Ghế Tổng thư ký LHQ và cuộc chiến trong hậu trường

Thứ Hai, 10/10/2016, 15:08
Ngày 5-10-2016, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) đã nhất trí chọn ông António Guterres làm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (TTK LHQ) thay ông Ban Ki-Moon. Việc chọn ông António Guterres làm Tổng thư ký thứ 9 của LHQ chính thức được chuẩn y trong cuộc bỏ phiếu có tính thủ tục từ 193 thành viên LHQ vào ngày 6-10-2016.

Dù bị đánh giá “hữu danh vô thực”…

Từ tháng 7-2016, 13 ứng cử viên đã tham gia cuộc chiến ngoại giao giành ghế TTK LHQ. Tiến trình chọn bắt đầu từ 15 thành viên UNSC với ba hình thức phiếu: “khuyến khích”, “phản đối”, và “không ý kiến”. 

Trong lần bỏ phiếu cuối cùng, ông António Guterres được 13 phiếu “khuyến khích”, không phiếu “phản đối” và hai phiếu “không ý kiến”. Guterres từng là trợ lý giáo sư trước khi bước vào chính trường năm 1974 và giữ ghế Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến 2002. 

Từ năm 2005 đến 2015, ông làm Cao ủy tỵ nạn LHQ… Như trong các chiến dịch tranh ghế TTK LHQ trước đây, các nước lớn cũng vận động hành lang cho ứng cử viên mà họ muốn. 

Năm nay, Nga đẩy mạnh ủng hộ một ứng cử viên từ khối Đông Âu nhưng bất thành. Dù thường bị đánh giá là “hữu danh vô thực” nhưng ghế TTK LHQ gần như luôn là sự dàn xếp của các cường quốc, đặc biệt 5 thành viên thường trực UNSC.

Cựu đại sứ Mỹ tại LHQ, Richard Holbrooke, từng nói chẳng người nào không được đồng ý từ Washington, Moscow và Bắc Kinh mà có thể lên được ghế TTK LHQ. Phát biểu này cho thấy dù vận động tốn kém thế nào mà không được ủng hộ từ các nước thành viên thường trực UNSC thì cũng có khả năng “xôi hỏng bỏng không”. 

Trong quyển The United Nations – International Organization and World Politics, nhóm tác giả Lawrence Ziring, Robert Riggs và Jack Plano đã nêu vài trường hợp cụ thể. 

Năm 1950, khi nhiệm kỳ thứ nhất của Trygve Lie sắp kết thúc, Liên Xô khăng khăng phủ quyết ứng cử viên Lester Pearson (Canada) và Paul-Henri Spaak (Bỉ) trong khi Mỹ thề bác bỏ bất kỳ ai trừ Trygve Lie. Vấn đề biến thành cuộc khủng hoảng dẫn đến bế tắc khi chẳng ai nhượng bộ ai. Cuối cùng, người ta phải nghĩ đến giải pháp kéo dài thêm ba năm cho nhiệm kỳ Trygve Lie...

Tân Tổng thư ký Liên hiệp Quốc António Guterres (phải) và ông Ban Ki-Moon.

Cuộc giằng co của các cường quốc

Thế giới càng mâu thuẫn phân cực, cuộc chiến vận động ghế TTK LHQ càng căng. Không ví dụ nào rõ hơn khi nhìn lại thời Chiến tranh Lạnh. Trong United Nations – The First Fifty Years, tác giả Stanley Meisler cho biết, tiến trình chọn người kế nhiệm Dag Hammarskjold năm 1961 thậm chí còn lâm vào tình thế khủng hoảng nghiêm trọng hơn. 

Không đồng ý bất kỳ ứng cử viên nào, Liên Xô đề xuất mô hình “bộ tam” – ba ghế TTK LHQ đại diện cho thế giới tư bản, thế giới cộng sản và thế giới thứ ba. Nikita Khruschev cho rằng “bài học Hammarskjold” đã quá đủ cho Moscow, khi Hammarskjold tỏ ra không trung lập và thiên vị đối với phe tư bản. 

Thế cho nên để công bằng, ghế TTK LHQ không chỉ thuộc một người mà phải ba nhân vật đại diện ba thế giới. Washington bác bỏ và các nước đang phát triển cũng không ủng hộ ý kiến Khruschev mà đòi ghế TTK LHQ cho riêng họ.

Cuộc khủng hoảng bước sang giai đoạn hai khi Moscow đề xuất rằng cho dù ai được bầu làm TTK LHQ thì nhân vật đó vẫn phải có nhóm cố vấn đến từ ba thế giới như kể ở trên. Washington đồng ý nhưng bế tắc tiếp nối khi người ta không thống nhất được số cố vấn cho TTK LHQ (có một đại sứ đề nghị 15 cố vấn). Còn nữa, phần ứng cử viên, hai nhân vật nổi cộm bấy giờ là đại sứ Mongi Slim (Tusinia) và đại sứ Miến Điện U Thant. 

Tuy nhiên, Liên Xô đánh giá Mongi Slim thân phương Tây; Israel cho rằng ông là đồng minh của những kẻ thù mình; trong khi Pháp vẫn còn hận Tusinia vụ đụng độ kinh hoàng tại cảng Bizerte (Tusinia) vào đầu thập niên 1960 khiến Pháp phải “bỏ của chạy lấy người”.

Với U Thant, Pháp cũng chẳng thiện cảm bởi ông từng là Chủ tịch Ủy ban Á - Phi bàn về tiến trình độc lập cho Algeria - thuộc địa Pháp (một nhà ngoại giao Pháp thậm chí dè bỉu rằng U Thant quá… lùn và dốt đặc tiếng Pháp. Khi biết chuyện, U Thant xỏ lại khi nói rằng ông dù sao đi nữa cũng còn cao hơn Napoleon và tất nhiên không dốt đặc tiếng Anh như “cái ông vua bên Pháp”)… 

Năm 1981, UNSC lại bế tắc hơn 6 tuần trong tiến trình bầu TTK LHQ. Trung Quốc phủ quyết Kurt Waldheim tranh nhiệm kỳ ba trong khi Mỹ cản trở ứng cử viên Salim A. Salim (Tanzania). Cuối cùng, Waldheim lẫn Salim đều rút lui và Javier Pérez de Cuéllar được đề cử trong vòng bỏ phiếu chính thức đầu tiên từ danh sách 9 ứng cử viên thuộc các nước thế giới thứ ba...

“Đảo chính” Boutros-Ghali

Riêng trường hợp Boutros-Ghali, yếu tố địa lý có một ý nghĩa nhất định, ở thời điểm mà các nước châu Phi liên tục đòi một gương mặt đại diện cho ghế TTK LHQ. Ý kiến trên được ủng hộ và cổ súy trong chiến dịch tuyên truyền rầm rộ từ Phong trào không liên kết (NAM), nơi khẳng định họ sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên TTK LHQ nào trừ đại diện Lục địa đen tại vòng bầu chọn cuối cùng trong Đại hội đồng. 

Trong khi đó, Mỹ, Anh và Liên Xô không thật sự quan tâm quan điểm “quota khu vực” đối với ghế TTK LHQ. Vấn đề được họ đặt nặng hơn là liệu Boutros Boutros-Ghali có thể gồng nổi trách nhiệm nặng nề ở bối cảnh thế giới xảy ra quá nhiều biến động phức tạp giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh hay không (dù Boutros-Ghali là nhà ngoại giao kinh nghiệm; tốt nghiệp tiến sĩ luật quốc tế Đại học Paris)...

Với tiến trình tái bầu TTK LHQ, vấn đề không còn nằm ở yếu tố khu vực địa lý mà cái chính được quan tâm là sự nhìn lại khả năng TTK LHQ cũng như quan điểm của ông đối với các sự kiện xảy ra trong nhiệm kỳ trước. Kofi Annan đã không gặp khó khăn gì trong mùa tái tranh cử cực kỳ trơn tru nhưng người tiền nhiệm Boutros-Ghali từng bị Mỹ hạ bệ thẳng thừng. 

António Guterres được đánh giá cao với những gì ông làm khi phụ trách Cao ủy tỵ nạn LHQ.

Trong quyển Madam Secretary – A memoir, tác giả - cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đã kể lại việc mình thay mặt Washington chặn đứng Boutros-Ghali như thế nào. 

Bà viết: “Ngồi tại bàn làm việc ở New York, tôi đọc mỗi ngày những xung đột mới, các vụ giết người, sự phẫn nộ và vô số lời đe dọa mà phe này dành cho phe kia. Tôi biết khắp nơi đều trông chờ LHQ và UNSC để tìm giải pháp. 

Trong khi đó, xung đột quan điểm giữa Mỹ và LHQ ngày càng lớn. Tôi quyết định hành động. Năm 1996, tôi thực hiện điều này bằng cách ngăn Boutros - Ghali tham gia tái tranh cử TTK LHQ nhiệm kỳ hai. Bất đồng giữa Washington và Boutros-Ghali mỗi lúc một nghiêm trọng, từ vấn đề Somalia đến giải pháp cho Rwanda. 

Với tư cách đại sứ thường trực LHQ, trước cuộc chiến Boutros - Ghali nhằm vào Mỹ, tôi khó có thể thuyết phục Quốc hội Mỹ tiếp tục ủng hộ các chương trình nghị sự LHQ. Điều này không phải không quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh phe Cộng hòa thời điểm đó kiểm soát hoàn toàn Quốc hội, khống chế tất cả vấn đề liên quan LHQ...

Trong chuyến bay đến Bosnia với tổng thống vào tháng 1-1996, tôi đặt vấn đề trên với Bill Clinton và tổng thống đồng ý sự phân tích của tôi. Warren Christopher yêu cầu tôi thảo kế hoạch bằng văn bản, với hai ý: nhất thiết thay Boutros - Ghali; đồng thời đề xuất ứng cử viên thay thế, trong đó có một người mà tôi cho là thích hợp nhất: Kofi Annan – viên chức LHQ đầy kinh nghiệm từng lãnh nhiều trọng trách nặng nề... Trong nhiều tháng, chúng tôi giữ kín chiến dịch đưa Kofi Annan lên ghế TTK LHQ. 

Cùng lúc, Warren Christopher thuyết phục Boutros-Ghali từ bỏ chiến dịch tái tranh cử và đưa ra một mặc cả: Boutros-Ghali tiếp tục làm thêm một năm sau nhiệm kỳ chính thức, cho đến sinh nhật lần thứ 75 của ông. Tuy nhiên, Boutros-Ghali lại “đòi” thêm nửa nhiệm kỳ (hai năm rưỡi)...

“Giữa tháng 6-1996, Ngoại trưởng Warren Christopher tiết lộ thông tin liên quan ứng cử viên sáng giá Kofi Annan cho tờ New York Times. Tôi nghe tin khi đang đi từ San Diego đến Los Angeles và biết ngay mình phải làm gì. Điện thoại di động hỏng, tôi dùng điện thoại công cộng liên lạc với các đại sứ LHQ thường trực khác. Đúng như tôi đoán, tất cả đại sứ đều bất mãn. Chiến dịch của chúng tôi xuất phát không thuận lợi bây giờ càng tồi tệ. 

Với Pháp và Ai Cập hậu thuẫn, 53 quốc gia châu Phi tổ chức hội nghị, tuyên bố ủng hộ Boutros-Ghali đến cùng... Mùa thu 1996 đã ngốn hết thời gian và sức lực khi chúng tôi cùng lúc thực hiện hai chiến dịch bầu cử: tái tranh cử của Bill Clinton và ngăn tái tranh cử của Boutros-Ghali. 

Ngày 19-11-1996, tôi phủ quyết nghị quyết cho phép Boutros-Ghali tranh cử nhiệm kỳ hai. Với tỉ lệ phiếu 14-1 (14 ủng hộ và 1 chống), cuộc đối đầu mà chúng tôi cố tránh bây giờ trở thành công khai và rõ ràng chúng tôi bị cô lập.

Tổng thống Ethiopia Meles Zenawi gửi thư cho Tổng thống Cameroon Paul Biya (lúc đó giữ ghế Chủ tịch OAU - Tổ chức thống nhất châu Phi), yêu cầu tìm ứng cử viên châu Phi thay thế. 

Cùng lúc, hành lang LHQ bắt đầu nhốn nháo tranh luận việc săn tìm ứng cử viên châu Phi thích hợp – người có thể đáp ứng yêu cầu của Mỹ (ủng hộ cải tổ LHQ); yêu cầu Pháp (nói tiếng Pháp giỏi) và yêu cầu Trung Quốc (không ủng hộ Đài Loan). Cuối cùng, ngày 13-12-1996, UNSC nhất trí đề cử Kofi Annan tranh cử ghế TTK LHQ thứ 7”...

Ngọc Trì
.
.