao tiêu diệt Mười Tân và Út Hà.

Sau một thời gian nghiên cứu quy luật đi lại, làm việc và sở trường của hai tên này, đội trinh sát đã sử dụng cơ sở lôi kéo nhử chúng ra vùng ven thuộc xã Phú An, gần ngã ba Trung Lương dọc quốc lộ 4 để ăn nhậu sau đó bắt giữ và trừng trị 2 tên phản bội. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tổ trinh sát tiếp tục điều tra làm rõ và bắt giữ 7 tên tình báo “Thiên nga phượng hoàng” ở vùng 20/7 thuộc huyện Chợ Gạo...

Đầu năm 1976 ông được điều động ra Bắc và quay lại nhận công tác tại Ty Công an Lai Châu. Nhưng chỉ chưa đầy 6 tháng, tháng 4/1977 tình hình Fulro ở Tây Nguyên trở lên phức tạp, Bộ Công an trưng tập cán bộ công an tỉnh miền núi có kinh nghiệm đấu tranh chống xưng vua nổi phỉ để tăng cường cho các tỉnh Tây Nguyên. Ông lại tiếp tục lên đường vào Tây Nguyên và về nhận công tác ở Công an tỉnh Lâm Đồng.

Gần 1 năm đấu tranh chuyên án FL77, Công an tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị tăng cường của Bộ Công an đã sử dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ kêu gọi đầu hàng, tiêu diệt làm tan rã cơ bản sư đoàn Fulro vùng 4 chiến thuật, do “chuẩn tướng” tự phong Nicolai làm sư trưởng, đại tá Đa Hút là sư phó, lập lại bình yên cho các vùng Di Linh, Đức Trọng nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung...

…Và những lần thoát hiểm ngoạn mục

Gần 5 năm hoạt động và chiến đấu trong lòng địch, không biết bao lần ông và đồng đội phải đối mặt với nguy hiểm thậm chí ít nhất 5 lần lằn ranh giữa sự sống và cái chết mong manh như làn khói. “Tôi thấy mình là người may mắn, phải chăng là có đồng chí đồng đội phù hộ nên bao lần cận kề sinh tử nhưng lần nào cũng thế, tôi đều thoát hiểm trong gang tấc” – ông bồi hồi kể lại.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn (thứ hai từ trái) cùng với đồng đội Công an tỉnh Lai Châu chi viện cho An ninh miền Nam đang trò chuyện với phóng viên.

Chuyến hành quân 6 tháng vào Nam nhiều lần bom đạn dội thẳng vào đội hình hành quân ông vẫn thoát hiểm; 2 lần bị lũ sông Xê Băng Hiêng cuốn trôi hàng cây số. Những cơn sốt rét ác tính không quật ngã được ông. Hoạt động ở thành phố Mỹ Tho những lần được giao nhiệm vụ tấn công, tiêu diệt đội quân ác ôn, nợ máu hầu như các trinh sát khi bước vào trận đánh đều xác định và chấp nhận hy sinh.

Đầu tháng 11/1974, ông và 2 đồng chí trong đội được giao nhiệm vụ tiêu diệt tên Nguyễn Trung Long - một tên sỹ quan ác ôn có tội ác nợ máu với cách mạng. Long là Trưởng đoàn bình định thuộc sư 7 của địch, đóng tại huyện Cái Bè.

Một hôm ông đang đi nghiên cứu khảo sát đoạn đường từ nhà Long đến công sở làm việc của Long thì bị lực lượng ngoại vụ của Long nghi vấn, theo dõi phát hiện. Ông nhảy xe ôm cắt đuôi nhưng chúng vẫn đuổi rát, ông xuống xe, chạy bộ vào ấp Bình Thạch, xã Phú Bình, huyện Cái Bè và chạy bừa vào nhà một gia đình. Ở nhà lúc này có hai phụ nữ, một người khoảng hơn 50 tuổi, một người khoảng ngoài 20.

Thấy ông vào nhà, hai người rất lo sợ, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra, ông đành thú nhận: “Thưa má và chị, con là bộ đội giải phóng, đang bị địch đuổi bắt, bí quá rồi, con phải chạy vào nhà má”. Bà má đưa cho ông bộ quần áo bà ba bảo mặc vào. Ông mặc xong bộ quần áo chưa biết xử lý thế nào thì chị con gái đã kéo ông lên giường tung chăn ra đắp và ôm ông ngủ như hai vợ chồng. Lúc này quân địch đã vào đến nơi lùng sục ngoài vườn, chúng vào nhà thấy ông và người phụ nữ đang ngủ, chúng chửi tục rồi bỏ đi…

Sau khi bọn địch rút, ông đã xin lỗi và cảm ơn má và chị đã cứu sống. Má nói: “Ơn với huệ làm gì, đây là tình cảm, trách nhiệm của má và gia đình đối với cách mạng. Chồng và con má cũng theo cách mạng nên má hiểu các con giải phóng lắm chớ”.

Tìm hiểu về gia đình, ông được biết má tên là Trần Thị Minh (tức Năm Minh) có chồng là Võ Trí Dũng là bộ đội giải phóng hy sinh năm 1970. Con trai má Võ Văn Sỹ, 27 tuổi (tức Hai Sỹ) là cán bộ quân báo của tỉnh đội Mỹ Tho, làm giao liên, chạy xe đò Mỹ Tho - Sài Gòn. Con dâu má - người đã cứu ông tên là Hoàng Thị Lành (tức Ba Lành). Sau buổi thoát hiểm ngoạn mục đó, má Minh nhận ông là con nuôi…

Sau ngày 30/4/1975 do công việc bận rộn tiếp quản nên ngày 3/5/1975 Nguyễn Mạnh Tuấn mới tranh thủ về thăm má nuôi và anh chị. Cả gia đình có mặt đông đủ, tay bắt mặt mừng vì anh hai và ông vẫn còn sống đến ngày toàn thắng.

Nhiều lần về thăm má, má đều nói với ông: “Thằng Ba lấy vợ ở đây đi, tao đã làm mai cho mày một cô ở đây xinh và ngoan lắm, mày ưng tao lo cưới cho”. Má đã “nhắm” cho ông một cô gái hàng xóm nết na nhưng do yêu cầu công việc, tháng 4/1976 ông phải ra Bắc.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới lại cuốn ông và đồng đội vào một cuộc trường chinh mới nên phải 10 năm sau ông mới thu xếp đưa cả gia đình vào thăm má ở Mỹ Tho. “Cô gái mà má định giới thiệu cho tôi đã lấy chồng và có một con” - ông Tuấn xúc động quay mặt nhìn xa xăm.

Năm 2004, má nuôi ông mất, lúc này ông đang làm Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ, do bận công việc chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nên ông không vào tiễn má về nơi an nghỉ cuối cùng. Đó là điều ông ân hận mãi cho đến hôm nay…

Công tác hơn 40 năm, trong đó có 29 năm công tác chiến đấu trong lực lượng Công an, Nguyễn Mạnh Tuấn đã trải qua các cương vị: Phó phòng, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị, Trưởng phòng Tham mưu an ninh và Phó ban Chỉ huy phản gián, Công an tỉnh Lai Châu.

Tháng 5/1996, ông được điều động sang làm Phó Văn phòng, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ; tháng 11/2005 làm Bí thư Đảng bộ Dân chính Đảng tỉnh. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 7 huân chương các loại cùng nhiều huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen của Chính Phủ, các Bộ, Ngành Trung ương và của Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên.

Vũ Mạnh Hà
.
.