Đội tuyển Việt Nam từ VCK Asian Cup 2007 đến vòng loại Asian Cup 2015:

Giữa đỉnh trời đáy vực...

Chủ Nhật, 01/12/2013, 13:44

Vẫn là Asian Cup (giải vô địch bóng đá châu Á), năm 2007, Đội tuyển Việt Nam trở thành đội bóng Đông Nam Á duy nhất lọt vào tứ kết, thế mà đến 2013, chúng ta lại trở thành đội bóng Đông Nam Á bị loại khỏi vòng loại một cách tồi tệ nhất.

Năm 2007, chúng ta từng thắng ĐT UAE 2-0 trên sân Mỹ Đình, thế mà đến 2013, chúng ta thua UAE 1-2 ở Mỹ Đình rồi thua thảm 0-5 (một trong 10 trận thua thảm nhất trong 20 năm qua) trên sân khách. Năm 2007, nếu như thầy trò Alfred Riedl quyết đá và quyết thể hiện tư thế chủ nhà thì đến 2013, thầy trò Hoàng Văn Phúc (ở hai trận đầu tiên), rồi thầy trò Nguyễn Văn Sỹ (ở 4 trận sau đó) càng đá càng thể hiện tư tưởng buông xuôi. Vì sao chỉ sau 6 năm, ĐTVN - bộ mặt số 1, bộ mặt tiên quyết nhất, quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam lại rơi thõm từ đỉnh trời xuống đáy vực?

Năm  2007, ĐTVN của HLV Alfred Riedl qui tụ những cầu thủ mạnh mẽ đổ đều các tuyến như Quang Thanh, Việt Cường,  Minh Phương, Tài Em… còn bây giờ, những cái tên nổi nhất của ĐTVN cũng chỉ là Trọng Hoàng, Thành Lương, Tấn Tài, Anh Đức… Nếu so về độ nhiệt huyết và khả năng quyết tâm của mỗi cá nhân (trong những trường hợp mà họ thực sự quyết tâm) thì thế hệ của Trọng Hoàng, Thành Lương không thua gì thế hệ Minh Phương, Tài Em.

Nhưng nếu so về tầm cỡ chuyên môn, thể hiện ở khả năng cầm bóng, phối hợp, tổ chức trận đấu thì những Trọng Hoàng, Thành Lương kém Minh Phương, Tài Em cả một cái đầu. Còn nếu so về kinh nghiệm trận mạc và cả độ “quái” trong việc lái trận đấu một cách có lợi cho mình thì sự thua kém của thế hệ sau với thế hệ trước lại càng hiển hiện rõ hơn. Và như thế, nguyên nhân dễ thấy nhất khiến ĐTVN rơi thõm từ đỉnh xuống vực nằm ở chất lượng các tuyển thủ.

Trách VFF rồi trách các lò đào tạo bóng đá đã không thể đào tạo những thế hệ tài năng đều đặn là bất hợp lý. Bởi đào tạo bóng đá không giống như sản xuất, lắp ráp những chiếc máy. Ngay cả khi sử dụng những công nghệ đào tạo ưu tú nhất và chọn lựa được những hạt mầm ưng ý nhất thì người ta cũng phải sẵn sàng đối diện với những vụ mùa thất thu. Thế nên đến ngay cả những nền bóng đá đỉnh cao thế giới như Brazil, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức cũng phải làm quen với sự trồi sụt khác nhau về chất lượng ĐTQG trải qua từng thế hệ.

Thủ thành Bùi Tấn Trường: hình ảnh điển hình cho thất bại của Đội tuyển Việt Nam tại vòng loại Asian Cup.

Điều đáng bàn là ở đây là VFF trong tư cách quản lý ĐTQG đã “liệu cơm gắp mắm” một cách tốt nhất chưa? Đã lắp ghép, phối hợp và sử dụng những sản phẩm mình có thành một hệ thống hiệu quả nhất và đúng nguyên tắc nhất hay chưa?

Đầu tiên hãy bàn về tính hiệu quả

Thực ra thì chẳng ai sốc với việc ĐTVN không qua được vòng bảng Asian Cup 2015, bởi ở thời điểm hiện tại, chất lượng đội tuyển của chúng ta thua xa so với UAE, Uzbekistan l. Chỉ có một đối thủ duy nhất trong bảng mà chúng ta trên cơ (thể hiện ở thứ hạng trên bảng xếp hạng của FIFA, ở những lần gặp gỡ trước đây, và ở cả trận lượt đi diễn ra hồi đầu năm), đó là ĐT Hồng Công – Trung Quốc. Ấy thế mà trong một trận đấu được đánh giá cao hơn, cầm trịch trận đấu tốt hơn, tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn hơn, thầy trò ông Hoàng Văn Phúc lại thua trắng Hồng Công 0-1. Còn trong cả thảy 4 trận thua trước UAE và Uzbekistan, chỉ có duy nhất trận thua UAE 1-2 trên sân Mỹ Đình là coi được. Ba trận thua còn lại với các tỷ số 1-3, 0-3 (trước Uzbekistan) rồi 0-5 (trước UAE) rõ ràng là không thể chấp nhận nổi.

Mọi thứ không đơn thuần nằm ở những tỷ số thua quá nặng, mà nằm ở cách thua – cái cách mà trước khi bóng lăn, tất cả đều hô quyết tâm, giống hệt như kiểu hô “xung phong” ngoài trận tuyến, nhưng hô xung phong rồi thì chúng ta lại tự ngã ngay cả khi đối phương chưa… bắn đạn chỉ thiên.

Cứ nhìn hình ảnh thủ môn Tấn Trường “dâng” bóng vào chân đối phương, rồi cái cảnh đội trưởng Tấn Tài lao vào triệt hạ đối phương trong trận thua Uzbekistan trên sân nhà là đủ hiểu chúng ta đã thua một cách tệ hại như thế nào. Giờ chỉ còn nốt trận đấu thủ tục với Hồng Công – Trung Quốc, nhưng nói như một CĐV trên facebook cá nhân của mình thì với đà này, ngay cả khi sân Mỹ Đình mở toang cửa mời khán giả vào sân có lẽ cũng không nhiều người kiên nhẫn vào xem đội tuyển.

Tới đây, một kết luận được rút ra: Xét về tính hiệu quả thì một ĐTVN với 5 trận đã đấu toàn thua, lại là những trận thua bòn rút nghiêm trọng niềm tin của người hâm mộ rõ ràng đã không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Giờ  bàn về vấn đề nguyên tắc sử dụng ĐTQG

Có một thực tế không ai không biết là năm 2013 là năm diễn ra SEA Games 27, và truyền thống lâu nay ở VFF cho thấy: cứ những năm có SEA Games thì ĐTQG không được quan tâm chú trọng bằng đội tuyển U.23. Bản thân điều này đã là một sai lầm nghiêm trọng, bởi đội tuyển U.23 hay đội tuyển U.21, U.19, U.17… xét cho cùng cũng chỉ là những Đội tuyển trẻ của một nền bóng đá.

Năm 2001,  sở dĩ Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á quyết định để đội tuyển U.23, chứ không phải ĐTQG tham dự SEA Games là vì họ muốn các nền bóng đá trong khu vực phải chú trọng đến công tác đào tạo trẻ để các ĐTQG trong khu vực có thể phát triển một cách dài hơi, xuyên suốt. Chính ĐTQG, chứ không phải đội tuyển U.23 mới là nơi mà sức sống (nếu có) một nền bóng đá được thể hiện rõ ràng.

Những sai lầm trong việc ưu tiên cho U.23 và xem nhẹ ĐTQG cộng với việc ĐTQG vừa có một thất bại kinh hoàng tại AFF Suzuki Cup 2012 khiến VFF duy trì việc xây dựng một ĐT theo kiểu “2 trong 1”. Cái kiểu mà ở đấy, ông HLV trưởng ĐTQG Hoàng Văn Phúc cũng đồng thời là HLV trưởng  Đội tuyển U.23, rồi nhiều cầu thủ ở ĐTQG như Văn Quyết, Bửu Ngọc cũng đồng thời là những cầu thủ ở ĐT U.23.

Và nghịch lý nối tiếp nghịch lý, khi buộc phải đứng trước những sự chọn lựa thì ông HLV trưởng Hoàng Văn Phúc lại được chọn lựa cho ĐT U.23, những cầu thủ như Văn Quyết, Bửu Ngọc hoặc xuyên suốt, hoặc nhất thời cũng được chọn lựa cho ĐT U.23. Hậu quả là có 4/6 trận đấu, ĐTQG được dẫn dắn bởi  HLV tạm quyền Nguyễn Văn Sỹ - một người thực ra cũng rất nhiệt huyết và giàu tình cảm, nhưng năng lực và tầm vóc cầm quân của ông Sỹ đến đâu là điều ai cũng hiểu. Cũng có khoảng 4/6 trận đấu, ĐTQG phải tuyển quân, gọi người một cách vá víu, trong đó có những người bị tì vết về chuyên môn, có những người đã hết thời từ lâu, lại có những người mà ngay ngày đầu tiên lên Tuyển đã bị chính một thành viên trong Hội đồng Huấn luyện viên Quốc gia đặt câu hỏi: “Cậu ấy lên Tuyển để làm gì?”.

Rõ ràng là chúng ta đã ưu tiên cho ĐT U.23 một cách quá đà và khiến ĐTQG đá một giải đấu quan trọng như vòng loại Asian Cup mà chẳng khác gì… đá cho xong. Xin lỗi, ngay cả khi U.23 có đoạt Huy chương vàng SEA Games thì chiếc Huy chương vàng ấy chưa chắc đã tẩy rửa được những trận cầu xấu xí và những dư âm cực kỳ xấu xí mà ĐTQG vừa xác lập.

Xét khách quan ở phương diện chất lượng đội tuyển, như đã phân tích, ĐTVN của năm 2013 không thể so sánh với ĐTVN của năm 2007. Nhưng thảm bại của chúng ta ở vòng loại Asian Cup vừa qua không đơn thuần nằm ở chất lượng đội tuyển, mà nằm ở sự phi hiệu quả và phi nguyên tắc trong việc định hình đội tuyển, lèo lái đội tuyển của VFF.

Mục tiêu là mục tiêu nào?

Sau khi ĐTVN lọt vào tứ kết Asian Cup 2007 (dù công bằng mà nói, đấy là một hành trình vào tứ kết đầy may mắn) thì mục tiêu được đặt ra cho kỳ Asian Cup lần sau là ĐTVN phải vượt qua vòng loại. Hồi ấy ông Calisto được giao đảm nhiệm mục tiêu này, và ĐTVN dưới trào ông chỉ đánh mất mục tiêu trong trận cầu quyết tử thua Syria 0-1 ở những phút cuối cùng trong 90 phút thử thách thần kinh trên sân Mỹ Đình. Asian Cup 2011, ĐTVN không thể dự VCK như 2007 nhưng cái cách chúng ta chiến đấu vẫn là rất đáng khen.

Thế nhưng năm nay, khi ĐT đá vòng loại Asian Cup 2015 thì VFF không còn giao chỉ tiêu phải lọt vào VCK nữa. Mọi thứ đơn thuần chỉ là cố gắng đá hết sức, và không làm hoen ố hình ảnh màu cờ sắc áo Quốc gia. Thì trước tất cả các trận đấu, thầy trò ĐTVN cũng đều hô hào sẽ đá hết sức mình, nhưng rốt cuộc vòng loại Asian Cup vẫn khiến chúng ta mất mặt một cách ê chề.

Bây giờ thì người ta tự hỏi: Asian Cup 2019, ĐTVN sẽ nhập cuộc với mục tiêu nào? Câu trả lời không đơn thuần nằm ở chỗ, đến thời điểm đó chất lượng đội tuyển và chất lượng đối thủ của chúng ta như thế nào, mà còn nằm ở việc bản lĩnh và tầm vóc của ông chủ tịch VFF như thế nào?

Phan Đăng
.
.