G8 khủng hoảng nhỡn tiền

Thứ Ba, 01/04/2014, 14:55

Cuộc khủng hoảng xung quanh Ukraina và việc Crimea đã được sáp nhập vào Liên bang Nga đã khiến cho các nhà lãnh đạo quốc gia ở các nước phương Tây phải thảo luận với nhau về việc: Liệu “câu lạc bộ thượng lưu” G-8 (các nước công nghiệp phát triển) có nên khai trừ Moskva hay không? Theo nhiều nhà quan sát, bản thân nước Nga sẽ không bị thiệt hại nhiều nếu việc này xảy ra...

G-8 là gì?

Theo định nghĩa, G-8, đó là câu lạc bộ quốc tế tập hợp chính phủ của 8 quốc gia dân chủ phát triển vẫn được coi là những nhân vật then chốt trên bàn cờ chính trị quốc tế: Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada và Nga.

Câu lạc bộ thượng lưu này có mầm mống xuất hiện từ cuộc khủng hoảng dầu hỏa diễn ra từ ngày 17/10/1973.  Khi đó, các nước thuộc Tổ chức các quốc gia Arab xuất khẩu dầu mỏ (bao gồm các nước Arab thành viên OPEC cùng với Ai Cập và Syria) đã quyết định ngừng xuất khẩu “vàng đen” sang những quốc gia ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur (đụng độ vũ trang lần thứ tư giữa Nhà nước Do Thái với thế giới Arab, trực tiếp chống lại Ai Cập và Syria). Đó chính là Mỹ, Nhật Bản và các nước Tây Âu. Quyết định trên đã làm giá dầu mỏ tăng cao đột biến và gây nên cuôc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong những năm 1973-1975. Một trong những nước phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là “hòn đảo mặt trời mọc”. Trong bối cảnh khốn khó đó, các quốc gia công nghiệp phát triển đã tìm cách tụ lại với nhau trong cái gọi là Nhóm Thư viện do Washington lập ra, tập hợp các viên chức tài chính cấp cao từ Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu để cùng thảo luận các vấn đề kinh tế.

Năm 1975, Tổng thống Pháp lúc đó là ông Valery Giscard d’Estaing đã mời các vị nguyên thủ của 6 nước công nghiệp hàng đầu thế giới lúc đó tới Rambouillet tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của câu lạc bộ thượng lưu này (khi đó được gọi là G-6: Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ). Tại hội nghị thượng đỉnh thứ nhất đó, diễn ra trong ba ngày từ 15 tới 17/11/1975, những người tham dự đã thống nhất với nhau về nguyên tắc gặp nhau thường niên theo chế độ chủ tịch luân phiên. Ở hội nghị thượng đỉnh kế tiếp tại Puerto Rico, câu lạc bộ thượng lưu này đã trở thành G-7 với sự tham gia của Canada theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Gerald Ford.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Liên bang Xôviết và sau đó là Liên bang Nga đã bắt đầu tham gia các hoạt động của câu lạc bộ thượng lưu công nghiệp phát triển. Từ hội nghị lần thứ 20 tại Naplé, nhóm này trở thành P-8 (Political 8), hay gọi theo cái tên không chính thức là “G7 cộng 1”. Moskva chỉ được cho phép tham gia đầy đủ hơn kể từ hội nghị lần thứ 24 tại Birmingham, đánh dấu sự hình thành G-8. Tuy nhiên, ngay cả khi trở thành thành viên của câu lạc bộ thượng lưu này rồi, nước Nga vẫn không được tham dự hội nghị dành cho các bộ trưởng tài chính vì vẫn chưa được coi là một cường quốc kinh tế. Phải tới Hội nghị thượng đỉnh năm 2002 tại Kananaskis (Canada) mới xuất hiện thông báo Nga sẽ là chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh năm 2006, và kể từ thời điểm đó Moskva mới là thành viên đầy đủ của câu lạc bộ thượng lưu này.

G-8 không phải là một tổ chức liên quốc gia như Liên Hợp Quốc hay Ngân hàng thế giới (WB). Ghế chủ tịch của câu lạc bộ thượng lưu này được luân phiên hàng năm giữa các nước thành viên, với trách nhiệm chủ tịch tính từ ngày 1/1. Nước giữ ghế chủ tịch tổ chức một loạt các hội nghị cấp bộ trưởng, từ đó dẫn đến hội nghị thượng đỉnh giữa các nguyên thủ trong 3 ngày vào giữa năm, cũng như việc bảo đảm an ninh cho người tham dự...

Có vui, không có chắc gì đã buồn

Từ 1/1/2014, Liên bang Nga giữ vai trò chủ tịch G-8 và đã bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh thường niên lần thứ 40 của câu lạc bộ thượng lưu này. Theo kế hoạch trước kia, hội nghị thượng đỉnh thường niên G-8 năm nay sẽ diễn ra tại Sochi vào hai ngày 4 và 5/6 tới vì Moskva đang giữ quyền chủ tịch của câu lạc bộ này. Những sự kiện chính trị mới đã khiến cho việc chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh 2014 của G-8, như tuyên bố ngày 2-3 của Pháp, Mỹ, Canada và Anh, đã tạm thời bị ngưng lại. Nhà Trắng đã công bố thông tin này nhân danh G-8.

Ngày 20/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố rằng, trong những điều kiện hiện nay G-8 coi như là không tồn tại nữa. Theo lời bà Merkel, trong thời gian gần nhất, Liên minh châu Âu và G-7 sẽ đưa ra tuyên bố cụ thể về những thay đổi trong quan hệ với Moskva vì lý do Crimea đã được sáp nhập vào nước Nga. Phát biểu tại Quốc hội Đức ngày 20/3, bà Merkel nhấn mạnh: “Đó đã là rõ ràng: một khi còn chưa có những điều kiện chính trị như hiện nay, đối với một hoạt động quan trọng như G-8 thì bản thân G-8 cũng coi như là không tồn tại nữa...”.

Nữ Thủ tướng Đức cũng thông báo rằng Liên minh châu Âu sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với nước Nga, gia tăng danh sách những nhân vật liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Crimea sẽ bị cấm nhập cảnh vào EU và bị phong tỏa tài khoản... Trước đó, London cũng đã cảnh báo Moskva rằng nước Nga có nguy cơ bị khai trừ khỏi G-8. EU trước đó đã đồng ý đưa ra những hạn chế về thị thực và phong tỏa tài khoản của 21 quan chức Nga và Ukraina...

Theo nhận định của giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị Nga Igor Bunin trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Luận chứng và Sự kiện, đối với Moskva, cuộc họp thượng đỉnh G-8 từ lâu đã chỉ còn là một hoạt động mang tính tượng trưng cần để duy trì quan hệ với phương Tây. Thực ra ở đó không hề có một quyết định quan trọng nào được thông qua. Tư duy theo hướng này thì có thể nói rằng, nếu nước Nga bị khai trừ ra khỏi câu lạc bộ thượng lưu này thì sự kiện đó cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng về việc mối quan hệ giữa Moskva với phương Tây sẽ chuyển sang một dạng thức khác.

Theo nhận định của Leonid Polyakov, chuyên viên thuộc Trường Kinh tế cao cấp Nga, nếu sự việc này diễn ra thì “đó cũng là thiệt hại cho chính G-8. Việc vắng mặt một trong những thủ lĩnh toàn cầu như Liên bang Nga hiển nhiên sẽ gây tổn hại cho chính hoạt động của câu lạc bộ này”.

Thực ra, Moskva sẽ không cảm thấy bất ngờ nếu phương Tây bài xích mình vì những sự kiện diễn ra liên quan tới Crimea. Khi bắt buộc phải xử lý các vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraina, điện Kremli  trong tình thế cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, đã lường trước mọi hệ lụy có thể xảy ra. Không ngẫu nhiên mà Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài phát biểu ngày 18/3 trước Duma Quốc gia, Thượng viện Nga, lãnh đạo các khu vực trong Liên bang và đại diện xã hội dân sự, đã tuyên bố: “Hiện nay người ta đang đe dọa các biện pháp trừng phạt chúng ta nhưng chưa gì thì chúng ta cũng đang phải sống trong những điều kiện bị hàng loạt hạn chế và rất là nghiêm trọng đối với chúng ta, đối với nền kinh tế của chúng ta, đối với đất nước chúng ta. Thí dụ, ngay từ thời Chiến tranh lạnh, Hoa kỳ và sau đó là các nước khác đã cầm bán cho Liên Xô một danh sách dài công nghệ và thiết bị... Giờ danh sách này đã bị bãi bỏ về  mặt hình thức nhưng thực tế thì nhiều cấm kỵ vẫn đang được duy trì... Nói tóm lại, chúng ta có đủ lý do để tin rằng, chính sách khét tiếng nhằm kìm hãm nước Nga từng được tiến hành trong thế kỷ  XVIII, rồi thế kỷ XIX và trong thế kỷ XX,  vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả ngày hôm nay. Chúng ta luôn luôn bị dồn đẩy vào một góc nào đó chỉ vì chúng ta   có một quan điểm độc lập, chỉ vì chúng ta bảo vệ quan điểm đó, chỉ vì chúng ta gọi sự việc bằng đúng tên của chúng và không ăn gian nói dối.  Tuy nhiên, mọi sự đều phải có giới hạn của nó. Và trong trường hợp với Ukraina, các đối tác phương Tây của chúng ta đã vượt quá giới hạn, đã cư xử thô bạo, vô trách nhiệm và không chuyên nghiệp. Họ thực ra biết rất rõ rằng, ở Ukraina cũng như ở Crimea đang cư trú hàng triệu người Nga. Phải bị mất cảm quan chính trị và cảm giác tri túc đến thế nào mới không nhìn ra trước tất cả những hệ lụy từ các hành động của mình. Nước Nga đã bị dồn vào giới hạn không thể nào lùi hơn được nữa. Nếu mà còn bị ép như lò xo thế thì nó sẽ phải bật lại với sức mạnh rất lớn. Cần phải luôn luôn nhớ tới điều này... Bây giờ cần phải chấm dứt những rối rắm, từ bỏ cách nói “chiến tranh lạnh” và công nhận một sự hiển nhiên: nước Nga là một thành viên độc lập, tích cực tham gia đời sống quốc tế; nước Nga cũng như các nước khác cũng có quyền lợi dân tộc mà người ta cần phải tính tới và tôn trọng...”

Trần Thanh Tịnh
.
.