Giấc mơ Tổng thống của tỷ phú Donald Trump: Đường hãy còn xa

Chủ Nhật, 13/03/2016, 08:52
Cuộc đua giữa các ứng cử viên vào vị trí đại diện cho hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đang bước vào những giai đoạn nước rút. 

Mới đây, truyền thông Mỹ dẫn lại các kết quả bầu cử cho thấy, tỉ phú Donald Trump đã chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại hai bang Georgia và Virginia vào ngày "siêu thứ ba" (1/3). Nhân vật này cuốn hút người dân Mỹ và gây sốt truyền thông là do khả năng và cá tính thích "nổ".

Ngay từ khi tuyên bố ra tranh cử làm ứng viên đảng Cộng hòa vào ngày 16-6-2015, ông Trump đã bắt đầu gây sốc cho dư luận bởi cách ăn nói thẳng thắn, có phần khiêu khích, gây ra rất nhiều phản ứng trái chiều ở Mỹ. Càng ngày ông Donald Trump càng bùng nổ, thế nhưng ngay trong thời điểm gay cấn nhất hiện nay, lại bắt đầu xuất hiện dấu hiệu cho thấy tỉ phú này đang "yếu thế".

Quảng bá hình ảnh

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã bước vào giai đoạn quan trọng nhất với các ứng viên, khi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ chuẩn bị lựa chọn ứng viên đại diện ra tranh cử trong cuộc đua tới vị trí cao nhất tại Nhà Trắng sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây. Trong cuộc đua ấy, ông Donald Trump nổi lên với những phát ngôn ấn tượng. Mở đầu chiến dịch tranh cử, vị tỉ phú không do dự tuyên bố sẽ biến nước Mỹ trở thành thiên đường, dưới sự dẫn dắt của một tổng thống "được Chúa giao phó những công việc vĩ đại nhất".

Ông Trump cam kết sẽ "hồi sinh" giấc mơ Mỹ, tiếp tục giúp quốc gia Bắc Mỹ này khẳng định vị thế siêu cường trên vũ đài kinh tế - chính trị thế giới, trước sự lớn mạnh và sức ép từ các đối thủ khác.

Việc Donald Trump lựa chọn Sarah Palin làm bạn đồng hành để đi tới chiến thắng có thể là một sự thiếu sáng suốt.

Donald Trump không phải là một chính khách theo kiểu truyền thống, mà là một doanh nhân làm chính trị. Ông hiểu rằng, chiến lược tranh cử luôn phải gắn liền với "đồng tiền bát gạo". Là một tỉ phú có tư duy kinh tế sắc bén, Donald Trump sẽ tìm cách biến cuộc bầu cử đậm chất chính trị trở thành một ván cờ với lợi thế nghiêng về chính mình.

Với sự lọc lõi trên thương trường, Donald Trump không phải bỏ tiền ra tranh cử Tổng thống Mỹ theo kiểu "được ăn cả, ngã về không". Ông cũng không chơi theo kiểu "quá an toàn" với các đối thủ, và càng không bao giờ chịu cảnh "mất cả chì lẫn chài" nếu thất bại trong cuộc đua tranh.

Với toan tính của một nhà kinh tế, Donald Trump dường như biến quá trình vận động tranh cử trở thành một phần của chiến dịch quảng cáo dài hơi liên quan tới nhiều hoạt động kinh doanh. Lợi thế rõ ràng là hình ảnh của tỉ phú này tràn ngập trên mọi phương tiện truyền thông, tạo nên cơn sốt trong dư luận và những hiệu ứng lan tỏa sau hàng loạt phát ngôn bạo dạn. 

Nhiều hãng truyền thông lớn đã có hẳn chuyên mục "Donald Trump" trên bảng giao diện điện tử, và liên tục cập nhật tình hình tranh đấu của ông Trump. Có lẽ ở nước Mỹ vào thời điểm này, cái tên Donald Trump đã trở thành khái niệm chứ không chỉ đơn thuần là tên của một vị tỉ phú tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ.

Donald Trump đã quá thành công trong quảng bá hình ảnh của mình, để chiếm lấy cảm tình và niềm tin từ các cử tri. Nếu trở thành tổng thống, ông sẽ có một lực lượng ủng hộ rất lớn, chính thức kết thúc quá trình "chính trị hóa doanh nhân" và bắt đầu "cải tạo" nước Mỹ theo cách mà ông đã hứa với dư luận. 

Việc ông Trump từng lên tiếng về tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân Mỹ đã giúp ứng viên này ghi điểm mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng. Ông đã đánh trúng vào tâm lý mong manh của một nhóm người đông đảo trong xã hội Mỹ - nhóm thất nghiệp, khiến họ trở nên xúc động vì sự lo lắng của ông tới chuyện số lượng việc làm của người dân Mỹ "quá eo hẹp" mà chính phủ hiện tại chưa giải quyết được.

Liên danh "nguy hiểm"

Đôi khi, cách mà Donald Trump đang sử dụng trong cuộc chơi chính trị ở nước Mỹ ẩn chứa nhiều bất ngờ. Ông đã quyết định liên danh với cựu Thống đốc bang Alaska Sarah Palin, giáng một đòn mạnh vào các đối thủ chính trong cuộc đua trở thành đại diện của đảng Cộng hòa, đồng thời khiến báo giới "sôi sục". 

Việc kết nối với bà Palin đã làm cho Donald Trump thêm nổi bật trên chính trường nước Mỹ. Dư luận hướng về ông và khai thác nhiều khía cạnh của sự kết nối Trump - Palin. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Liệu bà Palin có điểm mạnh nào để hỗ trợ được cho ông Trump?

Trước đây, Sarah Palin đã từng là ứng viên phó Tổng thống trong liên danh với Thượng nghĩ sĩ John McCain đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Nhưng đáng tiếc, liên danh này đã thất bại trước ứng cử viên đảng Dân chủ Barack Obama.

Có thể việc Donald Trump hướng tới bà Sarah Palin để làm nền cho chiến thắng cá nhân thể hiện một sự thiếu sáng suốt. Ở vào giai đoạn nước rút hiện nay, điều cần nhất là phải phán đoán chính xác, đưa ra chiến lược tranh cử thông minh, phù hợp và có sức thuyết phục cử tri. 

Một bộ phận người dân vẫn rất ủng hộ và tin tưởng vào Donald Trump.

Một "cộng sự" liên danh phải giúp ông Trump khắc phục được những khuyết điểm cá nhân, khai thác tối đa những gì tích cực trong sự bùng nổ của ông. Ấy vậy mà cho đến giờ, vẫn chưa thấy rõ ràng những động thái "hàn gắn" từ bà Palin cho những điểm yếu mà ông Trump đã bộc lộ. Và nữ chính khách này cũng không thể hiện những phân tích chiến lược nhằm cố vấn cho vị tỉ phú về cách thức tranh cử.

Việc Donald Trump lựa chọn Sarah Palin làm bạn đồng hành đi tới chiến thắng đã làm cho những người ủng hộ ông chuyển sang trạng thái lưỡng lự, đắn đo hơn trong quyết định bỏ phiếu của mình. 

Có ý kiến nhận định, liên danh với Palin sẽ gây nên hiệu ứng "gậy ông đập lưng ông" với Donald Trump, làm cho "đối thủ tiềm tàng" Hillary Clinton như được tạo thêm cả thế và lực trong đường đua. Bởi lẽ, Palin không thể so với bà Hillary trong bất cứ khía cạnh nào, đặc biệt là nghệ thuật làm chính trị. 

Nhiều cá nhân còn tưởng tượng ra viễn cảnh thất bại của John McCain - Sarah Palin 8 năm trước sẽ tái diễn, cho rằng bà Palin chỉ phù hợp trong các bữa tiệc trà của đảng Cộng hòa.

Cơ hội không chắc chắn

Cho đến lúc này, chủ nghĩa khủng bố là một trong nhiều vấn đề mà Donald Trump khai thác hiệu quả và tạm thời lấy được sự ủng hộ của dư luận Mỹ. Ông từng tuyên bố sẽ thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi người Hồi giáo tại Mỹ, cũng như tăng cường giám sát một số nhà thờ Hồi giáo để chống các phần tử cực đoan. 

Tuy nhiên, chiến thắng khủng bố không thể diễn ra trong nay mai khi mà những hệ tư tưởng phản động đã bám rễ rất chắc ở nhiều nơi trên thế giới, và phương thức khủng bố ngày càng trở nên tinh vi. Ngoài ra, việc ông Trump "bạo miệng" có thể kích động một bộ phận cực đoan, vô tình khơi mào cho những âm mưu khủng bố mới đe dọa nước Mỹ.

Hình ảnh Donald Trump tràn ngập khắp nơi, chiến thắng của ông tại nhiều bang cũng rất thuyết phục. Ông Trump luôn tạo ra những cú sốc trong quá trình vận động hay tranh luận trực tiếp với các ứng viên khác của đảng Cộng hòa. Người ta cảm thấy những cuộc tranh luận sẽ thiếu tính hấp dẫn nếu phần phát biểu của ông Trump không có chi tiết gây tranh cãi. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại nhận định: khả năng thắng cử cuối cùng của Donald Trump không quá cao. 

Bỏ qua những phát ngôn "nổ" và cam kết rất tươi sáng, với những gì ông Donald Trump thể hiện thì người dân Mỹ chưa nhìn rõ được tiêu chí đảm bảo quyền lợi của họ được đáp ứng tốt nhất nếu ông là Tổng thống.

Ông Trump đã tạo nên một sự đặc biệt trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ là luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Tất cả các hãng truyền thông trên thế giới đưa tin về tình hình bầu cử tại nước Mỹ sẽ "nhạt" nếu không đề cập tới Donald Trump. 

Điều đó có nghĩa là, Donald Trump đã trở thành nhân vật chính trong quá trình tìm kiếm vị tổng thống tương lai cho nước Mỹ. Tuy nhiên, đó chỉ là truyền thông và dư luận, chứ thực ra ông Trump chỉ "làm nền" cho những ứng viên khác, giúp họ nhìn lại mình và hoàn thiện chiến lược tranh cử phù hợp, để từ đó nâng cao cơ hội chiến thắng.

Sau cùng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 luôn chứa đựng nhiều bất ngờ, và Donald Trump chính là người tạo ra nhiều những bất ngờ ấy. Rất có thể, một ứng cử viên độc lập - doanh nhân làm chính trị như Donald Trump sẽ trở thành đại diện đảng Cộng hòa. 

Nếu điều đó xảy ra thì chứng tỏ "hiệu ứng Donald Trump" có tác động lớn với cử tri Mỹ. Kết quả cuối cùng chưa rõ, chỉ biết chắc chắn một điều rằng: nhân vật được lựa chọn điều hành đất nước phải luôn thực hiện trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi, cuộc sống cho người dân Mỹ…

Nam Hồng
.
.