Giải cứu Trung úy Uyliam Sao

Thứ Sáu, 09/10/2009, 13:54
Trung úy Uyliam Sao (William Shaw) phi công Mỹ, trong một chuyến bay trinh sát đã buộc phải nhảy dù xuống vùng ven thị xã Cao Bằng do động cơ máy bay hỏng. Lực lượng Việt Minh đã nhanh chóng tiếp cận, đưa phi công đi ẩn náu trước khi quân Pháp (sau đó là quân Nhật) kịp đến để thu "chiến lợi phẩm".

Viên phi công Mỹ đã được Việt Minh bảo vệ an toàn, chăm sóc tốt rồi được đưa lên Pác Bó gặp Bác Hồ. Mặc dù lúc đó sức khỏe Bác không được tốt, tình hình chuẩn bị tổng khởi nghĩa rất khẩn trương nhưng Bác vẫn quyết định tự mình đưa Trung úy Sao sang Vân Nam (Trung Quốc), giao cho Sở chỉ huy Không đoàn số 14 của Mỹ (đơn vị của Sao).

Uyliam Sao - món quà "từ trên trời" đã là điểm khởi đầu, là điểm nhấn quan trọng trong việc thiết lập quan hệ Việt - Mỹ cách đây 65 năm. Tác giả bài viết này bằng những tìm tòi, khảo sát riêng, "dựng lại" một cách trung thực, chính xác những gì đã xảy ra vào thời kỳ đó để thêm một lần thấy rõ tầm nhìn xa, trông rộng, tài trí ngoại giao và tấm lòng suốt đời vì dân, vì nước, không ngại hy sinh gian khổ, quyết chí giành độc lập, tự do cho Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngày 2/11/1944 (ngày 17/9 năm Giáp Thân)

Đó là một ngày đẹp trời, mây mỏng, gió nhẹ. Trên cánh đồng Bản Ngần lúa gặt đã gần hết, những đàn chim ngói sà xuống những đám ruộng trơ gốc rạ, nhặt những hạt thóc rơi vãi… Khoảng 3h chiều, không gian bình lặng vùng nông thôn ven thị xã Cao Bằng bỗng nhiên bị tiếng động cơ máy bay gầm rú phá vỡ. Một chiếc máy bay (loại B-25) bay từ thị xã lên Nước Hai rồi bay vòng lại, một tiếng nổ phát ra từ thân máy bay, máy bay chúc đầu lao xuống đám ruộng Nà Chú, vỡ thành 3 đoạn, phi công nhảy dù, rơi xuống Nà Thúm (Bản Ngần), cách chỗ máy bay rơi khoảng 500 m.

Tại thời điểm phi công nhảy dù có gia đình Đoàn Văn Cù đang gặt. Đoàn Văn Cù là hội viên Thanh niên Cứu quốc lập tức chạy đến gần viên phi công. Viên phi công sợ hãi tháo đôi găng tay đưa cho Đoàn Văn Cù kèm một xấp tiền. Đoàn Văn Cù không nhận tiền, ra hiệu cho viên phi công đi theo mình vào ẩn nấp tại chân núi Khau Sầm (sau chùa Kỳ Sầm).

Sau này, khi về đến Côn Minh, Sao - tên viên phi công thuộc Phi đội 51, Không đoàn số 14 của Mỹ đóng tại vùng Hoa Nam (Trung Quốc) đã ghi lại những giây phút đầu tiên gặp người của Việt Minh trong một cuốn sách mỏng có tên Một Đông Dương thật sự dưới con mắt Trung úy Shaw:

"…Trước khi nhảy dù, tôi đã chỉnh máy bay của tôi sao cho nó hoàn toàn vô dụng nếu rơi vào tay kẻ thù. Ngay khi tôi chạm đất, một người Đông Dương trẻ tuổi bước tới mỉm cười, thân mật bắt cả hai tay tôi và ra hiệu tôi đi theo anh ta. Tôi đưa cho anh ta 600 đôla Đông Dương. Anh ta nhất quyết không nhận tiền và trông có vẻ như bị xúc phạm. Tôi ngạc nhiên với thái độ của anh ta và cho rằng ngần ấy tiền là chưa đủ. Đó là một sai lầm lớn của tôi! Lúc đầu tôi nghĩ họ là những kẻ tham lam, nhưng trên thực tế hầu hết những người yêu nước Đông Dương lại rất đức độ. Họ giúp chúng tôi không phải vì tiền của chúng tôi mà vì tình yêu thương và tình bằng hữu...".

Trong tình hình truy lùng gắt gao của quân Nhật, Pháp như vậy việc bảo vệ an toàn cho viên phi công là một nhiệm vụ khó khăn nhưng tổ chức Việt Minh ở Bản Ngần, xã Vĩnh Quang (các ông Đoàn Văn Nhật, Đoàn Trọng Kiệt, Đoàn Văn Lệnh, Đoàn Văn Phác, Đoàn Văn Lâm…), đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ở nơi ẩn nấp, Sao được cung cấp xôi, thịt gà, trứng, chuối… rất đầy đủ và được bảo vệ nghiêm ngặt.

Sáng hôm sau, Đoàn Văn Nhật cho người đến làng Nà Toàn (cách Bản Ngần 5km) báo cáo tình hình cho Nam Cường, Bí thư Chi bộ Nà Toàn. Ông Nam Cường báo cho ông Hoàng Tuấn Sơn, châu ủy viên châu Hòa An phụ trách tổng Hồng Việt. Ông Hoàng Tuấn Sơn cùng các ông Hùng Quốc (quê Bản Ngần) và ông Cường Linh (Bản Lằng) đến đón Trung úy Sao tại lều của ông Hà rồi chèo mảng ngược sông Mãng đưa Sao về khu căn cứ địa Lam Sơn.

Ông bà Hoàng Tuấn Sơn.

Ông Hoàng Tuấn Sơn, sinh năm 1918, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, năm nay đã bước sang tuổi 92 nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn đã kể lại rất chi tiết chuyến đưa Trung úy Sao từ Nà Toàn lên khu căn cứ địa Lam Sơn, tôi chỉ ghi lại vài điểm chính:

"Buổi tối, tôi đón Sao ở Nà Toàn để đưa sang Nà Tanh. Trời tối không dám dùng đèn, Sao thỉnh thoảng lại trượt ngã, xô vào tôi. Đến Nà Tanh, tôi đưa Sao vào ngủ ở nhà chị Bích Sương, cán bộ phụ nữ Việt Minh xã. Chị Bích Sương đưa chăn bông cho Sao đắp, Sao không đắp mà trải ra làm đệm nằm. Ngày hôm sau chị Bích Sương ra thị xã mua cho Sao một đôi giày vải và một chiếc đèn pin. Chân Sao to đi không vừa, phải khoét mũi giày thò 5 ngón chân ra. Sao tặng chị Bích Sương một cuộn chỉ màu. Em trai chị Bích Sương đi bẫy chim ngói về hầm cho Sao ăn, lại làm cơm lam cho Sao mang đi.

Trời tối, ăn cơm xong tôi đưa Sao xuống mảng (có lát ván để Sao nằm). Ngược sông Mãng đến Làng Đền, rời mảng lên bờ đi bộ qua núi Khắc Thiệu, đến làng Lam Sơn Thượng đã 2 giờ sáng, tôi đưa Sao vào nhà tôi nghỉ tạm, mờ sáng, lại đưa lên núi trú trên hang Ngườm Vài (sau nhà tôi). Tôi viết giấy gửi anh Tống (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) và anh Lã (tức đồng chí Hoàng Đức Thạc- Bí thư liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng)…".

Bà Đàm Thị Sáng, vợ ông Hoàng Tuấn Sơn, sinh năm 1918, cán bộ lão thành cách mạng, nay vẫn khỏe, góp lời: "Nửa đêm nghe tiếng gõ cửa, nghe tiếng ông nhà tôi gọi, tôi mở cửa thấy ông Tây cao chạm cửa, tôi đưa vào nhà xếp cho ngủ ở buồng sau. Ông Tây ngủ mê nói rất to, tôi sợ bị lộ, gần sáng bảo ông nhà tôi đưa lên hang Ngườm Vài. Tôi thịt gà, nấu cơm, rang lạc… đưa cho ông Tây ăn. Ông Tây không biết cầm đũa, ra hiệu xin bốc, ông nhà tôi gật đầu".

Nhận được tin báo, đồng chí Tống chuyển một lá thư cho Sao, Sao đọc rất phấn khởi. Đồng chí Tống cho người xuống đón Sao lên khu căn cứ, sau đó tổ chức đưa Sao lên Pác Bó theo chỉ thị của Bác Hồ. Lúc chia tay Sao cảm kích tặng ông Tuấn Sơn một khẩu súng Colt và một đồng hồ nhưng ông Tuấn Sơn không nhận. Sao bảo: "Khi nào đến nước Mỹ, tôi lại lái máy bay sang đây, tôi sẽ vẫy tay chào ông".

Trong nhiều tài liệu có "kể" chi tiết, trong khoảng thời gian gần một tháng trước khi được gặp Bác Hồ, Sao như "người câm" vì khu căn cứ địa không ai biết tiếng Anh, tiếng Mỹ. Vậy thì ai đã viết thư cho Sao? Tôi gặng hỏi ông Tuấn Sơn, ông khẳng định việc Sao nhận và đọc thư là có thật, chứ không phải ông sáng tác!

Tôi lục tìm trong các cuốn hồi ký cách mạng thì thấy có bài nói ông Cao Hồng Lãnh, sinh năm 1904, quê Hội An, Quảng Nam, mất năm 2007 (thọ 103 tuổi), biết tiếng Anh (ở trình độ khiêm tốn). Tôi nói điều này với ông Tuấn Sơn, ông xác nhận: "Phải, phải! Ông Cao Hồng Lãnh, chúng tôi gọi là ông Cao Cẳng, ở Pác Bó gọi là ông Hoàng Khít, ông ấy có nói chuyện với Sao, nhưng dùng tay nhiều. Chính ông Cao Hồng Lãnh cùng ông Bằng Giang (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu Việt Bắc) đưa Sao lên Pác Bó, có thể ông Cao Hồng Lãnh là người viết thư".

Mười sáu ngày, năm mươi cây số!

Từ khu căn cứ địa Lam Sơn (Hòa An) lên Pác Bó khoảng 50 cây số, đi bộ từ sáng đến tối là đến nơi, do vậy mà ngay sau khi Sao đến Lam Sơn, Bác Hồ đã nhận được báo cáo của đồng chí Tống, Người lập tức chỉ thị đưa Sao lên Pác Bó, bảo vệ thật an toàn.

Sao nhớ lại: "Mười ngày sau, tôi nhận được lá thư và thông báo: Chúng tôi đã ra lệnh cho căn cứ địa của chúng tôi tại Cao Bằng tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng ngài và hộ tống ngài ra biên giới Bắc Kỳ - Trung Quốc".

"Mười ngày" là theo cách tính của Sao kể từ ngày anh ta nhảy dù (ngày 2/11). Như vậy, trong 10 ngày đó Sao vẫn quanh quẩn ở khu vực thị xã Cao Bằng và vùng Nước Hai (Hòa An), chứ chưa "tẩu thoát" qua biên giới Việt - Trung như phỏng đoán của bọn Nhật, Pháp.

Nhận được chỉ thị từ Pác Bó, đồng chí Tống đã cử Cao Hồng Lãnh, Bằng Giang và Thế An trực tiếp đưa Sao đi. Đoàn người lên đường vào giữa tháng 11, ngày nghỉ đêm đi, ròng rã 16 ngày, lên đến Pác Bó vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Bạn đọc có thể ngờ ngợ ở đoạn này và tự hỏi "đi liên tục trong 16 ngày mà chỉ được 50 km! Đi kiểu gì?".

Tôi xin được nói rõ, trong chỉ thị của Bác Hồ, Người đặc biệt lưu ý các đồng chí của mình đưa Sao đi vòng vèo qua nhiều vùng có phong trào Việt Minh mạnh, khí thế cách mạng đang lên cao để Sao có cảm nhận và tận mắt thấy phong trào Việt Minh, tổ chức Việt Minh trên lãnh thổ Việt Nam mạnh mẽ như thế nào. Sao sẽ báo cáo "tình hình thực tế" lên thượng cấp với nhận xét, chỉ có lực lượng Việt Minh mới có đủ sức mạnh và uy tín chống Nhật. Mỹ (và Đồng Minh) chỉ có thể hợp tác được với Việt Minh mà thôi".

Việc "đưa đi vòng vèo" đã thực sự có hiệu quả. Trong cuốn nhật ký công bố tại Côn Minh, Sao đã viết những dòng đầy thiện cảm với Việt Minh: "Trong 30 ngày chơi trò trốn tìm với quân Pháp và Nhật, những người yêu nước đã đưa tôi từ nơi ẩn náu này đến nơi ẩn náu khác. Họ cố gắng hết sức để tôi cảm thấy thoải mái. Bất cứ khi nào và bất cứ ở nơi đâu nếu có thể, dân làng cả nam, phụ, lão, ấu đều tổ chức những buổi gặp mặt bí mật để chào đón tôi. Khi người chủ tọa dứt lời, tôi luôn luôn đáp lại với một câu ngắn gọn và đơn giản: "Việt Minh! Việt Minh!". Sau đó họ đứng dậy đồng thanh nói "Hoa Kỳ! Roosevelt! Hoa Kỳ! Roosevelt!". Các buổi gặp mặt kết thúc với những cái bắt tay thân thiện".

Và Sao quả quyết: "Việt Minh hùng mạnh thế nào tôi không biết, nhưng như những gì tôi đã chứng kiến thì tổ chức này rất được nhân dân ủng hộ. Đi đến đâu tôi cũng được dân làng chào đón với hai tiếng "Việt Minh! Việt Minh!" và họ làm tất cả để giúp những người yêu nước, cho dù có bị ngăn cấm và đàn áp. Tháng 12, những người bạn Đông Dương đưa tôi về Trung Quốc, trước khi chia tay họ dặn đi dặn lại tôi phải gửi lời chào tốt đẹp nhất của họ tới quân đội và nhân dân Mỹ. Lần bắt tay cuối cùng họ hô to: "Hoa Kỳ muôn năm! Roosevelt muôn năm, tướng Chennault muôn năm!" và tôi hô to đáp lại: "Đông Dương muôn năm! Việt Minh muôn năm!". Tôi rất vui khi được quay trở lại và kể với đất nước tôi và những đồng minh của nó về tình hình thực tế tại Đông Dương…

Tôi khiêm nhường nghĩ rằng, vì nhiệm vụ dân chủ cũng như vì lợi ích chiến lược, chúng ta phải giúp đỡ phong trào chống Nhật, chống phát xít của Đông Dương một cách có hiệu quả"…

(Còn tiếp)

Hoàng Quảng Uyên
.
.