Giáo sư Ikujiro Nonaka: “Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo minh triết”

Thứ Ba, 12/01/2016, 16:59
Ông già ngoài bảy mươi tuổi, dáng mảnh dẻ và ăn nói nhẹ nhàng ấy là một người khổng lồ trong khoa học quản lý cùng với Peter Drucker và Alfred Chandler. Ông là Ikujiro Nonaka, Giáo sư danh dự khoa Sau đại học về Chiến lược công ty quốc tế, Đại học Hitotsubashi, Tokyo; học giả Xerox xuất sắc, Viện Quản lý, Đổi mới và Tổ chức, Đại học California, Berkeley; Học giả Drucker xuất sắc tại Viện Drucker, Đại học Claremont.


Giáo sư David J. Teece, Giám đốc Viện Quản lý, Đổi mới và Tổ chức, Trường Kinh doanh Hass, Đại học California, Berkeley viết về ông: “Trong những năm gần đây, không ai đóng góp nhiều trong việc định hình lĩnh vực quản lý như Ikujiro Nonaka. Những công trình nghiên cứu của ông trong vòng hai thập kỷ qua đã có sức ảnh hưởng rất lớn đối với việc phát triển lý thuyết cũng như thực hành quản lý… Đối với nhiều người trong chúng tôi, Ikujiro Nonaka đã trở thành một Peter Drucker mới…”. Năm 2005, tờ Wall Street Journal bầu chọn ông là một trong 20 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới.

Tôi may mắn được gặp Giáo sư Ikujiro Nonaka khi làm phiên dịch cho ông trong chuyến đi khảo sát hoạt động lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại Từ, Định Hóa và Điện Biên Phủ cuối năm 2012. Chuyến đi nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác của ông với Trung tâm Lãnh đạo học của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và liên quan đến những nghiên cứu độc đáo của ông về khoa học quản lý và lãnh đạo. Ông nói với tôi: “Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo minh triết. A wise leader”.

Muốn hiểu tư tưởng của ông về những nhà lãnh đạo minh triết, cần phải biết về lý thuyết quản lý dựa vào tri thức mà ông và các cộng sự trình bày trong cuốn sách nổi tiếng Managing Flow xuất bản năm 2008 (bản tiếng Việt của Nhà xuất bản Thời Đại có tên là Quản trị dựa vào tri thức).

Trước Ikujiro Nonaka, các lý thuyết quản lý thường nhìn nhận các tổ chức và doanh nghiệp như là những chủ thể ổn định, hoạt động theo các nguyên lý phổ quát và khách quan mà khoa học quản lý có nhiệm vụ phát hiện. Ikujiro Nonaka xuất phát từ việc nhận thức lại tri thức mà các lý thuyết quản lý trước kia thường nhầm với thông tin. Ikujiro Nonaka chỉ ra rằng, mặc dù có một số đặc điểm chung với thông tin, tri thức khác về bản chất.

Giáo sư Ikujiro Nonaka.

Ông viết: “Tri thức không phải là vật chất độc lập, chờ đợi được phát hiện và thu thập. Tri thức được tạo ra bởi con người trong những tương tác của họ với người khác và với môi trường”. Vì thế, theo Ikujiro Nonaka, tri thức có bốn đặc điểm quan trọng là: tính chủ quan, tính quá trình, tính thẩm mỹ và được tạo ra qua thực hành.

Nhận thức mới của Ikujiro Nonaka về tri thức có những hàm ý cực kỳ quan trọng. Trước hết là vai trò của cá nhân. Theo quan điểm truyền thống, tổ chức hoạt động giống như một cỗ máy xử lý thông tin, trong đó quan điểm và năng lực cá nhân bị coi như một thứ “tiếng ồn” có hại. Người ta cố gắng xây dựng các quy định, quy tắc càng khách quan càng tốt để tổ chức hoạt động như nhau, bất kể những người tham gia bộ máy quản lý là ai.

“Việc bỏ qua yếu tố con người, Ikujiro Nonaka viết, đã khiến các lý thuyết quản lý chỉ xem con người như các nguồn lực khác, như đất đai hay vốn. Họ không tính đến tầm quan trọng của bản năng và cảm xúc con người, cũng như bối cảnh trong quá trình quản lý, khi bỏ qua tất cả các quá trình con người trong sự sáng tạo tri thức”. Ikujiro Nonaka đồng ý với quan điểm của Michael E. Porter rằng “thực tiễn không có sự tồn tại “khách quan”. Nó được tạo ra bởi tổ chức nhận thức nó là thực tế”.

Lý thuyết của Ikujiro Nonaka khôi phục vị trí quan trọng của con người trong hoạt động quản lý và lãnh đạo. Nó dựa trên sự phân biệt của Aristotle về ba loại tri thức: 1- episteme - tri thức phân tích, khoa học, mang tính khách quan, không phụ thuộc vào bối cảnh, thời gian và không gian; 2- techne - tri thức kỹ thuật, bí quyết, mang tính công cụ; và 3- phronesis  - sự từng trải, khôn ngoan thực tế, một đức hạnh của trí tuệ.

Ikujiro Nonaka viết: “Khái niệm phronesis được hiểu chung là khả năng đưa ra quyết định và hành động thích hợp nhất trong một tình huống cụ thể nhằm phục vụ lợi ích chung. Phronesis xét đến những tình huống theo bối cảnh, nhắm vào những chi tiết, và thay đổi mục tiêu trong quá trình khi cần thiết. Nó vượt lên trên tri thức phân tích, khoa học (episteme) và tri thức kỹ thuật hay bí quyết (techne) và liên quan tới những đánh giá và quyết định được thực hiện theo cách của một tác nhân xã hội có đạo đức… Nói cách khác, nó là tri thức ẩn chất lượng cao có được từ kinh nghiệm thực hành, cho phép con người có những quyết định chín chắn và có hành động thích hợp kịp thời cho mỗi tình huống, dưới sự dẫn dắt của giá trị và đạo đức”.

Đoạn văn của Ikujiro Nonaka viết theo phong cách hàn lâm nhưng tôi tin rằng đối với rất nhiều người Việt Nam nó không hề xa lạ. Nó rất gần gũi với phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương, luôn áp dụng và thường căn dặn học trò. Ikujiro Nonaka coi Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình của một nhà lãnh đạo có phong cách lãnh đạo phronesis, một nhà lãnh đạo minh triết. 

Khác hẳn các nhà lãnh đạo dựa trên tri thức phân tích (episteme) và tri thức kỹ thuật (techne), nhà lãnh đạo minh triết không đưa ra quyết định chiến lược cứng nhắc căn cứ vào các phân tích và so sánh duy lý. Để minh họa điều này trong quản lý doanh nghiệp, Nonaka lấy ví dụ ngành sản xuất xe hơi: Dựa trên các tri thức phổ quát (episteme), mọi nhà quản lý có thể tổ chức việc làm ra chiếc xe hơi có chất lượng cao. Dựa trên tri thức kỹ thuật (techne), nhà quản lý có thể tổ chức sản xuất xe một cách hiệu quả; Nhưng để sản xuất ra chiếc xe hơi “tốt”, nhà quản lý cần phải có tri thức phronesis, bởi lẽ “tốt” phụ thuộc vào người sử dụng và chỉ có nhà quản lý từng trải, có sự khôn ngoan thực tế mới nhận biết được.

Giáo sư Ikujiro Nonaka ở Lán Nà Lừa thuộc khu Di tích lịch sử Tân Trào, Tuyên Quang.

Tri thức phronesis đặc biệt quan trọng trong khoa học lãnh đạo. “Trong lãnh đạo, phronesis là khả năng xây dựng những mục tiêu thích hợp, và chọn ra những phương pháp hiệu quả để đạt được các mục tiêu đó… Người lãnh đạo phronesis dùng giác quan để “thấy” hay “cảm nhận” các vấn đề có thể giải quyết được trong điều kiện hạn chế của tổ chức và phát triển những kế hoạch hiệu quả để giải quyết các vấn đề đó”. Sự lãnh đạo minh triết rất giống với ứng tác trong âm nhạc. Nhà lãnh đạo minh triết về bản chất là một nghệ sĩ. Và cũng giống như cái đích của người nghệ sĩ, cái đích cao nhất của nhà lãnh đạo phải có tính thẩm mỹ và đạo đức.

Một nhà lãnh đạo minh triết, theo Ikujiro Nonaka, phải có sáu năng lực sau đây: 1-Khả năng đánh giá cái tốt; 2-Khả năng chia sẻ bối cảnh chung với người khác để tạo ra không gian tri thức chung; 3-Khả năng nắm bắt bản chất của hiện tượng/ sự vật cụ thể; 4-Khả năng sử dụng ngôn ngữ/ khái niệm/ tường thuật để tái cấu trúc cái cụ thể vào cái tổng quát và ngược lại; 5-Khả năng sử dụng phương tiện chính trị cần thiết để hiện thực hóa các khái niệm vì lợi ích chung; 6-Khả năng khuyến khích phronesis của người khác để xây dựng một tổ chức linh hoạt.

Nghệ thuật lãnh đạo của Hồ Chí Minh minh họa một cách tuyệt vời cho lý thuyết của Nonaka. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó ở bất cứ nơi nào Hồ Chí Minh đã từng ở, trong bất cứ quyết định nào mà Hồ Chí Minh đã từng đưa ra, nhưng đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Giọng nói của Giáo sư Nonaka toát ra một trí tuệ thông thái và sâu sắc hiếm có.

Đứng trước hầm của tướng De Castrie ở Điện Biên Phủ, ông nói với tôi: “Trước kia, khi giảng dạy Lãnh đạo học, tôi thường lấy Mao Trạch Đông và Stalin làm ví dụ. Bây giờ tôi muốn phân tích Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo kiểu khác, một nhà lãnh đạo minh triết”. Tôi nói với ông rằng năm 2004, tôi có công bố một bài viết nhan đề: Thực tiễn luận nhân đạo Hồ Chí Minh và vấn đề đổi mới đảng hiện nay.

Giáo sư Nonaka tỏ ra rất thích thú, vì khái niệm “thực tiễn luận nhân đạo” (humanist pragmatism) mà tôi dùng để mô tả tư tưởng của Hồ Chí Minh rất gần gũi với khái niệm “minh triết thực tế” hay “duy lý thực tế” (practical wisdom) của ông. Sau khi trở về Nhật Bản, ông gửi cho tôi bài viết The Wise Leader (Nhà lãnh đạo minh triết) mà ông đăng trong sê-ri “Big idea” (Ý tưởng lớn) của Harvard Business Review và nói rằng ông đang chờ đọc bài viết của tôi.

Tôi nhìn ảnh ông chợt nghĩ, sao ông giống Hồ Chí Minh đến vậy. Cũng như Hồ Chí Minh, ông là một “wise leader”.

Ngô Tự Lập
.
.