“Gã hói” Satya Nadella, người đưa Microsoft vượt mặt Apple

Thứ Tư, 02/01/2019, 10:15
Theo đánh giá của chuyên trang xếp hạng Comparably, CEO Microsoft Satya Nadella dẫn đầu trong danh sách những CEO thành công nhất năm 2018. 

Đây được coi là một kết quả xứng đáng dành cho người đã lập nên kỳ tích khi Microsoft chính thức vượt Apple để trở thành tập đoàn giá trị nhất thế giới vào cuối tháng 11-2018.

Chưa đầy 5 năm sau khi ngồi ghế lãnh đạo, vị CEO 50 tuổi, gốc Ấn Độ đã hàn gắn những rạn nứt tại Microsoft và thổi “luồng gió mới” vào hoạt động của tập đoàn công nghệ này, tạo nên những thay đổi khiến cả thế giới phải kinh ngạc.

Tình thế khó khăn

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ khoa học máy tính, Satya Nadella gia nhập Microsoft vào năm 1992 - thời điểm Windows bắt đầu hành trình thống trị thế giới. Con đường thăng tiến của Nadella được ví như một giấc mơ, khi chỉ trong vòng 10 năm ông đã lần lượt nắm giữ những chức vụ quan trọng bậc nhất ở Microsoft.

Năm 2001, Nadella trở thành Phó Chủ tịch phụ trách Microsoft Business Solutions. 6 năm sau, ông giữ chức Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Microsoft Online Services, quản lý công cụ tìm kiếm Bing cũng như các phiên bản Office trực tuyến và Xbox Live đầu tiên.

“Gã hói” Satya Nadella được bình chọn là CEO thành công nhất thế giới.

Tháng 2-2011, ông tiếp tục thăng chức, trở thành Chủ tịch Servers & Tools - bộ phận phụ trách các trung tâm dữ liệu cho các công ty như Windows Server và cơ sở dữ liệu SQL Server, đồng thời triển khai nền tảng đám mây Azure - một trong các ván bài táo bạo nhất của Microsoft.

Tuy nhiên, giai đoạn này bắt đầu chứng kiến sự xuống dốc của Microsoft khi Windows 8 bị coi là thảm họa, Android và iOS vượt điện thoại Windows, còn Bing không thể tìm được chỗ đứng khi Google là “trùm” tìm kiếm. CEO Steve Ballmer, lên nắm quyền từ năm 2000, không chịu nổi “nhiệt” và buộc phải từ chức vào tháng 8-2013.

Giới quan sát cho rằng, dưới triều đại Ballmer, Microsoft trở thành một cỗ máy hiếu chiến, bảo thủ và chậm thay đổi. Những chính sách của Ballmer đã khiến Microsoft thụt lùi trên thị trường và bị đối thủ trực tiếp là Apple qua mặt, chiếm vị trí số 1 thế giới về trị giá vốn hóa từ năm 2010. Trong suốt 13 năm tại vị, Steve Ballmer cũng phạm phải những sai lầm tỷ USD sau những thương vụ mua lại aQuantive hay Nokia.

Tháng 2-2014, Satya Nadella trở thành CEO trong bối cảnh Microsoft vô cùng hỗn loạn, chứng kiến những cuộc tranh giành nội bộ vô cùng khốc liệt, còn người dùng và lập trình viên đều mất niềm tin.

Ngay lập tức, Nadella biết sẽ phải thực hiện một cuộc cải tổ toàn diện Microsoft, không chỉ trong các chiến lược, sản phẩm hay dịch vụ kinh doanh mà cả văn hóa làm việc đã ăn sâu trong gốc rễ tập đoàn. Microsoft đã ngủ quên trên chiến thắng quá lâu, đây là lúc thức tỉnh và nhìn về tương lai. 

Không sắc sảo như Bill Gates hay hoang dã như Steve Ballmer, Satya Nadella đã lựa chọn sự điềm tĩnh nhưng đầy táo bạo để xoay chuyển tình thế tại Microsoft.

Luồng gió mới

Dưới triều đại Nadella, Microsoft khởi nghiệp lần nữa khi hàng loạt những quy luật bất biến được xóa đi và hàng hoạt chính sách được thay đổi. Vị CEO gốc Ấn quyết định đưa ra mục tiêu mới: gia tăng năng suất sản xuất và phát triển nền tảng cho các công nghệ mới.

Những thay đổi mang tính cách mạng cho các sản phẩm Office hay Windows đã chứng minh quyết tâm của Nadella trong việc thay đổi hoàn toàn hình ảnh của Microsoft. Tuy nhiên, điều gây ấn tượng nhất chính là những thương vụ thâu tóm đình đám nhằm phục vụ cho các lĩnh vực trọng yếu của Microsoft như đám mây, trí tuệ nhân tạo hay phân tích dữ liệu.

Đầu tiên, Microsoft mua lại Mojang, nhà phát triển của tựa game Minecraft, vào tháng 9-2014 và biến Minecraft thành một công cụ giáo dục cho các thế hệ lập trình viên tương lai. Tiếp đó, Satya Nadella thâu tóm SwiftKey - một trong những bộ bàn phím ảo phổ biến nhất trên Android và iOS vào năm 2016.

Việc bỏ ra tới 250 triệu USD để mua Swiftkey cho thấy Windows Phone thực sự không còn đường sống trong thời đại Satya Nadella, bởi đến nay phần mềm này vẫn chưa được phát hành trên Lumia. SwiftKey mang tới một nguồn dữ liệu khổng lồ và cực kỳ hữu ích về ngôn ngữ tự nhiên để Microsoft có thể sử dụng cho trợ lý ảo Cortana cùng các dịch vụ nhận thức thông minh.

Nhưng, quan trọng nhất phải kể đến sự kiện thâu tóm LinkedIn vào cuối năm 2016 - mạng xã hội được coi là CV ảo cho người dùng chuyên nghiệp trên toàn cầu. 

Nếu như Mojang, SwiftKey và Minecraft được sử dụng để mở rộng  các lĩnh vực mới thì LinkedIn đảm bảo rằng tất cả các mối quan hệ và nhu cầu nhân sự trong giới doanh nghiệp đều sẽ xuất hiện trên môi trường của Microsoft trước tiên.

Khi đó, LinkedIn trở thành công cụ khiến không một đối thủ nào có thể cạnh tranh với Microsoft trên lĩnh vực doanh nghiệp - “sân nhà” của Satya Nadella.

Trong quá trình cải cách, Nadella cũng tỏ ra là một người quyết đoán khi lần lượt chia tay các nhân viên cấp cao một thời, mở đường cho việc cắt bỏ hoàn toàn những mảng kinh doanh yếu kém và không phù hợp với chiến lược của Nadella.

Trong đối ngoại, thay vì giữ chính sách hiếu chiến và sẵn sàng vùi dập đối thủ như trước, ông chọn giải pháp “dĩ hòa vi quý”. Những đối thủ sừng sỏ nhất dưới thời Steve Ballmer lại trở thành đối tác quan trọng của Microsoft dưới thời của Satya Nadella. Ông luôn đặt lợi ích phát triển mạng lưới dịch vụ cho những sản phẩm như Azure hay Office 365 lên trên “sự tự tôn” của Microsoft trước những công ty khác.

Cách mà Nadella chinh phục thị trường cũng cho thấy một Microsoft rất mới. Ông đưa ra hàng loạt quyết định táo bạo như phát triển Office cho iPad, cho máy tính bảng Android và miễn phí bản quyền cho Windows trên những thiết bị có kích thước màn hình 9 inch trở xuống. Hơn ai hết, Nadella hiểu rằng sức cạnh tranh trên thị trường hiện đã khác xa so với thời hoàng kim của Microsoft.

Do đó thay vì tìm cách “bắt” người dùng quay lại sử dụng Windows, Nadella muốn những sản phẩm của Microsoft xuất hiện ở mọi nơi trong thế giới công nghệ. Ngay cả khi không thể thắng đối thủ bằng các thiết bị phần cứng, Microsoft dưới thời Nadella vẫn có thể tìm được ánh hào quang với mạng lưới dịch vụ của mình.

Việc thâu tóm LinkedIn giúp Microsoft không có đối thủ trong lĩnh vực doanh nghiệp.

Tương lai tươi sáng

Nhiệm vụ bất khả thi mà Satya Nadella đã và đang phải đối đầu chính là khôi phục bản sắc của “gã khổng lồ” lừng danh trong làng công nghệ từ lâu đã đánh mất chính mình. Dưới tài lãnh đạo của ông, tinh thần làm việc của Microsoft khởi sắc trông thấy. Nhân viên Microsoft dần trở nên đoàn kết trong công việc và thoải mái khi chia sẻ ý kiến hơn.

Thậm chí, họ có thể thoải mái đem sản phẩm của các đối thủ lên chỗ làm hay phòng họp. Đây là điều không bao giờ được chấp nhận dưới thời Bill Gates hay Ballmer. Vị CEO nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhân viên nhờ phong cách lãnh đạo nhấn mạnh vào học hỏi, cùng các thay đổi táo bạo trong nỗ lực giành lại thị trường.

Satya Nadella đã dám gánh trách nhiệm hồi sinh cả một nền văn hóa mà ít người tin rằng ông sẽ thành công, đưa ra những quyết định đi ngược lại với suy nghĩ của nhiều người.

“Trái ngọt” xuất hiện khi hệ điều hành Windows 10 được nghiên cứu và mở rộng tính năng, kính thực tế ảo Hololens được giới thiệu cùng những tính năng tuyệt vời, bộ công cụ Office bùng nổ với những phiên bản mới và hệ thống điện toán đám mây đang phát triển mạnh mẽ.

Quan trọng hơn, giá trị vốn hóa của Microsoft đã đạt mức 828,1 tỷ USD, vượt mặt Apple, đưa Microsoft trở thành tập đoàn có giá trị nhất thế giới. Tất cả diễn ra chỉ chưa đầy 5 năm sau khi Nadella ngồi lên chiếc ghế cao nhất của Microsoft.

Sau một chuỗi thời gian dài ngủ say, giờ đây, dưới sự thống lĩnh của Satya Nadella, “gã khổng lồ” Microsoft đã và đang từng bước quay lại vị thế xứng đáng của nó. 

Trước thềm 2019, Nadella vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết. Khó khăn lớn nhất là chuyển đổi Microsoft từ chỗ Windows là trung tâm và các doanh nghiệp phải sử dụng phần mềm có bản quyền sang thế giới của điện toán đám mây, di động và trí tuệ nhân tạo - nơi mô hình chuyển từ bản quyền sang thuê bao.

Ngoài ra, Satya Nadella vẫn rất trăn trở trước yêu cầu thay đổi hẳn văn hóa bảo thủ, chậm tiến của Microsoft cũng như giúp Microsoft giữ vững vị trí dẫn đầu trên đường đua công nghệ. Dù vậy, giới quan sát tin rằng, với một người như Satya Nadella, không có gì là không thể.

Hồng Hạnh
.
.