Formosa – công nghiệp hóa và câu chuyện về sự lựa chọn
- Sẽ đặt thêm trạm kiểm định môi trường tại Formosa
- Xử lý vụ Formosa: Không thể “hoà cả làng”
- Thanh tra Chính phủ nói về việc Hà Tĩnh cấp phép Formosa và vụ ông Trịnh Xuân Thanh
Lựa chọn là việc chúng ta phải làm hằng ngày: lâu dài thì chọn trường, chọn nghề, chọn cơ quan, chọn kiểu nhà, chọn chồng, chọn vợ...; gần gũi hơn thì chọn xe, chọn áo quần, chọn hàng ăn, thực phẩm… Không những thế, trong mỗi bước đi ta đã phải chọn chỗ đặt chân, trong mỗi câu nói ta đã phải chọn ngôn từ.
Có thể nói không quá lời, sống là lựa chọn - như người ta vẫn thường nói: Cách lựa chọn hành vi làm nên thói quen, để thói quen tạo nên tính cách, rồi tính cách làm nên số phận của mỗi con người. Bài viết của chúng tôi chỉ nói về một trong vô số những nan đề về sự lựa chọn như vậy: sự lựa chọn giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.
Nhưng trước khi nói vào chuyện chính, để thay đổi cách viết nặng tính hàn lâm quen thuộc, tôi xin kể một câu chuyện vui. Chuyện rằng có một chàng trai mười bảy tuổi nọ được nhận làm chân giúp việc cho đoàn lái buôn. Khi qua sa mạc, không may bão cát nổi lên mù mịt, mỗi người lạc một nơi. Hôm sau, bão tan, chàng trai thấy mình trơ lại với con lạc đà.
Vì hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, chàng không thể tìm được đường đi. Sau mấy ngày hoảng loạn, cuối cùng chàng trấn tĩnh lại, tự nhủ rằng đã là số phận thì không thể nào tránh được. Nhưng chàng còn quá trẻ, và chưa bao giờ được yêu, chưa bao giờ biết phụ nữ. Đó là điều khiến chàng nuối tiếc nhất. "Giá như mình được biết nó như thế nào..." - chàng nghĩ và thở dài.
Đúng lúc đó chàng nhận thấy rằng con lạc đà của chàng là một con lạc đà cái. "Hay là...". Chàng nghĩ và lập tức đỏ bừng mặt. Nhưng cái ý nghĩ đó cứ ám ảnh chàng mãi. Cuối cùng chàng quyết định rằng chẳng có gì mà xấu hổ.
Đằng nào thì chàng cũng sẽ chết. Chết mà không được biết chuyện ấy thế nào thì thật không nhắm mắt nổi. Thế tại sao lại không thử? Không có cá lấy tôm làm trọng vậy. Mà đằng nào thì cũng chẳng có ai biết. Nghĩ thế, chàng quả quyết đứng dậy, xăm xăm tiến lại gần con lạc đà già với hai cái bướu u lên như hai trái núi.
Nhưng kế hoạch của chàng hóa ra chẳng dễ thực hiện chút nào. Cứ hễ thấy chàng tiến lại phía sau đuôi là con lạc đà bỏ chạy. Chàng cố giữ nó lại nhưng không được. Có lẽ đó là phản xạ của con lạc đà, cũng có thể nó đoán được ý định của chàng và không chịu ưng thuận. Suốt một ngày chàng hì hục nhưng chỉ uổng công vô ích.
Ngày hôm sau chàng tìm cách trèo lên lưng nó rồi tuột xuống. Đó là một công việc vô cùng mạo hiểm, chẳng khác gì làm xiếc, bởi lẽ mỗi lần chàng định tụt xuống là con lạc đà lồng lên như bị sư tử đuổi. Mấy lần chàng ngã lăn xuống đất, thâm tím cả mặt mày.
Minh họa: Lê Phương. |
Ngày thứ ba chàng quyết định tóm chặt lấy đuôi con lạc đà để nó không thể chạy được, hoặc nếu chạy thì cũng phải kéo chàng theo. Nhưng con lạc đà già ranh mãnh vẫn không chịu thua. Nó cụp chặt đuôi xuống và đá hậu thật lực. Một cú đá trúng ngực khiến chàng suýt ngất xỉu.
Đêm đó, đặt tấm thân mệt mỏi xuống cát, chàng hiểu rằng cần phải có người giúp, hay ít nhất là một bức tường. Khi đó chàng có thể buộc con lạc đà lại và thực hiện kế hoạch của mình. Nhưng giữa sa mạc mênh mông, lấy đâu ra bức tường? Chàng chua chát nghĩ và thiếp đi. Trong mơ cũng chỉ mong mỏi có được một bức tường.
Chàng ngủ rất lâu, đến khi tỉnh lại thì trời đã sáng. Chợt chàng nhận thấy có điều gì đó khác lạ. Hóa ra trong đêm, những người thổ dân đã đến đây để hành hình một cô gái. Họ chôn cô gái xuống cát, sâu đến cổ rồi để mặc ở đó cho đến khi cô chết khát và bị lũ chim sa mạc đến rỉa thịt. Rất nhanh chóng, chàng trai bới cát cứu sống cô gái.
Không một mảnh vải che thân, cô gái đẹp như thần Vệ nữ quỳ xuống hôn chân chàng trai và khóc: "Thưa chàng, chàng đã cứu sống em. Từ nay cuộc đời em thuộc về chàng. Em là nô lệ của chàng. Em xin làm bất kể điều gì chàng muốn!". Không kịp để cô gái nói hết lời, chàng trai mừng rỡ nói: "Vậy thì nàng hãy giữ hộ tôi con lạc đà chết tiệt này...".
Câu chuyện tiếu lâm này thật ra có một thông điệp vô cùng thâm thúy: Chớ vì mục tiêu nhỏ trước mắt mà lóa mắt quên mất mục đích lớn lâu dài.
Nhưng xin hãy trở lại với chủ đề của chúng ta. Có một vấn đề mà rất nhiều tác giả, trong đó có bản thân tôi, đã nhiều lần đề cập, đó là: trong khẩu hiệu "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa" chúng ta cần phải nhấn mạnh vế "Hiện đại hóa" và cực kỳ thận trọng với, hay thậm chí không cần vế "Công nghiệp hóa". Một phần lý do là trong bối cảnh thế giới hiện nay, với sự lên ngôi của kinh tế tri thức, "Hiện đại hóa" đã bao hàm phần ý nghĩa tích cực nhất của "Công nghiệp hóa".
Quan trọng hơn, "Hiện đại hóa" hàm ý một tư duy phát triển cao hơn, tư duy phát triển bền vững. Trong khi "Công nghiệp hóa" thể hiện khát vọng "đuổi theo" các nước tiên tiến, thì "Hiện đại hóa" hàm ý chiến lược "lựa chọn" những thành tựu và kinh nghiệm của họ để áp dụng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Nói cách khác, chính vế "Hiện đại hóa" mới thể hiện được chủ trương "đi tắt đón đầu" của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bài Sự thịnh vượng mới của các quốc gia in trên Diễn đàn doanh nghiệp, sau in lại trong tập Minh triết của giới hạn (2005) chúng tôi viết, đại ý, rằng trong nền kinh tế hiện đại, sản xuất không còn giữ vai trò chủ chốt. Nếu như trong quá khứ, khi năng suất lao động thấp và khối lượng vật chất sản xuất được còn rất ít so với nhu cầu, khi các quốc gia tồn tại như những thế giới biệt lập, khả năng tăng cường năng lực sản xuất là đầu tàu của nền kinh tế.
Khi đó, một quốc gia dù muốn hay không cũng phải tự sản xuất hầu hết mọi thứ, từ quần áo đến thực phẩm, từ đồ chơi đến phương tiện đi lại và đặc biệt là công cụ lao động. Khi đó, công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng, đóng vai trò then chốt.
Ngày nay, toàn cầu hóa không chỉ giúp các nước lạc hậu có thể tiếp cận các công cụ thông tin liên lạc, mà còn có thể tạo ra những trị mới cho nhiều sản phẩm và dịch vụ cũ, hoặc biến thành hàng hóa những thứ chưa từng là hàng hóa tại các quốc gia kém phát triển hơn.
Chẳng hạn, giờ đây, hơn bao giờ hết, những bãi biển hay rừng cây nguyên sơ với bầu không khí trong lành lại có sức hấp dẫn hơn nhiều những tòa nhà chọc trời và xa lộ nườm nượp xe hơi. Đó chính là cơ hội cho các quốc gia lạc hậu thu lợi từ các nước phát triển, đi tắt vào kinh tế tri thức mà không cần phải công nghiệp hóa toàn diện như trước đây.
Thay vì lao vào một cuộc rượt đuổi công nghiệp hóa toàn diện một cách vô vọng, các nước nghèo chỉ nên lợi dụng các thành tựu công nghiệp hóa để hiện đại hóa đời sống xã hội và cơ sở kỹ thuật hạ tầng nhằm khai thác một vài thế mạnh của mình. Đó chính là hiện đại hóa, là kinh tế tri thức của Việt Nam.
Nhưng trên thực tế, chúng ta không những đã không cẩn trọng, mà còn lựa chọn tiến hành công nghiệp hóa bằng mọi giá, thông qua hoạt động thu hút đầu tư với những điều kiện dễ dãi. Kết quả là công nghệ lạc hậu và rác thải công nghiệp tìm đủ cách để len lỏi vào Việt Nam. Đáng lo ngại nhất là tình trạng môi trường bị tàn phá nghiêm trọng mà đỉnh điểm là vụ Formosa, một kinh nghiệm cay đắng đến nay vẫn chưa kết thúc.
Ngày 25-4, công chúng Việt Nam lên cơn phẫn nộ khi giới truyền thông phát đi tuyên bố của Giám đốc đối ngoại Formosa, nhân hiện tượng cá chết hàng loạt tại bờ biển miền Trung, rằng Chính phủ và nhân dân Việt Nam phải chọn lựa giữa nhà máy thép hiện đại và sự an toàn môi trường biển.
Có ý kiến cho rằng tuyên bố của Formosa là sự xúc phạm đối với dân tộc Việt Nam. Nhưng nghiêm túc nhìn nhận thì thấy rằng ông Giám đốc đối ngoại của Formosa đã nói rất trúng cốt lõi của vấn đề.
Với tư cách những người kinh doanh, các nhà đầu tư đến một quốc gia khác không phải vì tình yêu mà vì lợi nhuận, mặc dù với tư cách con người, họ có thể yêu hoặc không yêu xứ sở đó. Họ đến là vì tiền, vì những điều kiện thuận lợi cho việc kiếm tiền: nhân công rẻ hơn, thuế má thấp hơn, yêu cầu công nghệ dễ dãi hơn, quy định về môi trường lỏng lẻo hơn, và đôi khi thậm chí vì điều kiện để hối lộ nhằm thu lợi bất chính dễ dàng hơn.
Tôi không cực đoan đến mức phủ nhận toàn bộ những mặt tốt của đầu tư nước ngoài. Nhưng tôi cho rằng chúng ta luôn phải nhớ rằng bên cạnh những mặt tốt, đầu tư nước ngoài cũng mang đến nhiều rủi ro. Chúng ta phải có chính sách khôn ngoan, có luật pháp minh bạch, và nhất là phải có những con người có năng lực thực sự, yêu nước thực sự, có trách nhiệm xã hội thực sự để hạn chế những rủi ro đó.
Nhưng trên hết, chúng ta phải lựa chọn và quyết định: Có nên đánh đổi môi trường sinh thái, vẻ đẹp thiên nhiên và sức khỏe của hàng triệu con người để lấy một nhà máy thép hay không? Rộng hơn, có nên hủy diệt các dòng sông, bãi biển, những thảm thực vật và các loài động vật để có những công trình thủy điện, những resort và những nhà máy xi măng hay không?
Câu trả lời chắc chắn là không, vì các nhà máy, cho dù có hiện đại đi chăng nữa, thì cũng sẽ cũ và cũ rất nhanh. Nhà máy cũng cần, nhưng đất đai, sông biển mới là trường cửu, và chúng ta phải gìn giữ cho con cháu chúng ta, gìn giữ cho cả nhân loại.