FED làm chao đảo Thế giới
Bên cạnh đó, những lo lắng về tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc và nhiều nền kinh tế mới nổi khác dẫn đến tình trạng bất ổn của các thị trường tài chính. Bởi vậy, FED cần thêm thời gian để theo dõi kỹ “sức khỏe” của nền kinh tế, dù vẫn để ngỏ khả năng nâng lãi suất vào cuối năm nay.
Thế giới chao đảo
Quyết định giữ nguyên lãi suất được FED đưa ra càng làm gia tăng quan ngại về triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới, đồng thời mở ra khả năng ngân hàng này sẽ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ vào cuối năm nay. Giới chuyên gia nhận định, động thái này nếu được áp dụng có thể sẽ gây nên những biến động trên thị trường, khiến các nền kinh tế mới nổi cũng như các nước đang phát triển phải đối mặt với nhiều rủi ro. Những số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng đủ mạnh, lạm phát yếu và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp khiến giới chuyên gia dự đoán thời gian trì hoãn nâng tỷ lệ lãi suất cơ bản sẽ không kéo dài lâu.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng việc FED quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vừa qua khiến cho chính sách tài chính của Mỹ trở nên không rõ ràng, và điều này cũng sẽ gây ra những biến động hơn nữa trên các thị trường. Ngoài ra, việc FED quyết định không tăng lãi suất cũng được cho là sẽ gây thêm áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng cường các nỗ lực kích thích nền kinh tế để giữ cho đồng euro không tăng giá quá nhiều và làm trật bánh đà phục hồi kinh tế mong manh của châu Âu.
Cuộc họp hai ngày của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nếu FED thắt chặt chính sách tiền tệ, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với hàng loạt rủi ro liên quan tới nguy cơ chảy một lượng lớn tiền vốn ra nước ngoài. Theo WB, các nước đang phát triển nên chuẩn bị sẵn phương án ứng phó với tình hình bấp bênh trên thị trường tài chính quốc tế. Còn Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) hối thúc FED hành động thận trọng và đưa ra các kế hoạch chính sách thực sự rõ ràng.
Quyết định tiếp tục giữ lãi suất cơ bản USD ở mức cận 0% và hoãn thực hiện việc nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến cả thế giới chao đảo. |
Quyết định của FED đã ngay lập tức tác động đến các thị trường tài chính trên thế giới. Nhiều nền kinh tế châu Á dự báo về các biến động thị trường trong thời gian tới, khi mà lo ngại và đồn đoán về việc FED nâng lãi suất tiếp tục tiến triển. Các nước như Brazil, Nga hay Ấn Độ đã đồng loạt đặt ra lo ngại về chuyện Mỹ tăng lãi suất có thể kéo tuột nền kinh tế toàn cầu. Không nghi ngờ gì về việc Mỹ giữ lãi suất thấp đã và đang hỗ trợ kinh tế các nước mới nổi. Tuy nhiên, việc giữ lãi suất dưới ngưỡng 1% như vậy quá lâu là chuyện không bình thường. Nhiều ý kiến cũng chỉ trích chính sách lãi suất 0% của FED, cho rằng điều này đang dần phá hủy các mô hình kinh tế lịch sử cần thiết của chủ nghĩa tư bản như các quỹ lương hưu, công ty bảo hiểm đồng thời không tạo động lực để người dân tiết kiệm tiền.
Việc FED để ngỏ khả năng tăng lãi suất đã khiến các nhà đầu tư trên khắp châu Á lo lắng, quan ngại về nguy cơ mất ổn định dòng tiền đầu tư. Lãi suất tăng giờ đây có thể “gây hoảng loạn và bất ổn” tại các thị trường tài chính mới.
Các nhà kinh tế học nhận định, luôn tồn tại một mối nguy hiểm có nguy cơ thành hiện thực, tạo nên một trận bão khiến luồng tiền đầu tư rất lớn chảy về Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại tỏ ra không mấy lo lắng về triển vọng tăng lãi suất khi cho rằng đây sẽ là dấu hiệu kinh tế Mỹ đang hồi phục, và các quốc gia khác hoàn toàn có đủ năng lực để ứng phó với việc FED tăng lãi suất trong tương lai.
Biến động và rủi ro
Việc tỷ lệ lãi suất cơ bản của Mỹ được FED duy trì ở mức gần 0% suốt gần 7 năm qua khiến nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc FED phải quyết định liệu kinh tế Mỹ và toàn cầu có đủ mạnh để chịu đựng một sự tăng lãi suất.
Cách đây hai tháng, khả năng FED tăng lãi suất trong tháng 9 là điều gần như chắc chắn. Tuy nhiên, sau những hỗn loạn trên các thị trường tài chính quốc tế cùng các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng, nhiều nhà đầu tư tin rằng FED sẽ đợi đến tháng 12 tới mới tăng lãi suất. Ngoài ra, việc quyết định tăng hay giữ nguyên mức lãi suất hiện nay không đơn giản và rất khó đoán trước vì số liệu kinh tế của Mỹ đang cho thấy những tín hiệu trái chiều, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm nhưng lạm phát cũng thấp.
Chính sách lãi suất bằng 0 được áp dụng để khuyến khích cho vay và giúp thúc đẩy các thị trường chứng khoán đi lên trong 7 năm qua. Việc duy trì lãi suất ở ngưỡng 0% là một “sự trì hoãn chiến thuật” để thu thập thêm thông tin về rủi ro đối với các dự báo. Một khi thị trường việc làm tiếp tục hồi phục, thị trường vốn cho thấy sự bình tĩnh trở lại, thì áp lực tăng lãi suất đối với FED sẽ tăng lên tại mỗi cuộc họp trong thời gian tới. Ngoài ra, việc FED duy trì lãi suất cũng có những rủi ro riêng, chẳng hạn có thể dẫn tới quan niệm cho rằng biến động thị trường sẽ khiến FED phải trì hoãn tăng lãi suất lần nữa.
Việc quyết định tăng hay giữ nguyên mức lãi suất hiện nay không đơn giản vì kinh tế Mỹ đang cho thấy những tín hiệu trái chiều, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm nhưng lạm phát cũng thấp. |
Các ngân hàng và quỹ đầu tư toàn cầu ví việc tăng hay giảm lãi suất cơ bản chỉ như việc tung đồng xu, cho dù hầu hết các chuyên gia coi việc tăng nhẹ lãi suất nghĩa là không có thay đổi trong chính sách tiền tệ.
Theo kết quả thăm dò với 80 nhà kinh tế học, 45 người nói rằng FED sẽ giữ lãi suất cơ bản ở mức giữa 0-0,25%, trong khi 35 chuyên gia còn lại cho rằng sẽ tăng cao hơn thế. Những người ủng hộ tăng lãi suất cho rằng kinh tế Mỹ đã được vực dậy đủ mạnh để FED chấm dứt chính sách tiền tệ thời kỳ khủng hoảng và trở về mức bình thường. Nhưng trên thực tế, giới chức FED không muốn thắt chặt tiền tệ quá sớm để rồi đối mặt với rủi ro phải cắt giảm lãi suất trở lại. Họ đang phải cân nhắc giữa một bên là sự vững vàng của các yếu tố kinh tế nền tảng trong nước với những bất ổn trong triển vọng kinh tế toàn cầu trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định quan trọng nào.
“Run tay” vì Trung Quốc
Việc FED giữ nguyên lãi suất chứng tỏ FOMC không lường trước được liệu các sự kiện kinh tế bên ngoài, chẳng hạn sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu xuất phát từ nguyên nhân là kinh tế Trung Quốc đủ lớn để FED “run tay”, trì hoãn lần tăng lãi suất cơ bản đồng USD lần đầu tiên sau gần một thập kỷ. Và đó cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách một cường quốc kinh tế toàn cầu.
Tâm điểm chú ý của thị trường tài chính thế giới dồn vào Trung Quốc sau khi thị trường chứng khoán nước này lao dốc chóng mặt, cuốn phăng 5 nghìn tỷ USD vốn hóa, và cú phá giá đồng Nhân dân tệ đầy bất ngờ khiến đồng tiền này mất giá mạnh nhất trong 20 năm qua, khiến thị trường quốc tế rúng động.
FED thừa nhận rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ ngày càng chú ý tới Trung Quốc. Trên thực tế, mức độ ảnh hưởng của nền kinh tế này đối với thị trường toàn cầu hay các chính sách tiền tệ của các quốc gia khác đang tăng dần khi Trung Quốc tiến gần Mỹ về quy mô nền kinh tế. Tác động của việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang lan ra khắp nơi, ảnh hưởng lớn đến các nước chuyên sản xuất hàng hóa. MSCI các thị trường mới nổi - chỉ số theo dõi thị trường chứng khoán các nước như Trung Quốc, Brazil, Chile, Ai Cập - đã giảm 14% trong năm nay.
“Vấn đề là liệu có tồn tại hay không mối rủi ro (kinh tế Trung Quốc) bất chợt sụt sâu hơn những gì các nhà phân tích dự báo”, Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết.
Bà Yellen cũng đề cập đề mối quan ngại về việc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể không hiểu rõ về thị trường khi giải quyết các tình huống. Sau những cú sụt mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm thêm lãi suất, phá giá đồng tiền, và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tuy vậy, giới quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi về tác dụng bền vững của những biện pháp này…