GS – TS N.I Niculin: Một đời gắn bó cùng văn học Việt Nam

Thứ Năm, 19/04/2012, 10:10
Nói đến tên tuổi Nikolai Niculin, hầu hết những người làm văn học nước ta đều biết. Ngày 4/11/1954, Bác Hồ với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mời nhà Việt Nam học tương lai đến dự buổi chiêu đãi nhân dịp đại sứ Liên Xô A.A. Lvritsev nhậm chức.

TS Niculin sinh ngày 3/10/1931, Trưởng ban Văn học Á - Phi, thuộc Viện Văn học thế giới mang tên M. Gorki. Nửa thế kỉ đồng hành cùng văn học Việt Nam, ông đã dành cho nó tất cả tình yêu và nhiệt huyết của đời mình. Ngay sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Niculin đã có mặt tại Việt Nam và hết lòng gắn bó với văn học Việt Nam từ đó đến nay. Phạm vi nghiên cứu của ông sâu rộng, bao quát nhiều vấn đề, nhiều giai đoạn của văn học Việt Nam. Đây là điều mà không phải nhà nghiên cứu tên tuổi nào ở Việt Nam cũng thực hiện được.

GS Niculin đã từng được tiếp kiến các vị lãnh đạo của Nhà nước ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong lần gặp gỡ ngày 1811997 tại Hà Nội, cố vấn Phạm Văn Đồng đã nói: “Tôi rất vui mừng được gặp lại đồng chí. Cá nhân tôi cùng nhân dân Việt Nam rất cảm phục, quý trọng hành động cách mạng kiên cường bền bỉ của đồng chí. Đồng chí có một trái tim tràn đầy nhiệt huyết. Xin cảm ơn về tình cảm của đồng chí đối với nhân dân Việt Nam, về những hành động thuỷ chung của đồng chí giúp chúng tôi trong suốt mấy chục năm qua”.

Hiếm có một người nước ngoài nào lại có mối quan hệ gắn bó và cộng tác với nhiều thế hệ những người nghiên cứu và sáng tác văn học ở Việt Nam như GS Niculin. Với khả năng bao quát, chiếm lĩnh tư liệu rộng lớn, am hiểu sâu sắc lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, ông đã đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ văn hóa hữu nghị Việt - Nga, trong việc giới thiệu nền văn học Việt Nam ở nước Nga và rộng hơn là góp phần vào quá trình giao lưu với văn học thế giới. Không chỉ làm nhiệm vụ thông tin, phổ biến văn học Việt Nam sang tiếng Nga, GS Niculin còn là người trực tiếp tham gia và đóng góp một phần công sức vào tiến trình lịch sử văn học Việt Nam trong mấy chục năm qua. Tinh thần lao động học thuật nghiêm túc, bền bỉ của GS Niculin thật đáng trân trọng và cảm phục.

Với một vốn tri thức phong phú, uyên bác, lại được sống và làm việc ở nước Nga - một trung tâm lý luận và nghiên cứu văn học lớn trên thế giới - ông đã được tiếp cận với nhiều công trình có tính kinh điển cũng như các vấn đề khoa học hiện đại của chuyên ngành ngữ văn. Vận dụng nhuần nhuyễn các nguồn lý luận vào thực tiễn văn học Việt Nam, các công trình nghiên cứu của GS Niculin không chỉ làm phong phú ngành Việt Nam học trên thế giới nói chung mà còn trực tiếp góp phần bổ sung, gợi mở nhiều định hướng khoa học cho các nhà nghiên cứu Việt Nam tham khảo ở nhiều phương diện. Chúng ta có thể thấy được cách tiếp cận và lý giải nhiều vấn đề của văn học Việt Nam một cách độc đáo và sắc sảo qua con mắt của một học giả nước ngoài.

Đối với văn hoá và văn học dân tộc Việt Nam, GS Niculin đã hướng sự quan tâm của mình tới nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ Thần thoại Việt Mường, Đẻ đất đẻ nước, Sử thi Ê đê Mã Lai đến các danh ngữ Việt: Ông Đống và Phù Đổng (Gióng)… Tác giả đã mở rộng vấn đề, so sánh folklore Việt Nam trong tương quan với tính cộng đồng văn học Đông Nam Á. Với văn học Trung đại, ông đã đưa ra những cách hình dung mới mẻ, chỉ ra những mối liên hệ và so sánh đầy sức thuyết phục (những bài viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều…).

Về văn học hiện đại, ông cũng có những đóng góp lớn. Nhiều tác gia tác phẩm lớn đã thu hút sự quan tâm chú ý của ông. Đặc biệt từ sau thời kỳ đổi mới (1986), GS Niculin đã có một loạt bài nhìn nhận và đánh giá về văn học Việt Nam trên tinh thần khách quan, khoa học, thẳng thắn và đầy trách nhiệm. Qua đó ông đã chỉ ra rằng đổi mới là một yêu cầu tất yếu của lịch sử nhưng không thể rời xa những nguyên tắc cơ bản. Một trong những đóng góp quan trọng của GS Niculin là khi nghiên cứu văn học Việt Nam ông thường nhìn nhận trong mối tương quan giao lưu quốc tế, đặt nền văn hóa, văn học Việt Nam vào giữa lòng thời đại.

GS Niculin thuộc thế hệ những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đầu tiên. Ông là một trong những người có công lớn trong quá trình xây dựng bộ tuyển Văn học đương đại Việt Nam 15 tập bằng tiếng Nga, đồng thời góp phần đào tạo nhiều Tiến sĩ trong ngành Nghiên cứu Văn học Việt Nam. Cách đây ít lâu trong chương trình Thầy trò Nga - Việt của Đài Truyền hình Việt Nam, ban tổ chức đã mời chị Masa (cô con gái duy nhất của GS Niculin) tham dự. Đó cũng là một cách thể hiện lòng tri ân của các thế hệ học trò Việt Nam đối với công lao của thầy.

GS N.I. Niculin qua đời đột ngột vào ngày 31/12/2005 tại Moskva. Những năm cuối đời, cuộc sống của ông có những điều phiền muộn: nỗi đau về Liên Xô sụp đổ, cuộc sống của những nhà khoa học gặp nhiều khó khăn. Lương một GS như ông lúc đó chỉ còn là 4.800 rúp (khoảng 2 triệu đồng Việt Nam), mà giá cả ở Nga cao gấp mấy lần. Vợ đau ốm nằm một chỗ, GS phải tự mình đi chợ, săn sóc vợ, vậy mà ông vẫn không rời công việc nghiên cứu Văn học Việt Nam.

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu như viết về GS Niculin mà không nhắc đến người bạn đời của ông - bà Iveta Ivanovna Glebova. Người Việt Nam ai học tiếng Nga đều biết đến tên bà. Bà là một trong những sinh viên Nga thuộc thế hệ đầu tiên nghiên cứu tiếng Việt, dịch văn học Việt Nam và là người tham gia biên soạn Từ điển Việt Nga. Bà đã có hơn 50 công trình nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, đồng thời cùng ông tham gia dịch một số tác phẩm văn học Việt Nam, góp phần xây dựng 15 tập Hợp tuyển Văn học Việt Nam bằng tiếng Nga.

GS Niculin đã đến với văn học Việt Nam không chỉ như một chuyên gia, mà còn như một sứ giả của tình hữu nghị. Với những đóng góp xuất sắc của mình, ông đã được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cao quý. Ông là một tấm gương lao động học thuật nghiêm túc, một nhà Việt Nam học xuất sắc nửa cuối thế kỉ XX. Ông thực sự là người bạn lớn thuỷ chung của nhân dân Việt Nam qua suốt chặng đường hơn nửa thế kỷ gắn bó cùng văn học Việt Nam, người đã mang theo vào cõi vĩnh hằng tâm hồn Nga hoà quyện với tâm hồn Việt

Lưu Khánh Thơ
.
.