Góc khuất sau cuộc chiến tình báo Pháp – Trung

Thứ Sáu, 23/11/2018, 10:08
Không hiểu bằng cách nào mà báo chí Pháp lại có được thông tin tuyệt mật về cuộc chiến tình báo giữa Pháp và Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. 


Báo Le Figaro (Pháp) số ra mới đây đã dành nhiều trang để tường thuật các phương pháp tiếp cận của mạng lưới gián điệp Trung Quốc, mua chuộc các chuyên gia trẻ của Pháp nhằm phục vụ cho mục đích kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng của Trung Quốc.

Bề nổi một cuộc chiến chìm

Le Figaro chạy một loạt tựa trên 3 trang lớn với nội dung: Bằng cách nào mà tình báo Trung Quốc có thể tiếp cận sâu, dò xét các bí mật nhà nước, các công ty nhà nước và tư nhân của Pháp? Chiến thuật nào giúp tình báo Trung Quốc đánh cắp di sản quốc gia và bí mật kinh tế của Pháp? Phản gián và tình báo Pháp đối phó ra sao? Sau sự việc là bí mật gì? Các cơ quan tình báo các đồng minh của Pháp là Anh, Đức, Mỹ... hành động như thế nào trước kế hoạch gián điệp toàn cầu của tình báo Trung Quốc?

Theo điều tra của nhật báo này, hơn 4.000 chuyên gia, công chức, tư chức của Pháp là mục tiêu mà tình báo Trung Quốc nhắm tới thông qua nhiều "kênh" khác nhau, nhưng chủ yếu thông qua các mạng xã hội. 

Tờ báo này cũng phân tích chiến thuật "thả thính" rất đơn giản và qua từng bước một. Đầu tiên là được một nhân vật bí ẩn tiếp cận xã giao, khen ngợi tài năng rồi mời đi nghỉ hè miễn phí ở một thiên đường du lịch xa xôi, bàn về dự án lập công ty hay nhóm nghiên cứu chiến lược với những nhân tài hàng đầu thế giới mà Trung Quốc, một nước đang phát triển, rất cần.

Bước đi tiếp theo được tờ báo này chỉ rõ bằng các câu chuyện và nhân vật được mô tả. Theo đó, ở một nơi tuyệt đẹp, với đồ ăn ngon, nghỉ dưỡng cao cấp, cách biệt thủ đô Paris ồn ào... cách xa hàng chục nghìn cây số, một công chức tuổi trẻ tài cao nào có thể tránh khỏi cạm bẫy? Và chỉ cần một thời gian không quá dài,  "con mồi" khi đã dính "thính" sẽ được hứa trả tiền thù lao ít nhất là 300.000 euro mỗi năm nếu chấp nhận "cộng tác" với tình báo Trung Quốc. 

Một sinh viên Pháp mới ra trường, hoạt động tình nguyện trong một sứ quán Pháp tại châu Á cho biết anh nhận được hàng chục email qua Linkedin, từ hàng chục "văn phòng tuyển mộ và viện nghiên cứu Trung Quốc". 

Theo Le Figaro, chỉ tính riêng một Bộ đặc trách mảng tình báo dân sự của Trung Quốc đã có một lực lượng nhân sự khổng lồ tới khoảng 200.000 nhân viên. Trong khi đó, tất cả nhân viên tình báo và phản gián của Pháp cộng lại chỉ có 10.000 người. 

Các quan chức Nhóm Five Eyes trong cuộc họp mới đây tại Australia.

Nhìn vào con số so sánh này để thấy Trung Quốc không khó để tìm ra các điệp viên xuất sắc, là những cao thủ về giao tiếp, vào vai "người trẻ vui tính, học thức cao, tốt nghiệp đại học danh tiếng" nhằm tiếp cận "nhẹ nhàng mà tự nhiên nhất" đối với "con mồi".

Trong câu chuyện mà Le Figaro mô tả, một phụ nữ xinh đẹp sang trọng, người mang bí danh “Joan Li” đã tiếp cận 324 cán bộ, công chức Pháp trước khi bị phản gián Pháp phát hiện. Theo kết quả điều tra của phản gián Pháp, trong số 4.000 công dân bị Trung Quốc tiếp cận, hàng trăm người "đã rơi vào tiến trình hợp tác khá sâu". 

Để giúp những công dân vượt qua "thời kỳ phạm tội vì ngây thơ", cơ quan phản gián Pháp quyết định "cất vó", "ăn miếng trả miếng" với tình báo Trung Quốc, bất chấp hậu quả kinh tế mà Trung Quốc và Pháp mới thiết lập hồi đầu năm 2018, qua chuyến đi của nhà lãnh đạo Pháp.

Vậy tình báo Trung Quốc cần gì ở những "con mồi" là những trí thức trẻ có trình độ cao ở Pháp? Theo Le Figaro, ngoài dụng ý đánh cắp công nghệ hay bắt chước sản phẩm, Trung Quốc còn "để mắt" đến bằng sáng chế của phương Tây, thông qua "cửa" Pháp. 

Tờ báo này chưa công bố số liệu thiệt hại cụ thể, nhưng chắc chắn là sẽ không nhỏ. Và việc tình báo Pháp quyết định công khai sự việc này đã cho thấy, cuộc chiến tình báo giữa hai nước đã tới hồi căng thẳng. Nước Pháp muốn gửi một thông điệp cứng rắn tới ngành tình báo nói riêng, cũng như tới các cơ quan, lãnh đạo cao hơn...

Bí mật một liên minh tình báo mở

Rõ ràng, trong cuộc chiến tình báo này, nước Pháp đã đứng về phía các đồng minh phương Tây. Trước đó, các cơ quan phản gián Đức, Mỹ và Anh đã công khai báo động, tố cáo các hoạt động tình báo của cường quốc kinh tế số 2. Và đương nhiên, tình báo ở cường quốc này lúc nào cũng phủ nhận. 

Những tuyên bố kiểu như: "Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc làm cho nhiều người ghen ghét và nghĩ rằng Trung Quốc đánh cắp kiến thức của nước ngoài"... lại tiếp tục được lặp lại. 

Và chính việc đoán trước được những tuyên bố kiểu này sẽ được đưa ra, tờ Le Figaro kết luận: Cuộc chiến chống gián điệp từ cường quốc kinh tế số 2 sẽ còn kéo dài, vì vậy, nước Pháp, tình báo Pháp cần liên hệ chặt chẽ với tình báo trong nhóm 5 quốc gia thuộc nhóm Five Eyes (Năm con mắt) - mạng lưới chia sẻ tình báo hàng đầu thế giới hiện nay gồm Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.

Theo Le Figaro, chỉ có gia tăng trao đổi thông tin mật với nhiều nước cùng chí hướng mới có thể ngăn được hoạt động tình báo của cường quốc châu Á này. Các phân tích cho thấy, hoạt động trao đổi thông tin tình báo giữa Pháp nhóm này đang diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt nhằm chống lại hoạt động mờ ám của giới tình báo của cường quốc kinh tế số 2.

Cùng về chủ đề này, theo đánh giá của Reuters đà tăng cường hợp tác của nhóm Five Eyes với các nước như Đức và Nhật Bản, Pháp là dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của một mặt trận tình báo quốc tế đang được mở rộng để chống lại các hoạt động của cường quốc kinh tế số 2 thế giới. 

Với thế mạnh công nghệ, các nước Nhóm Five Eyes có rất nhiều thông tin tình báo có giá trị.

Một số quan chức giấu tên tiết lộ rằng phạm vi mở rộng hợp tác giữa các nước đã lên đến mức mà người ta có thể nói rằng hoạt động của Five Eyes đã mặc nhiên được mở rộng trong vấn đề cụ thể là các hành vi can thiệp của nước ngoài, mà trước tiên hết là của các đối thủ của phương Tây như Trung Quốc, Nga và một số nước khác. 

"Các cuộc tham vấn với các đồng minh của chúng tôi, với các đối tác cùng chí hướng với chúng tôi, về cách ứng phó với chiến lược quốc tế quyết đoán của Trung Quốc đã trở nên thường xuyên và ngày càng phát triển", một quan chức tình báo Mỹ đã xác nhận với Reuters. 

Theo quan chức này, những cuộc thảo luận thoạt đầu chỉ mang tính chất chuyên biệt, giờ đây "đã trở thành những buổi tham khảo ý kiến lẫn nhau một cách chi tiết hơn về cách thức hành động và cơ hội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác".

Cơ chế thảo luận sâu của Five Eyes diễn ra kín đáo, chủ yếu trên cơ sở song phương, sáu đó là làm việc nhóm nhằm chia sẻ được nhiều nhất thông tin tình báo mà các bên cần để từ đó đưa ra được chiến lược tình báo, chiến lược chung về các đối thủ của phương Tây, đặc biệt của nhóm Five Eyes. 

Pháp hiện đã tham gia thảo luận tích cực với Five Eyes. Song, với cơ chế không thường xuyên và ít toàn diện hơn các nước trong nhóm Five Eyes.

Để bảo đảm sự bí mật, thông tin về việc Pháp hay Đức, Nhật Bản và các quốc gia khác ngoài mạng lưới Five Eyes được mời đến các cuộc họp của liên minh tình báo được thành lập sau Chiến tranh Thế giới II để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô, không được công khai.

Chỉ tới thời gian gần đây, Five Eyes mới công khai việc có thêm các nước khác tham gia liên minh tình báo này. Điều này cho thấy "thông điệp" của tất cả các nước trong liên minh tình báo này muốn ngầm ám chỉ một sự phối hợp chặt chẽ hơn nhằm đối phó với hàng loạt hành động của cường quốc kinh tế số 2. 

Trong tuyên bố có sự góp mặt của tất cả các nước trong liên minh tình báo này đã khẳng định: nhóm Five Eyes (mở rộng) sẽ sử dụng các mối "quan hệ đối tác toàn cầu" để đẩy nhanh việc chia sẻ thông tin về các hoạt động can thiệp của nước ngoài. 

Như vậy, một liên minh quốc tế sẽ đẩy mạnh sự phối hợp hoạt động của mình, kèm theo đó là một loạt hành động gây sức ép ở cấp quốc gia nhằm hạn chế đầu tư của cường quốc kinh tế số 2 vào các công ty công nghệ nhạy cảm và chống lại những điều mà một số chính phủ cho rằng đang có một chiến dịch nhằm lũng đoạn xã hội của họ.

Để thắt chặt hơn việc rò rỉ bí mật cũng như tránh rơi vào tầm ảnh hưởng toàn diện từ cường quốc kinh tế số 2, chính phủ nhiều nước song song với chống phản gián thì đã đưa ra dự luật mới nhằm thắt chặt quy định về sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề kinh tế, an ninh, quốc phòng và chính trị nội bộ. 

Như Mỹ đã có luật mới là FIRRMA, cho phép nước này ngăn chặn một số loại hình đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Đức âm thầm triển khai một cơ quan liên bộ nhằm đánh giá quy mô rộng lớn các hoạt động của cường quốc kinh tế số 2.

Các nguồn tin chính phủ cho hay, từ khi có sự liên kết chặt chẽ trong liên minh tình báo lớn nhất này, nhiều thông tin, ý đồ chiến lược nhằm vào nhóm nước này đã bị phát giác.

Rõ ràng, bề nổi trong cuộc chiến tình báo Pháp - Trung chỉ là cái cớ đằng sau một sự thật lớn.

Phúc Vinh
.
.