Giải mã Julian Assange

Thứ Bảy, 05/02/2011, 10:28
Julian Assange sinh năm 1971 trên bờ biển bắc Australia, tại thành phố Townsville. Có rất ít thông tin về cha ruột của Assange, ngoại trừ một chi tiết: tổ tiên của anh  là người Hoa, họ Sang (phiên âm theo tiếng Anh). Thời thơ ấu của "danh thủ mạng" này đã trôi qua rất không bình thường.

Ngay từ nhỏ, cậu bé Assange đã buộc phải quen với nếp sống du mục bởi người cha dượng đầu tiên, lấy mẹ anh, bà Christine, khi anh mới lên 1 tuổi, là chủ một gánh hát rong. Khi Julian lên 9 tuổi, người mẹ đã li dị người chồng đầu và lập gia đình với một người đàn ông mà về sau bà phải "bỏ của chạy lấy người" dù đã sinh thêm được một đứa con trai nữa, vì đó là thành viên giáo phái "Gia đình" chính ít, tà nhiều.

Sáng lập ra giáo phái "Gia đình" là Anne Hamilton-Byrne, người phụ nữ chủ  trương "tịch thu" trẻ sơ sinh ở tín đồ.  Cho tới năm 16 tuổi, Assange và người em cùng cha khác mẹ cùng mẹ anh đã phải vất vả lắm mới trốn thoát khỏi sự truy nã của người cha dượng…

Chính vì cứ phải sống nay đây mai đó nên Assange đã không được học hành theo đúng kiểu truyền thống mà chủ yếu nhập tâm kiến thức từ sự dạy dỗ của bà mẹ. Chính hoàn cảnh này đã khiến Assange sớm quen với việc tự học. Ngoài những khoảng thời gian ngắn ngủi được ngồi trên ghế vô số những ngôi trường (cho tới thời điểm Assange lên 14 tuổi, gia đình cậu bé đã đổi nơi cư trú tới 37 lần), "danh thủ mạng" tương lai đã dành rất nhiều thời gian để đọc sách trong thư viện và sớm tỏ ra say mê các cuốn sách khoa học.

Và cậu bé thông minh lanh lợi đọc nhiều nhớ nhiều này cũng đã sớm có cơ hội để áp dụng những kiến thức thâu lượm được vào thực tế. Vụ tự thử tài đầu tiên của Assange là phá chương trình của máy tính Commodore 64.  Ngay từ khi đó, "danh thủ mạng"  đã rất thích thú với việc tìm kiếm những thông điệp mà dường như là các nhà thiết kế đã giấu kín trong các mật mã.

"Sự đơn giản trong thao tác với máy tính rất hấp dẫn tôi. Đó như thể là chơi cờ vua: các quân cờ có những quy tắc đơn giản, nhưng ở đây hoàn toàn không có gì tình cờ và mỗi một nước đi đều rất khó bị phá",  - tờ New Yorker dẫn lời tâm sự của Assange.

Năm 16 tuổi, Assange quyết định đi sâu một cách nghiêm túc vào nghề… hacker.  Chàng trai dĩnh ngộ nhanh chóng xác lập được trong làng hacker quốc tế danh tiếng của một "cao thủ võ lâm" có thể "biến có thành không" đại bộ phận các hệ thống bảo vệ. Assange đã cùng một số người bạn lập ra đội tuyển với phương châm hành động là: "Không gây tác hại cho hệ thống máy tính mà mình tiếp cận được. Không thay đổi thông tin được cất giữ trong đó nhưng hãy chia sẻ thông tin đó với tất cả mọi người". Đây cũng chính là phương châm mà người sáng lập ra mạng WikiLeaks vẫn tiếp tục tuân thủ cho tới ngày hôm nay.

Cũng ở tuổi thiếu niên, Assange đã phải lòng một cô bạn gái 16 tuổi và hai người đã chung sống cùng nhau (thật may, những việc như thế ở Australia không phải là tội lỗi!) rồi sau hai năm, họ tổ chức đám cưới và sinh ra một cậu con trai. Gia đình trẻ này đã phải đối mặt với một số chuyện phiền toái liên quan tới những hoạt động nửa bất hợp pháp của Assange.

Một lần cảnh sát đã tới tịch thu toàn bộ hệ thống máy tính của Assange vì lời buộc tội (về sau đã không được xác nhận) về việc chiếm đoạt tiền từ Citibank. "Sau sự cố này, tôi hiểu ra rằng, cần phải thận trọng hơn", - Assange  nhớ lại.

Sống với một người chồng như Assange không là việc dễ với bất cứ ai. Vợ anh khi đó quả thực là đã phải chịu quá nhiều vất vả. Năm 1991, sau một vụ đột nhập mạng nhà người khác như thường lệ (lần này mục tiêu là máy chủ của Hãng Nortel), Assange đã bị sa lưới. Những nài nỉ  của Assange để chủ Hãng Nortel không đưa vụ việc ra cảnh sát đã không có hiệu quả.

Chính từ thời điểm đó Assange có nguy cơ bị bắt và ra tòa để nhận án tới 10 năm tù, treo lơ lửng trên đầu như thanh gươm Damocles. Và họa vô đơn chí, đúng lúc đó, vợ anh đã quyết định li dị ông chồng hacker. Phiên tòa diễn ra sau thời điểm này 3 năm đã không công nhận rằng những hành vi của Assange và bạn bè anh gây nên tác hại đối với Hãng Nortel và vụ việc đã kết thúc bằng một khoản tiền nộp phạt. Thế nhưng, kết quả đó đã mang trở lại cho Assange, vợ và con trai.

Assange lập nên dự án chính yếu của đời mình, trang web WikiLeaks.org, khi đã rời khỏi các hoạt động hacker. Mục tiêu của dự án này thoạt tiên được xác định là để công bố những tài liệu mật, hay như về sau Assange tuyên bố, "đấu tranh chống lại sự kiểm duyệt toàn cầu".

Năm 2006, dự án được khởi động và công dân ở nhiều quốc gia đã bắt đầu gửi về WikiLeaks những tài liệu nhạy cảm khác nhau. Assange tập hợp một đội hình gồm những người tâm đầu ý hợp và dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi của mình cho Wikileaks. Bị cuốn hút tâm trí vào ý tưởng đã xác định, Assange, như những người ở gần anh chứng nhận, nhiều lúc quên ăn quên ngủ, có giai đoạn hàng tháng trời không ra khỏi phòng mà cứ ngồi lì bên cạnh máy tính.

Cũng phải thấy rằng, những tư liệu đầu tiên được công bố trên WikiLeaks đã không thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng. Mặc dầu trong số những tư liệu này cũng có những nội dung nóng như tài liệu của Hiệp hội Sinh viên bí mật Alpha Sigma Tau được tổ chức trong một trường cao đẳng ở Mỹ, điều lệ của hội Tam Điểm và các nhóm Mormon…

Chỉ tới năm 2007 trên  WikiLeaks mới xuất hiện những tư liệu đầu tiên gây sốc mạnh mẽ, thí dụ như thông tin về các vụ biển thủ của cựu Tổng thống Kenya Arap Moi. Danh tiếng thực sự lừng lẫy tới với Assange vào giữa năm 2010, sau khi anh cho công bố nhiều tài liệu liên quan tới cuộc chiến ở IraqAfghanistan.

Assange tất nhiên cũng đã biết sớm lo tới sự an toàn của mình. Các file tư liệu của dự án WikiLeaks được lưu giữ tại nhiều máy tính trên khắp thế giới. Bản thân anh trong một giai đoạn dài đã liên tục dịch chuyển tới nhiều quốc gia khác nhau để đỡ bị "bắt tận tay, day tận trán". Cũng có thể, du mục đã là kiểu sống quen thuộc của anh từ thuở thiếu thời…

Những quả bom thông tin trên Wikileaks hiển nhiên đã khiến Assange trở thành đối tượng bị đe dọa và tầm nã hàng đầu thế giới. Trong cuộc trả lời phỏng vấn cho chương trình chính trị khá phổ biến trên Đài Phát thanh "Democracy Now!" (Mỹ), Daniel Ellsberg, từng nổi tiếng vì năm 1971 đã góp tay vào vụ công bố những tài liệu mật được đánh cắp từ Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam, đã bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối của mình đối với những việc làm của Assange: "Tôi lo cho Manning, (người lính Mỹ đã cung cấp cho WikiLeaks các tài liệu mật của Chính phủ Mỹ - TG) và Assange cũng như đã từng lo cho mình sau khi công bố tài liệu của Lầu Năm Góc. Hiển nhiên là ai đã chuyển tài liệu cho WikiLeaks cũng đều tự gây nguy hiểm cho mình và tôi cũng đã từng mạo hiểm không kém 40 năm trước".

Trong bối cảnh này, những lời buộc tội từ phía các cơ quan tư pháp Thụy Điển về cái gọi là những lình xình tình ái của Assange rất dễ bị coi như một mưu toan loại trừ "danh thủ mạng" khỏi cuộc chơi rất có hại cho những thế lực "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" nhưng không phải lúc nào cũng cư xử được đàng hoàng trên chính trường quốc tế. Hơn nữa, những hành vi của Assange, bị coi là phạm tội ở Thụy Điển, tại đại đa số các quốc  gia khác,  chỉ là "trò chơi con trẻ" và không thể nào được diễn giải như những việc vi phạm pháp luật.

Muốn nói gì thì nói, tự dâng hiến đời mình cho những việc "vạch áo, không chỉ của riêng mình, cho thiên hạ xem lưng" trong những lĩnh vực chính trị, ngoại giao và nhiều công chuyện khác nữa, sinh hoạt theo những tiêu chí rất khác lạ với truyền thống, Assange đang tiếp tục gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và các đồng chí, đồng đội khi kiên trì theo đuổi những tiêu chí của "thời thanh niên hacker".

Không dễ xác minh rành rẽ là, anh thực sự nghiêm túc kiếm tìm vinh quang hay vinh quang tình cờ rơi xuống đời anh. Tuy nhiên, đã có thể nói chắc một điều, những việc mà Assange đã, đang và sẽ làm, tiếp tục giúp anh thu hút sự chú ý nhiều chiều nhưng luôn ở đỉnh cao trong dư luận quốc tế. Không ngẫu nhiên mà tin tức về việc Assange chuẩn bị viết hồi ký đã thu hút được sự chú ý cao độ của dư luận. Nếu không có gì thay đổi, tới tháng 3/2011, Assange sẽ nộp bản thảo hồi ký cho Nhà xuất bản Random House Mondadori.

Hầu như không có ngày nào không xuất hiện những thông tin về Assange và Wilileaks cùng các chiến hữu của anh. Nhìn từ một góc độ nào đó, hiệu ứng từ những tư liệu mang tính bóc mẽ trên website WikiLeaks thực ra chỉ là hệ lụy trực tiếp từ cơ cấu hiện nay của xã hội loài người, đang bị vây bủa bởi vô số nhánh Internet mà thiếu chúng, không thể nào có được cả các hoạt động của các hacker cũng như quyền tự do ngôn luận được xây dựng xung quanh hệ thống này.

Dự đoán rằng trong nền văn minh máy tính, hacker sớm hay muộn cũng trở thành ngôi sao, cũng như các giọng ca thị trường trong thế giới show biz hiện đại, sớm hay muộn cũng trở thành hiện thực. Và hiện tại, chúng ta chưa thể hình dung được quy mô của trào lưu mới

Phương Anh
.
.