Giấc mơ mùa Thu

Thứ Sáu, 09/10/2020, 10:34
Tôi thích ngồi trong không gian của Thủy. Không gian đặc quánh mùi trầm hương, xung quanh được sắp đặt bởi rất nhiều thứ quen thuộc với hầu hết tuổi ấu thơ của những người sinh ra và lớn lên từ đồng chiều cuống rạ như tôi.

Vài bình lúa cắm cả gốc rạ trĩu cành vừa lên từ ruộng lúa nếp, vài khúc gỗ mục đã lên dầu, vài viên đá cuội lăn long lóc trong hộc của một cây xà cừ được xẻ làm bàn, thoang thoảng mùi hương trà hoa cúc ấm nóng thanh tao vị như thương một mùa thu đã cũ để cảm thấy bình tâm với mùa thu đang hiện hữu.

Câu chuyện của Thủy Chie với thổ cẩm

Thủy Chie (Trương Thu Thủy) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình công nhân bình thường. Tuổi thơ của Thủy gian khó nên ngay từ bé Thủy đã đi làm thêm tất cả những việc gì người ta thuê: phụ việc từ xưởng mộc, xưởng may, thợ xây. Tốt nghiệp cấp 3, Thủy thi đỗ vào học điêu khắc nhưng rồi cô phải bỏ dở giữa chừng vì không có tiền để tiếp tục việc học. Thủy bỏ dở giảng đường, nhưng chưa bao giờ ngừng nghỉ theo đuổi ước mơ về một chân trời nghệ thuật và những điều mình khát khao xây dựng một "thế giới" của riêng mình tưởng tượng và ấp ủ.

Duyên may trong đời đến với Thủy năm 2009 khi cô được nhận vào làm việc ở Dự án xúc tiến ngành nghề nông thôn Tây Bắc do Jica Nhật Bản tài trợ cho bà con dân tộc Lào ở Na Sang (Điện Biên), người Thái ở Than Uyên (Lai Châu), Mộc Châu (Sơn La), người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình). Công việc của Thủy là cắm bản, hướng dẫn bà con phối màu cho lớp dệt và hướng dẫn bà con may sản phẩm từ vải dệt ra. Thời điểm đó, bà con đã bỏ dệt gần hết, do dệt ra cũng không dùng đến, du lịch cũng chưa phát triển, sản phẩm cũng nghèo nàn, chất lượng thấp. Những ngày tháng ăn rừng ở bản với bà con là những ngày tháng tươi đẹp nhất của Thủy.

Dù ở bản, thiếu nước sạch, không có nhà vệ sinh, điện đóm phập phù, điều kiện sống kham khổ, nhưng Thủy, với tâm hồn khát khao về một thế giới sống đầy ước mơ, thì lại mê  mẩn với tấm thổ cẩm, với ruộng lúa, cánh đồng, với sắc màu thôn bản, cộng với tình cảm ấm áp của bà con thì những khó khăn cũng không còn là trở ngại gì lớn lao với cô. Có hợp tác xã mà xã viên đều lớn tuổi, lại không sõi tiếng phổ thông, nhưng các chị rất chăm chỉ, ngày nào cũng học đến tận khuya, đấy là động lực lớn cho Thủy cắm bản.

Sau 3 năm cùng ăn cùng ở cùng làm với bà con thì sản phẩm dệt may của bà con đã được khách hàng đón nhận, bà con vô cùng hào hứng vì vừa khôi phục lại truyền thống, vừa có thêm thu nhập. Việc dệt may lại không bó buộc về thời gian, ngoài ruộng nương, lợn gà thì chị em có thể dệt hoặc may bất cứ lúc rỗi rãi nào. Lúc nông nhàn cũng không phải xa nhà đi làm thời vụ, vừa được chăm sóc gia đình, vừa có thêm thu nhập, vừa giữ gìn được truyền thống.

Tuy nhiên thời gian của dự án chỉ có 3 năm, nếu dừng lại thì khả năng cao là mọi thứ lại quay về như cũ, các bác chuyên gia trong Dự án và Thủy đều rất trăn trở. Sau một thời gian thì Thủy quyết định sẽ mở một cửa hàng nhỏ ở Hà Nội bằng quyết tâm và sự trợ giúp to lớn của các chuyên gia. Thủy đặt tên cửa hàng là Chie, một cái tên phổ biến trong tiếng Nhật cũng là để nhớ về sự giúp đỡ tuyệt vời của các chuyên gia Nhật ấy.

Cửa hàng đầu tiên chỉ rộng 18m2, Thủy để một cái máy khâu, vừa ngồi may mẫu mới vừa bán hàng. Thi thoảng Thủy lại lên bản, hướng dẫn bà con làm sản phẩm mới. Dần dà tay nghề bà con bắt đầu "cứng" thì Thủy chọn mỗi Hợp tác xã 2,3 chị em, đưa về Hà Nội, ăn ở và học mẫu mới ở tại nhà Thủy luôn. Sau đó các chị em đó lại về hướng dẫn lại cho chị em ở nhà. Cứ thế, bà con sản xuất, rồi gửi xe khách về Hà Nội cho Thủy bán. Có tiền thì lại quay trở lại mua hàng và chăm lo để bà con yên tâm sản xuất. Khoảng 5 năm sau thì chỉ cần gửi ảnh, gửi bản vẽ là bà con có thể làm ra sản phẩm mà không cần Thủy phải đến tận nơi hay hướng dẫn trực tiếp nữa. Hàng năm Thủy mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, phối màu hoa văn dệt, quản lý, tài chính… 

Cứ có dịp là Thủy lại làm với bà con. Hoặc mỗi khi có hội chợ, triển lãm thì Thủy cũng đi hỗ trợ bà con bày biện, đón tiếp khách hàng, hoặc phiên dịch, giới thiệu, bán sản phẩm của bà con để bà con có tiền ổn định và chuyên tâm với nghề dệt may thổ cẩm. Dần dà, du lịch và công nghệ phát triển, bây giờ bà con đã gần như tự chủ được hoàn toàn.

Sản phẩm bà con làm ra đã theo chân khách du lịch tỏa đi khắp nơi, đơn hàng tới tấp bay về. Bây giờ tại các địa phương, bà con đã tự thân vận động và tự chăm lo, phát triển nghề nghiệp của mình, nhưng Thủy vẫn hỗ trợ họ hết lòng mỗi khi cần tư vấn. Thủy cho biết, mặc dù trong những hợp tác xã, có HTX phát triển, cũng có HTX rã đám, nhưng rõ ràng đời sống của bà con dân tộc thiểu số sẽ được nâng cao và họ cũng yêu nghề hơn khi có sự hỗ trợ từ phía sau.

Chị Lò Thị Viên, ở HTX Na Sang, Điện Biên chia sẻ: "Bà con người dân tộc ở Na Sang có nghề dệt vải nhưng trước đây họ chủ yếu dệt may để sử dụng vì không biết ai để bán hàng ra ngoài. Khi có chị Thủy đến hướng dẫn để các mặt hàng dệt thổ cẩm có thể được bán cho người Hà Nội cũng như các vùng khác thì bà con trong HTX đã cùng nhau xây dựng nên thương hiệu riêng của vùng Na Sang và đời sống của bà con đã phát triển lên một bước tiến mới. Bây giờ bà con vẫn tiếp tục hướng dẫn các lớp con cháu để tiếp tục phát triển nghề dệt thổ cẩm của quê hương".

Chị Vì Thị Oanh ở HTX Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình) cho hay, ngày xưa khi du lịch chưa phát triển thì Thủy đã cùng ăn cùng ở với bà con để hướng dẫn bà con. Thủy là người Hà Nội mà không quản ngại điều gì khó cả, đều lăn xả vào các việc dù to, dù nhỏ. Thủy thức khuya dậy sớm, cùng ăn cùng làm với bà con nhiều tháng ngày. Có Thủy là động lực vừa sản xuất ra hàng lại có nơi tiêu thụ nên bà con yên tâm sản xuất. Khi Mai Châu trở thành trung tâm du lịch thì đời sống bà con khấm khá hơn. Các sản phẩm dệt may thủ công chất lượng thì thường cũng được nhiều người ưa chuộng vì thế mà bà con rất nỗ lực làm việc vừa để phát triển nghề truyền thống vừa có kinh tế để đảm bảo cuộc sống gia đình...

Riêng với Thủy Chie, những thước vải thổ cẩm ngoài việc là công sức của bà con, thì còn là niềm đam mê của Thủy với sắc màu và những trải nghiệm quý báu của Thủy trong suốt cả một thời tuổi trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết. Thủy đồng cảm với rất nhiều hoàn cảnh của bà con người dân tộc thiểu số, để từ đó, với khả năng của mình, Thủy hỗ trợ và đồng hành cùng họ, cũng là đồng hành với khát vọng. Từ những tấm vải của bà con, những chiếc áo, những đồ vật mang dáng hình thổ cẩm đã đi cùng với người dùng trên mọi nẻo đường Tổ quốc.

Trăn trở mùa COVID

Từ cửa hàng 18m2 đầu tiên, Thủy phát triển thành 3 cửa hàng, rồi bây giờ lại thu lại một mối nhưng là một cửa hàng lớn với 3 tầng trên khu vực phố cổ của Hà Nội. Tại đây có khu bán hàng, có chỗ giao lưu, trải nghiệm, chia sẻ về nghề dệt thủ công của bà con. Và đặc biệt là Thủy có một tầng trưng bày những hiện vật hiếm có của bà con mà Thủy may mắn được lưu giữ. Những bộ dấu làm vàng mã cho lễ cấp sắc của người Dao, những bộ váy cưới được thêu dệt tỉ mỉ, hay những bộ trang sức bằng bạc với tuổi đời rất lâu… rất nhiều hiện vật gần như là duy nhất. Những thứ này Thủy quý như báu vật, ai trả giá nào Thủy cũng không bán, dù túng thiếu khó khăn. Thủy bảo "tôi nghĩ mình may mắn được đồ chọn để ở lại, tôi quan điểm vạn vật hữu linh, nhất là những món đồ mang đậm nét văn hóa của tộc người như thế này, chúng thực sự có linh hồn và tình cảm, có tiền chưa chắc đã đi tìm mua được".

Trong gần 10 năm, Thủy cứ cắm cúi làm một mình, chưa từng quảng bá, chưa nghĩ đến làm thương hiệu hay gì cả. Do đặt cửa hàng ban đầu ở phố cổ, khách du lịch đến hàng ngày, lúc nào cũng "trở tay không kịp" vì Thủy bận bịu với việc giới thiệu và quảng bá câu chuyện làng nghề, bây giờ dịch bệnh COVID ảnh hưởng khắp thế giới, Thủy mới thư thả để hoàn thiện những cái mình còn làm chưa tốt, bắt đầu dùng mạng xã hội để quảng bá về cửa hàng và các sản phẩm của bà con.

Nhiều khách Việt đến với cửa hàng, người "mắng" Thủy là toàn thứ hay cứ chỉ để cho "Tây hưởng", người thì khen Thủy làm được việc tốt, giúp đỡ bà con và làm ra những không gian bài trí có ích với những người yêu văn hóa dân tộc và muốn tìm hiểu văn hóa người Thái, người Mường... Thủy bây giờ, không chỉ là cô gái Hà Nội mê say với điêu khắc, mà còn là một người bạn thân thiết của bà con. Thủy hiểu và khích lệ bà con để họ hiểu được rằng, cho dù đại dịch COVID không ngay lập tức vực lại được mọi thứ như ban đầu, nhưng với những gì tinh túy nhất của văn hóa bản địa, bà con vẫn sẽ có đầu ra cho sản phẩm và yên tâm sản xuất.

Tôi gặp Thủy trong một không gian đầy những sắc màu thổ cẩm, Thủy dịu dàng nhưng đầy cương nghị, đầy những đam mê nhưng cũng không ít trăn trở trong thời buổi mọi thứ đều bão hòa như hiện nay. Thủy chia sẻ: "Có lúc ở một mình trong không gian riêng tư, ngồigiữa căn phòng đầy sắc màu thổ cẩm, đục đẽo một thanh gỗ đã cũ, làm mới một vật phẩm đã bám đầy bụi thời gian, tôi thấy như thiên đường, tôi thấy mình quá may mắn vì đã tìm được "con đường thổ cẩm" này.

Tôi nhớ những cây bông, cây lanh xanh mướt trên nương, những vạt chàm tươi tốt sau nhà, tiếng thoi dệt lách cách, bóng những cô gái nghiêng đầu bên khung cửi, nó như một bức họa đồng quê, mà với tôi, nó là vô giá".

Giữa Hà Nội phồn hoa, bỗng lạc vào một miền cổ tích trầm mặc, đầy dấu tích thời gian, đầy văn hóa bản địa của một vùng dân tộc thiểu số, đầy những thứ cũ kỹ mà chạm vào nó, tôi có thể sống lại cùng cả trời kỷ niệm yêu thương. Đó chỉ đơn giản là một ô cửa cũ kỹ đã hoen rỉ thời gian, đó cũng đơn giản có khi là chiếc gầu sòng múc nước ngày xưa của mẹ, nhưng trên tấy thảy những kỷ vật, những ký ức, là những yêu thương và tâm huyết của một người con gái đã yêu tận cùng và đi đến tận cùng niềm đam mê thiện nguyện và muốn làm được một điều gì thật có ích cho cuộc đời. Để lưu giữ tuổi thanh xuân mình đã cống hiến trọn vẹn niềm đam mê không hối tiếc. Thủy vẫn đang có những chuyến đi trên con đường mơ ước và khát khao cháy bỏng của mình; mà tôi tin rằng đó là một con đường đầy cảm hứng...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.